Đức Huy
Nixon-Kissinger đã kéo nước Mỹ vào chính sách Một Trung Quốc như thế nào? |
"Chúng
ta sẽ tiếp tục giữ quan hệ gần gũi, thân thiện với Đài Loan, nhưng chúng ta
cũng phải nhớ, và [chính quyền Đài Loan] cũng phải chuẩn bị tâm lý cho một thực
tế rằng, Mỹ sẽ từng bước tiếp tục đi trên quỹ đạo bình thường hóa với cả bên
còn lại - tức Trung Quốc đại lục. Đây là vấn đề thuộc phạm trù lợi ích quốc
gia. Không phải vì chúng ta yêu quý gì [đại lục], mà vị trí chiến lược của họ
[buộc ta phải làm vậy]".
- Richard Nixon
(Văn phòng Lưu trữ - Bộ Ngoại giao
Mỹ)
Đó là những lời dặn dò trực tiếp qua điện thoại mà Tổng thống Mỹ Richard
Nixon gửi tới Đại sứ Mỹ tại Đài Loan bấy giờ, ông Walter McConaughy, vào ngày
30/6/1971. Chỉ thị của "sếp" khi đó thực sự đã đặt McConaughy vào thế
khó, buộc vị Đại sứ này phải tìm cách lựa lời nói với chính quyền Tưởng Giới
Thạch về hướng đi mới của Washington.
Sở dĩ nói ông McConaughy gặp khó là bởi giống như đại bộ phận các nước
phương Tây khác, khi đó Mỹ vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chưa
thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Quốc dân đảng (KMT) cũng nhận được rất nhiều
sự trợ giúp từ Washington kể từ khi phải rút về Đài Loan sau thất bại trong nội
chiến Trung Quốc năm 1949.
Nhưng vì lợi ích quốc gia, mà cụ thể ở đây là tham vọng muốn bắt tay với
Bắc Kinh để kiềm tỏa Liên Xô, Washington đã quyết định thực hiện hai nước đi
mang tính bước ngoặt về ngoại giao:
- Nước đi thứ nhất mang tính bản lề, đó là chuyến thăm lịch sử của Nixon
tới Bắc Kinh năm 1972, với kết quả là Thông cáo Thượng Hải được hai bên
Trung-Mỹ đưa ra, trong đó ghi rõ: "Mỹ hiểu rằng người Trung Quốc ở cả
hai bờ eo biển Đài Loan đều trung thành với quan điểm chỉ có một chính phủ
Trung Quốc duy nhất, và Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Mỹ không phản đối
quan điểm đó".
Mao và Nixon bắt tay nhau tại Bắc Kinh ngày 21/02/1972 (Nixon Presidential Library) |
Chính sách
"một
Trung Quốc", đúng như tên gọi của nó, có nghĩa rằng chỉ tồn tại
một chính phủ hợp pháp duy nhất quản lý Trung Quốc. Bắc Kinh và Đài Loan đều
công nhận chính sách này, và cho rằng mình, chứ không phải bên còn lại, mới là
chính phủ hợp pháp của Trung Quốc.
Chính sách này
buộc các nước trên thế giới nếu đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp nhà nước
với Bắc Kinh thì không được phép thiết lập quan hệ ngoại giao cấp nhà nước với
Đài Loan, và ngược lại.
- Và nước đi thứ hai mang tính quyết định, là việc chính phủ của Tổng thống
Mỹ Jimmy Carter tuyên bố chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao cấp nhà nước với
Đài Loan, để thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào ngày 1/1/1979, phù
hợp với chính sách "một Trung Quốc" mà Mỹ vẫn tuân thủ cho tới hiện
tại.
Nhưng để có được hai bước đi mang tính bước ngoặt như vậy, không thể không
kể đến hàng loạt những sự kiện, những cuộc đối thoại bí mật vô cùng quan trọng
diễn ra nơi hậu trường trong vài năm trước đó.
1969-1970: Mỹ đánh tiếng, Trung hưởng ứng, Đài bất bình
Ý tưởng xích lại gần Trung Quốc trên thực tế đã được Nixon hé lộ từ khi ông
còn là ứng viên tranh cử Tổng thống. Năm 1967, trong một bài viết đăng trên tạp
chí Foreign Affairs, Nixon khẳng định: "Chúng ta không thể cứ mãi để
Trung Quốc bên ngoài tập thể các quốc gia trên thế giới, cứ để Trung Quốc nuôi
dưỡng tham vọng, nuôi dưỡng sự thù địch, và đe dọa các nước láng giềng".
