Nhiều bạn đọc đi nước ngoài du lịch như Hàn Quốc, Nhật
Bản, hay gần hơn như Thái Lan, Singapore, khi về thường kể lại những mẩu chuyện
đầy ấm ức.
Rằng, đi ăn tự chọn thì “chúng” viết
tiếng Việt nhắc nhở: lấy thức ăn vừa phải đừng bỏ phí. Vào siêu thị thì thấy
“chúng” giăng biển nhắc nhở: có camera theo dõi. Đi vào công viên “chúng” cũng
chẳng tha khi viết rõ to: vui lòng bỏ rác vào thùng, bỏ ra ngoài bị phạt!
Tất nhiên, thoạt nghe thì thấy cũng bực.
Tổn thương lắm chứ. Nhưng đọc báo, thấy dân Việt ở xứ người phạm lỗi được nhắc
khá nhiều. Nhiều đến độ dân bản địa chẳng hiểu đây có phải là thói quen do nếp
giáo dục hay văn hóa hành xử của người Việt hay không! Thôi thì họ chọn cách
nhắc trước cho đỡ mích lòng, vì văn hóa ứng xử chung của họ khá tương đồng với
nhiều quốc gia nhưng lại chẳng giống ta.
Ngẫm lại, dân mình khiến dân ta khó xử, tổn thương chứ nào có phải họ.
Ngẫm lại, dân mình khiến dân ta khó xử, tổn thương chứ nào có phải họ.
Ba huấn luyện viên của các quốc gia khác ngồi ngao ngán chờ đại diện Việt Nam. Ảnh Mơ Xuân |
Nhưng, chẳng hiểu sao, dù nhiều tật xấu
đã bị phê phán mà cứ “dính” hoài. Như chuyện mới đây ở giải AFF Cup, tưởng nhỏ
nhưng khiến không ít người giật mình.
Số là, trước giải đấu bao giờ cũng có
cuộc họp báo với huấn luyện viên trưởng các đội bóng trong bảng đấu. Thời gian,
địa điểm được thông báo rõ ràng từ trước.
Thôi thì bỏ qua chuyện, cả ba huấn luyện
viên các đội Campuchia, Myanmar, Malaysia đều có thể tự trả lời bằng tiếng Anh
còn huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam phải dùng phiên dịch. Nhưng, cả ban tổ
chức, giới truyền thông quốc tế lẫn ba huấn luyện viên của các quốc gia đều đến
đúng giờ, chuẩn bị xong hết vẫn chẳng thấy đại diện Việt Nam đâu để bắt đầu!
Kim đồng hồ cứ quay, thời gian cứ trôi,
10 phút đồng hồ sau mới thấy Hữu Thắng, huấn luyện viên cho đội tuyển Việt Nam
tới. May là thành viên ban tổ chức đã vài lần qua Việt Nam tham dự tổ chức
giải. May là giới truyền thông cần phải có tin để đưa. Và may là cả ba vị huấn
luyện viên còn lại cũng chẳng biết trách móc thế nào nên đành ngồi chờ để bắt
đầu. Chứ bằng không, chẳng biết sự tình thế nào.
Thật ra, vài lần chúng ta đã từng ước
“đừng thấy tiếng Việt” khi ở những hoàn cảnh trớ trêu lúc đi Thái, đi Sing, đi
Hàn, đi Nhật. Nhưng giá như, chính những đại diện cho Việt Nam ở tất cả các
“mặt trận” đều nghiêm túc trong ứng xử thì chuyện đã khác.
Thảo Du
Nguồn: Theo Người Đô Thị