Lại đại án,
lại nghìn tỉ... Nhiều người ngoài cuộc khi đọc những tin tức dồn dập về tập
đoàn địa ốc Alibaba chỉ còn biết thở dài ngao ngán, trong khi những người có
giao dịch mua bán với tập đoàn lừa đảo này hẳn phải suy sụp, mất ăn mất ngủ.
Đại án, không phải là tai họa nữa rồi, mà đã trở thành thảm họa quốc gia...
Câu hỏi được đặt ra là vì sao
ở nước ta những vụ “đại án” nghìn tỉ lại có vẻ dễ dàng xảy ra đến thế và nguyên
nhân sâu xa của chúng đến từ đâu? Hãy cứ thử lấy một vài đại án như vụ lừa đảo
của tập đoàn Alibaba mà phân tích, có lẽ chúng ta sẽ phần nào có câu trả lời.
Tinh vi chăng? Táo tợn chăng?
Vụ Alibaba táo tợn thì có nhưng tinh vi có lẽ không. Theo báo Dân Việt thì ông
Trần Đình Khang - Giám đốc một công ty môi giới BĐS trên địa bàn TP. HCM cho
biết, hoạt động của Tập đoàn địa ốc Alibaba được Hiệp hội BĐS TP.HCM có
văn bản cảnh báo từ hơn hai năm về trước. Văn bản này được gửi tới nhiều bộ,
ngành và một số tỉnh lân cận nhưng ngoài TP.HCM thì hầu như các tỉnh khác
không có phương án đối phó với doanh nghiệp này vào thời điểm đó.
''Để làm được một dự án
không phải trong ngày một, ngày hai. Hơn nữa, địa ốc Alibaba đi đến đâu cũng
không chỉ ở đó một ngày mà phải lưu trú rất lâu, thực hiện xây lấp khu đất
một cách rầm rộ nhưng không bị phát hiện xử lý ngay từ đầu...'' - ông
Khanh nói.
Ở một đất nước mà người dân
chỉ mới đổ một đống cát vào tận bên trong nhà để sửa chữa mà chưa xin phép thôi
đã có thanh tra nhà đất hầu như lập tức có mặt để xử phạt thì việc “xây lấp khu
đất một cách rầm rộ” nhưng các quan chức hữu quan “không nghe, không biết,
không thấy” thì quả là một “điều lạ”. “Điều lạ” này, hỡi ôi, nó hầu như hiện
diện ở hầu hết các vụ đại án với một cái tên pháp lý trong các phiên tòa xử án
là “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Có những vụ đại án mà những kẻ
táo tợn như Dương Chí Dũng, chủ tịch Vinalines dám chi cả chục triệu đô la mua
cả ụ tàu “đồng nát” sắt vụn về mà vẫn đi qua các khâu thanh tra, kiểm tra trót
lọt. Có những vụ chỉ mỗi một trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng như Huỳnh
Thị Huyền Như mà đã có thể lừa đảo chiếm đoạt đến 4.000 tỉ đồng. Có những vụ
“mua hố” mà thực chất là tẩu tán tài sản nhà nước như vụ MobiFone - AVG thì hầu
như ai trong giới truyền hình cũng biết đó là một phi vụ làm ăn bất chính.
Dẫn ra các vụ đại án như vậy
là để thấy nền kinh tế thị trường của ta còn nhiều khiếm khuyết, nhiều chất
“hoang dã”, trong khi cơ chế tự vệ của xã hội trước những mặt tiêu cực của
chúng dường như chưa được mạnh mẽ. Với vụ đại án Alibaba mới nhất, các đơn vị
điều tra, phá án được khen thưởng là xứng đáng, thế nhưng nếu đó là ở thời điểm
hai năm về trước khi đã có những cảnh báo thì thiệt hại chắc đã không đến mức
nghìn tỉ như bây giờ. 2.500 tỉ, 6.700 nạn nhân, có lẽ nhiều người cũng đến mức
tán gia bại sản, đau khổ biết dường nào.
Nếu từ những tỉ đồng đầu tiên
của sự thất thoát, lừa đảo, chiếm đoạt mà bị phát hiện thì làm gì các công cuộc
làm ăn kinh tế như trên lại đến mức trở thành đại án, thảm họa. Nếu các vòi
bạch tuộc mà bị chặt đứt ngay từ trong trứng thì đâu đến nỗi các đại án cứ dập
dồn, dồn dập, lò chống tham nhũng cứ đốt mãi mà không hết củi như ngày nay.
Bóng dáng tham nhũng, hối lộ chắc
chắn luôn lẩn khuất đâu đó trong các vụ đại án bởi những kẻ “đại thủ ác” chắc
chắn không thể một mình tự tung tự tác. Chính vì điều này mà bây giờ, khi nghe
đến các dự án đầu tư hàng nghìn tỉ, hàng chục hay hàng trăm nghìn tỉ, người dân
cứ giật mình thon thót rằng không biết chúng có trở thành thảm hoạ đại án trong
tương lai không. Niềm tin xã hội về những công cuộc làm ăn, đầu tư lớn, về việc
quản lý, kiểm soát các công cuộc này đã bị hao mòn, mất mát khá nhiều.
Lại một đại án, lại nghìn tỉ.
Làm sao để tắt được tiếng thở dài của người dân bởi những tai ương, thảm hoạ
đại án kinh tế đây, bởi đó không chỉ là những mất mát, thiệt hại to lớn về kinh
tế...
Đoàn Đạt