An Tôn - VOA
“Cuộc sống của họ rất là điêu
đứng. Ngay cái vụ biển này, họ phải đi rất là xa, xa gấp 4, 5 lần, vào tuốt
biển phía Nam hoặc ra tuốt biển phía Bắc. Họ ra khơi xa thì không thể đánh bắt
được. Mà kể cả đi xa thì họ vẫn không thể bán được giá như trước bởi vì tâm lý
hoang mang của người dân họ không tiêu thụ hải sản độc hại. Nhiều vùng như vùng
Phú Yên, Song Ngọc, Cửa Lò ngoài Nghệ An họ điêu đứng họ chết, phải bán cả
thuyền. Đặc biệt nhất, là vùng Kỳ Hà, người dân ở đây coi như là cửa tử của họ
rất là gần, họ không thể sống bằng nghề gì. Tại vì họ ở ngay tâm điểm của
Formosa. Họ đánh bắt gần bờ, ở ngay eo biển đấy. Bây giờ họ phải ở nhà, hàng
ngàn người dân phải ở nhà mà không nhận được hỗ trợ, đền bù”.
Báo chí Việt Nam
đưa tin Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nói trước Quốc hội hôm 16/11 rằng
"biển miền Trung đã an toàn".
Bộ trưởng Trần Hồng
Hà cho biết bộ của ông trong tháng 8 và tháng 9 đã công bố rằng về cơ bản môi
trường biển 4 tỉnh miền Trung - từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế - đã an toàn sau
thảm họa do hãng Formosa gây ra hồi tháng 4. Ông Hà nói kết luận của bộ dựa
trên những điều tra, đánh giá bài bản và được xác nhận bởi các cơ quan tư vấn
trong và ngoài nước.
Báo chí trích lời
ông phát biểu rằng: “Hôm nay, trước Quốc hội, tôi xin khẳng định biển miền
Trung an toàn. Trên cơ sở phân tích khoa học cho thấy hoạt động du lịch, thể
thao, nuôi trồng thuỷ sản..., có thể tiến hành bình thường”.
Ông Hà cũng cho hay
Bộ Y tế tiếp tục phân tích hải sản 4 tỉnh miền Trung và ông tin tưởng thời gian
tới Bộ Y tế “sẽ công bố toàn bộ hải sản miền Trung an toàn”.
Đánh giá về mức độ
thuyết phục của phát biểu của bộ trưởng, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói
với VOA:
“Đây là phát biểu
của bộ trưởng trong cuộc chất vấn thì chúng tôi cũng ghi nhận như vậy thôi. Vấn
đề còn lại là có bằng chứng, bằng cớ đầy đủ, nhất là làm sao thuyết phục được
người dân địa phương ấy, họ cảm nhận được cái chuyện đó, và nó được trở lại
từng bước với các sinh hoạt bình thường cũng như các hoạt động kinh doanh hay
là khai thác biển ở địa phương này”.
Trong khi đó, từ
Nghệ An, nhà hoạt động Hoàng Bình bày tỏ quan điểm với VOA:
“Câu trả lời của Bộ
trưởng Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà hết sức vớ vẩn và thiếu căn cứ tại vì
sau thời gian Formosa xả thải, chưa hề có biện pháp xử lý gì mà ông đã tuyên bố
biển miền Trung đã tự đào thải, tự làm sạch, rất là vô lý. Người dân ở đây rất
là bức xúc về câu nói đấy. Họ không thể chấp nhận được. Biển không thể đánh bắt
hải sản được. Họ không sống bằng biển được mà ông lại nói biển tự làm sạch. Sắp
tới thì tôi nghĩ rằng rất nhiều người dân sẽ kiện Formosa và họ không chấp nhận
việc Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường nói rằng là biển sạch”.
Ông Bình nói điều
người dân cần là nhà chức trách công bố cụ thể các biện pháp đánh giá môi
trường, kết quả xét nghiệm các mẫu nước, mẫu cá. Tuy nhiên cho đến lúc này
thông tin về những việc đó “vẫn là con số không”.
Ông nói thêm là
thời gian gần đây các nhà hoạt động thuộc giới xã hội dân sự đang “phải làm
thay công việc nhà nước” khi họ lấy mẫu nước và cá để gửi đi xét nghiệm xem
nước và cá đã sạch, an toàn chưa, nhưng chưa có câu trả lời.
Về tình hình đời
sống ngư dân ở các tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, ông Bình cho hay:
“Cuộc sống của họ
rất là điêu đứng. Ngay cái vụ biển này, họ phải đi rất là xa, xa gấp 4, 5 lần,
vào tuốt biển phía Nam hoặc ra tuốt biển phía Bắc. Họ ra khơi xa thì không thể
đánh bắt được. Mà kể cả đi xa thì họ vẫn không thể bán được giá như trước bởi
vì tâm lý hoang mang của người dân họ không tiêu thụ hải sản độc hại. Nhiều
vùng như vùng Phú Yên, Song Ngọc, Cửa Lò ngoài Nghệ An họ điêu đứng họ chết,
phải bán cả thuyền. Đặc biệt nhất, là vùng Kỳ Hà, người dân ở đây coi như là
cửa tử của họ rất là gần, họ không thể sống bằng nghề gì. Tại vì họ ở ngay tâm
điểm của Formosa. Họ đánh bắt gần bờ, ở ngay eo biển đấy. Bây giờ họ phải ở
nhà, hàng ngàn người dân phải ở nhà mà không nhận được hỗ trợ, đền bù”.
Nhà hoạt động Hoàng
Bình cho biết thêm việc chính quyền đứng phân phối tiền đền bù của Formosa cho
người dân bị ảnh hưởng có nhiều điều bất hợp lý. Ông nói có những vùng bị thiệt
hại nặng do thảm họa của Formosa lại chưa được đền bù hoặc được đền ở mức thấp,
trong khi những vùng bị nhẹ lại được đền bù sớm và ở mức cao.
Ông Bình cho rằng
đây có thể là một “mưu đồ” của nhà chức trách tạo ấn tượng với công chúng là
“họ đang tiến hành đền nhưng số tiền không đủ nên họ đền những chỗ ít trước để
lấp liếm”. VOA không có điều kiện để kiểm chứng lời cáo buộc này ngay lập tức.
Trong cuộc trả lời
chất vấn trước Quốc hội hôm 16/11, nói về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân
liên quan đến vụ Formosa, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói
bộ của ông đã “kiểm điểm với tinh thần nghiêm túc, không né tránh từ cao đến
thấp. Nội dung kiểm điểm được gửi các cơ quan cấp trên theo đúng quy định, khi
có kết quả sẽ công khai”.
Nguồn: Theo VOA