27 novembre 2016

Cuba sẽ cần 'cách mạng khác' hậu Fidel?


Image copyright Getty Images Image caption Ông Fidel Castro (trái) đã cố gắng tạo ra 'nhiều hình ảnh đẹp' nhưng tới nay cuộc cách mạng mà ông dẫn dắt Cuba 'đã thất bại' và đất nước này cần một cuộc cách mạng khác, theo Tiến sỹ Vũ Quang Việt.
 
Cuba sẽ cần một cuộc cách mạng thêm nữa hậu cái chết của cựu lãnh đạo Fidel Castro, người vừa ra đi ở tuổi 90, theo một học giả Việt Nam từ châu Mỹ.



Bình luận với BBC sau khi ông Castro qua đời, từ New York, Hoa Kỳ, học giả, Tiến sỹ Vũ Quang Việt, cựu chuyên viên cao cấp của Liên Hợp quốc và nhà quan sát thời sự, chính trị quốc tế, khu vực, nói:

"Việc ông Castro chết, tôi nghĩ rằng trong lịch sử dài lâu người ta sẽ phải đánh giá, nhưng việc ông chết là một việc bình thường vì ông ấy đã từ chức rồi, ông đã lớn tuổi rồi.

Những kêu gọi về dân chủ, nhân quyền, hoặc là cách mạng, những hình ảnh đẹp, tôi nghĩ cái đó ông chẳng đưa lại được gì cả. Và cho đến bây giờ, tất cả hình ảnh đó, để tạo một cuộc cách mạnh xã hội, tạo một hình ảnh đẹp, thì hoàn toàn thất bạiTiến sỹ Vũ Quang Việt

"Theo cảm nghĩ của tôi, ông Castro ngay từ năm 1960, tức là thời Eisenhower, khi mà lật đổ được chế độ độc tài ở Cuba đưa đến vấn đề độc lập cho Cuba, sau đó trong nhiều thập kỷ bị Mỹ cấm vận rồi cô lập, thì người ta thấy ông Castro là hình ảnh của một người dám đứng lên để chống lại Mỹ.

"Người ta nhìn thấy hình ảnh của ông là hình ảnh của một người muốn làm cuộc cách mạng xã hội đưa đến ấm no và tự do cho Cuba. Ngoài ra, trong thời gian về sau này, ông cũng là hình ảnh giúp rất nhiều nước ở châu Phi chống lại những nước thuộc địa (thực dân) để đem lại độc lập cho các nước ở châu Phi, đó là những hình ảnh đẹp."

Hình ảnh thất bại?

Tuy nhiên về đằng sau các 'hình ảnh đẹp' đó và nhìn lại, liệu cố lãnh đạo của cuộc cách mạng ở Cuba thực sự đạt được thành tựu gì hay không, Tiến sỹ Vũ Quang Việt bình luận tiếp:

"Tổng quát lại, công đóng góp của ông ấy là như thế, còn những kêu gọi về dân chủ, nhân quyền, hoặc là cách mạng, những hình ảnh đẹp, tôi nghĩ cái đó ông chẳng đưa lại được gì cả.

"Và cho đến bây giờ, tất cả hình ảnh đó, để tạo một cuộc cách mạnh xã hội, tạo một hình ảnh đẹp, thì hoàn toàn thất bại.

Image copyright AFP Image caption Một số quốc gia đi theo cuộc cách mạng của ông Fidel Castro, như Venezuela ở châu Mỹ, cũng đã 'chịu thất bại' và 'không đi đến đâu', theo Tiến sỹ Vũ Quang Việt.

"Có nghĩa là những nước này cần phải có một cuộc cách mạng thêm nữa thì mới có thể đưa xã hội tốt đẹp lên được...

"Tôi nghĩ, Cuba sẽ còn có nhiều người thời xa xưa, những hình ảnh đẹp chống lại Đế quốc Mỹ, thì họ sẽ thương tiếc ông ấy, quá khứ đã huy hoàng như vậy.

"Còn bây giờ những người trẻ, tôi nghĩ họ sẽ nhìn ông ấy rất là khác, vì họ nhìn ông ấy là một hình ảnh đã qua rồi và họ muốn (có một) cái gì thay đổi ở Cuba."

Donald Trump nói bây giờ không muốn tham dự vào việc xây dựng, hay lập một quốc gia, giúp một quốc gia để xây dựng nước dân chủ theo hình ảnh của MỹTiến sỹ Vũ Quang Việt

Trump với Cuba hậu Fidel?

Gần đây, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã có một số động thái liên quan quá trình bình thường hóa các quan hệ của Mỹ với Cuba, tuy nhiên, tới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thay thế ông Obama, trước câu hỏi quan hệ Mỹ - Cuba sẽ ra sao, liệu ông Trump có tiếp tục hay sẽ làm khác các chính sách của chính quyền Obama liên quan tới Cuba, hậu Fidel Castro, học giả Vũ Quang Việt trả lời:

"Tôi nghĩ rằng Donald Trump là một người buôn bán, 'lái buôn', ông ta sẽ phải đánh giá cái lợi và cái hại đối với Cuba.

"Nói chung, cho đến ngày hôm nay, toàn bộ những cấm vận của Mỹ với Cuba coi như không đưa đến đâu cả, Cuba vẫn là Cuba, tức là họ vẫn là nghèo đói, họ vẫn chưa có dân chủ, họ vẫn thế này, vẫn thế kia.

"Donald Trump nói bây giờ không muốn tham dự vào việc xây dựng, hay lập một quốc gia, giúp một quốc gia để xây dựng nước dân chủ theo hình ảnh của Mỹ.

"Thì tôi nghĩ rằng ông Trump có tiếp tục..., đảo ngược lại chính sách của Cuba cũng là vô tích sự, thế giới bây giờ, đặc biệt bên Nam Mỹ họ đã có liên hệ với Cuba, mà tự cô lập thì rõ ràng cho đến bây giờ là không đưa đến đâu.

"Cho nên khi Obama mở cửa như vậy là một điều tốt rồi," học giả từ Bắc Mỹ nói với BBC hôm thứ Bảy.

Nguồn: Theo BBC