17 novembre 2016

Bắc Kinh dùng ngư dân Hải Nam để xác quyết đòi hỏi lãnh thổ ở Biển Đông



Một tầu đánh cá tại cảng Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc.RFI/Heike Schmidt

Trung Quốc có đội tàu thuyền đánh cá lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nhiệm vụ của đội tàu này không chỉ giới hạn trong các hoạt động đánh bắt hải sản. Vốn nuôi tham vọng trở thành cường quốc biển, Bắc Kinh cho rằng các ngư dân đóng vai trò quan trọng. Trong bối cảnh đó, ngư dân Hải Nam (Hainan) được khuyến khích chiếm giữ các vị trí tiền đồn và cho phép Trung Quốc kiểm soát được hầu như toàn bộ Biển Đông.
 
 
 
Liên quan đến chủ đề này, thông tín viên đài RFI Heike Schmidt có bài phóng sự về các hoạt động ngư nghiệp tại cảng Đàm Môn (Tanmen), Hải Nam, Trung Quốc. Các cuộc trao đổi với nhiều nhân chứng tại đây đều được ghi âm lén.
Nguồn hải sản gần bờ khan hiếm
Vào một buổi sáng, khi các thuyền đánh cá vừa cập bến, người ta tranh nhau xuống chọn mua cá thu và đó là loại cá đánh bắt gần bờ. Một thương nhân buôn cá cho biết là cá ngày càng ít và bé. Trong tương lai thì sẽ còn ít hơn.
Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc mỗi năm chỉ cấm đánh bắt trong hai tháng. Có thể từ năm tới, lệnh cấm kéo dài tới bốn tháng. Thế nhưng nhu cầu của Trung Quốc về hải sản không ngừng tăng. Trung Quốc tiêu thụ khoảng một phần ba tổng sản lượng hải sản đánh bắt trên thế giới. Theo Ngân Hàng Thế Giới, từ nay đến 2030, nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng thêm 30%. Do đó, các ngư dân nước này ngày càng đi xa hơn. Họ cố tình không đếm xỉa đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực – La Haye, được công bố ngày 12/07/2016, có lợi cho Philippines, thừa nhận Manila có quyền đối với một phần của vùng biển mang tính chiến lược này.
Để đáp ứng nhu cầu, khoảng 800 tàu đánh cá của ngư dân Hải Nam phải đi xa hơn, thậm chí đến tận vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bất chấp sự phản đối, tức giận của Việt Nam, Philippines. Một ngư dân Hải Nam thừa nhận : « Đánh bắt gần bờ thì không có vấn đề gì, nhưng khi chúng tôi đi xa hơn, người nước ngoài xua đuổi và ngăn cản vì họ không muốn chúng tôi đánh bắt ở đó ».
Cô Lâm Xuân Yến (Lin Chunyan) rất tự hào là thành viên một gia đình có nhiều thế hệ là ngư dân ở Hải Nam vì họ được coi là những anh hùng, dám đương đầu với tuần duyên nước ngoài. Cô nói : « Những người trong gia đình tôi thường xuyên đi đánh bắt cá khoảng hai tháng, họ đi tới các bãi đá Nansha (Trường Sa – Spratly). Chính phủ khuyến khích họ tới đó. Trên thực tế, đó là nhằm bảo vệ vùng biển. Nhiều thế hệ ngư dân Đàm Môn, Hải Nam tới đó đánh bắt hải sản. Đích thân chủ tịch Tập Cận Bình tới đây để ủng hộ chúng tôi ».
Khuôn mặt cô Lâm tươi hẳn lên khi kể lại chuyện chủ tịch Trung Quốc tới Hải Nam hồi tháng Tư năm 2013 : « Chuyến thăm của chủ tịch thật là hoành tráng. Chúng tôi đã nồng nhiệt đón tiếp ông. Chủ tịch căn dặn chúng tôi phải chú ý vấn đề an ninh. Chúng tôi rất vui mừng là chủ tịch đến tận đây để động viên chúng tôi và chúng tôi rất phấn khởi ».
Để tưởng nhớ sự kiện này, một tấm áp phích khổng lồ được dựng lên ngay khu ngã tư trung tâm thành phố có 30 ngàn dân. Trên ảnh, người ta thấy quây quần quanh chủ tịch Tập Cận Bình là các ngư dân Trung Quốc tươi cười, nét mặt thể hiện quyết tâm bảo vệ tổ quốc, những ngư dân yêu nước, sẵn sàng giương cờ Trung Quốc trên Biển Đông.
