Xin có mấy lời bình luân (nhân đọc bài "10 tồn tại, vướng mắc của nền kinh tế Việt Nam dưới góc nhìn của Chính phủ" trên báo VnEconomy):
1/ Báo cáo của Chính phủ nêu 10 tồn tại, vướng mắc. Như vậy là dàn trải và dài dòng quá, trùng lắp khó nhớ, khó khắc phục, sửa chữa.
2/ Tôi thấy cần phải nhấn mạnh một điều cốt lõi mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt được bệnh và nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, là "phải chấm dứt cơ chế xin cho", nhưng dường như Thủ tướng nói cứ nói, các Bộ ngành cứ bỏ ngoài tai: Vần cứ làm theo lối mòn xưa cũ. Cơ chế "xin - cho" vẫn còn rất nặng nề, đang làm triệt tiêu mọi nội lực và động lực phát triển. Năng suất thấp, hiệu quả kém, nợ công ngập đầu, nợ nước ngoài ngày càng chồng chất... (dường như vô phương cứ chữa?) cũng từ đó mà ra.
3/ Đề nghị lập một Tổ (không cần ban bệ, Tổ chỉ cần quy tụ một số ít cán bộ lãnh đạo và chuyên gia có năng lực, có uy tín) giúp Thủ tướng Chính phủ rà soát và kiến nghị dẹp bỏ các loại cơ chế "xin - cho" hiện hữu, với lộ trình và bước đi thích hợp. Tổ bắt đầu hoạt động từ ngày 1/1/2017.
4/ Kính mời quý vị và các bạn xem lại bài viết của tôi cách đây 1/4 thế kỷ:
BỐN BÀI HỌC QUẢN LÝ
KINH TẾ VĨ MÔ (*)
TS Trần Nhơn (Nguyên Thứ trưởng)
Từ những thành bại
trong đời sống kinh tế - xã hội nước ta, có thể rút ra bốn bài học quản lý kinh
tế vĩ mô (nôm na, dễ nhớ) như sau:
1. Tiền đâu, đầu tiên
Nhân dân đã tổng kết "Tiền đâu, đầu tiên". Ta không quan tâm đến khía cạnh mỉa mai chống tiêu cực, mà chỉ lưu ý đến sự khái quát nghiêm túc về một tất yếu khách quan của câu tổng kết đó: làm việc gì cũng phải có vốn, có chi phí, có đầu tư, phải có cân đối tài chính. Không thể chỉ lên kế hoạch suông một cách chung chung về những mục tiêu mong muốn chủ quan, duy ý chí.
Trong chiến lược kinh tế - xã hội đến năm 2000, thì phương án cân đối tài chính cũng chưa được rõ. Phải tiếp tục xây dựng chính sách tài chính quốc gia để có cơ sở làm rõ khâu quan trọng này thì các mục tiêu chiến lược mới có thể đạt được một cách vững chắc.
2. Đầu tư từ đâu?
Trong quá trình đổi mới để thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội, nhân dân lại tổng kết và đặt thành câu hỏi: Đầu tư từ đâu? Rõ ràng là, nói chung, và nhất là trong tình hình ngân sách hạn hẹp và cân đối rất khó khăn như hiện nay, vốn đầu tư chủ yếu phải được lấy từ hiệu quả kinh tế của hàng ngàn dự án đầu tư đã được thực hiện trong nhiều chục năm qua, với tài sản cố định hàng chục vạn tỷ đồng. Đây là nguồn vốn to lớn, nếu có chính sách và cơ chế đúng đắn, vốn có thể được huy động, tái tạo để tái đầu tư. Chẳng hạn, đối với xí nghiệp quốc doanh quản lý các hệ thống công trình kết cấu hạ tầng sản xuất, chỉ cần tăng mức trích khấu hao cơ bản trong giá thành sản phẩm bình quân 2%, ngân sách có thể có thêm nhiều nghìn tỷ đồng để đẩy mạnh nhịp độ đầu tư xây dựng cơ bản trong những năm tới bằng chính sức mạnh của nội bộ nền kinh tế nước