19 décembre 2016

Mưa lũ làm 235 người chết, thiệt hại 37.650 tỉ đồng


Người dân trong cơn lũ dữ ở Bình Định những ngày qua. Ảnh: Báo Bình Định


(TBKTSG Online) - Thông tin của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết từ đầu năm đến nay mưa lũ đã làm 235 người chết và mất tích. Ước tính tổng thiệt hại là trên 37.650 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ đô la Mỹ).



Những thông tin nêu trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, hôm 17-12 tại Hà Nội cùng sự tham dự của 9 tỉnh và các bộ, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ giữa tháng 10-2016 đến nay, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, những nơi vừa hứng chịu đợt hạn hán lịch sử kéo dài, đã gặp liên tiếp 5 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng với cường độ cực đoan, bất thường và kéo dài. Tổng lượng mưa tập trung trong khoảng hai tháng qua nhiều nơi lớn hơn trung bình cả năm, đặc biệt một số khu vực mưa trên 2.500mm như Trà My (Quảng Nam) 2.611mm, Minh Long (Quảng Ngãi) 2.729 mm...

Đợt mưa lũ từ giữa tháng 10-2016 đến nay đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương. Hơn 316.000 căn nhà bị ngập, hư hại. Hơn 42.800 ha lúa, 39.000 ha hoa màu bị hư hại, tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỉ đồng. Như vậy, từ đầu năm đến nay mưa lũ đã làm 235 người chết và mất tích, ước tính thiệt hại trên 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỉ đô la Mỹ). Riêng đợt mưa lũ từ ngày 12 đến 16-12 đã làm 15 người chết, mất tích.

Mưa lớn đã làm lũ trên các sông lên cao ở mức báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nhiều khu vực xấp xỉ mức lũ lịch sử như ở sông Vệ, sông Côn, sông Ba. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã đầy nước, đang phải xả lũ. Nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt do ngập lụt, sạt lở. Sản xuất bị đình trệ. Đời sống trong vùng thiên tai gặp vô cùng khó khăn và tổn thất nặng nề.

Một phần nguyên nhân của đợt mưa lũ những ngày qua là do không khí lạnh kết hợp nhiễu động đới gió đông.

Trước tình hình mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Công điện chỉ đạo ứng phó. Chính phủ và một số bộ, ngành đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó, bảo đảm an toàn hồ đập, kiểm tra xả lũ, khắc phục hậu quả thiên tai.

Tuy nhiên, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo, mùa bão năm nay kết thúc muộn. Khả năng tháng 12 vẫn còn khoảng một cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền các tỉnh Trung và Nam Bộ. Từ nửa cuối tháng 12 đến tháng 2-2017 (mùa đông xuân), Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%; Bắc Bộ thấp hơn 10-40% so với trung bình nhiều năm. Mưa cuối mùa, trái mùa ở Nam Bộ và Tây Nguyên có khả năng xuất hiện.

Còn theo báo cáo của UBND các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, đợt lũ những ngày vừa qua rất lớn, trong khi các hồ chứa trên địa bàn cơ bản đã tích đầy nước, một số hồ thủy lợi đã vượt dung tích thiết kế, hồ thủy điện đã vượt mức nước dâng bình thường, không còn khả năng điều tiết và đang buộc phải vận hành xả lũ để đảm bảo an toàn.

Toàn tỉnh Bình Định đã chìm trong lũ. Tất cả 11 huyện, thị xã với 100 xã, phường bị ngập lụt, trong đó có 26 xã bị cô lập hoàn toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân, thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng. Tài sản thiệt hại chưa thống kê hết được nhưng chắc chắn hạ tầng giao thông trong tỉnh đã bị hư hỏng nặng, theo lời Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

 

Hồ Quốc Dũng
 

Nguồn: Theo TBKTSG