24 décembre 2016

Tiết kiệm muôn năm, bọ mần cái đã


Xuân Dương: "Hiến pháp quy định Giáo dục là quốc sách hàng đầu, dù Giáo dục có tiến bộ đến mấy mà sản phẩm của nó là đội ngũ trí thức vẫn thích phô trương, hình thức, đội ngũ cán bộ (kể cả lãnh đạo) vẫn xem ngân sách là “chùm khế ngọt” tha hồ trèo hái thì ngay việc giữ ở mức “thu nhập trung bình” cũng khó chứ chưa nói đến bằng các nước trong khu vực.

Đến bao giờ thì bộ máy công quyền mới chấm dứt được tình trạng “tiết kiệm muôn năm, bọ mần cái đã”? Và không thể không nêu thêm câu hỏi nữa: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu thì Tiết kiệm là quốc sách thứ mấy?”."
Biếm họa xe công của V.Thọ



Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công. Các lĩnh vực được đề đề cập gồm:

Quản lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập;
Kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc;
Xây dựng phương án khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công;
Đấu giá công khai, minh bạch khi giao đất, cho thuê đất.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu đến năm 2020 giảm khoảng từ 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các Bộ, ngành, địa phương (trừ lĩnh vực an ninh, quốc phòng).

Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công nghĩa là
tiết kiệm ngân sách, nghĩa là sử dụng tiền thuế của dân một cách hợp lý, vấn đề đã được nói quá nhiều song chuyển biến thì chưa được bao nhiêu.
Trong phạm vi quản lý theo luật định, Chỉ thị 31/CT-TTg chỉ mới đề cập đến tài sản công, nhưng một khi tiết kiệm là quốc sách thì còn phải đề cập đến hai nhóm đối tượng khác là khối ngoài quốc doanh và người dân.

Có ý kiến cho rằng tiền của chủ doanh nghiệp tư nhân là “mồ hôi nước mắt” của họ nên họ hết sức tiết kiệm, điều này chưa hẳn đã đúng.

Một số doanh nghiệp mua bữa ăn công nghiệp cho công nhân với mức tiết kiệm tối đa, hậu quả tất yếu là thực phẩm không bảo đảm chất lượng,
hàng trăm công nhân bị ngộ độc phải nhập viện, chi phí bỏ ra khắc phục hậu quả lớn hơn nhiều so với số tiền tiết kiệm được.

Nhiều ngư dân mua máy cũ lắp vào tàu cá đi biển, hậu quả hàng chục vụ tàu bị hỏng máy trôi dạt, tính mạng ngư dân bị đe dọa nghiêm trọng…

Nước Việt ngày nay mới chỉ thuộc nhóm nước
thu nhập trung bình nhưng số tiền chi cho bia rượu khoảng 3 tỷ USD một năm, nhiều hơn tiền thu được từ xuất khẩu gạo!

Chỉ riêng lĩnh vực xe công, số liệu công bố năm 2015 cho thấy: cả nước hiện có gần 40.000 xe ôtô công, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước.

Chi phí sử dụng một xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng mỗi năm, ước tính mỗi năm ngân sách phải chi khoảng gần 13 nghìn tỷ đồng.

Giảm 50% xe công nghĩa là mỗi năm tiết kiệm được khoảng hơn 6 nghìn tỷ chi phí sử dụng, chưa kể tiền thanh lý số xe này.

Để xây dựng mới một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia với số lớp khoảng từ 25-30, học sinh học 2 buổi/ngày, đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên,… cần khoảng 30 tỷ. [1]

Số tiền tiết kiệm chi phí từ việc giảm xe công nếu được thực hiện sẽ đủ xây 200
trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.

Nếu chỉ cần xây các lớp học kiên cố cho miền núi, không để tình trạng lớp học không có tường che như trong ảnh thì con số có lẽ sẽ là vài nghìn phòng học. 
 
Lớp học miền núi. (Ảnh: zing.vn)
Tổng Biên tập một tờ báo cho hay, trao đổi với lãnh đạo một doanh nghiệp nước ngoài, người đó nói: “điều quan trọng trong điều hành hiện nay là cắt giảm chứ không phải tăng đầu tư”. "Chỉ đến khi anh không thể cắt giảm được nữa thì lúc đó anh mới tính đến chuyện đầu tư, lúc này một đồng đầu tư ra sẽ hiệu quả gấp trăm lần khi chưa cắt giảm", Vị này chia sẻ.

