Ông Mugabe từng được tôn sùng nhưng
những sai lầm trong chính sách kinh tế và đấu đá nội bộ đã buộc ông phải từ
chức.
Tổng thống Zimbabwe
Robert Mugabe. Ảnh: AP.
|
Trong gần 4 thập kỷ ông Mugabe làm lãnh đạo, Zimbabwe đã đi từ một trong
những đất nước giàu có nhất châu Phi trở thành một trong những nước nghèo nhất
thế giới với tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục.
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe nói rằng ông sẽ lãnh đạo đất nước cho đến
khi ông 100 tuổi. Tuy nhiên, ở tuổi 93, ông giờ đã đi đến cuối chặng đường sự
nghiệp chính trị với lá thư xin từ chức gửi quốc hội Zimbabwe hôm nay.
Vì những đóng góp cho phong trào đấu tranh giành độc lập, ông Mugabe từng
được người dân tôn sùng như một anh hùng dân tộc.
Xuất phát điểm là một giáo viên với 7 tấm bằng đại học, cái tên Robert
Mugabe trở nên nổi tiếng vào thập niên 1960 khi ông giữ vai trò lãnh đạo Liên
minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe (ZANU) trong cuộc chiến tranh du kích đòi độc
lập từ Anh (1964 - 1979).
Năm 1964, ông bị tống giam và phải ngồi tù 10 năm vì "một bài phát
biểu mang tính chất kích động lật đổ". Không lâu sau khi được trả tự do
vào năm 1974, Mugabe đã tạo nên một cơn địa chấn trên chính trường. Ông tiếp
tục là người dẫn đầu làn sóng đấu tranh chống lại những người cai trị da trắng
phân biệt chủng tộc.
Năm 1980, Cộng hòa Zimbabwe chính thức thành lập. Ông Mugabe giữ chức Thủ
tướng Zimbabwe từ năm 1980 đến 1987. Ông trở thành Tổng thống Zimbabwe từ tháng
12/1987.
Trong những năm đầu lãnh đạo đất nước, ông Mugabe được ca ngợi vì nỗ lực mở
rộng các dịch vụ xã hội, đầu tư xây dựng mới nhiều bệnh viện và trường học cho
người dân. Tuy nhiên, càng về sau, những tiếng nói chỉ trích Tổng thống Mugabe
xuất hiện ngày càng nhiều.
Trong gần 4 thập kỷ ông Mugabe làm lãnh đạo, Zimbabwe đã đi từ một trong
những đất nước giàu có nhất châu Phi trở thành một trong những nước nghèo nhất
thế giới với tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục.
Nước này từng trải qua giai đoạn siêu lạm phát năm 2007 - 2009, với biểu
hiện rõ nhất là việc Ngân hàng Trung ương liên tục phát hành tiền mệnh giá rất
cao như 20 triệu hay 100 tỷ đô la Zimbabwe. Năm 2008, tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục
lên đến 231 triệu %.
Chính sách cải tổ "thần tốc", phân phối lại đất đai mà Tổng thống
Mugabe ban hành năm 2000, theo một số người, là thành tựu lớn nhất của ông,
nhưng đối với nhiều người khác, nó chính là nguồn cơn khiến Zimbabwe trượt dài,
rơi vào khủng hoảng.
Ông Mugabe chủ trương tịch thu trang trại, đồn điền trong tay người da
trắng để trao cho người da đen, với rất ít kinh nghiệm canh tác, quản lý. Hệ
quả là nông nghiệp sa sút nghiêm trọng, ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Nông
nghiệp lúc bấy giờ được đánh giá là xương sống đối với kinh tế Zimbabwe.
Một ngày trước binh biến 15/11, tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga nói
rằng vấn đề kinh tế là một trong những lý do khiến quân đội muốn can thiệp
thiệp.
"Vì những cãi vã trong nội bộ ZANU-PF, Zimbabwe không có sự phát triển
nào đáng kể trong 5 năm qua. Kinh tế bế tắc đã đặt ra nhiều thách thức đối với
dân chúng Zimbabwe, như thiếu tiền mặt và giá cả hàng hóa tăng cao".
