Ảnh minh họa |
Quan hệ giữa người dân địa phương, doanh
nghiệp và chính quyền cơ sở ở nhiều vùng trong cả nước đang xấu đi vì các mâu
thuẫn và tranh chấp trong quá trình thu hồi đất. Mới đây là vụ bạo lực nghiêm
trọng ở huyện Tuy Đức (Đắk Nông) khiến ba người chết và 16 người khác bị
thương, hay trước đây là những tranh chấp kéo dài ở Văn Giang (Hưng Yên), ở
Dương Nội (Hà Nội), rồi vụ việc ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng)…
Đầu năm nay, chúng tôi có chuyến công tác về một
tỉnh bắc miền Trung để khảo sát vấn đề chuyển đổi kinh tế nông nghiệp ở tỉnh
này. Dự án nuôi bò thịt trên một diện tích hàng ngàn héc ta được tỉnh giới
thiệu như một điển hình cho việc thu hút đầu tư vào thị trường nông nghiệp của
tỉnh. Nhưng khi chúng tôi tiếp xúc thực tế với người dân, quá trình chuyển đổi
quyền sử dụng đất từ các hộ gia đình cho doanh nghiệp thực sự khiến chúng tôi
quan ngại.
Ngoài một phần diện tích đất vốn lấy từ nông
trường quốc doanh cũ chuyển sang cho doanh nghiệp, phần đất còn lại doanh
nghiệp muốn sử dụng dự kiến được lấy từ đất sản xuất lâm nghiệp của người dân
địa phương. Quá trình chuyển nhượng này diễn ra không hề suôn sẻ. Phần đất đó
người dân đang trồng cây keo, kết hợp với sản xuất cây nông nghiệp ngắn ngày.
Theo tính toán của người dân, sau khoảng sáu năm trồng và chăm sóc, họ có thể
bán được một lứa keo. Số tiền thu được sau hai vụ như vậy (tức khoảng 12 đến 15
năm) là đủ cho số tiền mà địa phương đang muốn trả cho người dân. Trong khi đó,
thời hạn giao đất lâm nghiệp cho người dân thông thường kéo dài 50 năm. Người dân
cho biết, họ đã hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và
đang đợi chính quyền thực hiện. Như vậy, nếu chuyển nhượng đất theo phương án
mà chính quyền yêu cầu, phần thiệt rõ ràng thuộc về người dân.
Chính quyền địa phương ở vào thế kẹt. Một mặt,
họ chịu sức ép từ tỉnh giao phải thu hồi được đất để chuyển sang cho doanh
nghiệp. Thực tế, số tiền để bù đó là số tiền doanh nghiệp đóng vào quỹ bồi
thường. Một mặt, người dân địa phương quyết liệt phản đối vì hai lẽ: thứ nhất,
giá đền bù quyền sử dụng đất đó không phản ánh đúng giá trị thị trường; thứ
hai, một bộ phận người dân không muốn chuyển nhượng vì đất đai gắn với sinh kế
và công việc của họ, kể cả khi chuyển nhượng với giá trị có thể chấp nhận được,
họ cũng cần tính toán kỹ lưỡng bài toán sinh kế và chuyển đổi nghề nghiệp tiếp
theo khi không còn đất đai để sản xuất.
Thời điểm chúng tôi khảo sát ở địa phương này,
sau rất nhiều cuộc họp giữa người dân địa phương và ban tổ công tác đền bù giải
phóng mặt bằng, một thỏa thuận cuối cùng vẫn chưa được thống nhất. Nhưng những
căng thẳng trên thực tế đã nảy sinh. Doanh nghiệp khiến người dân bất bình, vì
làm hàng rào phong tỏa, chỉ chừa lối đi nhỏ vào những khoảng đất của người dân
còn xen kẹt trong phần đất họ đã nhận bàn giao. Ngược lại, khi bò từ vùng sản
xuất của doanh nghiệp đi sổng vào đất của người dân, người dân giết thịt thay
vì trả lại cho doanh nghiệp.
Xung đột lợi ích trong chuyển
nhượng đất đai
Câu chuyện vừa dẫn chỉ là một trong những dạng
thức xung đột quyền lợi trong quá trình chuyển đổi quyền sử dụng đất hiện nay.
Quan hệ giữa người dân địa phương, doanh nghiệp và chính quyền cơ sở ở nhiều
vùng trong cả nước đang xấu đi vì các mâu thuẫn và tranh chấp trong tiến trình
này. Đáng chú ý, rất nhiều vụ trong số đó bùng phát thành bạo lực, gây đổ máu
và khiến nhiều người vướng vào vòng lao lý. Những tranh chấp kéo dài ở Văn
Giang (Hưng Yên), ở Dương Nội (Hà Nội), rồi vụ việc ông Đoàn Văn Vươn ở
Tiên Lãng (Hải Phòng). Mới đây nhất là vụ bạo lực nghiêm trọng ở huyện Tuy Đức
(Đắk Nông) khiến ba người chết và 16 người khác bị thương.
