Giải mã “con đường tơ lụa” trên Biển Đông:
Xem “lộ trình” của việc tranh chấp đền Preah Vihear giữa Thái Lan và
Campuchia hay tư cách thành viên đầy đủ của Palestine ở UNESCO sẽ hiểu tại sao
TQ phải “đầu tư” công sức và tiền bạc để tái lập “Con đường tơ lụa trên biển”,
GS. Nguyễn Tấn Anh cảnh báo.
Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã |
Một số chuyên gia nói rằng khó có khả năng UNESCO xem xét và công nhận “Con
đường tơ lụa trên biển” đi qua Biển Đông, vì vùng này đang có tranh chấp
về chủ quyền! Cơ sở nào khiến ông cho rằng UNESCO có khả năng xem xét và công
nhận “Con đường tơ lụa trên biển” này?
GS.TS. Nguyễn Tấn Anh: Mặc dù Trung Quốc (TQ) sẽ bị phản đối, như
tuyên bố chung mới đây của Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước phát triển G7 ở
Lubeck (Đức) cũng nói sẽ ngăn cản TQ triển khai “Con đường tơ lụa trên biển”,
nhưng số đó vẫn chưa đủ đông như tôi đã trả lời trong bài phỏng vấn trước.
Vì thế chúng ta không nên loại trừ khả năng để khẳng định rằng TQ sẽ trình
UNESCO xem xét và công nhận “Con đường tơ lụa trên biển” từ Bắc Hải, Khâm
Châu, Phòng Thành Cảng (thuộc tỉnh Quảng Tây); Trạm Giang (Quảng Đông); đến
tỉnh Hải Nam (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa (HS) mà TQ gọi là Tây Sa và Trường
Sa (TS) mà TQ gọi là Nam Sa mà cả TQ và Việt Nam (VN) cùng tuyên bố chủ quyền),
thậm chí có thể kéo dài đến một hoặc một số nước ASEAN đang có tranh chấp trên
Biển Đông.
Rõ ràng họ đã có ý đồ và đã có sự đầu tư
lớn và nghiêm túc từ lâu.
Tôi xin không nhắc lại, tuy nhiên, chúng ta có thể xem thêm các điều 3, 4,
6 và 7 của Công ước về di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đặc biệt là điều
11.
Nếu không có các biện pháp cần thiết và cấp bách thì tôi xin khẳng định là
sẽ khó khăn ngăn việc UNESCO công nhận “Con đường tơ lụa trên biển” trong đó
bao gồm cả quần đảo HS và TS. Hoặc ít nhất HS là di sản thế giới là
của riêng TQ hay của một hoặc một số nước ASEAN mà TQ có thể hợp tác hay ảnh
hưởng.
Theo thông tin tôi được biết, TQ đang đi những bước cuối cùng để hoàn thành
các thủ tục để trình UNESCO xem xét và công nhận theo lộ trình và bài bản đã
được lên kế hoạch một cách logic và khoa học nhưng không kém thủ đoạn mà VN và
kể cả Hoa Kỳ không lường trước.
Đây chính là âm mưu nhằm “độc chiếm” Biển Đông và phá vỡ “Chiến lược
xoay trục Châu Á – TBD” của Hoa Kỳ. Vì TQ không có cách nào khác “văn minh” và
“hòa bình” mà vô cùng “thâm” bằng cách thông qua tổ chức UNESCO, nơi mà Hoa Kỳ
khó có khả năng ảnh hưởng được quyết định của tổ chức này.
“Một mũi tên trúng hai đích”
Bằng việc đề nghị UNESCO công nhận “Con đường tơ lụa trên biển” của TQ là
mục đích chính trị nhằm khẳng định chủ quyền. Và với mục đích kinh tế là
làm “đối trọng” với “Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương” của Hoa Kỳ đó
chính là “một mũi tên trúng hai đích” có đúng không, thưa TS?
GS.TS. Nguyễn Tấn Anh: Chính xác! Vì TQ thừa biết rằng LHQ sẽ không
hoàn toàn ủng hộ TQ xác lập chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông.
Tuy nhiên động thái “tố ngược” của TQ vô cùng “hiểm” để giành sự ủng hộ của
các nước thành viên Liên hiệp quốc. TQ sẽ tiếp tục “tố ngược” ở các tổ chức
quốc tế khác để cuối cùng là “UNESCO”. Đây là mưu kế “một mũi tên trúng hai
đích” của TQ.
