25 novembre 2017

Formosa Hà Tĩnh xả khí thải vượt chuẩn: Khí thải nào vượt, xử lý ra sao? Tại sao cứ phải bao che cho Formosa?


Formosa xả khí thải áp dụng hàm lượng oxy tham chiếu lên 15% vượt ngưỡng cho phép chỉ 7%. Ảnh: PV


Mặc dù Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép năm 2013 QCVN 51:2013/BTNMT (gọi tắt quy chuẩn 2013) quy định hàm lượng oxy tham chiếu là 7%, tuy nhiên ngày 9.1.2014, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến ký công văn số 68 cho phép Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) sử dụng hàm lượng oxy tham chiếu trong giai đoạn thiêu kết là 15%.



Trước thông tin Formosa Hà Tĩnh xả khí thải vượt chuẩn, PGS.TS Trịnh Văn Tuyên - Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường, đơn vị được giao nhiệm vụ giám sát việc xả thải của Formosa Hà Tĩnh - khẳng định, việc Formosa xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép là có, tuy nhiên không phải tất cả chất thải của Formosa đều vượt và không phải thời điểm nào cũng vượt.



Formosa xả khí thải nào vượt chuẩn?


Mặc dù Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép năm 2013 QCVN 51:2013/BTNMT (gọi tắt quy chuẩn 2013) quy định hàm lượng oxy tham chiếu là 7%, tuy nhiên ngày 9.1.2014, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến ký công văn số 68 cho phép Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) sử dụng hàm lượng oxy tham chiếu trong giai đoạn thiêu kết là 15%.

Đại diện Bộ TN&MT, thừa nhận đây là một văn bản cá biệt. Nói về việc “đặc cách” cho Formosa Hà Tĩnh "xé rào" không chịu sự điều chỉnh của QCVN,  đại diện Bộ TN&MT cho biết: Ngày 10.12.2013, Formosa Hà Tĩnh có văn bản gửi Tổng cục Môi trường, xin ý kiến chỉ đạo về quy trình thiêu kết trong QCVN 51:2013/BTNMT. Formosa Hà Tĩnh cho rằng, các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải đối với các nước có ngành gang thép phát triển đều có quy định riêng, đặc thù về hàm lượng oxy tham chiếu cho công đoạn này là 15%.

Trao đổi với Lao Động chiều 24.11, PGS.TS Trịnh Văn Tuyên - Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường (đơn vị thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, Viện Công nghệ môi trường được giao nhiệm vụ giám sát xả thải của Formosa Hà Tĩnh từ tháng 6.2017 tới nay. Trong việc xả khí thải của Formosa Hà Tĩnh có các chất phải kiểm soát đặc biệt theo quy chuẩn gồm: Thứ nhất Dioxin, Furan; thứ hai là các kim loại nặng như đồng, chì, thuỷ ngân…; thứ 3 khí hoá học So2 và Nox; thứ tư bụi tổng.

Theo biên bản giám sát hàng ngày từ tháng 6 tới nay, khi Formosa chạy với công suất 60 đến 80% thì tất cả các chất thải trên đều dưới ngưỡng quy chuẩn 2013. Tuy nhiên, khi Formosa chạy thử nghiệm tới 90 đến 100% thì chỉ có chất SO2 (lưu huỳnh) vượt quy chuẩn cho phép. Cụ thể, theo quy chuẩn 2013, Formosa chỉ được xả thải 400 mg/Nm3, tuy nhiên theo biên bản ngày cao nhất  5.9.2017 thì chất này vượt gấp 3 lần cho phép.


Buộc Formosa phải lắp đặt 2 tháp khử khí thải 


Theo nguồn tin của Lao Động, trước khi nguyên Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến gửi văn bản cho phép Formosa Hà Tĩnh xả khí thải vượt ngưỡng quy chuẩn 2013 đã căn cứ vào các thông tin như Tổng cục Môi trường đã thu thập, nghiên cứu, biên dịch các quy định của nước ngoài liên quan đến khí thải công nghiệp cho thấy họ đều áp dụng hàm lượng oxy tham chiếu 15%. Mặt khác, các chuyên gia về quản lí chất lượng không khí JICA Nhật Bản cũng đề xuất hàm lượng oxy tham chiếu là 15%.

Trước việc Formosa Hà Tĩnh đã xả khí thải vượt ngưỡng cho phép, giải pháp xử lý thế nào, một nguồn tin của Lao Động cho biết, Bộ TN&MT đã yêu cầu lắp đặt thêm 2 hệ thống tháp để khử khí SO2 và Nox. “Dự kiến, có thể đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành 2 hệ thống tháp này”.

Còn việc trước mắt để hạn chế việc Formosa Hà Tĩnh xả khí thải vượt ngưỡng, PGS.TS Trịnh Văn Tuyên cho rằng, trước mắt nên buộc Formosa Hà Tĩnh kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào, cụ thể kiểm soát chặt nguyên liệu than cốc. Ngoài ra, như đã phân tích trên, Formosa Hà Tĩnh nên vận hành với công suất phù hợp để tránh gây ô nhiễm.

Sử dụng công nghệ thiêu kết các nước thường sử dụng hàm lượng oxy tham chiếu ở ngưỡng nào thì đáp ứng được, PGS.TS Trịnh Văn Tuyên  cho rằng, hiện nay với các doanh nghiệp dùng công nghệ thiêu kết thì ngưỡng 7% rõ ràng là không đáp ứng được.

“Quan điểm của tôi là nên thay đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép không phải vì văn bản của Thứ trưởng Tuyến hay vì Formosa Hà Tĩnh mà thay đổi để các doanh nghiệp cùng đáp ứng được. Tuy nhiên, việc thay đổi này cũng thay đổi giới hạn nồng độ ô nhiễm theo chiều hướng chặt chẽ hơn”. 


VÂN GIANG



Nguồn: Theo LDO