25 novembre 2014

THỬ BÀN VỀ CUỘC MINH TRỊ DUY TÂN Ở NHẬT BẢN VÀ THÁI BÌNH THIÊN QUỐC Ở TRUNG QUỐC

Nguyễn Thanh Bình




Chân dung Thiên hoàng Minh Trị- ảnh :wiki

Chân dung Thiên hoàng Minh Trị- ảnh :wiki
Như mọi người đều biết, từ đầu thế kỉ XIX ở các nước Châu Âu và Mỹ đã diễn ra phong trào xâm chiếm thuộc địa nhằm vơ vét tài nguyên phục vụ cho cuộc cách mạng sản xuất và các nước Châu Á trở thành miếng mồi béo bở của các nước Âu-Mỹ. Do đó, đến giữa thế kỉ XIX cũng giống như hầu hết các nước Châu Á khác, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đang đứng trước nguy cơ trở thành thuộc địa của thực dân Âu-Mĩ. Mặt khác, triều Thanh ở Trung Quốc và Tokugawa ở Nhật Bản sau một thời gian khá dài thành công trong việc xây dựng chế độ phong kiến và phát triển kinh tế thì cho đến giữa thế kỉ 19, cả hai triều đại này bắt đầu đi vào con đường suy vong. Trước sự suy tàn của chế độ phong kiến cũng như nguy cơ đất nước trở thành thuộc địa của thực dân Âu-Mĩ, ở cả hai nước đã diễn ra cuộc cách mạng nhằm thay đổi đất nước. Tuy nhiên, do lực lượng và phương thức tiến hành cuộc cách mạng ở mỗi nước khác nhau nên kết quả thu được cũng khác nhau. Đó là, một Trung Quốc vẫn trở thành nước nửa thuộc địa nửa phong kiến và một Nhật Bản trở thành cường quốc ở Châu Á. Do vậy, bài này sẽ tìm hiểu về cuộc cách mạng ở hai nước và so sánh hệ quả của nó.


Thái Bình Thiên Quốc và sự phát triển của Trung Quốc.
Sau thất bại trong cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất, đất nước Trung Quốc bắt đầu rơi vào giai đoạn bị các nước Châu Âu đua nhau nhảy vào xâm chiếm. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nước này đã phải nhiều lần kí các hiệp ước cắt đất đai và những điều ước bất bình đẳng về ngoại thương và Trung Quốc thực sự đứng trước nguy cơ trở thành thuộc địa của các nước Châu Âu. Mặc dù vậy, Triều đình phong kiến Mãn Thanh đã không dám kiên quyết tổ chức nhân dân đứng lên chống lại các nước Châu Âu mà chỉ lo làm sao bảo vệ cho sự tồn tại của giai cấp thống trị. Sự hèn nhát của Triều đình Mãn Thanh không những chỉ làm mất đất đai mà còn khiến cho các tầng lớp lao động trong xã hội Trung Quốc càng trở nên cực khổ. Họ đã phải gánh chịu những khoản tiền thuế nặng nề để trả nợ các khoản bồi thường chiến tranh cho phương Tây. Đó là nguyên nhân dẫn đến cuộc khởi nghĩa nông dân “Thái Bình Thiên Quốc” do Hồng Tú Toàn khởi xướng và lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa nông dân này được các nhà sử học Trung Quốc gọi là “cuộc cách mạng Thái Bình Thiên Quốc”.
Cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc bắt đẩu nổ ra năm 1851 với mục đích lật đổ Triều đình Mãn Thanh và chống lại sự xâm lược của phương Tây. Do vậy, cuộc khởi nghĩa này đã thu hút được nhiều tầng lớp trong xã hội tham gia trong đó chủ yếu là nông dân. Sau hai năm, cuộc khởi nghĩa đã giành được quyền kiểm soát nhiều vùng đất đai rộng lớn. Năm 1853, quân đội Thái Bình đã chiếm được thành phố Nam Kinh và Hồng Tú Toàn đã đổi tên thành Thiên Kinh và đóng đô ở đó. Như vậy trên thực tế, ở Trung Quốc đã hình thành hai triều đình. Sau khi đóng đô ở Thiên Kinh, Hồng Tú Toàn đã ban hành chính sách cải cách gọi là “Thiên Triều điền mẫu chế độ”. Xét từ nội dung của chính sách này có thể thấy, Thiên triều điền mẫu không chỉ là chính sách về ruộng đất như tên gọi của nó mà, thực chất đây có thể xem như là một bản hiến pháp của chính quyền Thiên kinh. Bởi ngoài việc quy định về phân chia đất đai và nghĩa vụ nộp thuế ra, “Thiên triều điền mẫu” còn nêu ra những quy định về tổ chức hành chính, chế độ quan chức, chế độ giáo dục, chế độ xét xử v.v…
Tuy nhiên, việc chiếm Nam Kinh làm nơi đóng đô và ban hành “Thiên triều điền mẫu chế độ” chỉ là điểm lóe sáng đánh dấu thời kì huy hoàng nhất của phong trào này. Đáng ra, sau khi tổ chức xong bộ máy lãnh đạo, Hồng Tú Toàn và những người lãnh đạo phải tiếp tục tổ chức cuộc khởi nghĩa để lật đổ Triều đình Mãn Thanh. Nhưng sau khi trở thành “Vua”, Hồng Tú Toàn lại quay sang sống hưởng thụ theo kiểu vua và sao nhãng mục đích ban đầu của cuộc khởi nghĩa. Điều đó không chỉ gây ra  sự lục đục ngay trong nội bộ lãnh đạo của Thái Bình Thiên Quốc mà còn làm cho những người tham gia mất đi sự hăng hái và niềm tin vào những người lãnh đạo. Có thể nói, đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của phong trào này. Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa khiến cho phong trào này thất bại đó là sự can thiệp của các nước phương Tây. Khi cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc mới nổ ra, các nước phương Tây cho rằng cuộc khởi nghĩa nông dân này không ảnh hưởng đến họ nhưng, trước những thắng lợi của quân khởi nghĩa các nước này cho rằng nếu nhà Thanh bị lật đổ thì lợi ích của họ ở Trung Quốc bị đe dọa. Do đó các nước phương Tây đã quay sang ủng hộ và giúp Triều đình Mãn Thanh đàn áp cuộc khởi nghĩa. Rốt cuộc, cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc đã bị dập tắt sau 18 năm. Như vậy cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc đã không thực hiện được mục đích cuối cùng của mình là lật đổ nhà Thanh. Do vậy, đất nước Trung Quốc sau đó vẫn rơi vào tình trạng nửa thuộc địa của các nước Châu Âu và cả Nhật Bản cho đến giữa thế kỉ XX. Mặc dù thất bại nhưng Thái Bình Thiên Quốc là một cuộc cách mạng “ra đời trong xã hội Trung Quốc nửa phong kiến nửa thuộc địa, nó không chỉ là cuộc cách mạng chống lại giai cấp thống trị trong nước mà còn là cuộc cách mạng chống sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc”([1]).
