09 janvier 2022

Những sự kiện chính trị nổi bật vào cuối năm ở một số nước Châu Á

Vương Thuyên

Lời ni đầu

Cũng như mọi năm, thế giới trong năm qua đã trải qua nhiều sự kiện nổi bật. Hai sự kiện đáng ghi lại là ''cúm Tàu'' Covid-19 phát hiện tại Vũ Hán vào cuối năm 2019 vẫn hoành hành thế giới với sự xuất hiện virus biến thể Alpha, Delta rồi Omicron làm cả thế giới và đặc biệt khối Âu Châu phải đương đầu khốc liệt. Cho đến ngày 26-12-2021, số người mắc nhiễm trên thế giới lên đến 279 triệu người và số người tử vong là 5,39 triệu [1]. Sự kiện thứ hai là việc nhóm Taliban trở lại cướp chính quyền ở Afghanistan trong tháng 8 sau 20 năm đối kháng. Hoa Kỳ và đồng minh chưa kịp rút hết quân như theo dự tính thì quân của Taliban đã vào thủ đô. Do đó, quang cảnh hỗn loạn tại phi trường ở Kabul làm mọi người nhớ lại hình ảnh tương tự ở Sài Gòn trong những ngày cuối cùng của VNCH hồi tháng 4-1975.

Ở đây, chúng tôi chỉ muốn ghi lại một số sự kiện chính trị nổi bật vào cuối năm ở một số nước Châu Á mà chúng tôi cho là tiêu biểu nhất.


Nguyên  nữ TT Phác Cẩn Huệ được ân xá

Hình mặt nạ của bà TT Phác Cẩn Huệ (phải) và bà Thôi Thuận Thực (trái) do dân chúng biểu tình mang chế nhạo. Ảnh Internet

Theo thông tấn Sonhap, nguyên nữ TT Phác Cẩn Huệ (Park Geun-hye, 朴槿惠) được người kế nhiệm Văn Tại Diễn (Moon Jae-in, 文在寅) thuộc đảng Dân chủ sắp rời khỏi chính trường vào tháng 3-2022 ân xá ngày 24-12. Thông tin chính thức nói bà Phác được ân xá một phần do sức khoẻ kém của bà và một phần muốn gác bỏ "quá khứ không tốt đẹp và tăng cường đoàn kết quốc gia vào thời buỗi đại dịch Covid và trước ngày bầu cử TT''.

Cần nhắc lại, bà Phác sinh năm 1952, là trưởng nữ của nguyên TT Phác Chánh Hy (Park Chung-hee, 朴正熙), người cai trị Hàn Quốc như ''bàn tay sắt'' trong 16 năm (1963-1979) nhưng cũng là người đã đưa Hàn Quốc lên cương vị một nước tiền tiến ở Á Châu và thế giới. Nhiều tập đoàn công nghiệp được thành lập không thua kém các nước tiền tiến như Samsung, Huyndai, Dawoo, LG (Lucky Golstar), KIA, Hanjin vv..Thu nhập đầu người Hàn Quốc vượt ngoài 30.000$ Mỹ.

Bà Phác là người phụ nữ đầu tiên của Hàn Quốc trở thành TT sau khi thắng cử vào tháng 2-2013 nhưng đến 19-12-2016 thì bị Quốc Hội miễn nhiệm và sau đó được Hộ̀i đồng Hiến pháp phê chuẩn ngày 10-3-2017. Bà bị buộc tội ''vi phạm Hiến pháp, tham nhũng, lạm quyền, thất bại bảo vệ người dân vv...''. Thực sự, bà quá đặt niềm tin vào bà Thôi Thuận Thực (Choi Soon-sil, 顺实), một bạn tâm giao lạm dụng quyền lực để lũng đoạn chính trường bằng những vụ bê bối tham nhũng qua các tập đoàn công nghiệp mà truyền thông lúc đó gọi là ''Thôi-gate'' [2]. Năm 2018, bà  bị kết án tổng cộng 22 năm tù giam cùng với tiền phạt trị giá 20 tỉ won (tương đương 16,8 triệu $ đôla). 

Việc bà Phác Cẩn Huệ được người kế nhiệm ân xá không được dân chúng đồng tình. Một thăm dò hồi tháng 11 cho biết có 48% không đồng ý so với 44% đồng ý. Đảng Dân chủ và người đại diện đứng ra tranh cử TT sắp tới ông Lý Tại Minh (Lee Jae-myung, 李在明) cũng cho là một quyết định ''quá sớm'' trong khi đối lập cho là một thủ đoạn chính trị để chia rẽ trước ngày tuyển cử TT vào tháng 3 năm tới. 

