23 novembre 2016

VN phạt báo Thanh Niên 200 triệu vì vụ ‘thông tin nước mắm

BBC


Chính phủ Việt Nam nói báo chí đăng thông tin sai sự thật về nước mắm có thạch tín ảnh hưởng đến nước mắm truyền thống. Ảnh: Getty Images

Chính phủ Việt Nam nói báo chí đăng thông tin sai sự thật về nước mắm có thạch tín ảnh hưởng đến nước mắm truyền thống. Ảnh: Getty Images


Một trong những tờ báo lớn nhất Việt Nam, Thanh Niên, đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông phạt nặng nhất trong cuộc điều tra “các cơ quan báo chí đăng thông tin sai sự thật về việc nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định”.



Cơ quan quản lý báo chí Việt Nam ngày 21/11 công bố mức xử phạt vi phạm hành chính với 50 cơ quan báo chí.
Bị phạt nặng nhất là tờ Thanh Niên, 200 triệu đồng – mức phạt tiền cao nhất đối với vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí.
Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam nói Báo Thanh Niên, và sau đó là Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), vào tháng 10 đã công bố thông tin “mập mờ” về tỷ lệ nhiễm thạch tín trong nước mắm, không giải thích loại nào là độc hại, loại nào là không độc hại.
Từ hai nguồn này, hàng chục cơ quan báo chí Việt Nam đã đăng “170 tin, bài công bố kết quả khảo sát có nội dung sai sự thật từ báo Thanh Niên và Vinastas”.
Trước đó, tối 23/10, báo Thanh Niên đăng lời cáo lỗi và gỡ bỏ 5 bài viết về nước mắm ra khỏi trang mạng của họ.
Người sáng lập và là cựu tổng biên tập Thanh Niên, Nguyễn Công Khế, đã từng viết trên một báo khác rằng sự cố này là “nỗi buồn lớn” cho ông và kêu gọi “truyền thông của Việt Nam phải cần một cuộc đại phẫu”.
Tranh luận trong báo
Dư luận ở Việt Nam trong tháng 10 thực sự xôn xao từ sau ngày 17/10 khi Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) tuyên bố khảo sát của họ cho thấy 67% nước mắm họ khảo sát có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng cho phép.
Thông tin này được một loạt tờ báo, không chỉ có Thanh Niên, đăng tải, gây lo lắng, mặc dù sau đó chính quyền và giới chuyên gia đính chính rằng arsen trong nước mắm là arsen hữu cơ, không ảnh hưởng xấu cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nhưng “sự cố” tại báo Thanh Niên là tâm điểm bị chỉ trích, vì báo này có các bài bị cho là “đánh” nước mắm truyền thống, trước cả công bố của Vinastas.
Vậy chuyện gì đã xảy ra trong nội bộ báo Thanh Niên để dẫn đến các quyết định đăng bài liên quan nước mắm trong tháng 10?
Thông báo xử phạt của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Ảnh chụp màn hình.
Thông báo xử phạt của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Ảnh chụp màn hình.
Thông báo xử phạt của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam
Các nguồn tin cho BBC biết trên thực tế, đã từng có hai quan điểm viết bài khác nhau, đối chọi nhau tại báo Thanh Niên.
Có 5 bài mà báo Thanh Niên đã xóa khỏi mạng: Nước + hóa chất = nước mắm công nghiệp, ngày 10-10-2016; Làm gì để nước mắm Việt vươn ra thế giới? Đi tìm nước mắm sạch, ngày 11-10-2016; Cẩn trọng với hàm lượng thạch tín, ngày 12-10-2016; Tiêu chuẩn nào cho nước mắm Việt? ngày 13-10-2016; Lỗ hổng trong quy định về phụ gia thực phẩm, ngày 17-10-2016.
Sau khi đăng lời cáo lỗi và rút 5 bài, trên mạng xã hội đa số chỉ trích báo Thanh Niên. Tuy nhiên, có không ít ý kiến cho rằng, lời cải chính của Ban Biên tập báo vẫn còn “lập lờ” vì không nói rõ vì sao có quyết định đăng các bài này, thậm chí với nội dung trái ngược nhau về quan điểm.
Bài đầu tiên ngày 10/10 xuất phát từ đề nghị của Ban Kinh tế báo Thanh Niên gửi lên Phó Tổng Biên tập Đặng Việt Hoa, và được đồng ý. Đề cương ban đầu của ban này là muốn viết loạt khoảng 3 bài, nêu quan điểm nước mắm công nghiệp đang ngày càng lấn át nước mắm truyền thống, và tập đoàn Masan có sự mập mờ trong công bố thành phần, dán nhãn nước mắm công nghiệp của họ. Nội dung chính của bài báo đầu tiên ngày 10/10 chỉ ra rằng nước mắm công nghiệp Nam Ngư, nhãn hiệu của tập đoàn Masan, “có đến 17 hóa chất ngoài nước, muối, đường và tinh cốt cá cơm”. Bài báo nói với các loại nước mắm Nam Ngư và Chin Su (cũng của Masan) “thành phần chính chỉ là ‘tinh cốt cá’ và ‘hương cá’ nhưng không ghi rõ là bao nhiêu”.
Một số ý kiến trên các mạng xã hội cho rằng, việc chỉ ra con số 17 phụ gia hóa chất trong chai nước mắm Nam Ngư có thể coi là “phát súng” bắn trực diện vào thương hiệu Masan mà lâu nay báo chí trong nước thường né tránh.