Khẩu hiệu của doanh nghiệp đó là “cắt giảm, cắt giảm, cắt giảm”. Cắt giảm tiêu hao năng lượng, cắt giảm chi phí khấu hao, cắt giảm chi phí quản lý,…

Tiết kiệm là một quy luật, một phương pháp của chế độ kinh tế” là điều đã được các nhà kinh tế khẳng định, tiếc rằng ở nước ta, bộ phận không nhỏ các “nhà” quản lý lại chưa phải là những nhà kinh tế đúng nghĩa.

Tháng 2/2016, Chính phủ công bố “Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Theo đó nêu rõ: “không tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản”.

Báo Infonet.vn còn nhấn mạnh: “cắt 100% việc tổ chức lễ động thổ công trình cơ bản để tiết kiệm”. [2]

Vậy chương trình của Chính phủ và Chỉ thị số 31/CT-TTg được thực hiện như thế nào? 


Với mục tiêu “Kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc”, liệu có nên để tình trạng từ phường xã trở lên tồn tại nhiều loại trụ sở: trụ sở cơ quan công quyền và trụ sở các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội.

Thêm trụ sở nghĩa là thêm trang thiết bị, đội ngũ cán bộ và quỹ lương. Một thống kê cho thấy cả nước có đến 11 triệu người hưởng lương và phụ cấp thường xuyên, đến nỗi Vietnamnet.vn phải viết: “11 triệu người ăn lương: Ngân sách nào kham nổi”?

Liệu khi yêu cầu giảm 30%-50% xe công, Chính phủ có dự kiến giảm số người hưởng lương tương ứng?

Tại hai thành phố quan trọng nhất nước, báo Hanoimoi.com.vn đưa tin vẫn có những thông tin về lễ động thổ một dự án lớn.

Hai “lễ động thổ”, tại Hà Nội diễn ra ngày 8/10/2016 còn tại thành phố Hồ Chí Minh là ngày 17/11/2016, nghĩa là sau khi có chủ trương của Chính phủ “không tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản”?

Tại thành phố Thành phố Hồ Chí Minh, Cổng thông tin điện tử Chính phủ phần về Thành phố này đưa tin: “Động thổ xây dựng gói thầu cuối cùng tuyến metro số 1”. [4]

Lễ động thổ gói thầu tàu điện ngầm (TP. Hồ Chí Minh) . (Ảnh: VGP/Nam Đàn)
Vậy thì bao giờ mới bắt đầu tiết kiệm, khi mà không ít lãnh đạo và cơ quan nhà nước lại luôn nêu tấm gương “trên bảo, dưới… lờ”?

Động thổ xây nhà bán trú 3 gian cấp 4 tại Nậm Giải, Quế Phong, Nghệ An (Ảnh: Xuân Hòa)
Dân gian quan niệm “động thổ” là bổ mấy nhát cuốc xuống đất xin phép Thổ địa bắt đầu xây dựng công trình, vậy động tác bấm nút điện ra lệnh bắt đầu thi công công trình có gọi là “động thổ”?

Và còn nữa, 9 vị lãnh đạo ban ngành tỉnh Nghệ An (trong ảnh) xúc cát trong máng đổ xuống bãi cỏ để “động thổ” xây dựng ngôi nhà cấp 4 ba phòng bán trú cho học sinh tiểu học ở Nậm Giải, Quế Phong có đúng nghĩa là “động thổ” hay chỉ nhằm nâng thêm “tầm cao văn hóa” của người trong ảnh?

Sự hoàng tráng của lễ động thổ được tô phủ bởi cờ hoa, băng rôn, cổng chào… có làm cho công trình trở nên bền vững hơn hay vừa tốn tiền ngân sách vừa kệch cỡm, phản cảm? 

Hiến pháp quy định Giáo dục là quốc sách hàng đầu, dù Giáo dục có tiến bộ đến mấy mà sản phẩm của nó là đội ngũ trí thức vẫn thích phô trương, hình thức, đội ngũ cán bộ (kể cả lãnh đạo) vẫn xem ngân sách là “chùm khế ngọt” tha hồ trèo hái thì ngay việc giữ ở mức “thu nhập trung bình” cũng khó chứ chưa nói đến bằng các nước trong khu vực.

Đến bao giờ thì bộ máy công quyền mới chấm dứt được tình trạng “tiết kiệm muôn năm, bọ mần cái đã”? Và không thể không nêu thêm câu hỏi nữa: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu thì Tiết kiệm là quốc sách thứ mấy?”.

Tài liệu tham khảo:




Xuân Dương

Nguồn : Theo GDVN