Đây không phải là lần đầu tiên một tổng thổng ân xá người tiền nhiệm từ khi Hàn Quốc được thành lập ngày 14-8-1948. Trước đó, TT Kim Vịnh Tam (Kim Young-sam, 金咏三) cầm quyền 1993-1998 đã ân xá hai TT tiền nhiệm là ông Toàn Đấu Hoán (Chun Doo-hwan, 头焕, 1980-1988), bị tử hình vì đảo chính và tham nhũng và ông Lô Thái Ngu (Roh Tae-woo, 卢泰愚, 1988-1993), bị 22 năm rưỡi tù vì tham nhũng (vừa qua đời ngày 26-10-2021). 

Hai TT khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Lô Vũ Huyền (Roh Moo-hyun, 卢武铉), TT nhiệm kỳ 2003-2008 bị toà án khởi tố để vợ con nhận hối lộ 6 triệu $ Mỹ. Ông tự vận ngày 23-5-2009, hai ngày trước sắp bị toà tuyên án. Ông để lại một bức thư xin lỗi quần chúng và ước mong được khiêm tốn chôn cất nơi quê nhà gần Kimhae. Ông Lỷ Minh Bác (Lee Myung-bak,李明博), người tiền nhiệm của bà Phác (2008-2013) bị 17 năm tù về tội hối lộ 8,6 triệu € và bị bắt ngày 22-3-2018. Ông Lý không có may mắn nằm trong danh sách được đặc xá lần này. Trái lại, cựu nữ thủ tướng đầu tiên của Hàn Quốc (4-2006 đến 3-2007), bà Hàn Minh Thục (Han Myeong-sook, 韩明漱) bị cáo buộc nhận hối lộ 800 triệu won nằm trong danh sách.

 

II-Myanmar

Nhà nữ lãnh đạo Aung San Suu Kyi (ASSK) bị kết án tù sau khi bị quân đội lật đổ đầu tháng 2-2021

Hình dân chúng xuống đường ủng hộ bà ASSK chống đảo chính

Hình bà ASSK tại tòa ngày 18-12-2021 ở Napidaw. Nguồn hình ảnh, Reuters

Sau khi bị quân phiệt lật đổ ngày 1-2-2021, nhà lãnh đạo ASSK của Myanmar bị kết án tù. Bà ra toà mặc áo sơ mi trắng, quấn chiếc xa rông (longyi) màu nâu mà theo Reuters là đồng phục tù nhân, trái với trang phục truyền thống thanh lịch mà bà thường dùng cùng với một bông hoa trên tóc.

Bà bị toà án quân phiệt kết án 4 năm tù với cáo buộc tội ''kích động và vi phạm các quy định về virus corona'' trước khi được giảm án còn 2 năm. Đây chỉ là ''tội trạng'' thứ nhất trong 11 tội trạng khác như nhận bất hợp pháp 600.000$ Mỹ và một số vàng trị giá 450.000 bảng Anh. Nếu những tội cáo buộc vô cớ này được chính quyền quân phiệt cho thực hành, bà ASSK có thể bị tù trong nhiều thập niên cùng nghĩa với sự chấm dứt cuộc đời chính trị vì tự do dân chủ của bà.

Bà ASSK, 76 tuổi, là con gái của người anh hùng vì độc lập Aung San của Myanmar. Bà bị nhóm quân phiệt thời tướng Saw Maung quản thúc tại gia gần 15 năm sau khi đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà chiến thắng năm 1990. Nhờ đó mà bà được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1991. Bà được trả tự do năm 2010 vào thời kỳ tướng Thein Sein cầm quyền (2010-2015) mà người dân Myanmar ví là thời kỳ ''vàng son''. Sau khi được trả tự do, đảng NLD của bà chiếm 44 trên 45 ghế trong lần tuyển cử bán phần Quốc Hội năm 2012, cá nhân bà trúng cử với tỷ số 99%... Tiếp sau đó, bà dẫn dắt NLD giành chiến thắng 78% trong cuộc bầu cử Quốc Hội 2015 và lên cầm quyền. Tuy nhiên, Hiến pháp do quân đội ''uốn nắn'' trước đó cấm chỉ người có vợ hay chồng người nước ngoài trở thành tổng thống (chồng bà là người Anh Michael Aris cưới năm 1972 và hai người có hai con). Do đó, bà chỉ lấy chức ''cố vấn Nhà nước'' kiêm ngoại trưởng dù trên thực tế bà được xem là nhân vật số ''1'' như Đặng Tiểu Bình của TQ với chức vụ chủ tịch Quân uỷ trung ương trước đây. Cuộc sống chung miễn cưỡng không hài hòa với quân đội trong 5 năm có thể ví như cuộc sống chung ''đồng sàn dị mộng'' vì Hiến pháp qui định dành cho quân đội 25% ghế ở Quốc Hội và ba chức bộ trưởng quan trọng trong chính phủ (quân đội, nội vụ và biên phòng). Dù vậy, đảng NLD của bà lại thắng cử vẻ vang chiếm 396 ghế trên 498 [3] trong lần tuyển cử ngày 8-11-2020 trong khi đảng Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP) của quân đội chỉ được 33 ghế thay vì 43 năm 2015. Lần này, quân đội của tướng Min Aung Hlaing tố cáo bầu cử ''gian lận'' dù không đưa ra bằng chứng cụ thể nào và cho ''thổi kèn'' chấm dứt ngày 1-2-2021 [4].