nhà. Đương nhiên, trong bối cảnh quen được trợ giá một phần hoặc toàn phần khấu hao cơ bản, thậm chí còn hỗ trợ sửa chữa lớn và cả bảo dưỡng vận hành nữa, các chủ thể sản xuất kinh doanh không dễ dàng tiếp thụ và đón nhận chính sách mới này. Nhưng chúng ta cần khẳng định rằng, hỗ trợ đầu vào quá lớn là một khuyết điểm, một sai lầm chứ không phải là "ưu việt" như cách nghĩ trước đây. Vì thế chúng ta kiên quyết sửa chữa sai lầm. Đương nhiên, phải có cách làm và bước đi thích hợp. Và chúng ta sẽ không hoang mang khi nghe những tiếng kêu, những lời răn đe, lời phản đối: "không chịu nổi", "không khuyến khích sản xuất", "bóp chết sản xuất", "thị trường và người tiêu dùng không chấp nhận nổi", "nông dân sẽ bỏ ruộng", v.v... Vấn đề là cần bình tĩnh lắng nghe, xem xét, đâu là tiếng kêu thật, đâu là tiếng kêu giả, nguyên nhân thật sự là ở đâu. Và xin lưu ý một điều: có khi những người kêu to nhất lại chính là những người đang làm ăn dư dả trên sự bao cấp của Nhà nước qua chính sách trợ giá đầu vào lâu nay; còn biết bao người ở các vùng chưa được đầu tư bao nhiêu, chỉ chịu đựng âm thầm hay chỉ có tiếng kêu nhỏ bé hầu như không được ai để ý tới, mới chính là những người thật sự khó khăn cần được quan tâm giúp đỡ. Đầu tư không phải là cho không, cũng không phải là việc làm từ thiện, càng không thể là cho không, là làm từ thiện đối với những người, những vùng đã được đầu tư (cho không) khá lớn trong nhiều chục năm qua. Và tiếc thay thực tiễn lại chứng minh rằng, sự bao cấp nặng nề qua trợ giá đầu vào theo kiểu "làm từ thiện" đó đã không đến được tay người lao động bao nhiêu, mà chủ yếu bị thất thoát, bị "ăn chặn" ở các khâu trung gian.
Vì thế, cứ kiên quyết tính đúng tính đủ: "Dùi đánh đục, đục sẽ đánh chạm". Tác động dây chuyền do tính đúng, tính đủ nhất định sẽ làm tăng giá thành và giá bán các sản phẩm, các dịch vụ. Nhưng trong cơ chế thị trường, sự đội giá đầu vào do tính đúng, tính đủ đó sẽ là sức ép mạnh mẽ thúc đẩy có hiệu quả việc giảm các khoản "ăn chặn", thất thoát và các khoản chi phí không cần thiết để bảo đảm đầu ra thị trường có thể chấp nhận. Mặt khác, sự tăng giá đó nhất định rồi sẽ đi tới ổn định cùng với các biện pháp đồng bộ kiên quyết hạn chế, đẩy lùi lạm phát. Theo chúng tôi, trong điều kiện nước ta hiện nay, nếu không kiên quyết đi tới tính đúng, tính đủ đầu vào, cả đối với các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, thì việc hạn chế, đẩy lùi lạm phát chỉ là khẩu hiệu suông, vô phương tháo gỡ. Tuy nhiên, tính đúng, tính đủ đầu vào chưa phải là tất cả. Nếu không đồng thời kiên quyết thực hiện các biện pháp đồng bộ khác để tích cực hạn chế và đẩy lùi lạm phát thì mặt bằng giá cũng sẽ cứ nâng mãi, không ổn định được. Đành rằng các biện pháp đồng bộ và kiên quyết đó là không giản đơn và rất phức tạp, khó khăn. Nhưng một đằng là khó khăn, phức tạp, song cố gắng thì còn thấy lối ra, còn một đằng là vô phương tháo gỡ. Vậy ta chọn đằng nào?