Cú ngã từ đỉnh danh vọng
Trong nhiều thập kỷ, chủ đề tìm kiếm người kế nhiệm ông Mubage là điều cấm
kỵ, tuy nhiên, khi ông ngoài 90 tuổi và ngày càng ốm yếu, cuộc đấu đá quyền lực
để tìm tân tổng thống càng rõ rệt.
Đảng cầm quyền ZANU-PF trở thành mặt trận đối chọi giữa hai phe cánh: phe
G40 ủng hộ Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe, trong khi phe Lacoste ủng hộ Phó tổng
thống Emmerson Mnangagwa.
Ông Mnangagwa, 75 tuổi, là phụ tá lâu năm của Tổng thống, hai người từng
sát cánh trong cuộc đấu tranh giành độc lập những năm 1970. Ông Mnangagwa từng
giữ nhiều vị trí quan trọng trong chính quyền như bộ trưởng tư pháp, bộ trưởng
quốc phòng. Ông được coi là ở vị trí trung tâm trong mạng lưới kết nối quân
đội, cơ quan tình báo và đảng cầm quyền.
Bà Grace, 52 tuổi, là vợ thứ hai của ông Mugabe từ năm 1996. Bà bắt đầu có
vị trí quan trọng đảng cầm quyền từ năm 2014. Bà Grace từng thành công trong
việc khiến chồng sa thải một phó tổng thống là bà Joice Mujuru. Tuy nhiên, lịch
sử không lặp lại khi bà đối đầu với ông Mnangagwa. Việc ông Mnangagwa bị sa
thải ngày 6/11 được cho là nguồn cơn dẫn đến binh biến.
Vivid Gwede, nhà phân tích chính trị độc lập ở Harare, nói rằng một trong
những sai lầm lớn nhất của ông Mugabe là "để cho vợ chia sẻ quyền
lực".
"Nhiều người đã chán ngấy ông Mugabe. Vợ ông càng khiến họ chán ghét
hơn vì các hành vi thô lỗ của bà ấy", David Moore, một chuyên gia về
Zimbabwe tại Đại học Johannesburg, Nam Phi, nhận xét.
Phe cánh G40 của Đệ nhất phu nhân đã đánh giá thấp đối thủ của mình.
"G40 không có súng và nếu không có súng, họ chẳng có cơ hội nào cả",
ông Moore nói thêm.
Cựu bộ trưởng tài chính Zimbabwe Tendai Biti nói rằng sự tự mãn đã khiến
ông Mugabe chịu kết cục hiện giờ. "Ông ấy nắm quyền trong thời gian quá
dài. Ông ấy trở nên quá tự mãn và ngoan cố".
Ông Biti cho rằng sự can thiệp của quân đội được nhiều người ủng hộ vì nó
không gây đổ máu, không làm gián đoạn cuộc sống của người dân bình thường và họ
không có hành động gay gắt với ông Mugabe. Truyền hình nhà nước đăng ảnh ông
thương thuyết với các chỉ huy quân đội tại tòa nhà chính phủ. Ông Mugabe vẫn
được đến dự một buổi lễ tốt nghiệp đại học sau khi bị quản thúc.
"Quân đội muốn ông Robert Mugabe rời ghế nhẹ nhàng, bởi vì họ tôn
trọng ông ấy", Earnest Mudzengi, nhà phân tích chính trị tại Harare nói.
Ông Mugabe chỉ gửi đơn xin từ chức sau khi quốc hội Zimbabwe bắt đầu quá
trình luận tội ông. Với việc ông từ chức, cựu phó tổng thống Mnangagwa trở
thành nhà lãnh đạo lâm thời của Zimbabwe, chấm dứt kỷ nguyên Mugabe.
"Ông Mugabe từng là một nhà lãnh đạo vĩ đại, nhưng sự lãnh đạo đã tụt
dốc đến mức ông ấy đẩy Zimbabwe vào cảnh khó khăn", giáo sư Shadrack
Gutto, Đại học Nam Phi, nói.
Phương Vũ
Nguồn: Theo VNE