23 décembre 2016

TQ chính thức mở đường bay dân sự ra Hoàng Sa


 

Trung Quốc đã hạ cánh máy bay dân dụng của hai hãng nội địa xuống Đá Chữ thập thuộc Quần đảo Trường Sa hôm 6/1
 

Trung Quốc vừa chính thức chuẩn thuận việc tiến hành các chuyến bay dân dụng ra hòn đảo có tranh chấp tại Biển Đông.

Tân Hoa Xã nói chuyến bay khởi hành từ đảo Hải Nam, bay tới đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền.
 
 


Có vài ngàn dân thường sống trên đảo Phú Lâm.

Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa hồi 1974, sau trận hải chiến với Việt Nam Cộng Hòa, và tuyên bố chủ quyền với hầu hết các vùng nước trên Biển Đông.

Tân Hoa Xã nói Trung Quốc bắt đầu các chuyến bay dân sự thường nhật ra đảo Phú Lâm bắt đầu từ thứ Tư 21/12, gồm một chuyến sáng khởi hành từ Hải Khẩu lúc 8:45, và chuyến trở về từ Phú Lâm lúc 1 giờ chiều.

Các chuyến bay hàng ngày tới Phú Lâm sẽ cất cánh từ sân bay Hải Khẩu. Trong hình là chiếc phi cơ dân sự từ Hải Khẩu bay tới Đá Chữ Thập ở Trường Sa hồi đầu năm 2016

Chuyến bay đầu tiên đã cất cánh từ Hải Khẩu, thủ phủ của Hải Nam và đáp xuống Tam Sa, thành phố hành chính lớn nhất được Bắc Kinh lập ra để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Giá vé cho một chiều là 1.200 nhân dân tệ, tương đương 172,77 dollar Mỹ, theo Tân Hoa Xã.

"Những chuyến bay dân sự này sẽ cải thiện đáng kể đối với điều kiện làm việc và sinh sống của người dân, cũng như binh lính Trung Quốc đang ở tại thành phố Tam Sa," bản tin trên Tân Hoa Xã nói.

Trung Quốc xây đảo nhân tạo và đường băng tại Biển Đông

Đảo Phú Lâm cũng là nơi Việt Nam và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp với Trung Quốc.

Trên thực tế, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với phần lớn khu vực Biển Đông trong tranh chấp với một số quốc gia khác của Đông Nam Á và đã xây dựng một số đảo nhân tạo có khả năng cho máy bay dân sự lẫn quân sự hạ cánh.



Phát triển du lịch hay ý đồ quân sự? Hay cả hai?

Một bài báo trên tờ China Daily phát hành vào tháng Năm 2016 nói Trung Quốc muốn phát triển khu vực xung quanh đảo Phú Lâm, hay Tam Sa theo cách gọi của Trung Quốc, thành một khu du lịch hấp dẫn du khách, có thể so sánh với khu du lịch nổi tiếng thế giới Maldives.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn khuyến khích công dân Trung Quốc đến thăm Quần đảo Hoàng Sa, tức Tây Sa theo cách gọi của Trung Quốc, cũng là quần đảo có tranh chấp ở khu vực Biển Đông.



Trước đó, vào hồi tháng Bảy năm nay, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công hai đường băng mới cho máy bay ở Quần đảo Trường Sa, tức Nam Sa theo cách gọi của Bắc Kinh, với các chuyến bay dân sự, đồng thời thử nghiệm các sân bay được xây mới ở bãi Vành Khăn (Mischief Reef) và bãi Su Bi (Subi Reef).

Hồi đầu năm, tháng Hai 2016, Hoa Kỳ và Đài Loan đều cho rằng Trung Quốc đã triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa đất-đối-không tại đảo Phú Lâm.

Hiện tại, Biển Đông là nơi có tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực, gồm Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.

 Một góc biển Tam Á thuộc đảo Hải Nam

 

Nguồn: Theo BBC