Myanmar sau đó rơi vào tình trạng hỗn loạn với hơn 10 ngàn người bị bắt và ít nhất 1300 người chết trong các cuộc đụng độ biểu tình với quân đội. Một số dân tộc thiểu số vũ trang như Shan, Karen, Kachin, Chin, Araken, Hyah, Kokang vv..trong 135 sắc tộc của Myanmar cũng nổi dậy chống lại chính quyền quân nhân. Tamadaw (quân đội) trà đũa đốt phá nhà cửa của dân buộc họ phải di chuyển nơi khác. Viễn tượng một nội chiến không xa.

Bên ngoài, Myanmar bị cộng đồng thế giới lên án mãnh liệt và lấy biện pháp trừng phạt. ASEAN mà Myanmar là thành viên không cho phép tướng Min Aung Hlaing tự phong ''thủ tướng'' tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Brunei hồi tháng 10 năm ngoái, một sự kiện chưa có tiền lệ. Lý do là Myanmar không nghiêm chỉnh thực hành 5 thỏa thuận đã ký ở Jakarta hồi tháng 4 theo đó Myanmar phải chấm dứt bạo lực và tiến hành đối thoại hầu tìm giải pháp hòa bình tại đất nước có nguy cơ nội chiến. Không ai có thể đoán quân đội của xứ này sẽ đưa Myanmar đi về đâu?

III-Phi Luật Tân

Hai cha con cùng ra tranh cử chức phó Tổng thống. 

TT Rodrigo Duterte và trưởng nữ Sara năm 2019, hỉnh AFP

Truyền thông báo chí đăng tin cho biết đương kiêm TT Rodrigo Duterte và trưởng nữ Sara Duterte cùng ra tranh cử chức phó TT vào tháng 5-2022.

Theo luật bầu cử Phi Luật Tân, nhiệm kỳ TT chỉ có một lần 6 năm. Ngoài ra, TT và phó TT được bầu riêng biệt thay vì chung liên danh. Chẳng hạn bà Leni Robredo đương kiêm phó TT không cùng đảng với TT Rodrigo Duterte. Bà cùng năm nhân vật khác cũng ra tranh cử TT vào năm tới.

Đương kiêm TT Rodrigo Duterte sắp hết nhiệm kỳ vào tháng 5-2022. Lúc ban đầu, ông tuyên bố sẽ ''rời bỏ chính trường'' nhưng sau đó lại tuyên bố ra tranh cử ở cương vị phó TT. Việc này làm người ta nhớ lại TT Putin ở Nga sau khi hết hai nhiệm kỳ (2000-2008) chuyển sang làm thủ tướng cho TT Dmitri Medvedev (2008-2012) rồi sau đó hai người thay đổi cương vị đến năm 2020.

Người con gái của ông Duterte, bà Sara Duterte-Carpio 43 tuổi, thị trưởng thành phố Davao thuộc đảo Mindanao, lúc ban đầu tuyên bố ra tranh cử chức TT nhưng sau đó đổi ý ra tranh cử chức phó TT nhưng đứng về phía đối lập với cha. Thế là hai cha con sẽ là đối thủ tranh giành chức phó TT. Người dân Phi gọi là một ''saga'' hiếm có trong đời sống chính trị của xứ này.

