18 janvier 2022

Những chuyện tráy khoáy 2 – Nhiều tác giả

May là ở Đức.

Sát tết Nhâm Dần, thấy mệt mỏi căng thẳng, mình mẩy đau nhức, làm việc không tập trung.

Bạn rủ đi ăn phở, uống cà phê hi vọng khá hơn
nhưng đầu vẫn váng vất. Tối trên đường về nhà 19h30 tranh thủ lượn qua cửa hàng mua mấy thứ vì sắp hết và ngại ra đường vì cô vy cao, thấy hơi đau bụng, tính tiền xong, nhanh tay cho hàng vào túi đi thẳng ra bến tàu. Gần tới nhà , giật mình thấy hình như chưa nhận tiền trả lại, hoá đơn tính tiền và hàng đã cầm, lục tung túi áo và ví không thấy, lơ mơ cảm thấy như chưa nhận tiền trả lại, ngoài trờ tối và lạnh, nhưng vẫn phải quay lại.


Chờ 1 người khách xong, đưa hoá đơn cho cậu tính tiền và bảo : Lúc nãy mua hàng, hết hơn 16 eur, tôi đưa cho cậu 50eur và chưa nhận tiền trả lại. Cậu giơ ngón cái lên và gọi cửa hàng trưởng làm thủ tục trả lại hơn 33eur.

Thở phào và rảo bước ra bến tàu vừa tối vừa lạnh.

Vậy là đã bước sang tuổi già và lẩn thẩn.

 Lê Thị Minh Hà

                                §

Hơi láo nhưng mà được.

.

Tin trên báo:

Căng dây phong tỏa nhà người đủ điều kiện nhưng từ chối tiêm vắc-xin Covid-19.

.

Đoạn 1.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã Vĩnh Trung (Móng Cái, Quảng Ninh) đã tiến hành căng dây phong tỏa theo quy định và yêu cầu trường 2 trường hợp ký cam kết về việc đủ điều kiện nhưng từ chối thực hiện tiêm vắc-xin Covid-19.

.

Đoạn 2.

Trước đó, công dân P.T.V., trú tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã từ chối tiêm chủng vắc-xin Covid-19 mặc dù đủ điều kiện tiêm.

Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 xã Hải Sơn đã tiến hành căng dây phong tỏa theo quy định, đảm bảo người chưa tiêm chủng vắc-xin (đủ điều kiện nhưng từ chối tiêm) không ra khỏi nhà và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, yêu cầu công dân P.T.V. ký cam kết với UBND xã về việc không thực hiện tiêm chủng, nêu rõ lý do và cam kết chịu mọi chi phí liên quan xét nghiệm, điều trị Covid-19 và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

(Hết đoạn trich.)

.

Lời Bình:

Đoạn 1 có lời văn ghi “Theo quy đĩnh”. Cần phải xem xét “Quy định” đó có hợp hiến, hợp pháp không. 6 tháng qua, nhiều “quy định” ất ơ, gây phiền lụy đã xảy ra. Nếu công dân kia chống lại một “Quy định” bất hợp lý thì không có tội lỗi gì cả.

Đoạn 2 thì có vấn đề:

Việc căng dây phong tỏa một gia đình, bất kể lí do gì là không ổn.

Nhà kia có thể chết đói (nếu không có nguồn tiếp liệu nhu yếu phẩm).Có thể chết bệnh (nếu bệnh khác covid nhưng chuyển nặng). Nhà kia có thể chết cháy nếu hỏa hoạn. Con cái ở xa về có thể không vào được nhà phải ngủ bờ ngủ bụi.

.

Ấy là tạm giả định vài tình huống dễ thấy, thực ra nếu bị phòng tỏa, nhà kia mất nhiều quyền con người, quyền công dân khác.

.

Để hiểu “đúng, sai” trong vụ này xin hãy tưởng tượng một khung thời gian chừng hai tháng qua đi, nhà này hoàn toàn khỏe mạnh, không có vấn đề gì về sưc khỏe (thực tế cho đến nay họ đã trải qua gần hai năm vô sự trước đại dịch) thì việc bỗng dưng tước hết quyền sống của họ, là vi hiến.

.

