01 octobre 2019

Nói hay hơn hay nói


Thiện Tùng

27/09/2019



Ở lĩnh vực ca nhạc, người ta định hạng: “nhứt bản, nhì ca, ba đờn”- nội dung bài ca/hát là nhứt, người thể hiện là nhì, người đờn là ba. 

Trên diễn đàn hay trên truyền thông cũng vậy: nội dung bài là nhứt, người thể hiện là nhì, cảnh trí là ba.

Bài viết nầy tôi không nói lĩnh vực ca hát (1) hay truyền thông, mà chỉ nói nội dung phát biểu của diễn giả trên diễn đàn (nói cái quan trọng nhứt).


1/ Nặng về hình thức, nhẹ về nội dung

Trong hội họp, quan trọng nhứt là nội dung. Có lẽ vì biết nội dung không có gì mới, người ta dùng hình thức khích lệ: bên ngoài phòng họp cờ, phướn… rợp trời, bên trong đầy hoa, tranh ảnh.  
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị ngành xây dựng Đảng.
Tuy không nêu thành nguyên tắc, nhưng ai cũng ngầm hiểu: Là diễn giả xứng danh, chỉ nói những gì người ta chưa biết hoặc biết chưa đầy đủ - nói những điều người ta đã biết là tra tấn dã man. 
Nghe/nhìn là quyền lợi, nói/viết ra là nghĩa vụ. Nghe/nhìn nhiều mới làm tốt nghĩa vụ. Mãi lo làm nghĩa vụ mà chẳng chịu nghe, nhìn riết hết “nguyên liệu”, nói hay viết cứ bổn cũ soạn lại, ca bài ca muôn thở, khiến người ta chán ngán, ngủ.
Những bà mẹ ru con cứ quanh đi quẩn lại:“Ầu ơ…, Con cá Lý ngư sầu tư biếng lội, con chim trên cánh sầu cội biếng bay”; “Ầu ơ…Con chim đa đa đậu nhánh đa đa, chồng gần không lấy mà lấy chồng xa, mai sau cha yếu mẹ già, chén cơm, đôi đủa, bộ kỷ trà ai dâng”; “ Ầu ơ…, Con cá Lý ngư …”-  Ngày nầy qua ngày khác, cứ nhạo đi nhạo lại bài hát ru quen thuộc,  đứa trẻ chán, ngủ ngon lành


2/ Tồn tại – Ý thức

Nhờ có tiếp xúc thực tế (tồn tại) mới hình thành được ý thức. Con người sinh ra không cho tiếp xúc thực tế sẽ không có ý thức.

 Cách mạng thực hiện trên nhiều lĩnh vực: Cách mạng khoa học kỹ thuật, Cách mạng tư tưởng, Văn hóa, Xã hội. Định nghĩa hai chữ Cách mạng là “thay cũ đổi mới, cái mới phải tiến bộ hơn cái cũ” – dậm chân tại chỗ đã là phản Cách mạng. Cái tiến bộ hôm nay là cái lạc hậu ngày mai.

Vì vậy, người cấp tiến (Cách mạng) luôn tìm tòi cái mới tiến bộ thay cho cái cũ đã lạc hậu - ngược lại là bảo thủ, phản Cách mạng. 

 Nghe/nhìn cốt để tìm không tin (tìm nguyên liệu).Thông tin chưa gạn đục khơi trong, thấy gì nói/viết nấy theo kiểu “mì ăn liền” chắc gì không lộn tạp chất. Phải qua kiểm chứng, gạn lộc, nó mới trở thành tinh chất – đó mới là cái xã hội cần đến. Người ta thường nhắc nhở nhau:“Phải uốn lưỡi 10 vòng trước khi nói” – đó là khuyên: nghĩ kỹ rồi hãy nói, phải nhả ngọc phun châu chớ đừng phun nước miếng.

Theo tôi (người viết) có cảm nhận: Quan chức nhà ta hiện nay ít chịu nghe, nhìn, cho nên luôn khan hiếm “nguyên liệu”. Từ thiếu nguyên liệu, họ rơi vào bảo thủ, chủ quan – cho rằng mình biết tất cả, phong thái kênh kiệu, luôn biểu hiện vạn sự thông, thích nói cho người ta nghe chớ không nghe người ta nói. Từ đó, cứ nhạo đi nhạo lại những điều mình đã nói và người ta đã biết, gây nhàm chán, hết muốn nghe. 


