18 novembre 2016

Kẻ tội đồ trì hoãn tái cơ cấu nông nghiệp

Nam Nguyên, phóng viên RFA


Ảnh minh họa chụp tại ngoại thành Hà Nội tháng 3 năm 2016.

 
Tái cơ cấu nông nghiệp ở Việt Nam được mô tả là vẫn dậm chậm tại chỗ sau nhiều năm được tuyên truyền rộng rãi, hứa hẹn tăng cao thu nhập cho nông dân và nâng cao đời sống ở nông thôn.  Lý do nào khiến kế hoạch này bị ách tắc và cách biệt giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị càng ngày càng lớn hơn.




Nông thôn hiện nay không còn an toàn trong cuộc sống, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà nhìn nhận như vừa nêu trong phiên chất vấn tại Quốc hội hôm 15/11/2016. Trước đó hai tuần, cũng tại diễn đàn Quốc hội, ngày 2/11/2016  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu ý kiến là cần sửa Luật Đất đai 2013 hủy bỏ qui định về hạn điền, những nội dung nằm trong Điều 129, điều 130.

Luật giới hạn mức giao đất tối đa cho sản xuất cây trồng ngắn ngày là từ 2 tới 3 ha cho một hộ gia đình, tùy theo vùng. Ông Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn nói rằng, nút thắt cản trở sản xuất lớn là vấn đề hạn điền, nền nông nghiệp vẫn dựa trên qui mô hộ nhỏ lẻ, manh mún, do đó năng suất lao động, năng suất kinh tế và đời sống thu nhập của nông dân vẫn rất khó khăn. Do vậy cần sửa luật bỏ hạn điền và hợp pháp hóa sự tích tụ đất đai.

Hai vị Bộ trưởng của Chính phủ cho thấy sự tệ hại của khu vực nông thôn nơi qui tụ 70% dân số Việt Nam. Theo đó, nông thôn hiện  nay không an toàn vì bị ô nhiễm môi trường trầm trọng và sản xuất nông nghiệp thì chỉ giúp nông dân có cái ăn không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.

Cần cải cách kinh tế đồng bộ

Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững từ tháng 6/2013. Lý do nào khiến kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp chưa có tiến triển. TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, hiện là chuyên gia tư vấn về tái cơ cấu nông nghiệp, từ Hà Nội nhận định:

Tái cơ cấu nông nghiệp không thể đi một mình được mà nó phải đi với tái cơ cấu nền kinh tế, công nghiệp phải chuyển sang ủng hộ nông nghiệp, kinh tế đô thị cũng phải phối hợp với kinh tế nông thôn.

-TS Đặng Kim Sơn
“Rõ ràng tốc độ của nó quá chậm và quá trình tái cơ cấu nông  nghiệp phải song song với quá trình vẫn gọi là phát triển nông thôn mới. Nghĩa là phải làm thế nào nông nghiệp tăng được năng suất lao động lên. Nhưng đồng thời kinh tế nông thôn cũng phải đa dạng lên, trong nông thôn không chỉ là thuần nông nữa. Nếu nông thôn còn thuần nông thì nông dân sẽ bỏ đi hết, dứt khoát phải chuyển sang những ngành nghề phi nông nghiệp.

Vì thế bản thân tái cơ cấu nông nghiệp không thể đi một mình được mà nó phải đi với tái cơ cấu nền kinh tế, công nghiệp phải chuyển sang ủng hộ nông nghiệp, kinh tế đô thị cũng phải phối hợp với kinh tế nông thôn, còn không nó sẽ tách rời ra hai mảng và người dân xu hướng chung là họ sẽ di cư ra khỏi nông thôn đi về thành thị. Như thế không chỉ riêng nông thôn có khó khăn mà thành thị cũng tắc nghẽn, quá tải, không thể nào phát triển bền vững được.”

Được biết, Nghị quyết Tam Nông, Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 10 ban hành từ ngày 5/8/2008, đến nay đã hơn 8 năm nhưng toàn bộ hệ thống chính trị đã không thực hiện được một số mục tiêu chủ yếu. Đó là Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Với mục tiêu ưu tiên là Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.

Ảnh minh họa chụp tại Bến Tre tháng 9 năm 2015. RFA

Ngoài Nghị quyết Tam Nông của Trung ương Đảng năm 2008, đến tháng 6/2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy vậy đến tháng 11/ 2016 mọi việc vẫn gần như dậm chân tại chỗ.

Tháng 10/2016, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, một giới chức cao cấp của Đảng, lần đầu tiên nói chuyện gỡ nút thắt hạn điền và cho phép tích tục đất đai. Sau ông Bình, các giới chức chính phủ và báo chí dòng chính cũng khởi động vấn đề này qua nhiều vận động cụ thể. Giờ đây kẻ tội đồ, làm nông dân nghèo khổ và cản trở sản xuất nông nghiệp hiện đại theo qui mô lớn, lại chính là một số qui định của Luật Đất đai 2013.