“Con đường tơ lụa trên biển” mà các phương tiện truyền thông cho là sáng
kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm làm đối trọng với “Hiệp định đối tác xuyên
Thái Bình Dương” (TPP) là có cơ sở.
Thực ra, sáng kiến này có từ rất lâu, là kế thừa từ thời Chủ tịch Giang
Trạch Dân, nó không chỉ là “Con đường văn minh” của nhân loại như TQ luôn tự
hào mà nó còn nhằm thực hiện ý đồ chính trị của TQ là tạo mối quan hệ hợp tác
chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục, thậm chí là quân sự nhằm bảo
vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của TQ trong tình hình xung đột nội bộ rất phức
tạp từ trước đến nay.
Chính vì thế, vào giữa những năm 1990, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã nỗ lực
rất lớn để thúc đẩy các kênh đối thoại, hợp tác tăng cường sự tin tưởng lẫn
nhau giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Chiến lược này được tiếp tục dưới
thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào với quan điểm "cùng hội cùng thuyền" mà ông
ta phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ lần thứ 64, năm 2009.
Bài phát biểu của Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh về “Phối hợp hành
động” và “Cũng cố lòng tin” ở Châu Á (CICA) vừa qua là theo truyền thống của
các biện pháp an ninh "kiểu Trung Quốc". Theo đó, “Con đường tơ
lụa trên biển” mà ông ta đề xuất được hiểu rằng, nó không chỉ là động lực kinh
tế mà còn là chiến lược, phù hợp với tư duy truyền thống của các hoàng đế Trung
Hoa là "bảo vệ chư hầu, cả về kinh tế và quân sự".
Chính vì thế, khi sự kiện TQ đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam cũng là một hành động “khẳng định chủ quyền” của TQ.
Hay việc hồi tháng 6/2014, 9 thành phố ở TQ ra tuyên bố chung ủng hộ Biển
Đông đều là một phần của “Con đường tơ lụa trên biển” mà TQ đã và đang cố gắng
đề nghị UNESCO xem xét và phê chuẩn là di sản thế giới. Hay ít nhất là chấp
nhận đề nghị của TQ về việc tiến hành khảo sát và bảo vệ 136 địa điểm khảo cổ
dưới nước ở Biển Đông mà TQ đã xác định từ năm 1990 cũng là một hành động gián
tiếp khẳng định chủ quyền của TQ.
Vậy theo TS, phải làm gì để ngăn cản việc UNESCO xem xét và phê chuẩn các
yêu cầu của TQ liên quan đến vùng Biển Đông của Việt Nam mà cụ thể là hai quần
đảo HS và TS?
GS.TS. Nguyễn Tấn Anh: Theo tôi, ngay bây giờ Chính phủ VN phải có
biện pháp cấp bách là gửi Công hàm ngoại giao lên tổ chức UNESCO để kêu gọi tổ
chức này không xem xét và phê chuẩn các đề nghị của TQ liên quan đến việc khảo
sát hay ghi nhận “Con đường tơ lụa trên biển” đi qua vùng lãnh hải của VN là di
sản thế giới của TQ.
Về pháp lý, VN phải nhanh chóng tiến hành các biện pháp pháp lý về chủ
quyền HS và TS là của VN mà TQ đã chiếm đóng từ năm 1974 (kể cả một số
đảo thuộc quần đảo HS và TS bị chiếm từ năm 1956 và 1988).
VN không còn lý do gì phải “nhân nhượng” hay “kiềm chế” với TQ khi mà TQ đã
cố tình tố ngược VN ở LHQ bằng việc gởi công hàm đến các nước Liên hiệp quốc là
VN “vi phạm chủ quyền lãnh hải của TQ ở Biển Đông”.
VN đã có đầy đủ cơ sở pháp lý về chủ quyền lãnh hải ở hai quần đảo HS và TS
để “mời” TQ ra Tòa án công lý quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc nhất để
tránh việc UNESCO xem xét và công nhận “Con đường tơ lụa trên biển” đi qua Biển
Đông mà không thông qua VN. Đồng thời, khẳng định chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ của VN bằng con đường công lý và luật pháp quốc tế.
Cũng bởi TQ không thể thông qua LHQ hay các tổ chức quốc tế khác để xác lập
chủ quyền lãnh hải của mình ở Biển Đông do cơ chế hoạt động của các tổ chức đó
khác với UNESCO. Chính vì thế, TQ chỉ có một lựa chọn và bằng một con đường duy
nhất gọi là “văn minh” và “hòa bình” là trình hồ sơ “Con đường tơ lụa trên
biển” lên UNESCO, tổ chức mà TQ có thể giành được “đa số” ủng hộ cần thiết để
thông qua như tôi đã phân tích trong bài phỏng vấn đầu tiên.