Tuy nhiên, vì sinh mạng của mình, vì lí do bảo toàn quyền của mỗi cá nhân với thân thể của mình, nếu phải chấp nhận “Quy định” láo lếu kia mà không phải chọc mũi tiêm, đưa chất “Lạ” vào cơ thể thì ok.Chấp nhận được, gọi là “Tình thế”.

.

Đã có nhiều gia đình có trẻ em dưới 12 tuổi chấp nhận cho con nghỉ học nếu bị bắt buộc tiêm Ác Xin.

.

Trong thời buổi nhiễu nhương này, Có thể phải chấp nhận những Cái láo toét nhưng mà được.

Nguyễn Huy Cường


                                §

 

HIỆU TRƯỞNG HỒN NHIÊN DỐT, HỒN NHIÊN PHẠM PHÁP.

.

Vị trí cụ thể để tôi viết hôm nay là một người. Một Quý bà hiệu trưởng trường Cao Đẳng với chính sách của trường đã thực thi bảy năm nay.

Tôi sẵn sàng tiếp nhận ý kiến phản hồi, thậm trí “tố ngược” của bà này về nội dung hôm nay.

.

Trước hết, mời anh chị em đọc nguyên văn bài phỏng vấn dưới đây từ báo chính thống, sau đó là lời bình của tôi.

Để tiện cho việc phản bác, tôi có thêm vào phần đánh số vài mục mà tôi khoanh để tiếp dẫn sau này cho tiện.

.

Nguyên văn:

………..

“Sau vụ việc nữ sinh tố Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội lấy mất đời con gái khiến dư luận bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định việc cấm giảng viên yêu sinh viên, cấm quan hệ tình dục tự do trong nhà trường để giữ sự trong sáng của môi trường học đường.

Đây cũng là biện pháp để dẹp bỏ vấn nạn “đổi tình lấy điểm”, lợi dụng khát khao vươn lên của nữ sinh nhằm lạm dụng tình dục.( 1)

Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với bà Phan Thị Mai Trang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Mỹ, TP. Hồ Chí Minh ngôi trường đầu tiên ở Việt Nam có quy định bắt buộc cấm giảng viên yêu sinh viên.

Thưa bà, được biết đã 7 năm nay, Trường Cao đẳng Việt Mỹ có quy định cấm giảng viên yêu sinh viên. Nhà trường có gặp khó khăn gì không, việc kiểm soát quy định này được thực hiện như thế nào?

Bà Phan Thị Mai Trang: Thực tế việc áp dụng bất cứ quy định nào cũng sẽ không dễ dàng. Sinh viên Cao đẳng Việt Mỹ là đối tượng từ 15 tuổi học hệ Cao đẳng 9+ hay từ 18 tuổi học hệ Cao đẳng chính quy thì đều đang độ tuổi có những biến chuyển lớn về tâm sinh lý khi muốn chứng minh sự trưởng thành, đặc biệt là về cảm xúc.

Ngưỡng vọng dành cho giáo viên là điều không tránh khỏi, đặc biệt với những giáo viên có tâm huyết và luôn dành hết tâm sức cho sinh viên của mình.

.

Tuy nhiên, cư xử đúng chuẩn mực và có nguyên tắc sẽ giúp cả sinh viên và giáo viên luôn thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học trong suốt thời gian học tập tại trường (2).

.

Cho tới thời điểm này, đã có ai vi phạm quy định này chưa, quy định này đã góp phần như thế nào vào xây dựng văn hóa trường học, trong việc đào tạo và đánh giá kết quả học tập của sinh viên?

Bà Phan Thị Mai Trang: Vì đã là quy định và được phổ biến khi các em sinh viên tham gia học tại Cao đẳng Việt Mỹ, nên việc vi phạm là rất ít.

Đối với bất kỳ vi phạm nào nhà trường cũng tiến hành xử lý theo đúng quy trình: - lần 1: gặp gỡ cá nhân, trao đổi tâm sự cùng đội ngũ tư vấn tâm lý và dịch vụ sinh viên - Lần 2: sẽ có cảnh báo với gia đình và cùng gia đình tìm hiểu cũng như trao đổi 1 cách tôn trọng và hợp lý để chỉ dẫn các em.

Đồng thời, cũng cảnh báo giáo viên nếu có vi phạm bằng email chính thức - Lần 3: ngưng Hợp đồng giảng dạy tại trường của giáo viên nếu vi phạm và sinh viên cũng bị đình chỉ học môn học đó.(3)

.