Kinh nghiệm Đài Loan Hàn Quốc

Theo ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang một người đi lên vị trí lãnh đạo từ kinh nghiệm nông thôn và khi về hưu cũng trở về cuộc sống ở nông thôn, thì vấn đề hạn điền chưa hẳn là gút thắt quan trọng nhất trong việc tích tụ đất đai, tổ chức sản xuất lớn và hiệu quả. Ông nói:

“Nhiều nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc thì đất của người ta cũng đâu có nhiều. Qui mô hộ cá thể cũng nhỏ, nhưng tổ chức của người ta tốt, nó liên kết chiều ngang về khối lượng mà nó lại liên kết chiều dọc là làm tăng giá trị sản phẩm lên, thì nó giải quyết được hai vấn đề đó. Cho nên đất ít hay đất nhiều không phải chuyện lớn mà là vấn đề tổ chức sản xuất. Ở đây tổ chức sản xuất vừa qua chưa bảo đảm được hai yếu tố đó.”

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 vẫn kiên định đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, tức là Nhà nước không công nhận quyền tư hữu về đất đai, đây là ý thức hệ cộng sản. Luật Đất đai 2013 làm rõ thêm người dân chỉ có quyền sử dụng đất với thời hạn 50 năm với các qui định về hạn điền. Ông Nguyễn Minh Nhị tiếp lời:

Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc thì đất của người ta cũng đâu có nhiều. Qui mô hộ cá thể cũng nhỏ, nhưng tổ chức của người ta tốt, nó liên kết chiều ngang về khối lượng mà nó lại liên kết chiều dọc là làm tăng giá trị sản phẩm.

-Ông Nguyễn Minh Nhị
“Hiện nay tuy rằng quyền sở hữu tư nhân không có trong đất đai là nói hình thức vậy thôi, còn thực chất bên trong 5 quyền thì nó cũng vậy, bản thân người nông dân vẫn xem đất đó là của họ. Vẫn liên kết, vẫn hợp tác rồi vẫn mở rộng diện tích, thậm chí có người sở hữu cả trăm héc ta, giấy tờ đứng tên dưới tên khác trong gia đình… và chính quyền cũng biết. Nhưng mà nói chung về điều kiện pháp lý mà nó không rộng mở thì nó hạn chế là điều tất nhiên…”

Ông Nguyễn Minh Nhị cho rằng điều hệ trọng mà chính phủ Việt Nam chưa làm, đó là tái cấu trúc mô hình quản lý ngành nông nghiệp, tức là một người chịu trách nhiệm. Ông nói:

“Vừa qua thiếu cái đó cho nên trong thực hiện chính sách luật pháp hay đặc biệt trong tổ chức sản xuất thì bị trục trặc. Bởi vì tôi không biết đó là ai, ai là người đầu tiên chịu trách nhiệm cũng như ai là người cuối cùng chịu trách nhiệm. Nếu sắp tới không giải quyết được cái này thì sẽ vẫn không phát triển được…”

Chế độ chính trị ở Việt Nam theo cơ chế chịu trách nhiệm tập thể, thành ra trong nhiều trường hợp trở nên không có ai chịu trách nhiệm. Vấn đề này cũng phù hợp với những gì ông Nguyễn Minh Nhị vừa đề cập trong phạm vi nông nghiệp, nông thôn.

Những tín hiệu từ Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam về việc chuẩn bị sửa Luật Đất đai 2013, bãi bỏ hạn điền và hợp pháp hóa việc tích tụ đất đai, làm gợi nhớ tới phản biện của giới học giả chuyên gia trong thời gian soạn thảo Luật này. Lúc đó báo chí đã đưa khá nhiều tin bài về việc không nên qui định hạn điền và thời gian sử dụng đất, vì nó sẽ cản trở phát triển nông nghiệp nông thôn hiện đại. Tuy vậy dưới sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội Việt Nam đã bỏ qua cơ hội cải cách, vẫn làm luật theo tư duy kinh tế hộ nông dân nhỏ lẻ, gọi là bảo vệ ruộng đất cho nông dân đề phòng giai cấp tư bản mới thao túng ruộng đất.

Đối với TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển Nông nghiệp nông thôn, giải pháp cho  nông nghiệp – nông dân – nông thôn hiện nay là phải đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, thứ hai là phải phối hợp tái cơ cấu nông nghiệp với phát triển nông thôn mới và thứ ba là phải thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế đồng bộ với tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn.

TS Đặng Kim Sơn gọi đó là một thách thức lớn cho Việt Nam, khi phải thực hiện những cải cách đó đồng bộ với nhau và thực hiện trong thời gian không kéo dài. Theo lời ông, nếu các nỗ lực này vẫn chậm trễ thì trong tương lai kinh tế Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nguồn: Theo RFA