23 novembre 2017

Miến Điện và Bangladesh bàn về hồi hương người Rohingya




Cố vấn Nhà nước Miến Điện, Aung San Suu Kyi phát biểu trong buổi họp báo nhân cuộc họp ASEM, Naypyitaw, Miến Điện ngày 21/11/2017.REUTERS

Cố vấn nhà nước Miến Điện kiêm Ngoại trưởng Aung San Suu Kyi ngày 21/11/2017 cho biết bà hy vọng các cuộc đàm phán với Bangladesh trong tuần này sẽ thành công và đi đến việc ký kết một bản ghi nhớ về việc « hồi hương an toàn và tự nguyện » người Rohingya đang tị nạn tại Bangladesh từ 3 tháng nay.



Bà Aung San Suu Kyi đã phát biểu như trên với báo giới bên lề cuộc họp diễn đàn  Á-Âu, gọi tắt là ASEM, đang diễn ra tại thủ đô Naypyitaw. Theo hãng tin Reuters, hai ngoại trưởng Miến Điện và Bangladesh sẽ đàm phán trong hai ngày 22 và 23/11. Vào tháng 10, nhiều quan chức của hai nước cũng đã thảo luận về tiến trình xử lý các yêu cầu hồi hương của người Rohingya.

Về những cáo buộc vi phạm nhân quyền, bà Aung San Suu Kyi phát biểu : « Chúng tôi không thể nói là điều đó đã xảy ra hay không, nhưng chúng tôi cam kết rằng việc đó sẽ không xảy ra ».

Amnesty International tố cáo Miến Điện « thanh lọc chủng tộc »

Trong bản báo cáo công bố ngày 21/11, được AFP trích dẫn, bà Anna Neistat, giám đốc nghiên cứu của tổ chức Amnesty International, khẳng định « chiến dịch thanh lọc chủng tộc mạnh mẽ của lực lượng an ninh trong ba tháng vừa qua là sự thể hiện cực đoan của chính sách đầy tai tiếng này ». Cuộc điều tra kéo dài hai năm của tổ chức Ân Xá Quốc Tế cũng khẳng định cộng đồng thiểu số theo Hồi Giáo này bị « kẹt trong một hệ thống phân biệt chủng tộc, được Nhà nước hậu thuẫn, và gần giống chế độ ‘apartheid’ ».


Trước đó, tại Genève ngày 20/11, Amnesty International cùng với 34 tổ chức phi chính phủ khác đã yêu cầu Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc họp khẩn về khủng hoảng người Rohingya Miến Điện. Đề nghị này được gửi đến 47 nước thành viên Hội đồng Nhân Quyền, đồng thời kêu gọi Hội đồng thông qua một nghị quyết buộc Miến Điện « ngừng ngay mọi hành động vi phạm nhân quyền » « ngay lập tức cho phép các tổ chức nhân đạo quốc tế và Miến Điện được tự do vào tất cả các vùng của nước này ».


http://vi.rfi.fr/chau-a/20171121-mien-dien-va-bangladesh-rohingya-xh