Bà có cho rằng, các trường hệ cao đẳng và đại học khác có nên thực hiện quy định này không khi mà có tình trạng đổi tình lấy điểm, giảng viên lạm dụng tình cảm, tình dục đối với nữ sinh trở thành vấn đề của nhiều trường đại học hiện nay?

Bà Phan Thị Mai Trang: Tôi nghĩ rằng nếu chưa tuyên truyền tốt thì quy định đôi khi chỉ là lý thuyết. Khi giáo viên và sinh viên hiểu đúng quy định, môi trường học đường sẽ trong lành và đáng nhớ hơn (4).

.

Xung quanh vấn đề này, cô có muốn chia sẻ gì thêm nữa hay không?

Bà Phan Thị Mai Trang: Tôi chỉ mong sao thanh xuân của sinh viên đang đặt trong thời gian sinh viên học tại trường.

Hãy giữ thanh xuân đó luôn là ký ức đẹp với không tổn thương, không mai mục, không đổi chác. Thời gian tươi đẹp đó sẽ là động lực, hành trang cho sinh viên khi họ ra trường và bắt đầu bước vào con đường nghề nghiệp.(5)

( Hết đoạn trich từ bài báo của tác giả Trinh Phúc)

.

Lời bình của tôi.

Trước hết tôi ghi nhận ĐỘNG CƠ của bà Hiệu trưởng, của Ban giám hiệu là tốt. Nó nhằm dành cho học sinh, sinh viên sự tập trung hơn trong học tập, nó cảnh báo các thầy có máu…dâm dê, ưa lợi dụng, gỡ gạc từ nữ sinh viên trẻ.

Vậy thôi, về “điểm cộng” chỉ có vậy, không hơn.

.

Còn lại, toàn bộ quan điểm của bà thể hiện một sự DỐT rất hồn nhiên.

Dốt về việc tiếp cận những minh triết về giáo dục, dốt về khái niệm “Yêu”, dốt về kiến thức Nhân văn, và đặc biệt là việc làm của Trường vi phạm hiến pháp, pháp luật rất hồn nhiên.

.

Kỳ lạ thay là kiểu mà năm 1997 tôi đã viết trên báo bài “Ty ra Luật” ( nghĩa chữ Ty trong bài là cấp Sở ngày nay, không phải cái chị em dùng nuôi con nhỏ) xin nói cho rõ.

.

Từ đó đến nay đã 7 năm mà quy định này không hề bị phát giác, không hề bị thổi còi.

Năm 2016 đã có thời điểm người ta sàng ra được hơn bảy nghìn văn bản pháp quy trái luật mà sao cái “luật” này vẫn lọt lưới.

.

Bây giờ tôi xin vào chủ đề chính:

.

Điểm thứ (1) nói là biện pháp này nhằm ngăn chặn nạn “đổi tình lấy điểm” thì xin thưa, cái “biện pháp ngô nghê, hình thức và bất khả thi này không ngăn chặn được ai cả.

Bằng chứng là trong 07 năm qua, nạn đổi tình lấy điểm (Pháp luật gọi là Thông dâm) phát triển ác liệt, hơn hẳn giai đoạn trước.

.

Điểm thứ (2) Cô nói đến “Cư xử chuẩn mực” thì có lẽ cách hiểu của Cô về hai chữ “chuẩn mực” sai rồi.

.

Tôi nêu một hiện tượng, trong một cuộc lộn xộn ngoài đời ngoài giờ hành chính, ngoài cơ quan, một thanh niên nói với một sỹ quan CA khi bị xúc phạm rằng: “Anh cởi bỏ bộ Cảnh phục đi, tôi với anh nện nhau cho ra lẽ như hai người đàn ông “ Và phía bên kia nói một câu “Anh đề nghị đó nhé,có người dân làm chứng, nếu xảy ra tổn thương gì, đừng trách”.

.

Sau đó hai bên cởi quần áo dài, nện nhau chí tử.

.

Hành vi (dù không đẹp) này không vi phạm “chuẩn mực” của xã hội.

.

Còn “chuẩn mực” của Nhà trường, nếu có, phải có phạm vi điều chỉnh về thời gian, vị trí đàng hoàng.