3/ Vua tập thể

Dường như lịch sử lặp lại, xưa có “Lê trào, Nguyễn chúa”. Ngày nay,   họ Nguyễn thay nhau làm “Vua tập thể” đang ngự trị tại cung đình. Điều đáng nói là các vị vua họ Nguyễn nầy học hàm, học vị đấy mình, nhưng có nhiều khuyết tật khiến cho công chúng tâm và khẩu đều không phục:


- Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ: Khi tại nhiệm, việc gì Ông cũng hô hào quyết liệt, tung ra “Những quả đấm thép” và hợp tác khai thác dầu khí với Venézuela. Tất cả đều thua lỗ nặng và mất trắng khối tiền khổng lồ ?!.

- Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ: Từ khi nhậm chức (đầu năm 2016) đến nay, Ông rất xông xáo, luôn có mặt “trên từng cây số”, chuyên chiếm diễn đàn “niểng, nổ”. Ông đến tỉnh, thành phố nào cũng khen chê đôi điều rồi nói thế mạnh và thúc giục nơi đó cố tiến lên dẫn đầu cả nước. Đến với Bộ nào, Ông cũng hết khen chê rồi động viên cố lên “dẫn đầu thế giới”. Nhìn Ông giống như một cỗ động viên, hừng hực khí thế. Nghe Ông nói riết ham, nhưng rốt cuộc, nếu không thụt lùi cũng dậm chân tại chỗ?!

- Nguyễn Thiện Nhân, UV BCT, Bí thư TP HCM: Ông Nhân đang lãnh đạo TP có số dân hơn 10% dân số cả nước (12/95 triệu). Dân chúng không ưa ông Nhân vì những câu nói ngớ ngẫn: “Tôi tuy nói giọng Bắc nhưng là người miền Nam (Trà Vinh), tôi nói là làm, bà con hãy tin ở tôi”- Vậy người miền Trung, miền Bắc nói không làm hay sao? - nói còn móc lò! / Tháng 6 năm 2018 (là phải?), Khi tiếp xúc dân Thủ Thiêm khiếu kiện, ông Nhân hứa “tháng 11 tôi sẽ giải quyết xong việc rắc rối nầy”. Tháng 12/2018, dân hỏi sao Ông chưa giải quyết? Ông Nhân nói “Tôi nói tháng 11 chớ đâu có nói năm nào?”/ Nạn hiếp dâm trẻ em xảy ra nhiều nơi, Ông nói: “Hiếp dâm trẻ em không thể tha thứ được, nhưng cần xét tới nhân thân tốt, là đảng viên cán bộ thì có thể cho tại ngoại để tu dưỡng đạo đức sẽ có kết quả tốt hơn”- học hàm học vị đầy mình mà ông Nhân nói năng chẳng ra làm sao?!.

- Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước: Cho đến nay, dường như Ông chưa phân biệt được đâu là thù, đâu là bạn. Thế mà, một mình Ông đảm nhận 2 ghế tối cao, thủ vai “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Nhưng quanh năm suốt tháng, Ông chỉ lúi húi lo giữ cho Đảng mình trong sạch mà không xong. Dường như đã lậm, mỗi khi lên diễn đàn, Ông cứ nhai đi nhai lại câu thần chú: “Chống thoái hóa về tư tưởng, đạo đức, lối sống…, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa / Học tập làm theo Di chúc, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…”. Rốt cuộc, thuộc hạ của Ông cứ tiếp tục hư đốn?!.

-  Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội: Khi tại nhiệm, Ông luôn chém gió:“Bộ Chính trị đã quyết không thể không làm”. Thế rồi, làm đâu thiệt hại, thua lỗ đến đó như Bauxite Tây Nguyên, Formosa, Điện than, Nhà máy giấy chẳng hạn.


- Nguyễn thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội: thiên hạ cho rằng bà nầy tự cao, tự mãn, chuyên ăn theo, nói leo. Và cũng cho rằng, bà không xứng đáng là một chính khách, chỉ xứng đáng một nữ “thời trang”. Luật Đặc khu: “Bộ Chính trị đã quyết không thể không ra


4/ Ép buộc, dùng vật chất chiêu dụ người nghe

“Nói hay hơn hay nói”. Vì nói dở quá nên người ta không muốn nghe. Những cuộc hội họp, kể cả họp chi bộ đảng, thường trống vắng. Những người có mặt, nếu không ngủ gật cũng nói riêng, bàn chuyện đâu đâu.