Cuộc Minh Trị duy tân và sự phát triển của Nhật Bản
Cũng giống như triều đại Mãn Thanh ở Trung Quốc, đến giữa thế kỉ XIX, chính quyền của dòng họ Tokugawa ở Nhật Bản cũng đã quá suy yếu. Cho nên, tuy vẫn nắm giữ quyền thống trị nhưng dòng họ này không kiểm soát được tình hình đất nước như trước nữa. Vào thời điểm này, Mạc phủ Tokugawa không những phải đối phó với các cuộc khởi nghĩa của nông dân và của các thế lực phong kiến đối lập mà còn phải đối phó với sự uy hiếp của các nước Âu-Mĩ. Nhưng các cuộc khởi nghĩa của nông dân đều bị lực lượng của Tokugawa dập tắt. Chỉ đến khi một lực lượng khác không phải là nông dân đứng ra tổ chức thì cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền Tokugawa mới thành công. Đó là lực lượng vốn thuộc tầng lớp thống trị ở Nhật Bản. Do thấy được nguy cơ trở thành thuộc địa của các cường quốc Âu-Mĩ nên những Daimyo (lãnh chúa) không có quyền lực lớn, những người thấy được sự tiến bộ của phương Tây và tầng lớp võ sĩ, nhất là tầng lớp võ sĩ cấp thấp của Nhật Bản đã quyết định tiến hành cuộc cách mạng nhằm lật đổ Mạc phủ Tokugawa để xây dựng nên một nhà nước mới. Điều đáng chú ý là, trong số các lãnh địa (Han) và các lực lượng chống lại Mạc phủ Tokugawa và người nước ngoài gồm có các lãnh địa ở phía nam như Satsuma, Aizu, Choshyuu và các võ sĩ cấp thấp. Đây là những lãnh địa có nền kinh tế thị trường khá phát triển và các võ sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nên họ có tư tưởng tiến bộ và kiến thức kinh tế. Chính vì vậy mà những Daimyo của các lãnh địa trên và các võ sĩ này trở thành lực lượng nòng cốt cho chính quyền Minh Trị sau này. Để thực hiện cuộc cách mạng này, họ đã đưa ra học thuyết “tôn vương, bài di”( suy tôn Thiên hoàng và đánh đuổi người nước ngoài) nên đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân.
Lực lượng nổi dậy vừa tổ chức chống lại Tokugawa vừa tổ chức thực hiện vụ tấn công tàu của nước ngoài. Nhưng sau đó chính quyền ở lãnh địa Satsuma đã quay sang dựa vào Anh để chống lại Tokugawa và bản thân chính quyền nước Anh cũng quay sang ủng hộ chính quyền do Thiên hoàng là trung tâm. Trong khi đó Pháp lại giúp đỡ chính quyền Tokugawa chống lại lực lượng do Anh giúp đỡ. Ở đây đã xuất hiện sự khác biệt với chính sách của các nước ở Trung Quốc. Tức là, nếu ở Trung Quốc các nước phương Tây liên kết với nhau để ép chính quyền Mãn Thanh kí các hiệp ước bất bình đẳng và sau đó giúp nhà Thanh chống lại lực lượng nổi dậy thì đã có sự chia rẽ trong chính sách đối với Nhật Bản. Có thể nói rằng, đây là một trong những tiền đề giúp cho cuộc chiến đấu chống lại chính quyền Tokugawa thành công. Tháng 1 năm 1868, lực lượng của chính quyền do Thiên hoàng lãnh đạo đã đập tan sự phản kháng của lực lượng dưới sự lãnh đạo của Tokugawa và chính thức nắm quyền ở Nhật Bản ( thực tế cho đến tháng 2 năm 1869, chính quyền Minh Trị mới hầu như đè bẹp được hết các cuộc kháng cự của các Shogun trung thành với Mạc phủ Tokugawa và thống nhất được toàn bộ Nhật Bản) và đến tháng 9 năm đó đổi niên hiệu thành Meiji (Minh Trị). Việc lật đổ chính quyền Tokugawa và thành lập chính quyền Minh Trị được nhiều nhà sử học nước ngoài gọi là “cuộc cách mạng tư sản” của Nhật Bản.
