18 novembre 2017

Đại diện XHDS nói gì với phái đoàn ngoại giao EU?


Nhà báo và nhà hoạt động Phạm Đoan Trang nói bà được công an thả về vào tối khuya 16/11

Đóng kênh chia sẻ
Một nhóm các nhà hoạt động của Việt Nam ở Hà Nội vừa có cuộc gặp với một số thành viên của đoàn ngoại giao EU trong một sự kiện được cho là chuẩn bị cho đối thoại thường niên được dự kiến vào tháng 12/2017.


Blogger Phạm Đoan Trang cùng ba nhà hoạt động khác gồm ông Nguyễn Quang A, Nguyễn Chí Tuyến và bà Bùi Thị Minh Hằng hiện diện trong buổi trao đổi hôm 16/11.

Bà Trang cho BBC biết khi trao đổi với phía đoàn ngoại giao, bà trình bày về ba vấn đề nổi cộm về nhân quyền ở Việt Nam.

"Về lao động, quyền người lao động, quyền mặc cả thương lượng tập thể, quyền đình công, quyền thành lập công đoàn độc lập ở Việt Nam chưa được đảm bảo," blogger Đoan Trang nói.

"Những nhà hoạt động làm về vấn đề lao đồng là bị đàn áp mạnh nhất, như Nguyễn Thị Minh Hạnh, Hoàng Bình, dựa trên xác suất so với các tổ chức khác."

"Tôi có đề cập đến Hội Anh em Dân chủ, bị dán nhãn là tổ chức phản động dù rất ôn hòa. Bị gán cho cái nhãn như thế thì không hội hiệp nào tồn tại được. Trong khi đó, Hội Cờ đỏ vốn có các hoạt động chia rẽ lương giáo và công giáo thì lại được bảo kê."

"Tôi cũng nói đến quyền môi trường, quyền được sống trong một môi trường trong sạch, đặc biêt là môi trường Việt Nam bị tàn phá trầm trọng. Để đối phó thảm hoạ Formosa, làm sạch biển như thế nao làm gì để đảm bảo thực phẩm hải sản thì không thấy nói, chỉ thấy thấy đàn áp," bà Phạm Đoan Trang nói.

Còn ông Nguyễn Quang A cho BBC biết ông "lưu ý các nhà ngoại giao EU về hai điểm".

"Một là quá trình UPR, tức là kiểm điểm phổ quát chính quyền. Trong vấn đề này, Việt Nam đã thiếu sót rất nhiều. Tôi khuyến nghị EU xem lại xem [Việt Nam] thực hiện cái gì không hay không thực hiện gì cả."

"Điểm thứ hai là thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam. Có rất nhiều cách để làm, chẳng hạn như bằng cách hỗ trợ chính phủ Việt Nam những biện pháp trợ giúp kĩ thuật, đào tạo, khuyến khích, những biện pháp mang tính xây dựng. Tuy nhiên, cùng lúc cũng cần phải lưu ý đến bản thân Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ luật quốc tế, tuyên ngôn về nhân quyền," ông Quang A nói.

Blogger Phạm Đoan Trang cho biết bên EU tiếp nhận kiến nghị của các đại diện xã hội dân sự, nhưng nói "không thể đảm bảo dân chủ đến Việt Nam nhanh được."

"[Nhóm xã hội dân sự] đề xuất rõ ràng là phải tăng cường sự tham gia của các xã hội dân sự vào trong việc giám sát quá trình thực thi thương mại tự do giữa EU và Việt Nam, như thành lập nhóm tư vấn… làm báo cáo hằng năm, mà người làm báo cáo không bị đàn áp, tham gia hội họp thì không bị bắt giữ như thế này."

Theo bà Đoan Trang, nhóm các nhà hoạt động phản ánh với đại diện EU rằng năm qua là một năm tăm tối cho các nhà hoạt động.

"Hai bên thống nhất là chỉ có thể cố gắng thêm, cố gắng tác động bằng các cách để chính quyền thay đổi, bớt sự kiểm soát, tạo không gian cho xã hội dân sự để văn minh hơn, chuẩn quốc tế hơn. Cộng đồng quốc tế chỉ có vai trò thúc đẩy," bà Đoan Trang nói. 
Sau khi bị câu lưu ở đồn công an, Tiến sĩ Nguyễn Quang A viết trên Facebook "Cực lực phản đối an ninh chà đạp lên pháp luật"

  'Bị sách nhiễu, câu lưu'

Sau cuộc gặp kéo dài gần hai tiếng đồng hồ, kết thúc trước 12 giờ trưa, ngoài ông Nguyễn Chí Tuyến, ba nhà hoạt động còn lại đều bị phía công an "đưa về đồn làm việc".

Ông Quang A và bà Minh Hằng được thả không lâu sau đó.

Tuy nhiên, bà Phạm Đoan Trang nói bà đã bị giữ lại tới tận khuya, sau vài tiếng đồng hồ 'đôi co' với phía lực lượng công an.

Bà nói phía công an lấy điện thoại của bà và yêu cầu bà cung cấp thông tin cuộc gặp.

"Tôi nói nguyên tắc cùa nghề báo... tôi là người thu thập thông tin chứ không phải người chia sẻ thông tin,"

Bà sau đó được công an đưa về nhà và cho biết phía công an vẫn canh chừng trước nhà bà.

"Tôi không sợ, tôi luôn chuẩn bị tinh thần là đã vào là không ra nữa. Lúc họ thả về, tôi cũng không tin, ngay cả khi họ thả, họ có thể chuyển hướng lái."

Đối thoại nhân quyền giữa EU-Việt Nam dự kiến sẽ diễn vào vào 2/12. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển bà Margot Wallström sẽ có chuyến thăm châu Á, trong đó có Việt Nam từ ngày 19-23 tháng 11.

Nguồn: Theo BBC