Ngày 1/2/1969, chỉ hai tuần sau khi chính thức lên nắm quyền tại Nhà Trắng,
Nixon lập tức tìm cách thiết lập các kênh liên lạc với phía Trung Quốc. Trong
một bức điện gửi tới Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger, Nixon viết:
"Tôi cho rằng chúng ta cần tìm mọi cách để thể hiện rằng chính phủ
Mỹ hiện tại đang 'cân nhắc mọi phương án nối lại quan hệ với người Trung Quốc'.
Nhưng tất nhiên, điều này phải được thực hiện một cách bí mật và không được
phép xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng trong bất kì hoàn cảnh
nào".
Tháng 7/1969, Nixon thăm Pakistan và họp mặt với người đồng cấp Yahya Khan.
Sau cuộc gặp, một nhà ngoại giao Mỹ tại Pakistan đã chuyển lời tới Kissinger
rằng phía Pakistan hiểu rằng Mỹ muốn tiếp cận Trung Quốc và nhờ Pakistan, vốn
có quan hệ tốt với Bắc Kinh, "chuyển lời".
Nhưng dù có muốn bắt tay với Trung Quốc thế nào đi nữa, thì Kissinger vẫn
không muốn Mỹ phải thể hiện hình ảnh "xuống nước" một cách thái quá
như vậy. Ông lập tức cử phụ tá Hal Saunders tới trao đổi với Đại sứ Pakistan
tại Mỹ, Agha Hilaly, để làm rõ hai điểm.
Thứ nhất, Mỹ cho rằng việc chuyển lời không cần quá gấp gáp hay đòi hỏi nỗ
lực đáng kể gì từ phía Pakistan. Việc cho Trung Quốc thấy quan điểm của Mỹ là
quan trọng, nhưng không phải một điều gì đó cần phải thực hiện ngay lập tức.
Thứ hai, điều mà Tổng thống Nixon muốn là Tổng thống Yahya sẽ, vào một thời
điểm thích hợp và tự nhiên, nêu quan điểm của Mỹ đối với Trung Quốc một cách rõ
ràng, nhưng không cần phải nghiêm trọng hóa vấn đề.
Tháng 12/1969, trong một động thái khác nhằm thể hiện thiện chí, Nixon đã
nghe theo lời khuyên của Ngoại trưởng William Rogers và quyết định nới lỏng các
hàng rào giao thương với Trung Quốc, trong đó có việc mua bán các mặt hàng nông
sản Mỹ.
Nỗ lực "đánh tiếng" trong suốt năm đầu của nhiệm kì Nixon đã thu
về thành quả đầu tiên, khi vào tháng 2/1970, cấp dưới của Kissinger báo cáo
rằng đại diện phía Trung Quốc, thông qua kênh liên lạc tại Warsaw, cho biết:
"nếu Mỹ muốn cử một đại diện cấp Bộ trưởng hoặc đặc phái viên của Tổng
thống tới Trung Quốc để thảo luận thêm về quan hệ Mỹ-Trung, thì Bắc Kinh sẵn
sàng tiếp đón".
Dù rất cố gắng giữ bí mật, song các động thái của Mỹ vẫn không qua nổi mắt
chính quyền Đài Loan. Tháng 3/1970, Tưởng Giới Thạch đã đích thân viết thư gửi
tới Nixon, trong đó thể hiện sự quan ngại trước cách tiếp cận mới của Mỹ với
Bắc Kinh. Một tháng sau, con trai của Tưởng là Tưởng Kinh Quốc đã gặp trực tiếp
Kissinger để bàn thêm về vấn đề này.
Một mặt, Nixon-Kissinger tìm cách xoa dịu Đài Loan, mặt khác, bộ đôi này
vẫn tìm mọi phương án để thiết lập một kênh liên lạc với Bắc Kinh.
1971: Ngoại giao bóng bàn, chuyến thăm "mở đường" của Kissinger,
và tuyên bố lịch sử của Nixon
Tháng 4/1971, hơn 2 năm sau khi Nixon bắt đầu chiến dịch "đánh
tiếng" muốn thiết lập quan hệ với Trung Quốc, Bắc Kinh lần đầu tiên công
khai hưởng ứng ý tưởng của Washington, và thể hiện thiện chí của mình bằng một
hình thức rất đặc biệt.
