17 décembre 2016

Du lịch Việt ngày càng tụt hậu

Thái Phương 

Dù được định hướng sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và mục tiêu đón khoảng 15 triệu lượt khách quốc tế đến năm 2020 nhưng ngành du lịch Việt Nam lại chưa đầu tư xứng tầm cho quảng bá.

Nhìn qua các nước, lượt du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Singapore, Malaysia… và còn khá xa so với mục tiêu đón 15 triệu lượt khách quốc tế của Việt Nam vào năm 2020.

Du lịch Việt thiếu sản phẩm hấp dẫn du khách Ảnh: Tấn Thạnh



Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2016, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 926.000 lượt. Đây là tháng có số lượng khách quốc tế đến Việt Nam lớn nhất từ trước tới nay, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước và nâng tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng năm nay lần đầu cán mốc hơn 9 triệu lượt.

Sức cạnh tranh yếu

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, cho rằng so với vài năm trước, tình hình du khách quốc tế đến nước ta, nhất là từ châu Âu và Mỹ, khả quan hơn nhưng một phần do yếu tố mùa vụ. Để có lượng khách quốc tế đến tăng đột biến là rất khó và cần nhiều giải pháp đồng bộ từ quảng bá xúc tiến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, giá cả cạnh tranh…

Nhìn qua các nước, lượt du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Singapore, Malaysia… và còn khá xa so với mục tiêu đón 15 triệu lượt khách quốc tế của Việt Nam vào năm 2020.

So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều tài nguyên hấp dẫn nhưng vẫn còn hạn chế về sản phẩm du lịch. TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - Tổng cục Du lịch, nhận định nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành du lịch Việt Nam có nguy cơ bị nhiều nước trong khu vực như Campuchia, Lào hay Myanmar vượt lên, nhất là trong bối cảnh điểm đến Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh và các nước như Philippines, Indonesia, Campuchia gần đây rất quan tâm đầu tư phát triển du lịch.

Tại hội thảo đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành du lịch mới đây, nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam có nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển du lịch nhưng lại chưa phát huy khiến năng lực cạnh tranh yếu so với các nước. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2015 về thứ hạng cạnh tranh của một số quốc gia trong khu vực ASEAN, du lịch Việt Nam xếp 75/141 quốc gia (đã tăng 5 bậc so với trước), sau Philippines (xếp thứ 74), Indonesia (50), Malaysia (25) và Singapore (11)…

Về mức độ ưu tiên cho du lịch của các quốc gia trong khu vực năm 2015, Việt Nam cũng nằm ở cuối danh sách, sau cả Myanmar, Lào và Campuchia. Nếu xét về tỉ trọng của tổng lượng khách quốc tế và tổng thu từ du lịch của Việt Nam trong khu vực, năm 2010 lượng khách đến Việt Nam chiếm 7,2% tổng lượng khách của ASEAN nhưng 5 năm sau, tỉ lệ này cũng chỉ tăng lên 7,6%. Tỉ trọng về tổng thu từ du lịch trong khu vực của Việt Nam cũng chỉ từ 6,5% năm 2010 lên 6,7% năm 2015.

Thiếu cả kinh phí và giải pháp

Một trong những hạn chế của ngành du lịch, theo các chuyên gia, Việt Nam chưa đầu tư xứng tầm về quảng bá, xúc tiến. Vài năm gần đây, kinh phí xúc tiến du lịch từ ngân sách nhà nước ở mức 30-40 tỉ đồng/năm, thấp nhiều so với nhu cầu thực tế và các nước trong khu vực. Theo thống kê của nhóm công tác về du lịch Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 vừa qua, ngân sách dành cho quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam năm 2016 khoảng 2 triệu USD, trong khi Philippines là 54,2 triệu USD, Thái Lan 80 triệu USD và Malaysia hơn 81 triệu USD…

Ngay việc mở văn phòng đại diện ở các nước, một số thị trường trọng điểm để giới thiệu sản phẩm du lịch, điểm đến tới du khách quốc tế, ngành du lịch Việt Nam cũng chưa làm được vì thiếu kinh phí.

“Thái Lan đã thành lập tới 27 văn phòng đại diện ở nước ngoài để quảng bá, xúc tiến du lịch. Ngay cả Nhật Bản trước đây hạn chế thu hút khách Việt, nay cũng chủ động mời gọi. Chi phí cho quảng bá, xúc tiến du lịch được các nước đầu tư mạnh, trong khi Việt Nam lại quá ít” - ông Tuấn nhận xét.

Về giải pháp miễn visa để thu hút du khách, theo báo cáo của nhóm công tác về du lịch, Thái Lan đang áp dụng chính sách miễn visa cho công dân của 56 quốc gia và vùng lãnh thổ, Philippines miễn visa 157 quốc gia, Singapore 158 quốc gia, Malaysia 155 quốc gia… Trong khi đó, Việt Nam mới miễn visa cho 22 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việc miễn visa đã góp phần làm tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhưng thủ tục nhập cảnh Việt Nam vẫn còn phức tạp. Nghiên cứu của Hội đồng Du lịch thế giới về tác động của việc tạo điều kiện thuận lợi cho thị thực với các quốc gia cho thấy Việt Nam có thể thu hút thêm đến 10 triệu lượt khách quốc tế, tạo thêm 654.000 việc làm và tiềm năng khách quốc tế đến Việt Nam có thể tăng tới 17,8%... nếu cải thiện thêm thủ tục này.

Mới đây, mô hình Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đang được đề xuất hoạt động theo hướng nhà nước hỗ trợ ngân sách ban đầu, quỹ sẽ được bổ sung một phần từ phí visa nhập cảnh, đóng góp từ du khách thông qua các cơ sở lưu trú, phí tham quan. Nếu được triển khai, đây sẽ là một giải pháp góp phần tăng cường nguồn lực xúc tiến du lịch.




TP.HCM muốn có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới

Ngày 16.12, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì cuộc họp về kế hoạch phát triển ngành du lịch TP năm 2017. Theo Sở Du lịch TP, năm 2017, TP phấn đấu thu hút khoảng 5,5 triệu lượt du khách, tăng 7% so với năm 2016. Ngành du lịch TP tiếp tục đẩy mạnh phát triển, quảng bá các sản phẩm du lịch đến du khách nội địa và quốc tế.

Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các sở - ngành nghiên cứu, đề xuất UBND TP hướng phát triển du lịch năm 2017 với một số loại hình du lịch như gắn với hoạt động thể dục thể thao, liên hoan nghệ thuật đường phố, nhân rộng thêm các loại hình du lịch đường thủy, nghỉ dưỡng…




Thái Phương 
(Theo Người lao Động)