Hai nhân vật chính ra tranh cử TT là Thượng Nghị Sĩ (TNS) Christopher Go còn có biệt danh ''Bong'', trước đây là một trợ lý trung thành của ông Duterte. Đối thủ chính của ông ''Bong'' là TNS Ferdinand Marcos Jr. cũng có biệt danh ''Bong Bong''. Ông là con của cựu TT Ferdinand Marcos và mẹ Imelda một thời ''khét tiếng'' trên chính trường ở xứ này. Ông F. Marcos là một nhà độc tài cầm quyền như ''bàn tay sắt'' ngoài hai thập niên từ 1965 đến 1986 và bị cáo buộc biển thủ hơn 10 tỷ $ Mỹ tài nguyên quốc gia trước khi bị lật đổ và chết lưu vong ở Hawai. Bà Imelda cũng bị nhiều tai tiếng với 3000 đôi giày và có nhiều tranh của Picasso và hoạ sĩ nổi tiếng khác. Được phép trở về quê hương năm 1991, bà Imelda và hai con tiếp tục sự nghiệp chính trị. Con trai TNS ''Bong Bong'' ra ứng cử phó TT cùng với ông R. Duterte năm 2016 nhưng bị bà Leni Rebrodo đánh bại. Người con gái tên Imee, hai lần thống đốc tỉnh Illicos Norte và đương là TNS từ năm 2015. Riêng bà Imelda được trúng cử ba lần liên tiếp ở Quốc Hội. Bà bị kết án tham nhũng năm 2018 trong thời gian đảm nhiệm chức thống đốc thủ đô Manila từ 1976 đến 1986 nhưng tránh được đi tù do cao tuổi (92). Nếu con bà trở thành TT vào tháng 5 tới, bà chắc chắn sẽ được ân xá.

Ông Duterte đứng cùng ''liên danh'' với ông Christopher Go trong khi người con gái Sara đứng cùng với ông F. Marcos Jr. Các nhà bình luận cho rằng việc ông Duterte bị nhiều tai tiếng đứng về phía TNS ''Bong'' làm gia tăng thế thượng phong của TNS ''Bong Bong'' và ''dọn đường'' cho bà Sara vào năm 2028.

Cần nói thêm là thời kỳ cầm quyền từ tháng 5-2016 của ông Duterte chỉ để lại nhiều tai tiếng. Năm 2019, ông cho phép thi hài của ông F. Marcos được đưa vào nghĩa trang dành cho các vị anh hùng dân tộc của Phi Luật Tân. Việc này làm người dân Phi bất bình phản đối mãnh liệt. Ngoài ra, ông cũng bị Toà án hình sự quốc tế điều tra về việc hàng chục ngàn người bị giết trong chiến dịch chống ma tuý của ông. Nhưng điều quan trọng là ông không buộc TQ thi hành lệnh Toà án quốc tế bác bỏ, năm 2016, tính pháp lý ''đường 9 đoạn'', theo đó TQ tự vẽ và tự cho có ''quyền lích sử'' trên hầu hết các đảo ở Biển Đông mà người tiền nhiệm của ông TT Benigno Aquino đứng ra kiện và thắng. Ngược lại, ông nghiêng về phía Bắc Kinh với những lời tuyên bố vô trách nhiệm như khi nói: ''Chỉ có TQ mới giúp chúng tôi'' hay ''TQ là người hàng xóm tốt'' sau khi thăm viếng Bắc Kinh vào tháng 10-2016. Trong chuyến đi này, ông được Bắc Kinh ''hứa'' trợ giúp 24 tỷ $ Mỹ để xây dựng hạ tầng cơ sở. Thế nhưng, tiền viện trợ thì không thấy mà chỉ thấy TQ vẫn cấm ngư dân Phi đánh cá ở hai bãi Scarborough và Maclesfield gần đảo Luzon mà họ đã chiếm lấy năm 2012. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, quan hệ giữa hai nước bắt đầu căng thẳng khi ông Duterte tuyên bố, ngày 23-9-2019, trước kỳ họp thường niên của Liên Hiệp Quốc rằng: '' Chúng tôi kiên quyết phản đối những nỗ lực (của TQ) nhằm phá hoại phán quyết của Toà án quốc tế''. Tháng 5-2021, ngoại trưởng Phi, ông Teodora Locsin lên tiếng phản đối sự hiện diện bất hợp pháp của hàng trăm tàu thuyền TQ trên Biển Đông và cáo buộc TQ vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phi Luật Tân. Ngay sau đó ông lên Twitter gay gắt viết: ''Get the F...out'' (Hãy cút khỏi đây). 

Ngoại trừ kịch bản bà Leni Rebrodo chiến thắng, người dân Phi không chờ đợi gì về việc hai cặp gia đình Marcos-Duterte tiếp tục chia sẽ quyền lực.

 

IV-Campuchia

Hun Manet, con thủ tướng Hun Sen được đề cử ứng cử viên thủ tướng trong tương lai.

