Phạm Chí Dũng
Dấu hỏi lớn
Một dấu hỏi lớn vẫn tồn tại sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ
Donald Trump vào tháng Mười Một năm 2017: Vì sao trong khi ông Trump và Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc có vẻ mãn nguyện với giá trị thỏa thuận thương mại được
ký kết giữa hai nước trong chuyến đi này lên tới 12 tỷ USD (tuy chưa biết có
thật hay không, hoặc nếu là thật thì có được thực hiện hay không), đã chẳng có
một thỏa thuận nào và càng không hiện ra hợp đồng nào về việc Việt Nam mua vũ
khí của Mỹ, cho dù Tổng thống Trump đã trổ “ngón nghề” về đàm phán, và
Bloomberg còn dẫn một nguồn tin ẩn danh cho biết Tổng thống Mỹ khi “chào hàng”
tên lửa và các hệ thống vũ khí khác của Mỹ thậm chí nói ông Phúc “còn chần chờ
gì nữa” khi ông (Trump) đã lên nắm cương vị đứng đầu nước Mỹ được 10 tháng rồi.
Một số trong giới quan sát chính trị nhận định rằng việc “chào hàng” không
thành trên có thể được xem là một thất bại của Trump - về thể diện cũng như
khiến ảnh hưởng tiêu cực đến một trong những sở trường tái tranh cử tổng thống
của Trump là các thương vụ bán vũ khí cho các nước khác.
Thế còn về phía giới chóp bu Việt Nam thì thế nào? Chẳng lẽ sau hàng loạt
chuyến đi Mỹ trong năm nay của các tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng quốc phòng,
và Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng quốc phòng có liên quan đến việc mua vũ khí,
Việt Nam lại chẳng nhìn ngó một cơ hội mười mươi mà Tổng thống Mỹ mang đến tận
Hà Nội?
Trong khi đó cửa đã mở, và quan trọng không kém là hành lang pháp lý cho
việc mua vũ khí Mỹ đã thông thoáng.
Vào tháng Năm năm 2016, trong một cử chỉ rất bất ngờ, tổng thống Mỹ khi đó
là Barak Obama đã tuyên bố tại Hà Nội rằng nước Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán
vũ khí sát thương cho Việt Nam. Tức từ đó trở đi, Việt Nam có thể được mua một
số loại vũ khí tối tân của Mỹ mà không bị chế tài mua bán như trước đây.
Bằng chứng quan tâm đến vũ khí phương Tây là sau khi được dỡ bỏ lệnh cấm
mua vũ khí sát thương, Việt Nam đã âm thầm mua chịu nửa tỷ USD tín dụng quân sự
của Ấn Độ và hỏa tiễn của Israel - đều là những đồng minh quân sự của Mỹ.
Một luồng quan điểm về vũ khí Mỹ
Cho tới nay, Nga vẫn là đối tác cung cấp đến 90% vũ khí chủ lực cho Việt
Nam. Nhưng từ khoảng năm 2013 đến nay và đặc biệt gần đây, đã xuất hiện quan
điểm trong giới chuyên gia quốc phòng rằng sẽ rất rủi ro nếu Việt Nam chỉ phụ
thuộc vào một hay một số ít các đối tác, vì vậy Việt Nam nhất thiết phải đi tìm
cách đa dạng hóa nguồn cung và bổ sung thêm vào biên chế những khí tài có xuất
xứ “ngoài Nga”.
Quan điểm trên cũng đánh giá rằng vũ khí Nga tuy rất tốt - không thua kém,
thậm chí có nhiều điểm còn mạnh hơn cả của NATO - tuy nhiên vẫn tồn tại những
điểm yếu như: năng lực sản xuất giới hạn, tiến độ giao hàng chậm, và các khí
tài của Nga cũng ít khi được thiết kế theo kiểu mô-đun như phương Tây nên rất
khó bảo trì và nâng cấp (ngược lại, vũ khí do các thành viên NATO chế tạo rất
dễ dàng tùy biến, nâng cấp, nhờ vào nguồn cung đa dạng). Ngoài ra, một yếu tố
nữa mà Việt Nam cần tính đến là giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay đang có
những bất đồng về chủ quyền biển đảo, mà Trung Quốc cũng là một nước nhập khẩu
lớn và sử dụng vũ khí theo “hệ Nga”. Với tiềm lực tài chính eo hẹp hơn nhiều,
chắc chắn Việt Nam không thể chạy đua với Trung Quốc về số lượng khi những gì
Nga bán cho Việt Nam thì cũng có thể bán cho Trung Quốc nhưng với số lượng lớn
hơn rất nhiều, vì vậy không có gì để đảm bảo bí mật và lợi thế của Việt Nam nếu
xảy ra xung đột (tức chiến tranh giữa hai nước)…
Trong thời gian Trump ở Việt Nam vào tháng 11/2017, một số tờ báo nhà nước
cũng có xu hướng cổ vũ cơ chế mua bán vũ khí với Mỹ như “Quân đội Việt Nam đang
đứng trước cơ hội rất lớn khi Mỹ thể hiện thiện chí muốn cung cấp những vũ khí
tối tân nhất theo yêu cầu của chúng ta”.