Bắc Kinh hỗ trợ tài chính cho ngư dân đánh bắt xa bờ
Một ngư dân chỉ cho phóng viên RFI bốn chiếc tàu cá lớn và cho biết đó là quà của chủ tịch Tập Cận Bình tặng cho ngư dân Đàm Môn. Chủ tịch Trung Quốc đã cảm ơn các ngư dân và kêu gọi họ hãy tới tận Nam Sa (tức Trường Sa) để vừa đánh bắt cá vừa bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Trung Quốc. Chính vì thế, các ngư dân Đàm Môn cảm thấy yên tâm và không sợ gì cả.
Theo phóng viên Heike Schmidt, đây không phải là những chiếc tàu đánh cá bình thường mà là tàu của du kích biển, một tổ chức bán vũ trang được quân đội huấn luyện. Ông Lâm Vĩnh Hâm (Lin Yongxin), thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia, trụ sở tại Hải Nam, cho biết :
« Tại tỉnh Hải Nam, chúng tôi có rất nhiều du kích dự bị. Chúng tôi cải thiện khả năng phòng thủ của hải quân. Trong thời gian qua, đã từng xẩy ra các vụ đụng độ. Người ta bắn vào ngư dân của chúng tôi. Do vậy, các ngư dân cần chính phủ bảo vệ họ. Tàu vỏ gỗ quá mong manh. Chính phủ khuyến khích ngư dân trang bị tàu vỏ sắt, vững chắc, vừa chống chọi với sóng bão, vừa chống lại được các vụ bị quân lính Philippines tấn công ».
Tàu vỏ sắt vững chắc rất cần cho hải quân Trung Quốc xây dựng cái gọi là « vạn lý trường thành bằng cát » ở Biển Đông. Các bãi đá, san hô được cải tạo, bồi đắp thành các đảo nhân tạo, trên đó có các phi đạo và cảng quân sự. Ông Lâm giải thích tiếp: « Các ngư dân đóng vai trò quan trọng trong việc bồi đắp các bãi đá. Trong giai đoạn bị cấm đánh bắt cá, thì việc tham gia bồi đắp đảo nhân tạo mang lại một nguồn thu bổ sung cho ngư dân, giúp họ nuôi gia đình ».
Từ năm 2014, khoảng năm chục tàu vỏ gỗ được gia cố thành tàu vỏ sắt. Với trợ cấp của Nhà nước, khoảng ba chục tàu, có trọng tải 500 tấn, đang được đóng, một số đã được bàn giao. Các ngư dân tránh không nói nhiều tới trợ cấp của Nhà nước. Chọn lúc vắng người, ông Lí Hiền Lâm (Li Lin Xun) thổ lộ : « Các ngư dân vẫn liên tục tới đó (những nơi bồi đắp đảo nhân tạo). Ví dụ, chủ một con tàu như thế này sẽ được trợ cấp một khoản tương đương với 1500 € mỗi tháng. Nếu ở lại đó hai tháng thì sẽ được khá nhiều tiền. Đánh cá hay không, các tàu đều được trợ cấp, miễn là có mặt trong khu vực đó. Trung Quốc có khá nhiều tiền và không sợ bất cứ nước nào cả ».
Nếu đi đến bãi Scarborough mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham (Huangyan), nơi đang có tranh chấp với Philippines, một con tàu có trọng tải 500 tấn, có thể được trợ cấp tới 10 000 € trong chuyến đi đầu tiên và 5000 € cho mỗi chuyến sau đó.
Ngư dân Đàm Môn trên tuyến đầu
Năm nay đã 61 tuổi, Lí Hiền Lâm muốn nghỉ ngơi. Nhưng lúc còn trai trẻ, ông chấp nhận mạo hiểm, đi xa đánh bắt hải sản quý hiếm. Ông kể lại là khi khoảng ba mươi tuổi, ông đã bị phía Philippines bắt giam hai năm, sống rất khổ cực trong tù, vì đã đánh bắt rùa biển. Ngư dân Trung Quốc tới Scarborough và các vùng biển xa không chỉ đánh bắt cá mà cả các hải sản quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng, như sò tai tượng vì bán được rất nhiều tiền.
Đàm Môn là thủ đô sò tai tượng trên thế giới và đắt nhất là sò tai tượng ở Scarborough. Ông Lí nói rằng ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở đây từ hàng chục năm nay. Ngư dân Việt Nam không ra được vì chỉ có thuyền gỗ nhỏ.