.

Công dân Thầy nếu chưa có vợ, yêu một Công dân trò chưa kết hôn (vì dụ Thầy 26 tuổi, cô sinh viên 19 tuổi) là chuyện dễ thấy và KHÔNG PHẠM PHÁP.

.

Về phía phụ huynh hai bên nếu thấy dâu, rể tương lai của nhà mình khá, cũng rất vui mừng dù đó là thầy dạy con mình.

.

Chức trách Thầy đã hoàn thành nhiệm vụ hành chính (dạy tốt) trên lớp.

Bổn phận sinh viên của cô gái đã ( học tốt)( ở khung giờ và khuôn viên nhà trường.

.

Khi ra khỏi cổng trường 200 mét, ở một không gian nên thơ, kín đáo một chút, họ có thể lao vào ôm nhau, hôn nhau cháy bỏng.

Đó là hơi thở của cuộc sống.

.

Tôi có rất nhiều dịp gần gũi sinh viên và có những khảo sát nhỏ (ảnh cuối), để viết sách. Có nhiều nữ sinh bày tỏ sự hài lòng khi yêu được thầy giáo, lác đác còn có cả nam sinh viên năm cuối đại học, khoảng 22 tuổi đã yêu say đắm cô giáo của mình hơn anh bốn tuổi và sau đó anh này trở lại trường với cương vị giảng viên, và họ đã thành vợ thành chồng.

.

Ngay trong lứa bạn tôi có mặt trên FB này, có rất nhiều cặp vợ chồng nay đã viên mãn, con cái đề huề, sự nghiệp vẹn tròn có điểm xuất phát là họ yêu nhau từ hồi chàng là giáo viên, nàng là học sinh cấp 3. phải không bạn Lê Hồng Phấn

.

Cho nên, nhân đây, nên nói về “Chuẩn mực”.

Hồi những năm 1975-1978 Cổng cơ quan Trung ương Đoàn và Tòa soạn báo Tiền Phong ở Hà Nội có một …chuẩn mực được ghi bằng chữ lớn dựng ngay lối vào, khiến Nhạc sỹ Văn Cao tới đó, đến liên hệ công việc phải quay lại.

.

Nội dung tấm bảng đó ghi:

TRUNG ƯƠNG ĐOÀN KHÔNG TIẾP NGƯỜI ĐỂ TÓC DÀI, MẶC QUẦN LOE.

Không biết bác Xuân Nam Dương còn nhớ không?

.

Thằng Sỹ Việt bạn tôi học bên Mỹ Thuật Công Nghiệp trên đường La Thành đến Tòa soạn để nộp bản thảo bài báo giúp cho tôi (để hắn có cớ vào đó, quậy cho ra lẽ ).

Cu Việt cởi trần, đầu trọc lốc, mặc quần bộ đội vào, bị bảo vệ chặn lại. Nó chỉ vào tấm “Chuẩn mực” nói nó không vi phạm.

Tay bảo vệ đành để nó vào với bộ dạng phong trần đó.

.

Kể lại câu chuyện này, để thấy, để nói với những người thich ra …Luật rằng, chuẩn mực nào cũng phải là kết tinh của trí tuệ, giầu kiến thức và bám sát cuộc sống.

Một thứ “luật” cấm hai người tuổi trưởng thành yêu nhau là cực kỳ dốt nát.

.

Xin tiếp.

Điểm (3) khi phát hiện giảng viên yêu sinh viên, gửi email cảnh báo, quá ba lần sẽ chấm dứt hợp đồng lao động (gọi tắt là buộc thôi việc.

Điểm này chung nội dung với điểm trên. Nó là phạm pháp.Không bàn thêm.

.

Điểm (4) Bà hiệu trưởng nói nếu không có chuyện yêu đương, môi trường sống trong nhà trường sẽ “trong lành” hơn.

.

Đọc điểm nay tôi thấy phì cười.

Một môi trường chỉ có học và học, không yêu đương mà cư dân của môi trường đó có độ tuổi thanh xuân nhất cuộc đời thì một là nhà tù, hai là trại lính (thời chiến).

.

Hồi chiến tranh, đã có một cuộc VẬN ĐỘNG thanh niên sinh viên có tên là “ba khoan”.

-Khoan yêu.

-Nếu yêu khoan cưới.