Sau khi thành lập, Chính quyền Minh Trị ngoài việc xây dựng bộ máy tập quyền trung ương ra đã thực hiện nhiều chính sách cải cách kinh tế, xã hội nhằm xây dựng Nhật Bản thành quốc gia “phú quốc cường binh”. Ví dụ, về mặt xã hội Chính quyền Minh Trị đã thực hiện xoá bỏ chể độ đẳng cấp, thân phận rất khắt khe vốn tồn tại ở Nhật Bản hàng mấy thế kỉ, xoá bỏ đặc quyền của các tầng lớp quý tộc và võ sĩ, nông dân và thợ thủ công được giải phóng khỏi chế độ chủ tớ v.v…Thực hiện chính sách khai hoá văn minh bằng cách cho du nhập lối sống và tư tưởng hiện đại của phương Tây. Về mặt kinh tế, thực hiện chính sách cải cách ruộng đất và tô thuế đối với nông dân, cho phép mua bán ruộng đất. Đây là một chính sách có tác dụng rất lớn để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp vốn là một ngành sản xuất chiếm vị trí quan trọng của Nhật Bản vào thời điểm đó. Ngoài ra Chính phủ Minh Trị rất chú trọng đến phát triển ngành công nghiệp. Để thực hiện chính sách chấn hưng công nghiệp, ngoài việc thực hiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng như xây dựng đường sắt, cải tạo đường xá, cảng biển ra, Chính phủ Minh Trị còn khuyến khích việc học tập kỹ thuật của phương Tây bằng cách thuê người nước ngoài dạy kĩ thuật và cử người ra nước ngoài học tập. Chính vì vậy ngay trong những năm 70 của thế kỉ 19, kinh tế của Nhật Bản đã thu được nhiều thành quả lớn.
Ngoài ra, đối ngoại cũng là một trong những chính sách quan trọng của Chính quyền Minh Trị. Vào thời điểm này có hai vấn đề mà Nhật Bản muốn giải quyết ngay đó là: Thứ nhất, sửa đổi lại các hiệp ước bất bình đẳng mà chính quyền Tokugawa đã kí với các nước Âu-Mĩ. Do đó, năm 1871 Nhật Bản đã cử một đoàn do Iwakura làm đại sứ sang các nước Âu-Mĩ để đàm phán nhưng đều thất bại. Đến năm 1876 Nhật Bản lại cử một đoàn đi đàm phán tiếp nhưng lần này cũng chỉ thành công trong cuộc đàm phán với Mĩ về khôi phục quyền thu thuế, còn đối với Anh và Pháp vẫn thất bại. Thứ hai là tăng cường quan hệ với các nước láng giềng. Vì vậy cũng trong năm 1871 Nhật Bản đã cử sứ giả sang đàm phán với Triều đình Mãn Thanh và kí “Hiệp ước thân thiện Nhật-Thanh”. Tuy nhiên, ngay sau đó chính sách đối ngoại của Nhật Bản đã có sự thay đổi căn bản đó là, chuyển từ chính sách “thân thiện” sang chính sách “bành trướng”. Do đó, ngay năm 1874, Nhật Bản đã cho quân sang đánh Đài Loan và đến năm 1875 ép Triều Tiên kí hiệp ước bất bình đẳng. Đó cũng chính là những bước mở đầu cho chủ nghĩa xâm lược của Nhật Bản sau đó.
So sánh hai cuộc cách mạng ở Nhật Bản và Trung Quốc
Như vậy, vào khoảng giữa thế kỉ 19 ở Trung Quốc và Nhật Bản đều nổ ra cuộc cách mạng nhằm lật đổ giai cấp thống trị đương thời và tạo lên một thể chế mới. Song, hai cuộc cách mạng này do hai giai cấp khác nhau thực hiện, có mục đích khác nhau, và điều kiện chủ quan, khách quan khác nhau nên đã có kết cục khác nhau. Những nét đó được thể hiện qua những đặc điểm dưới đây:
Thứ nhất, cuộc cách mạng Thái Bình Thiên Quốc là do lãnh tụ nông dân chỉ huy và lực lượng tham gia chủ yếu là nông dân. Mục đích của các cuộc khởi nghĩa nông dân chỉ đơn thuần là lật đổ chế độ đang nắm quyền và lập lên một chính quyền khác thuộc xã hội đó chứ không nhằm tạo ra một xã hội khác tiến bộ hơn. Hơn nữa, lãnh tụ nông dân sau khi giành được chính quyền lại quay về với bản chất của vốn có của giai cấp thống trị là chống lại chính những người nông dân. Điều này được thể hiện rõ trong cuộc cách mạng Thái Bình Thiên Quốc cũng như ở các cuộc khởi nghĩa nông dân ở các nước khác. Do vậy “Phong trào Thái Bình Thiên Quốc cũng đã nói lên một chân lí lịch sử là nếu không có sự lãnh đạo đúng đắn của một giai cấp tiên tiến với một đường lối cách mạng thì cuộc chiến tranh nông dân đơn thuần không thể giải phóng họ khỏi ách áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến và chủ nghĩa thực dân”([2]). Kết quả là cuộc cách mạng này đã bị dập tắt và xã hội Trung Quốc tiếp tục nằm dưới sự thống trị của giai cấp phong kiến.