Khiếu kiện liên quan đến đất đai luôn là lĩnh
vực đứng đầu trong các lĩnh vực xảy ra tranh chấp và xung đột lợi ích. Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong hội nghị toàn quốc về tiếp công dân và giải quyết
khiếu nại tố cáo, thừa nhận thu hồi đất, tái định cư là vấn đề “nóng” nhất
trong các khiếu kiện đất đai.
Luật Đất đai năm 2013, dù làm rõ hơn các trường
hợp thu hồi đất nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội nhưng phạm vi quy
định vẫn quá rộng và cho phép chính quyền địa phương dùng thẩm quyền hành chính
can thiệp quá sâu vào tiến trình mà đáng lẽ ra thuần túy thuộc về lĩnh vực dân
sự.
Đơn cử một một ví dụ, đó là quy định cho phép
thu hồi đất để phát triển, xây dựng các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu
dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công
nghiệp; khu sản xuất… Phần lớn các hoạt động thuộc các lĩnh vực này đều do tư
nhân đảm nhiệm, nói cách khác, mục đích là thực hiện các dự án thương mại thuần
túy, không vì mục đích phục vụ lợi ích công. Thế nhưng, trong rất nhiều trường
hợp trên thực tế, việc thu hồi đất lại do chính quyền địa phương đứng ra
đảm nhận để giao cho doanh nghiệp, thay vì để doanh nghiệp tự thương lượng theo
với các từng người dân đang được giao quyền sử dụng đất.
Việc thu hồi đất thông qua sử dụng quyền lực
hành chính thường dẫn đến thua thiệt cho người dân bởi hiếm khi quyền sử dụng
đất được đền bù thỏa đáng theo giá thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp
lấy được đất theo tiến trình này là những người hưởng lợi nhiều nhất. Ví dụ dễ
thấy nhất là các doanh nghiệp bất động sản. Ngay sau khi nhận đất từ chính
quyền, một động tác tác phân lô bán nền trên giấy thôi đã thu về siêu lợi
nhuận. Hệ quả trực tiếp không thể tránh khỏi của tiến trình đó là xung đột giữa
một bên là số lượng lớn những người bị ép buộc thu hồi đất với giá trị thấp với
một bên là chính quyền và các doanh nghiệp. Những vụ việc như ở Văn Giang (Hưng
Yên), Dương Nội (Hà Nội) phản ánh rõ rệt thực trạng này.
Cần xem xét lại quyền thu hồi
đất
Tích tụ đất đai là một xu hướng không thể tránh
khỏi trong quá trình phát triển kinh tế. Nhưng tiến trình tích tụ cần phải có
sự đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, nhất là đảm bảo lợi ích cho các chủ sở
hữu quyền sử dụng đất nhỏ lẻ.
Để khắc phục một phần những xung đột đáng báo
động kể trên, vấn đề thu hồi đất của các cơ quan hành chính nhà nước cần được
xem xét lại. Ngoại trừ việc thu hồi đất cho mục đích quốc phòng - an ninh, việc
chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các mục đích khác cần được tiến hành theo
tiến trình dân sự thay vì sử dụng tràn lan quyền lực hành chính như hiện nay.
Các doanh nghiệp, nếu muốn tích tụ đất đai cho
mục đích kinh tế, cần trực tiếp thương lượng, thỏa thuận đền bù với người dân
bằng con đường dân sự. Chính quyền địa phương cần tuyệt đối tránh việc đứng ra
thay mặt doanh nghiệp thu hồi đất từ người dân. Bản thân việc doanh nghiệp phải
thương lượng trực tiếp với người dân theo giá thị trường; và phải trả chi phí
hợp lý từ quá trình này cũng là một vấn đề khiến các doanh nghiệp cần cân nhắc
khi quyết định đầu tư. Điều đó giúp đảm bảo quyền lợi của người dân; tránh được
xung đột giữa người dân với chính quyền, giữa người dân với doanh nghiệp; đồng
thời cũng giúp tránh được các dự án bỏ hoang bởi việc thu hồi đất quá dễ dàng
như hiện nay.
Ở một khía cạnh khác, kể cả việc thu hồi đất cho
các hoạt động của Nhà nước, vì mục tiêu công, cũng cần được tôn trọng và thực
hiện theo con đường dân sự. Chủ thể Nhà nước và chủ thể tư nhân cần được bình
đẳng thỏa thuận chứ không thể sử dụng áp đặt và cưỡng chế hành chính tùy tiện
như hiện nay.
Nguyễn Quang Đồng
Nguồn: Theo Một Thế Giới Mới