Thiền sư Thích Nhất Hạnh |
Bi kịch - nếu có thể nói như vậy - của cuộc đời Thích Nhất Hạnh, đơn giản, là bi kịch chung của trí thức cánh tả ở miền Nam trước năm 1975, dù là dưới hình thức của riêng ông.
Họ - trí thức cánh tả - không mang tư tưởng toàn trị, mà ngược lại, có ý thức hệ dân chủ. Trí thức cánh tả có xu hướng chống đế quốc, nên càng không thể chấp nhận "đế quốc Mỹ" mang bom đạn vào VN. Họ cũng chống lại những chính quyền (theo nghĩa một nội các, một nền cộng hòa) độc tài, dù là dưới thể chế dân chủ.
Sau năm 1975, như những trí thức cánh tả khác, ông cũng rơi vào thế "ngậm bồ hòn làm ngọt" trước những gì mà chính quyền VN tiến hành.
Trí thức cánh tả, đến lúc này, dù ở hải ngoại hay còn ở trong nước, hầu như rơi vào thế hụt hẫng. Số trong nước thì còn có chút "công thần", "quậy quọ" với ý kiến này nọ, "xíu xiu" nào đó. Số hải ngoại thì hầu như rơi vào thế sống trong "lặng thầm".
Nói như vậy không có nghĩa là họ hoàn toàn rũ bỏ "trách nhiệm xã hội", mà là với tư cách cá nhân hay quy tụ thành nhóm, họ - theo chuyên môn hay vị thế của mình - âm thần thực hiện những công việc nhằn góp phần thúc đẩy các thay đổi tại VN, dù chỉ là những bước cực kỳ khiêm tốn.
Thích Nhất Hạnh, khác với giới trí thức chuyên môn, là trí thức tôn giáo, nên bước chuyển của ông cũng khác. Và dòng tu của ông ra đời, Làng Mai ra đời, Bát Nhã ra đời...
Đời người là thế. Không ai có thể có một cuộc đời thẳng tắp một hướng. Những thay đổi của thời đại, biến động của thời thế, sự chuyển dịch của lý tưởng xã hội, di chuyển địa lý của cá nhân, rồi cả các tương tác của những phận người..., đều khiến bất kỳ ai cũng có những thời đoạn khác nhau, với tư duy, tính cách, lý tưởng và hành động khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.
Thích Nhất Hạnh không phải là thánh. Ông là người. Nên cũng như vậy.
Dùng cách nhìn bất biến áp lên cuộc đời vạn biến này, ngay từ đầu, đã là cách nhìn không thích hợp; chứ đừng nói là dùng cách ấy để áp quy chuẩn tuyệt đối, để phán xét tuyệt đối, trên mảnh đất VN trải dài, đầy những biến động, trong một thời đoạn không quá dài, mà có thể cho là hoàn toàn đúng đắn.
**
PS (25/01/22):
Ngoài lề: Hai anh Phạm Quang Tuấn và Trần Ngọc Cư bằng cmt (tại post của anh TNCư khi share stt này) đã cung cấp thêm thông tin về "trí thức cánh tả" thời ấy. Tôi xin ghi nhận:
Pham Quang Tuan: "Trung lập" chứ không phải "cánh tả". Không có bằng chứng gì rằng TNH ủng hộ CS. Tuy nhiên, dưới mắt chính quyền VNCH thì trung lập tức là cánh tả. Còn dưới mắt những người căm thù CS (căm thù chứ không chỉ ghét hay khinh) thì trung lập là tay sai CS.
Trần Ngọc Cư: (...) từ thời ông Diệm đến thời ông Thiệu, quan điểm chính thống của VNCH là, “Trung lập là Cộng sản.”
Pham Quang Tuan: Những người đi theo MTGPMN (nhưng không phải là do chính CS gài vào) thì chắc chắn là "cánh tả", nhưng thời đó có rất nhiều người, có thể là đa số, không CS hay tả gì cả nhưng cũng rất đau lòng với cuộc chiến càng ngày càng leo thang. Họ mong muốn có giải pháp nào khác.