Trái lại, cho dù cuộc cách mạng Minh Trị ở Nhật Bản cũng nhằm lật đổ chế độ mạc phủ Tokugawa và tránh cho đất nước khỏi cảnh thuộc địa nhưng, lãnh đạo cuộc cách mạng là do tầng lớp Daimyo thực hiện dưới khẩu hiệu trả lại quyền lực cho Thiên hoàng. Đặc biệt, trong xã hội Nhật Bản, Thiên hoàng là người được người dân tôn sùng nhưng trên thực tế hầu như bị các lãnh chúa nắm thực quyền nên khi đưa ra khẩu hiệu như trên các Daimyo càng được nhiều người ủng hộ. Hơn nữa, đây là các Daimyo, tầng lớp võ sĩ và các nhà kinh doanh thực hiện và họ là những người có tư tưởng tiến bộ do tiếp xúc được với người phương Tây đến buôn bán, có kiến thức về kinh tế tư bản. Vì vậy, mục đích của họ không đơn thuần là lật đổ chế độ Tokugawa để khôi phục lại quyền lực cho Thiên hoàng mà còn nhằm đưa Nhật Bản trở thành nhà nước tư bản theo mô hình các nước phương Tây. Chính vì vậy, khi tổ chức thành công cuộc cách mạng và trở thành những người nắm giữ chức quan trọng trong Chính phủ Minh Trị, họ đã giúp Thiên hoàng vạch ra được những chính sách cải cách quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội v.v…Có thể nói rằng đây chính là điểm mấu chốt cho thành công của cuộc Duy Tân Minh Trị.
Thứ hai, cuộc cách mạng Thái Bình Thiên Quốc cùng một lúc phải chống lại hai thế lực là chính quyền Mãn Thanh và các nước phương Tây. Lúc đầu, các nước Âu-Mĩ chủ yếu câu kết với nhau để tập trung vào việc gây sức ép với triều đình Mãn Thanh. Nhưng đến những đầu những năm 60 của thế kỉ 19, khi các nước Âu-Mĩ đã được nhà Thanh đáp ứng mọi đòi hỏi thì các nước này quay sang thực hiện chính sách giúp triều đình Mãn Thanh chống lại Thái Bình Thiên Quốc. Đó là một trong những nguyên nhân đẩy nhanh quá trình Thái Bình Thiên Quốc đến chỗ bị thất bại.
Ở Nhật Bản, Chính quyền Tokugawa cũng phải kí các hiệp ước bất bình đẳng với các nước Âu-Mĩ. nhưng khi xảy ra phong trào lật đổ chính quyền Tokugawa, các nước Âu-Mĩ không những không liên kết lại với nhau trong việc giúp chính quyền Tokugawa chống lại lực lượng nổi dậy giống như ở Trung Quốc mà lại xuất hiện sự chia rẽ trong chính sách ủng hộ phe nào giữa nước Anh và Pháp. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để dẫn tới thành công của cuộc cách mạng  Minh Trị.