Hình trung tướng Hun Manet, 2021

Theo phát ngôn viên của đảng Nhân Dân Campuchia ngày 24-12, trung tướng Hun Manet, con trai trưởng của thủ tướng Hun Sen được đảng này ''nhất trí'' đề cử ứng cử viên thủ tướng trong tương lai. Campuchia của ông Hun Sen sắp theo gót mô hình của Bắc Triều Tiên vì việc bầu bán chỉ là hình thức khi các cơ quan truyền thông báo chí do chính quyền nắm trong khi đối lập bị cấm hoạt động và lãnh tụ đang ngồi tù hoặc lưu vong.

Điển hình là đảng Nhân Dân của ông Hun Sen chiếm 100% ghế ở Quốc Hội trong lần tuyển cử năm 2018! Tuyển cử Quốc Hội dự trù năm 2023 chắc không có gì thay đổi.

Hun Manet, sinh năm 1977, hiện là phó Tư lệnh các Lực lượng vũ trang Campuchia, Tư lệnh Lực lượng lục quân, Tư lệnh lực lượng chống khủng bố và phó Tư lệnh Vệ binh của thủ tướng Hun Sen.. ouf. Ông còn là uỷ viên thường trực của đảng Nhân Dân (một loại thường vụ BCT theo mô hình các nước CS) và chủ tịch đoàn Thanh niên. Ông được cha gửi sang Mỹ du học lúc 16 tuổi và tốt nghiệp học viện quân sự West Point năm 1999. Ngoài ra, ông còn có bằng tiến sĩ của đại học Bristol. Sau khi về nước, ông được cha phong thiếu tướng khi vừa 34 tuỗi rồi trung tướng ba sao hai năm sau.

Ông Hun Sen trở thành thủ tướng Campuchia sau khi quân đội VN chiếm Phnom Penh và đuổi quân của chế độ diệt chủng của Pol Pot mà TQ đứng sau hỗ trợ vào cuối năm 1978, đầu năm 1979. Việc này làm quan hệ Việt Trung bị đóng băng trong 11 năm và được tháo gỡ vào đầu tháng 9-1990 ở Hội nghị Thành Đô (TQ). Hun Sen là một trong những thủ tướng lâu đời nhất trên thế giới với 36 năm liên tục. Các đối thủ chính trị của ông có người đã qua đời (Norodom Ranariddh, con của N.Sihanouk), có người bị đi tù (Kem Sokha, chủ tịch đảng đối lập) hoặc buộc phải lưu vong (Sam Rainsy). Ông Sam Rainsy là cựu chủ tịch ''đảng quốc gia cứu quốc'' buộc phải lưu vong ở Pháp năm 2016, ông Kem Sokha là người kế nhiệm.

Campuchia ngày nay trở thành ''tài sản riêng'' của gia đình Hun Sen. Vợ bà Bun Rany nắm hoạt động từ thiện, con trưởng Hun Manet nắm quân đội, con gái kế Hun Mana (1980) nắm truyền thông và khu vực tư, con tiếp Hun Manith (1981) là thiếu tướng trong quân đội, con chót Hun Many nắm thanh niên của đảng Nhân Dân không kể những thân nhân khác của gia đình được đặt để vào những vị trí cao trong chính quyền.

Dù được Hà Nội dàn dựng đưa lên cầm quyền nhưng Hun Sen dần dần ngã theo Bắc Kinh thậm chí còn có hành động không thân thiện với VN. 

Người ta còn nhớ khi Campuchia đảm nhiệm chủ tịch luân phiên năm 2012, Hun Sen ngăn cản tuyên bố chung của ASEAN đề cập việc đụng độ ở bãi cạn Scarborough (giữa TQ và Phi Luật Tân) và vấn đề vùng đặc quyền kinh kế (EEZ) của VN. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm, ASEAN không đưa ra được tuyên bố chung. Năm 2016, Campuchia lại ngăn chặn đề cập đến phán quyết về tranh chấp ở Biển Đông của Toà trọng tài quốc tế La Haye do VN và Phi Luật Tân đề xuất. Như đã nói trên, Toà trọng tài quốc tế bác bỏ tính pháp lý ''đường 9 đoạn'' của TQ tự vẽ ra.

Năm nay, đến phiên Campuchia đảm nhiệm chủ tịch luân phiên của ASEAN. Không ít một số nước của Hiệp hội như VN, Phi Luật Tân, Nam Dương và Mã Lai sẽ lo ngại lập trường thân TQ của Campuchia của ông Hun Sen như hồi năm 2012 và 2016. Người ta sẽ không ngạc nhiên Campuchia ngày càng tuỳ thuộc Bắc Kinh sẽ tiếp tục bênh vực TQ về Biển Đông cũng như các vấn đề an ninh trong vùng như việc tranh chấp biên giới giữa TQ và Ấn Độ hay việc TQ hăm doạ ''thống nhất'' bằng vũ lực với Đài Loan và tình hình ở Myanmar.