3. Kinh tế là phải kê tính, kê đầy đủ và tính sòng phẳng từ A đến Z
Nhiều chục năm qua, nền kinh tế nước ta chìm đắm trong cơ chế tập trung quan liêu hành chính bao cấp, cho nên nói "kinh tế" mà thực chất chúng ta chưa "làm kinh tế" (vì chưa chịu “kê tính”). Chúng ta "cấp phát và giao nộp", chúng ta "cho vốn và xin vốn", chúng ta "ăn" vào vốn ngân sách, "ăn" vào vốn vay nước ngoài. Cơ chế đó làm triệt tiêu mọi động lực năng động sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, làm xói mòn nghiêm trọng tinh thần trách nhiệm bảo tồn và phát triển vốn, nương nhẹ kẻ lười biếng, và trên chừng mực nào đó, khuyến khích kẻ cơ hội, bất tài, kém đạo đức. Ta cũng đã nói đến "hạch toán kinh tế" trong nhiều chục năm qua và cũng đã có những chuyển biến chậm chạp trong lĩnh vực này. Song về căn bản chỉ là hạch toán hình thức trên một nền bao cấp nặng nề. Đem phần bao cấp từ A đến P trộn lẫn vào phần hạch toán kinh doanh từ Q đến Z để làm ra lãi giả, lỗ thật, gây nên bao tổn thất nặng nề cho ngân sách. Nay trong công cuộc đổi mới, càng ngày ta càng thấm thía: Kinh tế là kê tính, kê đầy đủ và tính sòng phẳng từ A đến Z.
4. “Đổi mới” là giảm “đòi moi” ngân sách, tiến tới chấm dứt "đòi moi" và đóng góp ngày càng tích cực hơn cho ngân sách
Trong công cuộc đổi mới, những tấm gương tự lực cánh sinh, tự lực tự cường trong sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị, địa phương, cơ sở càng giúp chúng ta khẳng định rõ thêm một nhận xét là: Nếu ai đó nói "đổi mới" mà còn tiếp tục "đòi moi" ngân sách hỗ trợ, cấp phát, bao cấp cho đơn vị mình, ngành mình quá lớn, thì tức là người đó chỉ hô khẩu hiệu suông, nói không đi đối với làm. Chúng ta đang gặp phải những khó khăn chưa từng có về cân đối ngân sách trong những năm đầu của thập kỷ 90 này. Nếu không quán triệt bài học thứ tư này thì mục tiêu đổi mới khó mà thực hiện được. Nhưng công bằng mà nói, không thể đổ hết khuyết điểm "đòi moi" cho các đơn vị, địa phương và cơ sở. Thực trạng “đòi moi” này chủ yếu là do cơ chế vĩ mô sản sinh ra, vì vậy phải sửa từ trên xuống. Nhiều anh em ở đơn vị cơ sở, địa phương tâm sự: biết là ngân sách khó khăn như vậy, nhưng trên còn "cho" thì chúng tôi còn "xin". Người khác còn xin được thì chúng tôi cũng phải xin cho bằng được chứ! Tự trên chứ đâu phải tự chúng tôi! Đề nghị trên phải sửa chính sách cơ chế và phải tuyên truyền giáo dục để quán triệt sâu rộng, làm sao không còn tình trạng: khi tôi còn ở trung ương thì tôi “cắt giảm”, khi tôi về địa phương, cơ sở thì tôi "đòi moi", mai kia lên trung ương tôi lại "cắt giảm"… Tức là làm sao cho trên dưới đều nhất trí đồng lòng là phải huy động cao sức dân để phục vụ dân kịp thời, có hiệu quả hơn, trên cơ sở xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dung, tích lũy từ nội bộ nền kinh tế để xây dựng ngân sách ngày càng tăng trưởng, bảo đảm cân đối tài chính cho yêu cầu chiến lược kinh tế - xã hội đến năm 2000, làm sao chỉ có đạt và vượt mức huy động như kế hoạch đề ra, theo phương châm “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn phần dân liệu cũng xong”. Nếu trong bước ngoặt lịch sử khó khăn to lớn này, mọi chủ trương, chính sách được nghiên cứu chu đáo, đưa ra dân biêt, dân bàn, để dân làm, dân hưởng, dân chi trả, đóng góp, thì nhất định chúng ta sẽ vượt qua được thử thách to lớn này để vươn lên tiến kịp và sánh vai cùng với cộng đồng quốc tế./.
(*) Báo Nhân Dân (11/12/1991); Thời báo Kinh tế (tháng 10/1991)