Thứ ba, đó là vai trò của chính quyền và người đứng đầu chính quyền. Ở Nhật Bản những nhân vật chủ chốt trong Chính quyền Minh Trị đều là những người mang tư tưởng cải cách, mong muốn học tập kỹ thuật của phương Tây. Họ tiến hành lật đổ chế độ Tokugawa không phải để xây dựng một chính quyền phong kiến khác mà để xây dựng một chế độ xã hội tiến bộ hơn, không bị nước ngoài nô dịch. Ngoài ra, nếu xét lịch sử Nhật Bản thì thấy các đời Thiên hoàng ở Nhật Bản hầu như chỉ là người lãnh đạo tối cao về mặt tinh thần còn quyền hành thực tế nằm trong tay các Shôgun. Do vậy đến thời Thiên Hoàng Minh Trị, cho dù Thiên Hoàng cố gắng xây dựng một chính quyền tập quyền trung ương nhằm củng cố quyền lực của mình thì một mặt ông vẫn nghe theo chính sách của các quan lại trong triều đình. Đó là cho  thực hiện chính sách mở cửa để học hỏi những điều tiến bộ hơn. Đây là nhân tố quan trọng để Nhật Bản thành công.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc do vua được xem như là con trời nên quyền lực của vua hầu như là tuyệt đối lại là nguyên nhân khiến cho Trung Quốc tiếp tục rơi vào tình trạng nửa phong kiến nửa thuộc địa. Thực ra, vào những năm 1860 của thế kỉ 19, ở Trung Quốc ngoài cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc ra còn có phong trào “Dương vụ”. Đây là phong trào do một số quan lại trong triều đình Mãn Thanh phát động nhằm xây dựng “chính quyền tự cường” để thoát khỏi sự thống trị của nước ngoài. Họ cũng đã cho thực hiện nhiều chính sách tiến bộ như: khuyến khích học tập kĩ thuật của nước ngoài qua sách báo và cử học sinh đi du học, tổ chức lại quân đội, nghiên cứu chế tạo súng, mở trường học v.v…Sau một thời gian phong trào này cũng đã thu được nhiều thành công trong các lĩnh vực nhất là trong lĩnh vực quân sự. Nhưng phong trào “Dương vụ” cuối cùng cũng lại thất bại. Như vậy, cũng là phong trào học tập phương Tây nhưng Nhật Bản đã thành công còn Trung Quốc đã thất bại. Lí do thất bại của Trung Quốc có lẽ không ngoài hai nguyên nhân sau: Thứ nhất mục đích của phong trào “Dương vụ” không phải vì để tự cường dân tộc mà chỉ để cứu vãn triều đình Mãn Thanh khỏi sụp đổ. Thứ hai và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất đó là người đứng đầu chính quyền. Năm 1861, vua Hàm Phong mất và Tải Thuần mới 6 tuổi lên nối ngôi nhưng quyền lực thực chất lại rơi vào tay Từ Hy Thái hậu. Từ Hy Thái hậu và đám đại thần chỉ lo củng cố quyền lực và hưởng thụ nên không những không dám đấu tranh với phương Tây mà còn ngăn cản cả những cuộc cải cách tiến bộ, đó là điều không may cho Trung Quốc. Nếu Triều đình Mãn Thanh không rơi vào tay Từ Hy Thái hậu thì lịch sử Trung Quốc có thể đã khác đi.

NGUYỄN THANH BÌNH
(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Richhard Bowring và Peter Korniki, Bách khoa thư Nhật Bản, Nxb KHXH, Hà Nội 1995.
2. George Sansom, “Lịch sử Nhật Bản”; Nxb KHXH; Hà Nội 1994.
3. Trung Quốc cận đại giản sử, Nxb nhân dân Thượng Hải; 1975.
4. Inoue Mitsusada; Kasahara Kazuo và nhiều tác giả, Lịch sử Nhật Bản, Nxb Yamakawa; Tokyo 1989.
5. Phan Đại Liên, Lịch sử Nhật Bản, Nxb văn hóa thông tin; Hà Nội 1995.
6. Nguyễn Huy Quý, Lịch sử cận đại Trung Quốc, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội; 2004.
7. Yamane Yukio và các tác giả, Nhập môn nghiên cứu lịch sử quan hệ Nhật-Trung cận đại, Nxb Kenbun; Tokyo 1996.


([1]) “Trung Quốc cận đại giản sử”; nhóm nghiên cứu lịch sử cận đại Trung Quốc; trường Đại học Hạ Đán biên soạn; Nxb Nhân dân Thượng Hải 1975; Bản tiếng Trung;  tr.121
([2]) Nguyễn Huy Quý “Lịch sử cận đại Trung Quốc”; Nxb Chính trị quốc gia; HN 2003, tr41.