Vũ Yến
Vietnam Foodexpo 2017 là nơi kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đoàn doanh nghiệp, hệ thống siêu thị đến từ nước ngoài. Ảnh: Vũ Yến |
(TBKTSG Online) - Với quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thì không thể trở thành nhà cung cấp lớn cho Walmart, nhưng các doanh nghiệp vẫn có thể trở thành nhà cung cấp nhỏ cho tập đoàn này.
Bà Jocelyn Trần, Giám đốc cấp
cao vùng, khu vực Đông Nam Á thuộc Walmart, đã đưa ra lời nhận định trên
tại hội nghị quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2017 với chủ đề “Nâng
cao chuỗi giá trị trong ngành thực phẩm Việt Nam” được tổ chức tại TPHCM
hôm nay (ngày 16-11). Hội nghị nằm trong khuôn khổ triển lãm Vietnam
Foodexpo 2017.
Theo quy định của Walmart, nhà
cung cấp nhỏ phải có doanh thu 2,5 triệu đô la Mỹ/năm và doanh thu từ các
đơn hàng cung cấp cho Walmart ở mức dưới 100.000 đô la Mỹ/năm. Để có thể
hợp tác với Wallmart, bà Jocelyn Trần nói rằng các nhà cung cấp quy mô nhỏ
sẽ có hai lựa chọn: làm việc với Intertek, hoặc làm việc với bên kiểm toán
thứ ba.
Cụ thể, doanh nghiệp cần nộp một
báo cáo kiểm toán cho Intertek hoặc bên kiểm toán thứ ba. Sau đó, Walmart
sẽ tiến hành thẩm định báo cáo đó và đưa ra lời đánh giá ở ba mức độ: Màu
đỏ là không đồng ý hợp tác, màu vàng là có thể hợp tác với điều kiện doanh
nghiệp phải cải thiện một số vấn đề và màu xanh là có thể hợp tác ngay lập
tức mà không cần sự điều chỉnh gì.
Cũng theo bà Jocelyn Trần, bất
cứ doanh nghiệp nào nếu muốn trở thành nhà cung cấp cho Walmart thì đều
phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc về dịch vụ cho khách hàng, tôn trọng
cá nhân, tuân thủ luật pháp và đảm bảo tính minh bạch. Thêm vào đó, nhà
cung cấp thực phẩm cũng cần được cấp chứng chỉ GFSI.
Cũng tại hội nghị, một số chuyên
gia và đại diện các doanh nghiệp cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi hơn 80% hàng
hóa xuất khẩu của Việt Nam không có thương hiệu, trong khi đó, giá trị
thương hiệu là uy tín của một quốc gia.
Ông Leon Trujillo, chuyên gia
phát triển thương hiệu, mặc dù Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất
chế biến thực phẩm, nhưng nhiều thương hiệu của Việt Nam vẫn chưa được biết
đến. Ông Leon Trujillo dẫn chứng giá trị thương hiệu của Việt Nam theo công
bố mới đây của hãng tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance là 203 tỉ đô
la Mỹ, mặc dù tăng mạnh hơn 40% so với năm trước, nhưng vẫn thấp so với các
nước trong khu vực và thế giới.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn
Phong, Giám đốc công ty TNHH ong mật Eatuhoney (thành phố Buôn Ma Thuột,
tỉnh Đăk Lăk), cho biết hiện công ty ông đã xuất khẩu được một lượng khá
lớn mật ong vào thị trường Mỹ, tuy nhiên vẫn phải qua một đơn vị trung gian
và không phải dưới tên thương hiệu Eatuhoney.
“Theo tôi được biết, hiện tại
mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 200 ngàn tấn mật ong ra các nước, nhưng
với thương hiệu của Việt Nam rất ít. Đây là nỗi đau của những người làm
kinh doanh”, ông Nguyễn Phong chia sẻ.
Nằm trong khuôn khổ của hội nghị
là chương trình giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các
đoàn nhập khẩu nước ngoài đến từ Hoa Kỳ, Pháp, Italia, Nhật Bản, Trung
Quốc… và với các tập đoàn thu mua, đại siêu thị trong và ngoài nước như
Walmart (Hoa Kỳ), CJ, LOTTE (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan), Vinmart,
SATRA…
Dự kiến có 300 doanh nghiệp
ngành thực phẩm Việt Nam sẽ được kết nối giao thương tại chỗ, mở ra cơ hội
cung cấp hàng hoá cho các nhà phân phối thực phẩm lớn trong và ngoài nước
và xuất khẩu đi nước ngoài, mở rộng các chuỗi cung ứng về lương thực, thực
phẩm.
Nguồn: Theo Thời báo Saigon