-Nếu cưới khoan đẻ.

.

Nghe cái “ba khoan” này nhân văn hơn, có lý hơn và KHÔNG VI PHẠM PHÁP LUẬT.

.

Có thể hiểu nếu không khoan yêu mà trót yêu rồi, thì cẩn thận một chút khi “ấy”, đừng để mang bầu…thế đó!.

.

Trong tuyên ngôn của mính, Bà Hiệu trưởng dùng những từ ngô nghê, bức xúc như: “Tôi muốn các em không bị tổn thương, mục nát vì yêu sớm” Có lẽ (tôi đoán vị này hoạc họ hàng có vài đứa con gái “dính phốt” khá đau khi gặp... Sở Khanh trên giảng đường) nên nói thế. Tình yêu chân chính, đầy nhựa sống mà làm người ta mục nát , tổn thương thì gớm thật!?.

.

Câu chuyện cuối cùng tôi dùng để kết lại stt dài này là:

.

Hồi 1988 các rạp chiếu phim ở Hà Nội chiếu bộ phim truyện màu “Trước sóng gió” của Công hòa dân chủ Đức.

.

Trong phim có cảnh viên Thuyền trưởng Hải quân nói với vị sỹ quan trẻ của mình (đang thất tình) rằng:

.

-Tôi cho anh nghỉ phép ngắn, hãy về dành lại bằng được tình yêu của mình. Nếu người lính không bảo vệ được tình yêu của mình thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc!.

.

Giữa vị Thuyền Trưởng kia và Cô Hiệu trưởng của ta, là một khoảng cách rất lớn về nhận thức nhân văn, pháp luật và chấp hành pháp luật.

.

Từ thực tế này, từ “Luật” của trường Cao đẳng kia đến nhiều hình ảnh trong thời ôn Dịch, khi mà anh Dân phòng, anh CA phường, xã cũng có quyền như chánh án thì dân còn khổ!.

.

16/1/2022

Nguyễn Huy Cường

                                    §

 

VÙNG XANH, VÙNG ĐỎ, VÙNG VÀNG...MẮT.

.

Nhìn quy định của một vài tỉnh với đồng bào về quê ăn tết thấy có không ít hơn 10 tỉnh ghi đại ý : Người về từ vùng cam, vùng đỏ phải khai báo y tế, theo dõi sức khỏe X ngày…

Cách đây một tuần, có nhiều nơi còn quy định “phải cách li tại nhà 7 ngày”  trong khi người nhập cảnh từ nước ngoài về, chỉ cách ly có ba ngày.

.

Nhiều nhà báo, chuyên gia đã chỉ ra cái lập cập, lộn xộn của cách phân xử này, khi mà một người chỉ có dăm ngày nghỉ tết ở quê sau bao nhiêu xa cách nhưng phải cách li bảy ngày thì còn gì để nói.

.

Riêng tôi, hôm nay tôi chỉ ra ba nét ngoài tuyến ý kiến đa chiều, xác đáng nói trên.

.

Thứ nhất.

Cách phân vùng hiện nay, theo tỉ lệ người mắc trên dân số, THEO ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH không xác đáng.

.

Sự tác quái của con virus không phát triển kiểu toán học thuần túy mà nó quỷ quái lắm.

Có tỉnh đang ngàn ca nhưng chưa dễ đã bất an bằng tỉnh có 50 ca nếu những ca đó có sức sống, khả năng lây lan dễ sợ hơn.

.

Hãy quan sát Ấn Độ hồi tháng sáu, nếu nó cứ diễn tiến như vậy, đất nước có dân số thứ hai thế giới này, đến hôm nay có thể phải xếp thứ 20 rồi, người chết không kịp chôn. Nhưng nay hầu như đã ổn.

Cũng đừng tin tưởng rằng vaccine cứu Ấn Độ, ở thời điểm đó Ấn độ chưa đủ bình tĩnh chứ chưa nói lên lực lượng để tiêm mũi 2 cho hơn một tỉ dân. Việc covid lui khỏi Ấn Độ sẽ là một vấn đề khoa học lớn mà hôm nay người ta chưa nói/ chưa dám nói/ chưa MUỐN NÓI kỹ vì nhiều lý do bí ẩn.

.

Nước Anh cũng vậy.