Nếu chậm trễ, có thể TQ sẽ yêu cầu thậm chí gây áp lực để UNESCO xem xét và
công nhận các đề nghị đó.
Tôi nhấn mạnh, không loại trừ khả năng TQ có thể khởi kiện VN ra Tòa án
công lý quốc tế về chủ quyền HS và TS trước VN để tranh giành lợi thế. Thực tế
TQ đã đưa việc tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông ra LHQ. Vì TQ đã có âm
mưu và thủ đoạn “độc chiếm” Biển Đông từ lâu nên đã có sự chuẩn bị tất cả
các mặt về ngoại giao, kinh tế, quân sự và cả pháp lý.
Chúng ta hãy xem lại “lộ trình” của việc tranh chấp đền Preah Vihear giữa
Thái Lan và Campuchia hay tư cách thành viên đầy đủ của Palestine ở UNESCO sẽ
hiểu tại sao TQ phải “đầu tư” công sức và tiền bạc để tái lập “Con đường tơ lụa
trên biển”.
Lịch sử quan hệ VN-TQ cũng từng xảy ra
những “bất ngờ”, VN cần phải cảnh giác và có đối sách hợp lý.
Mười tiêu chuẩn xem xét và công nhận di sản thế giới
của UNESCO
Tiêu chuẩn văn hóa
(I) - là một tuyệt tác về tài năng
sáng tạo của con người.
(II) - Thể hiện một sự giao lưu quan
trọng giữa các giá trị của nhân loại, trong một khoảng thời gian hoặc trong
phạm vi một vùng văn hoá của thế giới, về các bước phát triển trong kiến trúc
hoặc công nghệ, nghệ thuật tạo hình, quy hoạch đô thị hoặc thiết kế cảnh
quan.
(III) - Là một bằng chứng độc đáo hoặc
duy nhất hoặc ít ra cũng là một bằng chứng đặc biệt về một truyền thống văn
hoá hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc đã biến mất.
(IV) - Là một ví dụ nổi bật về một
kiểu kiến trúc xây dựng hoặc một quần thể kiến trúc cảnh quan minh hoạ cho
một hay nhiều giai đoạn có ý nghĩa trong lịch sử nhân loại.
(V) - Là một ví dụ tiêu biểu về sự
định cư của con người hoặc một sự chiếm đóng lãnh thổ mang tính truyền thống
và tiêu biểu cho một hoặc nhiều nền văn hóa, nhất là khi nó trở nên dễ bị tổn
thương dưới tác động của những biến động không thể đảo ngược được.
(VI) - Gắn bó trực tiếp hoặc cụ thể
với những sự kiện hoặc truyền thống sinh hoạt với các ý tưởng, hoặc các tín
ngưỡng, các tác phẩm văn học nghệ thuật có ý nghĩa nổi bật toàn cầu. (tiêu
chuẩn này chỉ duy nhất được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt và áp
dụng đồng thời với các tiêu chuẩn khác)
Tiêu chuẩn tự nhiên
(VII) - Chứa đựng các hiện tượng, địa
điểm tự nhiên hết sức nổi bật hoặc các khu vực có vẻ đẹp tự nhiên độc đáo và
tầm quan trọng về thẩm mỹ.
(VIII) - Là những ví dụ nổi bật đại
diện cho những giai đoạn lớn trong lịch sử của Trái Đất, trong đó có lịch sử
về sự sống, các quá trình địa chất quan trọng đang tiếp diễn trong sự phát
triển của các địa mạo, hoặc các đặc điểm quan trọng về địa chất hoặc địa lý
tự nhiên.
(IX) - Là những ví dụ tiêu biểu cho
quá trình sinh thái và sinh học đang tiếp diễn trong quá trình tiến hoá và
phát triển của các dạng địa hình, vùng nước ngọt, biển và ven biển và các
quần xã động vật, thực vật.
(X) - Là những nơi cư trú tự nhiên
quan trọng nhất và tiêu biểu nhất, mang giá trị bảo tồn nguyên trạng sự đa
dạng sinh học, trong đó có những môi trường sống chứa đựng những loài động
vật hoặc thực vật đang bị đe dọa, có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan
điểm khoa học hoặc bảo tồn.
|
Xin các ơn và chúc sức khỏe GS.TS Nguyễn Tấn Anh.
Duy Chiến
Nguồn: Theo TuanVietNam