Thế kỷ 19, kinh tế Việt Nam từng phát triển hơn nhiều nước trong khu vực, nhưng cho đến nay, Việt Nam đã bị tụt hậu rất xa. Nếu quyết tâm đổi mới thể chế, phải mất 20 năm nữa, Việt Nam mới đuổi kịp kinh tế Hàn Quốc năm 2000, còn nếu không, Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
“Thể chế nào doanh nhân đó”
Sau 3 tháng công bố, báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” tiếp tục được “hâm nóng” trong phiên hội thảo quốc tế sáng nay (30/5/2016), trong đó nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp (DN) và yêu cầu hiện đại hóa thể chế để đạt được khát vọng 20 năm tới.
Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một báo cáo triển vọng kinh tế mang tính dài hạn, định hướng tầm nhìn 20 năm.
“Báo cáo đặc biệt quan trọng với niềm tin của cộng đồng DN, doanh nhân. Các DN Việt Nam cần một tầm nhìn dài hạn, có tính chiến lược, lâu dài chứ không chỉ là một tầm nhìn ngắn trong vài ba năm tới” – Chủ tịch VCCI nhận xét.
Báo cáo này nêu rất rõ vai trò của doanh nhân, DN trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên, muốn phát triển DN tư nhân thì đòi hỏi phải đổi mới thể chế.
“Thể chế nào DN đó. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. DN và doanh nhân không chỉ là kết quả của thể chế mà còn là động lực cải thiện, thay đổi thể chế, đây là một mối tác động hai chiều”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Vấn đề này cũng được bà Victoria Kwakwa – Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á của Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh. Theo đó, DN tư nhân phải là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam, là chìa khóa then chốt để đạt được mục tiêu phát triển trong tương lai.
Thế nhưng, trên thực tế, DN tư nhân của Việt Nam vẫn chủ yếu là các DN nhỏ, siêu nhỏ, có nhiều DN còn mong manh trong bối cảnh hội nhập. Do đó, nhiệm vụ của Nhà nước là phải hỗ trợ khối DN tư nhân phát triển, để từ đó, đến lượt mình các DN tư nhân sẽ thúc đẩy cả nền kinh tế đi lên mạnh mẽ.
Thực tiễn này đòi hỏi Chính phủ phải xác định được vai trò, trách nhiệm của mình, phải tự chuyển đổi mình tạo ra một mô hình Nhà nước kiến tạo, phục vụ, minh bạch và mang tính giải trình.
Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển
Báo cáo Việt Nam 2035 chỉ ra rằng, các thiết chế và thể chế hiện tại của Việt Nam đang gặp hai vấn đề lớn: tạo ra rào cản cho hoạt động tự chủ của khu vực tư nhân; năng lực yếu và trách nhiệm giải trình thấp.
Do vậy, việc thiết lập ranh giới rõ ràng giữa DN thuộc khu vực tư nhân với các quan chức nhà nước là yếu tố thiết yếu tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư lâu dài về vốn và sự phát triển của các ngành thâm dụng công nghệ.
Thể chế kinh tế của
Việt Nam hiện đang bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại sự bất bình đẳng trong tiếp cận
nguồn lực giữa các thành phần kinh tế
“Tình trạng thương mại hóa thiết chế công tạo dư địa để một số quan chức lạm dụng thẩm quyền điều tiết thị tường, thực thi pháp luật và phân bổ quyền tài sản nhằm thu lợi cho mình và thân hữu”, bản báo cáo cho biết.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra sự bất cập của thể chế Việt Nam hiện tại, đó là Nhà nước bị phân mảnh, cát cứ theo chiều dọc và chiều ngang, trách nhiệm hoạch định và thực hiện chính sách được trao cho nhiều cơ quan khác nhau ở Trung ương và địa phương.
Điều này “gây nhiều ách tắc và tạo cơ hội cho những mặc cả chính sách mang tính cục bộ, làm cho những quyết sách được ban hành không mang tính tối ưu cho toàn xã hội. Hiệu quả của Nhà nước cũng bị xói mòn bởi tình trạng thiên vị và tham nhũng trong hệ thống quản lý nguồn nhân lực vẫn chưa thật sự coi trọng người tài”.
Báo cáo đề cập đến một trong những nguồn thu quan trọng của chính quyền địa phương là các khoản thu từ việc chuyển quyền sử dụng đất. Do đó, ở nhiều nơi, chính quyền địa phương đã lạm dụng quyền lực của mình trong thu hồi và kiểm soát giá đất. Tranh chấp đất đai là lý do chính của rất nhiều khiếu kiện với chính quyền và phần lớn trong số đó là do bất đồng về mức bồi thường trong thu hồi đất.
“Việc thiên vị các DNNN, hoặc DN khác là do có quan hệ thân hữu với nhà nước. Chính thực tế đó đã làm giảm khả năng của cơ quan Nhà nước trong việc ban hành các quy định phù hợp với nguyên tắc quản lý kinh tế lành mạnh”, theo báo cáo.
Nói về bản báo cáo, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nếu như vào Thế kỷ 19, kinh tế Việt Nam ngang bằng, thậm chí vượt nhiều quốc gia trong khu vực, thế nhưng ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tụt hậu, bị bỏ lại rất xa. Nguyên nhân nằm ở đâu? Chính là những bất cập về thể chế. Do vậy, nếu không cải cách thể chế thì Việt Nam còn bị bỏ xa hơn nữa.
“Thông điệp quan trọng nhất của báo cáo này là đổi mới, đổi mới mạnh mẽ, liên tục đổi mới là yêu cầu quan trọng nhất để phát triển”, ông Vịnh nhất mạnh.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI lưu ý, trước thời cơ chuyển đổi hiện nay, nếu quyết tâm nỗ lực thì trong 20 năm nữa, Việt Nam có thể đuổi kịp được mức phát triển của Hàn Quốc năm 2000, còn nếu không quyết tâm thì Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Tuy vậy, theo các tác giả của bản báo cáo, “Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là thực hiện cải cách dựa trên các vấn đề nêu trên”.
“Chúng tôi tin rằng, những thế hệ người Việt Nam hiện nay và tương lai chắc chắn có đủ ý chí, bản lĩnh và năng lực để thực hiện thành công công cuộc đổi mới này” – bản báo cáo khép lại với nhận định đầy lạc quan.
Nguồn: Theo Dân Trí