Có những thời điểm số ca FO kinh hoàng, nhưng có lúc “Tạnh” hẳn dù hoạt động cộng đồng mở cửa hết cỡ, giải bóng đá ngoại hạng vẫn đông người xem như tổ kiến.

Nhắc đến 2 ví dụ cỡ “quốc tế” này để thấy, câu chuyện Covid là một Tổng đề tài vô cùng bí ẩn cần sự can dự của các Nhà khoa học (chân chính) vài năm nữa, may ra mới ra lẽ.

.

Nhưng ở Việt Nam, thì sao:

-Xếp hạng thiên về số học. về …địa giới hành chính.

-Cấm cách thiên về ý chí của…chủ tịch tỉnh

-Chính sách phần lớn ra đời trên nỗi sợ thuần túy và đầu óc cát cứ + bệnh thành tich.

-Biện pháp thường dựa vào nguyên lý “Bắt nhầm hơn bỏ sót”

-Điều chỉnh chính sách thì nhờ…Facebook

-Nhiều biện pháp tháo dỡ vì động cơ cấp cứu nền…kinh tế, khỏi chết đói.

-Chính phủ thì thường đi sau các biến động.

-Bọn tham nhũng thì có xu hướng thổi phồng nguy cơ để …ngoáy, để ..vắc.

.

Phía cộng đồng thì sống trong một môi trường phức tạp gồm:

-Loạn xì ngầu nhận thức.

-Xung đột, phân dã, mất hướng, hoài nghi.

-Chấp hành mù quáng

-Cảnh giác cực đoan.

-Thiếu một “Ngọn cờ” hoặc có vài ngọn cờ là các chuyên gia giỏi, những GS, những nhà khoa học ở VN và sống ở nước ngoài lên tiếng nhưng nếu nó “Trái tai” các nhà quản lý VN, trái tai những BS, chuyên gia diện dễ nhuộm đỏ là bị vô hiệu hóa, bị vẩy bùn hoặc làm lu mờ ngay. Không ai nghe họ.

Vân vân.

Từ đó , đến hôm nay tồn tại khái niệm “vùng đỏ vùng xanh” rất rộn ràng, tếu táo và vô nghĩa.

.

Thứ hai: Tư duy quy vùng, một giới hạn tệ hại.

Vài năm trước có những chủ trương ghi thành văn bản hẳn hoi rằng nếu tỉnh nào để tai nạn giao thông phát triển nhiều, lãnh đạo tỉnh phải chịu trách nhiệm!.

Vậy là ta thấy, dọc QL 1 A, nhiều tỉnh “xiết” dân lái xe lòi mề vì những áp dụng cực kỳ hà khắc để tránh tai nạn cho …chủ tịch tỉnh kiểu này.

Họ hạn chế tốc độ tứ tung, đắp lằn vạch cao , mau, vô hạn độ làm khổ hàng chục triệu người qua mỗi ngày …thổi phạt liên hồi, tạo nên ám ảnh kinh hoàng và những thiệt hại lớn cho giới kinh doanh vận tải.

.

Nhưng không ngăn được tai nạn “Phát triển”.

.

Không có cái gì quái gở, vô lý hơn một xe ở Hà Nội chạy vào một xe ở Hà Tiên chạy ra, tông chính diện nhau ở Hà Tĩnh vậy là chủ tịch Hà Tĩnh phải gánh nợ trong xếp hạng thành tích mặc dù, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh chẳng có lỗi gì trong vụ tài xế buồn ngủ húc vào nhau này!.

Nhưng một số đếm đen tối đã được gán cho Hà Tĩnh.

.

Hôm qua, Sài Gòn ghi nhận số người chết liên quan đến covid là 16 người nhưng thực ra “Người Sài Gòn” chỉ có 9 người còn lại là bà con nhiều tỉnh khác đến chết…nhờ, góp cho Sài Gòn con số kia.

Hình ảnh này cũng giống như TNGT ở Hà Tĩnh vừa nói.

.

Bây giờ thì đến chuyện vùng xanh vùng đỏ trong chống covid.

Một người dân từ Sài Gòn về Yên Bái, trên đường về nhà khi qua Nội Bài, Hà Nội hẹn gặp con cho chút quà.

Về Yên Bái chị này được cho là về từ vùng 2, vùng an toàn.

