(TBKTSG) - “Biết rằng ngày mai
tôi mất, hôm nay tôi vẫn còn phải học, biết đâu chút nữa, chiều nay hoặc
tối nay, việc học có thể giúp ích phần nào cho tôi và cho những người xung
quanh tôi” (Nguyễn Hùng Trương)
1. Những người yêu sách, yêu sử
địa nước nhà, vui mừng khi được tin: Tập san Sử Địa xuất bản trước năm 1975
ở Sài Gòn đã được Tạp chí Xưa & Nay kết hợp NXB Hồng Đức cho tái bản,
nhân kỷ niệm 50 năm ngày ấn phẩm ra số đầu tiên (Một Thế Giới). Nếu vậy, ta
không thể không nhắc nhớ đến người đã bảo trợ Tập san Sử Địa từ số ra mắt
tại Câu lạc bộ báo chí (1966) đến số 29, số cuối cùng (1975).
Đó là, ông Nguyễn Văn Trương,
bút hiệu Nguyễn Hùng Trương (1926-2005), sinh ra và lớn lên ở đất Thủ Đức,
theo học trường Trung học Pétrus Ký (Sài Gòn). Ông mê sách, đọc sách từ hồi
nhỏ và, biết dè sẻn, dành dụm tiền ăn học để gầy dựng nên tủ sách có giá trị
từ những năm đầu của thập niên 1940. Ông ước mơ khi lớn lên được làm chủ
một nhà sách. Đến 1952, ông thực hiện được ước mơ, có hẳn một nhà sách mang
tên Khai Trí, số 62 Lê Lợi (Bonard) Sài Gòn.
Ông tạo luồng sinh khí độc đáo
trong việc mua bán sách: Khách tự chọn hàng và cũng có thể khách không mua
hàng, thỏa mái đứng đọc sách hàng giờ, rồi đi. Nhân viên bán hàng mặc đồng
phục, lịch sự và kín đáo trông nom hàng... Lúc rảnh và vui miệng, ông
thường kể với những bạn trẻ, thường là học sinh - sinh viên đến mua sách,
về buổi khởi nghiệp:
- Hồi nhỏ, ăn sáng mẹ cho 2 đồng
xu. Qua nhịn ăn sáng, mua sách báo đọc. Lớn lên, qua chọn những loại sách
hay, quý hiếm... trong nước không bán thì gửi mua về mang ký gửi ở các quán
sách, kiếm đồng lời. Rõ là, kiến tha lâu đầy tổ! Việc nhỏ hôm nay, thành
lớn sự ngày mai!
2. Cái lớn sự ngày mai đó, là
ông đã gầy dựng nhà sách Khai Trí thành thương hiệu, bất cứ nhà sách nào ở
miền Nam thời ấy cũng không thể sánh kịp, đảm nhận xuất bản với những đầu
sách được chắt lọc giá trị, bảo trợ Tập san Sử Địa, cùng nhà văn Nhật Tiến
chủ trương và ấn hành Tuần báo Thiếu Nhi... tờ báo mang tính giáo dục cao
và thành công lớn thời bấy giờ. Nhiều người cùng ngành nghề khen ông đã
dùng kỹ thuật in offset đắt tiền, trình bày trang bìa trang cuối tờ báo
Thiếu nhi rất công phu. Tờ báo lỗ, lấy tiền lời bán sách ở nhà sách Khai
Trí bù vào. Khoảng 10 năm cuối đời, ông sưu tầm và biên soạn 15 cuốn sách
để lại đời, trước lúc đi xa. Với ông, đọc sách, biên soạn sách, làm sách,
mua bán sách... không hẳn thuần túy kinh doanh mà, nó còn có cái gì đó lớn
hơn, cao hơn, đẹp hơn... gửi lại người!
Những người bạn, người em trong
nhóm Tập san Sử Địa ngày xưa, khi đến bệnh viện thăm ông vào đầu tháng
3-2005 đã nhắc nếu không có sự hết lòng bảo trợ của ông, chắc gì tập san đã
có thể ra đời! Có lẽ, họ đã nói thật lòng.
* * *
Theo người nhà ông kể, những
ngày tháng cuối đời trên giường bệnh, trừ những lúc hôn mê, không lúc nào
là ông không hỏi sách, nói đến sách... với bao dự tính phát triển sách. Với
ông, tri thức nhân loại tích lũy hàng bao thế kỷ còn đọng lại nơi sách. Và,
sách đã ở cùng ông, quấn quít bên ông cho đến khi ông buông tay tắt thở.
Buổi sớm tinh mơ Sài Gòn(*), tôi
lặng lẽ theo người thân, người quen biết và mến mộ đưa ông về Bình Dương
hỏa táng! Chợt bùi ngùi nghĩ đến cái thân trong cái phận người mà tạo hóa
đôi khi chơi cắc cớ. Một con người như ông, khởi nghiệp từ chiếc xe đạp
“cọc cạch”, tay trắng vào đời, đường hoàng đội vương miện “vua” của kinh
doanh ngành sách với uy tín bậc nhất miền Nam, để rồi mấy mươi năm sau, ông
quay lại với chiếc xe đạp “cọc cạch” và trắng tay...
Tiếc rằng, giờ ông đã là người
thiên cổ, nếu không chắc tôi sẽ mạn phép hỏi giữa 16 tấn vàng và 60 tấn
sách, ông chọn sách hay vàng? Tôi tin ông chọn sách và chắc nhiều người
cũng tin như tôi!
Nguyễn Hùng Trương, một con người mang hoài bão dùng sách vở đưa chữ nghĩa khai thông trí tuệ đồng bào mình, đáng để thế hệ hôm nay suy ngẫm và nhắc nhớ!
Nguyễn Hùng Trương, một con người mang hoài bão dùng sách vở đưa chữ nghĩa khai thông trí tuệ đồng bào mình, đáng để thế hệ hôm nay suy ngẫm và nhắc nhớ!
(*) 6 giờ sáng ngày
14-3-2005
Nguồn: Theo Thời Báo Kinh Tế Saigon