Trong lúc đang tham dự giải bóng bàn thế giới tổ chức tại Nagoya, Nhật Bản,
đội tuyển bóng bàn Mỹ đã bất ngờ nhận được lời mời tới Trung Quốc thi đấu giao
hữu. Không ai khác, chính Mao Trạch Đông là người trực tiếp thông qua lời mời
này, dù trước đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn làm theo thông lệ và từ chối
không cấp thị thực cho các thành viên đội tuyển Mỹ.
Ngày 10/4/1971, đội tuyển bóng bàn Mỹ gồm 15 người đã bước qua cây cầu từ
Hong Kong sang đại lục, qua đó trở thành những người Mỹ đầu tiên đặt chân tới
Trung Quốc kể từ năm 1949.
Đáp lại thiện chí của Bắc Kinh, trong lúc đội tuyển bóng bàn Mỹ vẫn đang ở
Trung Quốc, Nixon tuyên bố sẽ nối lại việc cấp thị thực cho người Trung Quốc,
đồng thời nới lỏng kiểm soát tiền tệ để Trung Quốc có thể dễ dàng sử dụng đồng
USD hơn.
Sau sự kiện này, các phát ngôn của Nixon về Trung Quốc cũng cởi mở hơn hẳn.
Nổi bật là trong cuộc họp báo ngày 29/4/1971, Nixon đã nói thẳng: "Tôi
hi vọng và trông đợi được tới thăm Trung Quốc đại lục - nhưng tôi chưa biết là
thăm trên danh nghĩa gì... Nước Mỹ đang hướng tới một mối quan hệ bình thường
với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".
Phía Trung Quốc đến lúc này có thể nói đã thấy rõ "bài ngửa" của
Mỹ. Tháng 5/1971, thông qua Pakistan, Chu Ân Lai nhắn với Nixon rằng chính phủ
Bắc Kinh sẵn sàng chào đón một chuyến thăm chính thức của Nixon, hoặc một đặc
phái viên của Nixon tới Trung Quốc để đẩy mạnh tiến trình thảo luận.
Sau vài tuần trao đổi qua lại, đôi bên thống nhất sẽ để Kissinger tới Bắc
Kinh trong một chuyến thăm bí mật. Ngày 9/7/1971, để đánh lừa truyền thông,
Kissinger trong khi đang thăm Pakistan đã vờ cáo ốm, rồi sau đó đáp chuyên cơ
bay thẳng tới Bắc Kinh để hội đàm với Chu Ân Lai.
Trong hai ngày hội đàm bí mật tại Bắc Kinh, Kissinger và Chu Ân Lai đã thảo
luận về các vấn đề Đài Loan, Liên Xô, lên kế hoạch cho chuyến thăm của Nixon
tới Bắc Kinh vào mùa xuân năm 1972, và soạn thảo một số chi tiết cho bản nháp
của tuyên bố chung (sau này được biết đến với tên gọi Thông cáo Thượng Hải)
giữa hai nước trong chuyến thăm sắp tới của Nixon.
Trở về từ Bắc Kinh, Kissinger báo với Nixon rằng Tổng thống Mỹ "đã có
được đúng những gì mình muốn". "Chúng tôi đã đặt nền móng để
ngài và Mao Trạch Đông đưa lịch sử bước sang trang mới" - Kissinger
nói thêm.
Ngày 15/7/1971, trên sóng truyền hình quốc gia, Nixon công khai với người
dân nước Mỹ cũng như toàn thế giới rằng ông đã cử Cố vấn An ninh Quốc gia Henry
Kissinger tới Trung Quốc, và kết quả của các cuộc họp mặt tại đây là thỏa thuận
về một chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ tới Trung Quốc vào mùa xuân
năm 1972.
"Chuyến thăm này không có ý muốn gây hại tới lợi ích của bất kì
quốc gia nào khác. Tôi làm điều này bởi tôi tin chắc rằng tất cả các nước trên
thế giới sẽ hưởng lợi từ một mối quan hệ bớt căng thẳng và tốt đẹp hơn giữa Mỹ
và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" - Nixon phát biểu.
Vài giờ sau khi đưa ra tuyên bố trên truyền hình, Nixon nhận được một cuộc
gọi từ Kissinger. Ở bên kia đầu dây, Kissinger báo cáo Tổng thống Mỹ về phản
ứng của các bên đối với việc Nixon tuyên bố sẽ sớm thăm Trung Quốc, trong đó
nhấn mạnh phản ứng hết sức tiêu cực từ chính quyền Tưởng Giới Thạch
Nguồn: Theo SoHa