23 novembre 2016

Công bố Open-Book, nhóm Cánh Buồm trông đợi gì?

 

Trước khi ra mắt bộ sách Tiếng Việt và Văn bậc THCS (tám cuốn, từ lớp 6 đến lớp 9) và công bố địa chỉ cung cấp Open-Book vào tối 19/11 tới, nhóm Cánh Buồm có thư tự bạch về công việc của mình và những trông đợi khi dùng mạng Internet để trình bộ sách mới nhất ra toàn xã hội.

Bộ sách Tiếng Việt và Văn THCS của Cánh Buồm.
 

Nhà giáo Phạm Toàn (bên trái)

"...Ra mắt xã hội vào cuối tháng 11 năm 2009 nhân dịp Hội thảo Hiểu Trẻ em – Dạy Trẻ em với sự bảo trợ của Nhà xuất bản Tri thức thuộc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, tổ chức ở Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, địa chỉ www.canhbuom.edu.vn, nhóm Cánh Buồm là một tập thể những người làm việc thiện nguyện để xây dựng bộ sách giáo khoa làm mẫu theo định hướng hiện đại hóa nền Giáo dục Việt Nam.
 

Tại sao nhóm Cánh Buồm làm công việc đó?

Công việc của Nhóm không dừng lại ở việc phê phán nền Giáo dục đương thời với những nguyên nhân tích tụ từ nhiều chục năm – kể cả từ những năm còn là nền Giáo dục thực dân và phong kiến. Chúng tôi chủ trương dùng sản phẩm của Nhóm để trình ra một cách phát triển Giáo dục khác với những gì đang được xã hội lo lắng và dang bị phê phán, mong sao bằng những sản phẩm cụ thể nhất – sách giáo khoa – những sản phẩm dễ hiểu với đông đảo mọi người để gợi ra một cơ sở đồng thuận cho đông đảo mọi người mà lý do đơn giản là vì những sách giáo khoa mang một cách học mới sẽ được thử thách khi đi vào đời sống từng gia đình...

Công việc của Nhóm cũng không dừng lại ở việc tranh luận lý thuyết mà rất nhiều khi Chân lý không thoát thân ra nổi từ vô số cuộc tranh luận mà rất đông chúng ta từng trải nghiệm. Chúng tôi chủ trương trình bày một lý thuyết Giáo dục không bằng những lời lẽ “hàn lâm” – chúng tôi muốn xã hội nhận ra và có thể trải nghiệm một lý thuyết thấm đượm qua những việc làm cụ thể trong sách giáo khoa được giao cho học sinh để các em thực hiện công cuộc Tự học – Tự Giáo dục như tên gọi cuộc Hội thảo Nhóm tổ chức năm 2011 và đã được ghi lại trong Kỷ yếu Hội thảo.

Tại sao nhóm Cánh Buồm có được niềm tin đó?

Công việc làm của Nhóm không sinh ra từ hư không ex nihilo mà đó là kết quả được rút ra từ những trải nghiệm Công nghệ Giáo dục (Hồ Ngọc Đại) mà chúng tôi từng tích cực tham gia trong nhiều thập kỷ. Nhóm Cánh Buồm ngỏ lời biết ơn những cảm hứng từ Công nghệ Giáo dục – đồng thời Nhóm cũng biết cách thoát thân khỏi những nhược điểm khiến chúng tôi dị ứng. Nhóm chúng tôi cũng biết tích cực học hỏi từ nhiều nguồn cảm hứng của loài người nhưng hết sức tránh chỉ nhại lại những lời lẽ “khoa học”, “hội nhập” – chúng tôi gắng đi tới nổi những giải pháp kỹ thuật cho việc học của học sinh. Nhóm Cánh Buồm có một và chỉ một tiêu chí để tự đánh giá công việc: kết quả học tập của học sinh. Dĩ nhiên, Nhóm cũng trông đợi các chuyên gia, các bậc phụ huynh soi sáng các lý thuyết vào tiêu chí “bằng vàng” ấy.

Tầm nhìn Giáo dục của Cánh Buồm là gì, và tại sao Cánh Buồm lại khởi đầu với sách Tiếng Việt, sách Văn và sách Lối sống?

Trong báo cáo trình lên theo yêu cầu của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội CHXHCN Việt Nam, nhóm Cánh Buồm trịnh trọng ghi Tự học là năng lực các nhà sư phạm hai tay dâng lên thanh thiếu niên Việt Nam. Để làm công việc đó, với sức ban đầu có hạn, Nhóm tập trung vào những môn học khó khăn nhất. Nhóm chủ trương tổ chức công việc tự học của học sinh từ Lớp 1 đến Lớp 9, nhằm:

(a)     Học Tiếng Việt để có sự am tường ngôn ngữ học đối với tiếng mẹ đẻ, từ đó mà có năng lực hoạt động ngôn ngữ tiếng Việt chính xác, phong phú, văn minh;

(b)     Học Văn để có sự am tường mỹ học và có năng lực sống trong cái Đẹp nghệ thuật thay cho những bài “văn” và những bài “làm văn” thổ thiển, xơ cứng, khô cằn;

(c)     Học Lối sống để biết sống đồng thuận từ tấm bé theo tinh thần cùng lao động, cùng tôn trọng tư tưởng của nhau, và biết tháo ngòi xung đột trong cuộc sống chung.

Tại sao lại coi việc làm hạn hẹp đó là làm mẫu?

Đó là làm mẫu về cách học mà nền tảng của cách học mới là những thao tác làm việc chắt lọc của những người đi trước – của nhà ngôn ngữ học, của người nghệ sĩ, của nhà hoạt động xã hội.

Nhóm Cánh Buồm trông đợi gì khi dùng mạng Internet để trình sách giáo khoa của mình ra toàn xã hội?

Nhóm Cánh Buồm trông đợi việc áp dụng trong phạm vi hẹp và rộng các sách của chúng tôi: áp dụng trong gia đình, áp dụng ở lớp học, áp dụng ở trường học, áp dụng thực nghiệm ở trường đào tạo nghề sư phạm … cùng những sáng kiến khác như áp dụng tại những Trung tâm bồi dưỡng học sinh (cả với học sinh gặp khó khăn lẫn những học sinh muốn thành học sinh giỏi) …

Nhóm Cánh Buồm trông đợi các nhà giáo, các nhà nghiên cứu, các vị phụ huynh theo dõi, góp ý, sửa chữa, thêm thắt … để bộ sách giáo khoa Cánh Buồm trở thành bộ sách mẫu mực có thể tái bản dùng lâu dài…"


Nhóm Cánh Buồm
 
Nguồn: Theo Tia Sáng