Ông Nguyễn Phong Quang |
Số là, sau khi về hưu, “từ giã” chức Phó ban Chỉ
đạo Tây Nam Bộ, ông Quang vẫn còn giữ chức Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo
Tây Nam Bộ. Bê bối của ông mà báo chí nêu, khiến ông mất mặt, và ông phân bua
mình sẽ khó đi gặp doanh nghiệp để xin tiền cho người nghèo…
Đúng là khó thật. Người dính dấp đến những bê
bối lộng quyền, bổ nhiệm cán bộ mập mờ, lại vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương
công bố quyết định kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm liên quan đến việc
tiếp nhận và bổ nhiệm “ông” Vụ phó 26 tuổi Vũ Minh Hoàng, thì doanh nghiệp nào
dám giao tiền cho ông! Họ lo, đưa 10 đồng, liệu còn được bao nhiêu đồng đến tay
người nghèo, khi có thể “giao trứng cho ác”.
Và bệnh nhân nghèo, khi nhận tiền hỗ trợ từ
người đại diện hội như ông, cũng phân vân lắm: “Ông ta hỗ trợ thật hay để muốn
lấy tiếng, lấy lòng dân, xí xóa những bê bối vừa qua? Ông ta có đưa đủ phần
mình được hỗ trợ không, khi dính dáng những “bê bối” như vậy?”.
“Tụi bây làm như bầy…”, đúng là câu nói thật
lòng của ông Quang với cánh báo chí. Và ông trách báo chí đã làm khó ông. Thế
nhưng, sao ông không tự trách mình, khi lại để mình dính dáng đến những bê bối
ấy? Ông đã không thật lòng với chính mình! Cái tâm của ông ra sao, chỉ có ông
mới biết, trách chi ai. Nếu giờ mất mặt khó làm, thì nếu sĩ diện, nên nhường
trọng trách ấy cho người khác!
Và bao nhiêu người dân sẽ trách lại ông? “Ông
làm như vầy, con cháu của dân trơn tụi tui làm sao có cơ hội được bổ nhiệm cán
bộ, làm sao cạnh tranh lại những cán bộ được bổ nhiệm “siêu tốc” như Vũ Minh
Hoàng?”; “Ông làm như vầy, dân tụi tui sẽ mất lòng tin với quy trình bổ nhiệm
cán bộ”…
Mới đây, còn phát hiện, ngoài trường hợp Vụ phó
Vũ Minh Hoàng và Vụ phó Nguyễn Tiến Khoa mà báo chí phản ảnh bổ nhiệm nhanh,
chưa phù hợp tiêu chuẩn theo quy chế của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tây
Nam Bộ, hiện còn hàng loạt trường hợp khác khi bổ nhiệm cũng thiếu chuẩn.
Đó là các trường hợp bà Lê Thị Thu Hằng, Phó
chánh văn phòng, Phạm Quốc Việt, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, Nguyễn Như Hạnh, Phó
vụ trưởng Vụ Văn hóa - Xã hội và Nguyễn Hoàng Hành, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa -
Xã hội. Các vị này khi bổ nhiệm chưa đảm bảo tiêu chuẩn giữ ngạch chuyên viên
chính, trong khi quy chế quy định bắt buộc phải có!
Như năm 2015, bà Hằng, giữ chức Trưởng phòng
Quản trị tài chính Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và được cử đi thi nâng
ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính chung đợt với ông Nguyễn Tiến Khoa,
Vụ phó Vụ Kinh tế (hiện về làm thư ký cho ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch -
Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam).
Tuy nhiên kỳ thi này bà Hằng thi rớt vì tổng
điểm chỉ 131 điểm, trong đó môn kiến thức chung chỉ đạt 45 điểm, trong khi
chuẩn phải từ 50 điểm trở lên. Dù thi rớt, nhưng bà Hằng vẫn được bổ nhiệm Phó
chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, dù thiếu chuẩn theo quy định!
Hay như ông Nguyễn Huỳnh Phước, thời điểm năm
2014 đã là Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế nhưng chưa giữ ngạch chuyên viên chính, nên
phải đi dự thi nâng ngạch để đảm bảo chuẩn. Hay như ông Nguyễn Hoàng Hành, thi
nâng ngạch chuyên viên chính rớt nhưng sau đó vẫn được bổ nhiệm giữ chức Phó vụ
trưởng Vụ Văn hóa Xã hội…
Ông Nguyễn Phong Quang vừa qua cũng đã nhìn
nhận là bà Hằng có đi thi nhưng rớt và việc bổ nhiệm bà này lên Phó chánh văn
phòng khi chưa giữ ngạch chuyên viên chính là có nhưng do… nhu cầu.
“Ông làm như vầy, là sao hả ông Quang?”, bây
giờ, cánh báo chí sẽ trách ngược lại ông như vậy!
Hồ Hùng
Nguồn: Theo Một Thế Giới Mới