12 giờ sau khi bài xuất hiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan kiểm tra tình trạng nước mắm công nghiệp có hoá chất, báo cáo trước ngày 22/10.
Cùng thời gian Ban Kinh tế báo Thanh Niên nộp bài, Ban Chính trị – Xã hội của tờ này cũng báo cáo có bài phóng sự về những cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở Phú Quốc mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Bài này dựa trên khảo sát của Thanh Niên bằng cách thu mua các mẫu nước mắm thành phẩm và tự đem đi kiểm nghiệm.
Thay đổi
Các nguồn tin nói trong cuộc họp của Báo Thanh Niên ngày 10/10 để chuẩn bị nội dung hôm sau, Trưởng Ban Chính trị – Xã hội đề xuất viết tiếp bài về nước mắm truyền thống. Phó Tổng biên tập Đặng Việt Hoa không có ý kiến trong cuộc họp buổi sáng. Nhưng trong chiều hôm đó sau khi có thông tin Thủ tướng Việt Nam yêu cầu điều tra, ông Hoa đồng ý cho đăng bài của ban Chính trị-Xã hội, được cho là bài đầu tiên trong chuỗi 3 bài “đánh” nước mắm truyền thống và cho dừng lại loạt bài của Ban Kinh tế.
Kết quả là bài viết mang lập trường hoàn toàn khác bài đầu tiên được đăng ngày 11/10 trên trang Thời sự của báo, ký tên “Thanh Niên”. Trong bài này, Thanh Niên nói họ đã tiến hành khảo sát 106 mẫu nước mắm, cho thấy “hầu hết các mẫu” đều vượt quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Bài này cũng nói nhiều mẫu “có hàm lượng thạch tín vượt quá mức an toàn cho sức khỏe so với quy định”.
Hai bài tiếp theo (cũng đăng trên trang Thời sự của báo, ký tên Thanh Niên): Cẩn trọng với hàm lượng thạch tín và Tiêu chuẩn nào cho nước mắm Việt, lần lượt xuất hiện ngày 12 và 13/10, với cảnh báo thận trọng khi dùng nước mắm truyền thống.
Ngày 17/10, có thêm bài trên trang Kinh tế nói về lỗ hổng trong quản lý phụ gia, nội dung đã không còn tập trung vào nước mắm mà chỉ nói “Luật không quy định rõ ràng số lượng phụ gia được phép có trong thực phẩm khiến nhiều nhà sản xuất ‘vô tư’ dùng hàng loạt hóa chất cùng chức năng trong một sản phẩm, có thể gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng”.
Bài này đăng cùng ngày khi Vinastas công bố nước mắm truyền thống mà họ khảo sát có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng cho phép.
Ngày 20/10, báo Thanh Niên lại cho đăng trang quảng cáo về nước mắm của tập đoàn Masan.
Kết luận công bố ngày 21/11 của Bộ Thông tin và Truyền thông không nói Tập đoàn Masan có liên quan đến báo Thanh Niên hay không. Kết luận chỉ ghi rằng, Thanh Niên là “cơ quan báo chí có bằng chứng nhận hỗ trợ quảng cáo, chuẩn bị tuyến bài, nội dung thông tin để thông tin có chủ đích”.
Còn nhiều câu hỏi cần được tranh luận và làm rõ. Nước mắm công nghiệp với gần 20 phụ gia hóa chất liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe người dùng không? Riêng báo Thanh Niên, dư luận đặt vấn đề liệu nội bộ lãnh đạo báo và trưởng các ban phụ trách nội dung có những tranh luận, thỏa thuận nào trong việc đưa tin bài có nội dung khác quan điểm nhau tại cùng thời điểm không? Các lãnh đạo liên quan việc ký kết truyền thông và cho việc đăng bài sẽ bị xử lý thế nào?
‘Vết nhơ
Kết luận của Bộ Thông tin Truyền thông ngày 21/11 cũng nêu tên 8 cơ quan báo chí bị phạt tiền do “đăng tải kết quả công bố của cả Báo Thanh Niên và Vinastas, đã thông tin sai sự thật có gỡ bài nhưng đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính chưa thực hiện cải chính, xin lỗi”.
Ngoài ra, còn có 41 cơ quan báo chí chịu mức phạt nhẹ hơn.
Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan chủ quản của báo Thanh Niên, đã họp hai lần để xử lý kỷ luật các cá nhân tại báo Thanh Niên.
Theo tin BBC nhận được, Trung ương Đoàn quyết định khiển trách Tổng biên tập Nguyễn Quang Thông, cảnh cáo Phó tổng biên tập Đặng Việt Hoa, cảnh cáo và cách chức Tổng thư ký tòa soạn Võ Khối.
Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam chưa xác nhận thông tin này, chỉ nói trong thông báo ngày 21/11 rằng khi có kết quả xử lý kỷ luật của Trung ương Đoàn, thì “sẽ xem xét xử lý các cá nhân theo quy định của Luật báo chí”.
Bình luận với BBC hôm 21/11, ông Nguyễn Trung Dân, cựu phó tổng biên tập báo Du Lịch, nói toàn bộ vụ việc là “vết nhơ của người làm báo”.
“Không chỉ có báo Thanh Niên mà nhiều báo khác. Vấn đề cần làm rõ là họ tham gia sâu đến đâu.”
Ông Trung Dân nhận xét “đây là lần đầu tiên” Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam “có ‎ý kiến rõ ràng, dứt khoát với những người tham gia làm xấu hình ảnh báo chí”.
Ông cũng cho rằng với chính phủ vừa nhậm chức năm nay, “còn nhiều vụ việc khác trong xã hội, nếu cũng làm rõ thì chính phủ sẽ tạo ra tiếng vang tốt hơn”.
____