Thực ra, đã đi qua vùng cam.

Nhưng nếu việc đi qua vùng cam, gặp gỡ người vùng cam (HN) kia có nguy hiểm không?. Nếu người ra nhận quà, là F1 thì sao?.

Một xe khách chạy từ một tỉnh “Xanh” qua Hà Nội lên Tây Bắc, vào một trạm dừng nghỉ xe ở Đông Anh đổ xăng, khách đi VS, ăn uống,. liệu có khả năng nào “Dính” không?.

Vài giả định đó để nói rằng, những quy định giới hạn hoạt động hoặc bắt buộc cách ly này nọ với người về từ vùng 1, 2, 3 là vô lối, không xác đáng.

.

Tôi đưa ra một vì dụ sống động, có tên tuổi, địa chỉ cụ thể nhưng tạm ẩn (hoặc chờ chính vị này lên tiếng trong comment) là gia đình người bạn ở Phường 13 Tân Bình Sài Gòn. Nhà này có bảy người gồm người nhà và con cháu thường lui tới, ăn ở.

Cho đến 9/1/2022 vừa qua khi tôi đến thăm thì “bọn già” và trẻ nhỏ vô sự hết. Các thành viên trẻ khỏe, năng động thì đã “bị” covid hết.

.

Điều này có 2 ý nghĩa.

Một là bó sát chữ “Vùng”.

Nếu một bạn từ Quảng Ngãi về Quảng Trị, coi chừng bị kỳ thị, bị giới hạn vì Quảng Ngãi, dân số nhỏ, lượng FO hàng ngày khá nhiều.

.

Nhưng hãy quan sát ví dụ trên, họ ở trong một nhà, khi ở trong nhà khỏi dùng “K 1”, các K khác cũng màn màn thôi, mỗi bữa ăn thường quây quần sát nhau.

Tất cả sinh sống trong cái không gian tám chục mét vuông ấy.

Nhưng ai bị cứ bị. ai không cứ vô sự. Đó là một thực tế.

.

Bảy tháng qua nếu Quảng Ngãi có 5000 người “dính” covid thì vẫn còn đó một triệu người vô sự.

Tỷ lệ này không thể vô nghĩa lý nhìn từ quan điểm khoa học.

.

Vậy việc gì phải sợ , phải xoắn lên?.

.

Phần thứ ba: Nỗi sợ và sức nặng.

Hầu như ở ta, đã mặc định rằng con virus này mẫn cảm với người già, người có bệnh nền?.

Hãy nhìn ví dụ trên xem giữa già và trẻ, ai dễ “dính” hơn ai.

Trong bài tới tôi sẽ đưa ra một con số KHỔNG LỒ là danh sách người ra viện trong 6 tháng trọng điểm dịch vừa qua tại Sài Gòn, danh sách từ một bệnh viện lớn, nơi đã có ba chục người “ra đi” vì covid, vài trăm người xem như F 1 nhưng cũng cùng không gian, thời gian đó có hơn chục ngàn bệnh nhân ra viện. Tỉ lệ người trên 55 tuổi, có sẵn một, hai bệnh nền hoàn toàn vô sự để nó bộc bạch nhiều điều, không giống những tuyên truyền bấy lâu nay về covid.

.

Tôi sẽ làm sâu sắc hơn ở bài sau vì bài này đã dài.

.

Xin kết lại bằng một quan điểm:

Thôi đếm, bỏ “quy vùng” không kỳ thị, không sợ nhãi cuống quýt, không thụ động đối phó, không giữ tư duy “Bắt nhầm hơn bỏ sót”.

Nên tìm tòi, sáng tạo, tỉnh táo trong việc hoạch định chính sách.

Đưa đất nước vào chu kỳ mới có tên gọi:

PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO SAU KHI LOẠI TRỪ NHỮNG BẤT CẬP TRONG THỜI DỊCH.

(Chữ bất cập là nói cho văn vẻ, mềm mại chút, chứ đúng ra phải nói là “Loại trừ sự bấn loạn, thụ động trong nhận thức, SAI LẦM TRONG HÀNH XỬ )

Tỉnh lại đi.

Kiểu tư duy, hành xử cũ rất ấu trĩ và tai hại.

.

Ngày 17/1/2022

Nguyễn Huy Cường