Những tờ báo này cũng khuyến nghị rằng nếu có mong muốn mua thêm các vũ khí
phương Tây vào thời điểm này, Việt Nam nên tập trung vào cải thiện năng lực
cảnh giới điện tử, giám sát hàng hải và chống ngầm - điểm yếu lớn nhất hiện nay
của hải quân. Máy bay tuần tiễu P-3C Orion hay SC-130J Sea Hercules (biến thể
nâng cấp từ dòng máy bay vận tải hạng trung C-130) sẽ là một miếng ghép hoàn
hảo cho năng lực phòng thủ, bảo vệ lãnh hải của Việt Nam. Một yếu tố khác cũng
khá quan trọng là giá thành của C-130J lẫn SC-130J đều không quá đắt, phù hợp
với ngân sách mà Việt Nam có thể đáp ứng cho công tác đào tạo, huấn luyện cũng
như duy trì, nâng cấp. Ngoài ra, với mối quan hệ đang cực kỳ nồng ấm với Nhật
Bản, trong trường hợp Mỹ bán máy bay nhưng không trang bị vũ khí, cũng không
quá khó khăn để Việt Nam có thể tìm kiếm sự thay thế từ các đối tác Nhật (với
nền công nghệ quốc phòng hùng mạnh và cũng sử dụng vũ khí hệ Mỹ-NATO).
Và nếu điều kiện tài chính cho phép, Việt Nam cũng có thể xem xét mua thêm
1 hoặc 2 phi đội tiêm kích F-16 đã qua sử dụng và được nâng cấp lên chuẩn Block
52 của Mỹ, như là một giải pháp lý tưởng để tăng cường sức mạnh không quân
trong bối cảnh những cựu binh én bạc MiG-21 (khoảng 100 chiếc) mới nghỉ hưu và
khoảng trống vẫn chưa được lấp đầy. Bên cạnh đó, phương án này cũng giúp không
quân Việt Nam dần làm quen, trước khi sử dụng nhiều hơn các thế hệ máy bay
chiến đấu của phương Tây…
Nguyên nhân sâu xa nào?
Ngân sách quốc phòng của Việt Nam đã tăng từ 1,3 tỷ đôla lên đến 4,6 tỷ
đôla (tăng 258%) trong vòng 10 năm, từ năm 2006 - 2015, và hiện thời chiếm
khoảng 9% tổng chi ngân sách quốc gia.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều thông tin cho biết ngân sách quốc phòng phải
“giật gấu vá vai” trong những năm qua, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách quốc
gia có xu hướng cạn kiệt nhanh chóng và Việt Nam đặc biệt thiếu ngoại tệ để
nhập khẩu hàng hóa và trả nợ nước ngoài.
Nhưng “thiếu tiền” có phải là nguyên nhân chính khiến Việt Nam không quá
mặn mà mua vũ khí Mỹ?
Vào tháng Tám năm 2017, đài VOA dẫn lại một phát hiện độc đáo trong bài
viết có tựa đề “Quan chức Việt Nam đòi Mỹ ‘lại quả’ từ các hợp đồng mua vũ
khí”.
Theo đó, một hãng tin tình báo quốc phòng của Anh đã tiết lộ rằng các quan
chức chính phủ Việt Nam yêu cầu các đối tác của Mỹ trả 25% hoa hồng cho các
thương vụ mua bán vũ khí.
Thông tin của Shephard Media trích dẫn một nguồn tin quốc phòng của Mỹ cho
biết các giới chức quốc phòng Việt Nam thông báo cho phái đoàn của Mỹ ở Hà Nội
rằng các thương vụ mua bán vũ khí phải được “lại quả” 1/4 của tổng giá trị.
Cũng theo nguồn tin này, cuộc họp đã “đột ngột dừng lại” sau khi phía Việt Nam
đưa ra yêu cầu đó. Nguồn tin quốc phòng Mỹ cho Shephard Media biết thông tin
này tại một Hội nghị và triển lãm phòng thủ hàng hải IMDEX được tổ chức ở
Singapore tháng 5/2017…
Cũng có thể còn một nguyên do nữa: giới chóp bu Việt Nam không dám làm mích
lòng Tập Cận Bình bằng một hợp đồng mua vũ khí Mỹ khi cả Tập và Trump đều hiện
diện ở Hà Nội vào tháng 11/2017, chỉ cách nhau vài ba tiếng đồng hồ. Cũng bởi
thế, việc Trump cố thuyết phục Phúc mua vũ khí đã chứng tỏ Trump không mấy am
hiểu về nội tình chính trị Việt Nam, cho dù Bộ Ngoại giao Mỹ và CIA có thể đã
báo cáo cho Trump cặn kẽ về vấn đề này.
Ai mới có quyền quyết định?
Trong thực tế, Thủ tướng Phúc của Việt Nam không phải là thủ tướng Israel
để có quyền quyết định những vấn đề lớn, cho dù ông Phúc có thực lòng muốn mua
vũ khí của Mỹ chăng nữa.
Trong thực tế, quyền quyết định ngân sách quốc phòng chi cho cái gì và chi
bao nhiêu thuộc về Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bí thư quân ủy trung
ương Nguyễn Phú Trọng.
Trong Quân ủy trung ương và trong cơ cấu chính trị chằng chịt và chồng chéo
giữa khối đảng lẫn chính quyền ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuy vượt
hẳn bộ trưởng quốc phòng về chức vụ nhưng lại chỉ là ủy viên thường trực, tức
chỉ là “cấp dưới” của Phó bí thư quân ủy trung ương Ngô Xuân Lịch.
Muốn bán nhanh được vũ khí, lẽ ra Trump cần mời chào trực tiếp với Nguyễn
Phú Trọng, thay vì nói với Trần Đại Quang - Chủ tịch nước “thống lĩnh các lực
lượng vũ trang” nhưng cũng chỉ là ủy viên thường trực Quân ủy trung ương như
Nguyễn Xuân Phúc.
Nhưng hình như Trump không biết và cũng chẳng thèm quan tâm đến mối quan hệ
quá đỗi phức tạp trên…
Nguồn: Theo VNTB