Về việc Campuchia ngày càng tuỳ thuộc TQ chỉ̉ cần xem thành phố hải cảng Sihanoukville. Thành phố với khoảng 100000 dân trong đó có 1/3 người TQ, trở thành nơi các doanh nghiệp và 50 sòng bạc (casino) hầu hết thuộc sở hữu người TQ.

 

V-Trung Quốc

1-Vụ nữ vô địch quần vợt Bành Soái (Peng Shuai, ) cáo buộc nguyên phó thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli, 张高丽) xâm hại tình dục.

Hình ông Trương Cao Lệ và nữ vô địch quần vợt Bành Soái

Ông Trương Cao Lệ, nguyên phó thủ tướng thường trực, là nhân vật hàng thứ 7 của thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 (2013-2018). Trước đó, ông là bí thư tỉnh Thiên Tân, một thành phố trực thuộc trung ương ở phía đông Bắc Kinh.

Ngày 2-11, cô Bành Soái (35 t) Twitter lên mạng Weibo cáo buộc Trương Cao Lệ cưỡng hiếp cô khi còn là bí thư tỉnh uỷ Thiên Tân cách đây 10 năm và tiếp tục ''ép buộc'' cô quan hệ tình dục sau đó. 

Bản viết có câu : ''Tôi biết rằng nhờ chức vụ cao phó thủ tướng, ông nói rằng ông không sợ nhưng cho dù như trứng chọi đá hay ngay cả tự huỷ diệt cho bản thân, tôi sẽ nói ra sự thật về ông''. Bản post của nhà nữ vô địch quần vợt chỉ tồn tại được 20 phút thì bị xoá khỏi online TQ. 

Đây là một cáo buộc cực kỳ nghiêm trọng vì va chạm đến một nhân vật đầy quyền lực của chế độ dù đã nghỉ hưu và nguy hiếm cho bản thân. Sau đó, cô Bành Soái không xuất hiện trong gần ba tuần làm người ta lo ngại cô bị bắt hoặc bị quản thúc tại gia. Ông Steve Simon, chủ tịch Liên đoàn quần vợt nữ (WTA) tuyên bố sẵn sàng rút toàn bộ kinh doanh ra khỏi TQ nếu không có thông tin đáng tin cậy về số phận của Bành Soái. Phản ứng tiêu cực trong giơi quần vợt quốc tế làm Bắc Kinh bối rối và tìm cách đập tắt ngọn lửa. Ngay sau đó, Bắc Kinh phổ biến một email của Bành Soái gửi cho ông Steve Simon nói rằng cô vẫn ''ổn và không nên lo lắng''. Hình như sự kiện này không thuyết phục được ai nên Bắc Kinh, ngày 19-12, thông qua một cơ quan báo chí́ Singapore, vốn thân gần TQ, đưa tin theo đó Bành Soái viết: ''Tôi không bao giờ nói và viết ai đã xâm hại tình dục tôi''. Cũng như email gửi cho ông Steve Simon, lời tuyên bố mới của Bành Soái mà không ít người tin rằng do cô viết và nếu cô viết thì không thực sự như cô muốn nói. 

Bắc Kinh muốn đập tắt ngọn lửa nhưng lửa vẫn tiếp tục cháy.

 

2-Vụ JO Bắc Kinh 2022

Hình tù nhân trong một trung tâm cải tạo ở Tân Cương, hình Internet
Hình ông Trần Toàn Quốc tháng 3-2019, hình internet

Bắc Kinh chuẩn bị JO mùa đông từ 4 đến 20 tháng 2 sắp tới. Thế nhưng, đã có nhiều nước như Mỹ, Anh, Úc, Tân Tây Lan, Gia Nã Đại, Nhật tuyên bố tẩy chay ngoại giao không gửi đại diện chính thức tham dự (thông thường là nguyên thủ quốc gia hay thủ tướng), chỉ gửi đoàn chuyên gia thể thao. TT Nga Putin trái lại tuyên bố sẽ tham dự.