Ngư dân Đàm Môn luôn ở tuyến đầu trên mặt trận biển. Năm 2012, tám tàu cá Trung Quốc thách thức tàu chiến Philippines tại Scarborough và nhờ vậy Bắc Kinh đã kiểm soát được bãi san hô này. Năm 2014, Trung Quốc và Việt Nam đã đối mặt với nhau sau khi Bắc Kinh cho đặt giàn khoan HD 981 gần Hoàng Sa. Trong vụ này, ngư dân Đàm Môn cũng ở tuyến đầu.
Trao đổi với Heike Schmidt, ngư dân Lâm Phong (Lin Feng) cho biết từ khi Bắc Kinh đứng ra bảo đảm an ninh cho các ngư dân, thì họ tỏ ra yên tâm. « Không còn lo ngại gì nữa, phía Philippines không dám tấn công chúng tôi nữa. Nếu xẩy ra bất kỳ sự cố nào, ngư dân chỉ việc gọi lực lượng tuần duyền và họ tới ngay lập tức Xisha (Hoàng Sa – Paracel) và Nansha (Trường Sa). Tuần duyên Philippines không được trang bị đầy đủ và các đội tàu tuần duyên của chúng tôi giám sát khu vực này để bảo vệ ngư dân ».
Trong quán ăn hải sản Bafang, thực đơn rất phong phú, tôm, cua, mực xào dòn. Trên tường có dán một tấm bản đồ lớn vẽ vùng biển Trung Quốc tiến sát gần bờ biển của Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia. Làm thế nào để chứng minh rằng đó là vùng biển của Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Lâm Vĩnh Hâm thì từ thế kỷ XIV, ngư dân Đàm Môn đã đến tận Hoàng Sa và Trường Sa để đánh bắt hải sản.
« Từ triều đại nhà Minh (Ming), nhà Thanh (Qing), ngư dân Trung Quốc đã đi đánh bắt hải sản ở biển Hoa Nam – Biển Đông. Trên các nhật ký hải trình, họ đã đánh dấu các tuyến đường qua lại, ghi lại khoảng cách giữa các bãi đá. Các nước khác không có những bằng chứng lịch sử này ».
Tầu đánh cá hay tầu du kích biển ?
Theo truyền thông của Nhà nước, thì thuyền trưởng Tô Chánh Phấn (Su Chengfen), 81 tuổi, ở Đàm Môn, là một trong những người hiếm hoi tìm thấy một cuốn hải trình – Genglubu – viết cách nay 600 năm. Khi phóng viên RFI tới gặp thì ông Su lại tỏ ra kín đáo, ít nói. Ông cho biết ngắn gọn là nếu muốn nhìn thấy cuốn hải trình và nghe kể lại câu chuyện tìm thấy tập tài liệu quý giá này, thì cần phải có một cán bộ của Đảng đi tháp tùng nhà báo. Sau hơn một giờ thuyết phục nhà chức trách tại trạm cảnh sát Đàm Môn, khi phóng viên RFI quay lại, thì ông Tô đã đi vắng.
Hy vọng là trong tương lai, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng cuốn hải trình quý báu này tại Viện bảo tàng quốc gia về Biển Đông, rộng khoảng 3000 mét vuông, hiện đang được gấp rút hoàn thành. Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn có một viện bảo tàng như vậy tại Đàm Môn.
Trung Quốc không ngần ngại chi tiền thực hiện các dự án khổng lồ để chứng tỏ sức mạnh hàng hải của mình. Tân cảng Sanya (Tam Á) vừa được xây dựng cách Đàm Môn khoảng ba giờ đi xe hơi. Đối diện với khu hậu cần cực kỳ hiện đại là bến cảng nơi neo đậu khoảng một chục tàu, trên đó có đầy đủ các thiết bị phục vụ đánh bắt cá như lưới, đèn cực sáng cho đánh bắt ban đêm.
Thế nhưng, đoàn thủy thủ lại mặc quân phục và trông chẳng có gì giống ngư dân. Họ xua đuổi phóng viên RFI và không cho chụp ảnh. Phải chăng đó là tàu của hải quân hoặc du kích biển, được ngụy trang thành tàu đánh cá. Một người dân đứng gần đó nói nhỏ với Heike Schmidt: « Các tàu đậu ở đây là để bảo vệ chủ quyền, vùng biển của Trung Quốc. Tàu không dùng để đánh cá. Đó là những con tàu của Nhà nước. Nếu xẩy ra đụng độ va chạm, các tàu này bảo vệ ngư dân cũng như chủ quyền của nước chúng tôi ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã tuyên bố : « Bắc Kinh cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh nhân dân ở Biển Đông ». Và các ngư dân Trung Quốc đã được huy động vào cuộc chiến này. 

Nguồn: Theo RFI