Có 3 điểm nổi bật của dòng vốn Trung Quốc: Không minh
bạch về tổng quy mô tín dụng, điều kiện vay gắn chặt với lợi ích của họ và vốn đi đến đâu, người đi đến đó
Ngày 29-11, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới
đã phối hợp với Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (Viện Nghiên cứu
Kinh tế và Chính sách - VEPR) tổ chức hội thảo Đánh giá về tác động của vốn vay
Trung Quốc với sự tham dự của nhiều học giả, chuyên gia kinh tế.
Vốn đi đến đâu, người đi đến đó
TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế
Trung Quốc, cho biết hiện nay, có cuộc đua giữa Nhật Bản và Trung Quốc về cấp
tín dụng phát triển đầu tư cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển.
Trước năm 2013, Trung Quốc cho vay đa lĩnh vực, chủ yếu
là năng lượng, hạ tầng. Sau năm 2013, dòng tín dụng Trung Quốc đã hướng theo
chiến lược “Một vành đai, một con đường” và tập trung chủ yếu vào các quốc gia
nằm trên 2 con đường này. Có thể nói Trung Quốc giống như gã khổng lồ sẵn sàng
cung ứng tiền cho cả thế giới, lấp chỗ trống cho những quốc gia vừa đạt mức thu
nhập trung bình không còn đủ điều kiện vay ưu đãi của các định chế tài chính
khác nữa, trong đó có Việt Nam.
Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (đoạn gần ngã tư Khuất Duy Tiến) do Trung Quốc tài trợ vốn và thi công Ảnh: Nguyễn Hưởng |
Theo TS Thành, vốn Trung Quốc vay dễ chứ không rẻ. Rất
nhiều dự án bị đội vốn, tham nhũng, thiếu những điều kiện ràng buộc về bảo vệ
môi trường… Điều này khác với các ràng buộc môi trường, cân bằng, an sinh xã hội
của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á thời gian qua. Nếu hy sinh
để nhận những nguồn vốn dễ dàng từ Trung Quốc, các quốc gia có nguy cơ lãnh hậu
quả lớn. Vốn vay của Trung Quốc chưa xử lý được vấn đề phát thải ô nhiễm, chống
tham nhũng ngay từ chính sách quốc gia của họ. Do có cơ chế khá lỏng lẻo trong
cho vay nên nhiều nước khát vốn dễ dàng dính bẫy với dòng vốn này.
Đừng ảo tưởng vốn ngoại
Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét vốn
Trung Quốc có đặc điểm: gánh nặng nợ lớn hơn so với quy mô ban đầu do bị đội vốn
dự án; chèn ép sự phát triển của doanh nghiệp (DN) bản địa do DN trong nước không
được tham gia dự án; làm đảo lộn quy hoạch trong nước; lấy tài nguyên giá rẻ và
tạo nên sự lệ thuộc vào Trung Quốc do họ mang thiết bị, vật tư sang, kéo theo
nhiều quan hệ khác về thương mại, xuất nhập khẩu.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cảnh báo nếu tiếp tục
quá coi trọng vay bên ngoài hoặc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
thay vì nỗ lực tạo cơ hội cho DN nội tham gia các dự án trong nước, chúng ta sẽ
dựa quá nhiều về ngoại lực, dẫn đến xu hướng coi trọng tầm nhìn trước mắt, quên
đi tầm nhìn dài hạn.
Từ những phân tích nêu trên, TS Phạm Sỹ Thành đúc kết:
“Tôi thấy quan điểm của học giả và Chính phủ rất khác biệt về vấn đề vay vốn
Trung Quốc. Chúng tôi cũng có quan điểm của mình. Khi đánh giá vốn vay Trung Quốc,
không chỉ đánh giá từ nhu cầu vay, điều kiện vay, tác động về mặt kinh tế mà phải
tiếp cận tổng hợp từ tất cả khía cạnh, trên cơ sở đó mới quyết định nhận hay
không nhận”.
Trả lời thẳng vào vấn đề đang gây tranh cãi trong dư luận
hiện nay là có nên vay vốn Trung Quốc để xây đường cao tốc Bắc - Nam hay không,
TS Thành thẳng thắn: “Dự án này chia nhỏ thành nhiều giai đoạn đầu tư, chưa cấp
thiết thì không nên sốt sắng nghĩ đến vay Trung Quốc”.
Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng
Viện Chiến lược - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vay vốn Trung Quốc phải rất cẩn thận với
tác động tiêu cực, phải luôn cân nhắc tính tới mối quan hệ kinh tế, chính trị
giữa hai bên. Chỉ nên tính đến khả năng vay Trung Quốc sau cùng khi nguồn tín dụng
của các định chế tài chính khác khó khăn.
Nhiều dự án gây bức xúc
Ông Trần Toàn Thắng, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh
và Năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng
khác với thông lệ cho vay ODA, Trung Quốc không có cam kết hằng năm về ODA cho
Việt Nam mà là khoản vay vụ việc hoặc theo hiệp định riêng. Thông tin về các
khoản vay này không được công khai.
Từ năm 1993 đến nay, Trung Quốc cho Việt Nam vay khoảng
hơn 600 triệu USD vốn ODA và 50 triệu USD vốn không hoàn lại. Nhưng tài chính
vào Việt Nam chủ yếu ở vay thương mại có bảo lãnh của Chính phủ, thường của DN
nhà nước, hầu hết là khoản vay cho nhiệt điện, hạ tầng đường sắt - những khoản
ta không vay được từ các nguồn khác. Những dự án này gây bức xúc trong dư luận
chủ yếu do cách triển khai của nhà thầu Việt Nam.
Tô Hà
Nguồn: Theo NLD