Thái độ của Liên hiệp Châu Âu do Pháp làm chủ tịch luân phiên trong 6 tháng bắt đầu 1-1-2022 chưa có ý kiến nhưng có khả năng không theo gót các nước nói trên vì ''RealPolitik'' và Paris sắp tổ chức JO mùa hè năm 2024. Trái lại, Lithuania, một thành viên của Liên hiệp chắc chắn sẽ không gửi đại diện. Số là Bắc Kinh bất mãn khi Vilnius, vào cuối tháng 11-2021, cho phép Đài Loan đặt cơ quan đại diện với tên ''Taiwan'' thay vì ''Taipei'' như ở các nơi khác trên thế giới. Trước đó, hồi tháng 5, Quốc Hội của Lithuania lên án TQ tội diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bắc Kinh lập tức trả đũa cho triệu hồi đại sứ về nước và trục xuất đại sứ của Lithuania. Quan hệ giữa hai nước còn giữ ở mức thấp nhất.

Điều này làm Bắc Kinh tức giận và hăm dọa sẽ trả đũa. Lý do của sự tẩy chay là các nước nói trên lên án chính sách diệt chủng của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Họ cáo buộc Bắc Kinh đã biến Tân Cương thành một trại tù khổng lồ với hơn một triệu người bị giam giữ và bị cưỡng bức lao động. Ngoài ra, Bắc Kinh còn bị lên án đã áp dụng chính sách triệt sản phụ nữ. Bắc Kinh trái lại trâng tráo nói là những ''trung tâm đào tạo dạy nghề̀''. Từ hai năm qua, Mỹ, Anh và một vài nước Âu Châu đã đưa một số người trách nhiệm ở Tân Cương vào ''sổ đen'' mà người đứng đầu là bí thư Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo, 陈全国), một uỷ viên Bộ Chính trị mà ông Tập Cận Bình thuyên chuyển từ Tây Tạng về Tân Cương năm 2017. Trong 5 năm, ông Trần đã ''bình định'' Tân Cương trong máu lửa như ông đã từng làm ở Tây Tạng trước đó. Tiếp sau đó, nhiều nước Âu Mỹ tẩy chay hàng hoá xuất cảng từ Tân Cương bị cho là do tù nhân bị cưỡng bức lao động như bông vải, quần áo, linh kiện máy tính, cà chua, các sản phẩm chăm sóc tóc, polysilicium, một nguyên liệu dùng sản xuất panô quang điện vv.. 

Không biết Bắc Kinh muốn ''xoa dịu'' sự đối kháng của các nước nói trên hay không nhưng Tân Hoa xã, ngày 25-12, đưa thông tin cho biết ông Trần Toàn Quốc đã bị ông Mã Hưng Thuỵ (Ma Xingrui, 马兴瑞) phó bí thư tỉnh Quảng Đông thay.

Ngoại trừ Bắc Kinh thay đổi hoàn toàn chính sách diệt chủng, áp lực của Âu Mỹ và cộng đồng thế giới sẽ tiếp tục gia tăng.

 

3-Vụ bầu cử Hội đồng Lập Pháp (LegCo) ở Hongkong

Hình các ứng cử viên ''yêu nước'' thắng cử, hình BBC

Như theo dự báo, những người được Bắc Kinh gọi là ''yêu nước'' chiếm thắng lợi ''to'' với tỷ số 91% (82 trên 9o) ở Hội đồng Lập pháp ngày 19-12-2021!. Chỉ có 3 người được cho ''thân gần dân chủ'' trên 150 được phép ra ứng cử. Thế nhưng, số người đi bầu rất thấp, chỉ có 30,2% của 4,5 triệu cử tri so với 58,3% năm 2016. 

Lẽ ra, cuộc tổ chức tuyển cử này đã phải diễn ra vào tháng 9 năm 2020 nhưng Bắc Kinh viện cớ Covid-19 nên cho hoãn lại dù Hongkong lúc đó chỉ có 243 người tử vong. Thực tế là Bắc Kinh lo ngại các nhà dân chủ sẽ chiếm đa số ghế như họ đã chiến thắng lớn trong lần bầu cử Hội đồng Lập pháp cấp quận ngày 24-11-2019. Trong lần bầu cử đó, họ chiếm 392 trên 452 ghế của 17 trên 19 quận với sự tham gia cử tri đi bầu 71% so với 47% năm 2015. Lý do thứ hai là Bắc Kinh lợi dụng sự đình hoãn đế ''nặn'' ra một đạo luật mới với tên gọi ''luật an ninh quốc gia'' với mục tiêu loại trừ mọi đối kháng. Luật  này rất khắc nghiệt bao gồm những điều khoản cấm biểu tình, cấm chỉ trích chính phủ, cấm phản loạn vv..Người vi phạm có thể bị tù chung thân. Luật này được Quốc Hội Bắc Kinh cho thông qua trong tháng 5-2020 và có hiệu lực vào cuối tháng 6. Liền ngay sau đó, 9 nhân vật thân gần dân chủ bị loại không được phép ra ứng cử trong đó có LS Martin Lee, người biểu tượng dân chủ của Hongkong và cũng đã từng nhiều lần thành viên của LegCo.