Để có người nghe phải ép buộc, chiêu dụ bằng vật chất:

 - Ép buộc: Người trong tổ chức biên chế phải đến nghe, nếu không đến thì phê bình, kỷ luật, cách chức, cho thôi việc. Nếu là dân mời họp mà không đến thì bị phân biệt đối xử, không công nhận “gia đình văn hóa”.v.v…

- Dùng vật chất chiêu dụ: Riết thành thông lệ, hội họp kèm theo “bữa cơm thân mật và biếu quà cáp” để kích thích. Từ đó mới có bài thơ “3 kính” ra đời:

Kính thưa, kính biếu, kính mời,

trong ba kính ấy … chơi kính nào? 



Kính thưa nghe mãi không vào,

kính mời, kính biếu kính nào cũng hay:

Kính mời là kính ăn ngay.

Kính biếu là để xách tay về nhà.



Thật khôi hài: Lúc đầu biếu trưa, chiều cuộc họp vắng như chùa “bà Đanh”, về sau rút kinh nghiệm, biếu tàn buổi chiều để giữ người nghe.



Tôi nghĩ: Ở lĩnh vực tư tưởng, nhận thức không thể dùng biện pháp hành chính – nói như rầy la, mệnh lệnh, áp đặt, mà phải dùng lời lẽ êm dịu, thâm sâu, có lý, có tình… rót vào tai người nghe mới cảm hóa được họ. Có khi phải dùng văn, thơ… chuyển tải nội dung mình muốn truyền đạt. Thử hỏi ai không xúc động khi nghe:

- Nguyễn Du tả cảnh buồn của một thân phận khi sa cơ lỡ vận:

"Buồn trông cửa bể chiều hôm, thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa, buồn trong ngọn nước mới sa, hoa rơi man mác biết là về đâu!". 

- Soạn giả Viễn Châu viết lời câu 1 bài ca Vọng cố gợi nhớ quê hương, đất nước:

"Chiều xuống hoàng hôn pha sắc tím, cánh cò chở nắng bay xa về tận cuối chân trời, dõi mắt trông theo vời vợi tầm nhìn, cánh cò khuất dần chỉ còn màu xanh ở lại, điểm phất sương chiều sao gợi nỗi bâng khuâng! Bất chợt anh nhớ về em, về miền Hạ Nhựt Ninh quê em ở đó. Không biết giờ nầy em đi cấy dậm về chưa, hay còn lam lũ trên ruộng biền chờ tiếng kêu con Cúm Núm". 

 - Thiện Tùng viết câu 6 bài ca vọng cổ về “Nỗi lòng Bà mẹ Chiến sĩ”(2) nói với những người dưới mộ khi bà viếng nghĩa trang liệt sĩ:

"Các con ơi! Có người mẹ nào chẳng xót đau khi thấy trong đám con mình đứa thì đi rồi đi mãi / đứa thì tật nguyền sống với chuổi ngày dầu dãi nắng sương / đứa thì bị cầm giam trong bốn bức tường bởi can tội chi chi đó /đứa thì tham giàu phụ khó, chẳng còn nghĩ chi đến tình nghĩa riêng chung mà bấy lâu chúng ta đã dày công xây đắp vun bồi. Thôi! Tình nghĩa mẹ con bao nhiêu đó cũng đủ rồi. Giả biệt các con, quê nghèo mẹ trở lại. Xin van vái đất trời hãy phò hộ cho những đứa con tôi".  -/-

---------

 Chú thích

  (1) Nhạc Cổ gọi là ca, nhạc Tân gọi là hát- không ai gọi hát vọng cổ.

(2) Trong chiến tranh, phía Cách mạng có danh hiệu “Mẹ Chiến sĩ”- mẹ của tất cả những ai tham gia kháng chiến. Những bà mẹ nầy siêng năng, đôn hậu, như người làm hậu cần không ở từng vùng. Sau 30/4/1975, danh hiệu và những bà mẹ nầy bị lãng quên. Họ buồn cho thân phận bị bỏ rơi và buồn cho những đứa con đang phân ly: số chết, số bị thương, số ngồi tù, số vong ân bội nghĩa.