Hội đồng Lập pháp là cơ quan cao nhất được thành lập để cai trị Hongkong sau 1997 theo công thức ''một nước, hai thể chế'' của Đặng Tiểu Bình. Cách thức tuyển chọn vào cơ quan này rất phức tạp, một phần lớn chỉ định, một phần nhỏ đầu phiếu. Trước đây, số ngươi của cơ quan này là 70 người nhưng Bắc Kinh cho nâng lên 90. Xem thoáng qua có vẻ ''dân chủ'' nhưng không phải vậy. Số người được dân bầu trực tiếp bị thụt luì từ 35 xuống 20, số người trong giới kinh doanh và thương mại vốn có truyền thống ủng hộ Bắc Kinh cũng bị giàm tư 35 xuống 30. Bắc Kinh có lẽ lo ngại giới này còn quá nhiều ảnh hưởng nên cần kiểm soát thêm. Số còn lại, 40 ghế do Ủy ban Bầu cử thân Bắc Kinh lựa chọn. 

Chỉ có 20 người được tuyển chọn qua bầu phiếu, thế mà Bắc Kinh còn tìm cách loại trừ gần hết đối thủ bằng cách loại bỏ những người thân gần dân chủ, bỏ tù hoặc buộc họ phải lưu vong trong khi truyền thông bị khống chế. Thủ lãnh sinh viên Hoàng Chí Phong (Joshua Wong) bị kết án 10 tháng tù hồi tháng 5-2021, ông Jimmy Lai, chủ báo Apple Daily bị 13 tháng tù vào tháng 9, nhật báo của ông bị đóng cửa hồi tháng 6. Gần cuối năm, ngày 29-12, tòa sạn báo Stand News, một trong những báo độc lập cuối cùng của Hongkong bị cảnh sát khám soát và 6 ký giả bị bắt về tội ''phản loạn''.

Ngay sau kết quả bầu cử, các bộ trưởng ngoại giao của các nước Anh, Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Gia Nã Đại phản ứng với tuyên ngôn chung: ''Trước đây, các ứng cử viên với những quan điểm chính trị đa dạng đã tham dự vào các cuộc tranh cử thực sự. Kỳ bầu cử ngày hôm qua đã đảo ngược xu thế này''. Nói cách khác là việc khống chế các ứng viên đối lậ́p của Bắc Kinh đã xoá bỏ mọi hình thức đối lập chính trị.

Viễn tượng một Hongkong được ''quyền tự trị cao'' trong 50 năm như qui định ngày càng xa dần. Ngược lại, viễn tượng Bắc Kinh ngày thêm siết chặt càng lại gần.

 

Lời kết

Qua các sự kiện chính trị nổi bật vào cuối năm, viễn tượng cho năm 2022 ở các nước nói trên (ngoại trừ Hàn Quốc) không cho phép có nhiều lạc quan. Myanmar của nhóm quân phiệt vẫn tiếp tục đàn áp dân lành, tuyển cử TT ở Phi sẽ không có gì mới mẻ, Campuchia của Hun Sen nối gót Bắc Triều Tiên và tiếp tục bênh vực TQ ở diễn đàn ASEAN, Tân Cương và Hongkong chắc sẽ không có gì thay đổi trong khi TQ đang chuẩn bị ''gia hạn'' nhiệm kỳ của Tập Cận Bình ở Đại hội đảng lần thứ 20 vào mủa thu tới.

 

VT, Đầu năm 2022.

Chú thích

[1] Số người chết (số ngàn) đông nhất là: Hoa Kỳ 816, Brazil 618, Ấn Độ 480, Nga 304, Mexico 299, Peru 202, Anh 148, Nam Dương 144, Ý Đại Lợi 136, Iran 131, Colombia 130, Pháp 122 vv..So với ngày 1-8-2020, số người bị mắc nhiễm và số người tử vong là 17, 8 triệu và 604.000. Chỉ̉ trong 17 tháng, số người mắc nhiễm tăng 16 lần và số người chết 9 lần.

[2] Xem cùng tác giả ''Sóng gió ở chính trường Hàn Quốc'' trên DQVN ngày 10-12-2016.

[3] Tổng số ghế ở Thượng và Hạ viện là 664 ghế nhưng 166 ghế đã dành cho quân đội nên chỉ có 498 ghế bầu phổ thông.

[4] Xem cùng tác giả ''Quân đội của Myanmar sẽ đưa đất nước đi về đâu?'' trên DQVN ngày 7-3-2021.