20 juin 2018

Cuối tuần 17/6 thất bại?


Vũ Thạch



Ngoại trừ các buổi cầu nguyện và phản đối thật tốt đẹp của bà con Công Giáo tại Vinh, hầu hết các ý định biểu tình tại những nơi khác vào cuối tuần 17/6 đã không thành hình. Như thế có phải là một thất bại không?



Câu trả lời khá đơn giản: Không những không thất bại mà mỗi cuối tuần sắp tới đều nên làm như cuối tuần 17/6. Đó là luôn rục rịch chuẩn bị như sẽ có biểu tình. Còn giờ chót có thực sự biểu tình hay không chỉ có chúng ta biết.

(Và cùng lúc, cũng cần một số điều chỉnh để đối phó với mức độ điên dại của công an hiện nay).



Nếu những người dân tay không đặt được chế độ hung bạo vào tình trạng phải liên tục ứng chiến, chúng ta có thể đạt được 2 mục tiêu:



1. Buộc bạo quyền phải tốn sức gấp ngàn lần chúng ta.

- Vì phải dàn trải khắp nơi, không biết nơi nào sẽ nổ lớn, nhà cầm quyền phải huy động mọi lực lượng trấn áp chìm nổi, từ gia tăng số an ninh canh nhà từng người hoạt động đến đặt toàn bộ lực lượng CSCĐ trong tình trạng báo động; phải huy động mọi cấp chỉ huy trong quân đội, công an, guồng máy hành chính; huy động đủ loại khí tài, xe cộ máy móc đối phó đám đông, phương tiện chuyển quân, v.v. Thật khó mà tìm được cách nào làm tiêu hao sức lực bạo hành của chế độ hữu hiệu hơn.

- Với mức độ tốn sức như thế, cơn mệt mỏi của cả hệ thống trước sau gì cũng phải đến. Thường chỉ sau khoảng 3 tuần, các dấu hiệu mỏi mệt, lơ là sẽ hiện rõ. Và khi các công cụ trấn áp mệt mỏi hay lơ là, người dân mới lại có cơ hội thực hiện loại biểu tình như các ngày 9,10, và 11 tháng 6 hoặc lớn hơn, để đưa cuộc tranh đấu bảo vệ đất nước lên một nấc cao hơn.



2. Buộc bạo quyền phải bộc lộ nguyên bản chất.

- Sự tàn bạo trong đồn công an mà nhiều nhân chứng như chị Nguyễn Ngọc Lụa thuật lại đã vượt xa cả thời mật thám Pháp trên đất nước VN. Không chỉ các nam CA mà cả các nữ CA cũng thực sự trở thành chó dại. (https://www.facebook.com/ngoclua.nguyen.77/videos/1020562844764968/)

Còn người Việt nào không sôi máu khi nghe lời kể về một phụ nữ ở độ tuổi 30 trong đồn, uất ức nuốt máu và chiếc răng bị đánh gẫy vào bụng chứ quyết không phun ra, không để cho lũ công an hả dạ? Còn người Việt nào không thắt ruột nhìn hình ảnh anh Trịnh Toàn bị đánh chấn thương sọ não phải đưa đi nhà thương cấp cứu vẫn chưa hồi tỉnh và có thể nguy ngập đến tính mạng? Và hàng trăm trường hợp khác, đặc biệt tại Sài Gòn và Phan Rí.

- Các lý lẽ mị dân - vì phát triển kinh tế, vì trật tự xã hội, v.v -  của các quan chức trên báo đài và qua miệng các văn nghệ sĩ công cụ, đều đã bị chính sự điên dại của công an xóa sạch.

- Vì càng tung ra hết mọi sức lực trấn áp, lãnh đạo đảng càng chứng minh với toàn dân quyết tâm bán nước của chúng. Quyết tâm đến độ sẵn sàng chấp nhận nợ máu với nhân dân.



Trước quyết tâm bịt miệng dân tộc và bán nước cho bằng được đó của lãnh đạo đảng, hơn bao giờ hết, người Việt bị buộc phải nhận chân sự thật: không đứng lên thì chỉ chờ chết. Chết bệnh tật đau đớn vì thực phẩm và môi trường độc hại. Chết bất ngờ kinh hoàng vì cướp bóc và xuống cấp giao thông. Chết đói thê lương vì bị cưỡng chế, cướp đoạt mọi đường mưu sinh ... Và sau cùng chết tức tưởi dưới gót giày cai trị của Bắc Kinh như dân tộc Tây Tạng.



Đã đến lúc mọi người Việt chúng ta bắt đầu cùng chung sức làm tiêu hao tối đa sức lực bạo hành của chế độ độc tài bằng hàng ngàn, hàng triệu hành động nhỏ.



=====



Xin được gởi đến các anh chị em quan tâm một vài đề nghị trích từ bài trước liên quan đến câu hỏi lúc nào nên biểu tình.

·         Trước hết, dù có biểu tình hay không ta vẫn phải rục rịch làm như sắp có biểu tình để duy trì mức căng thẳng và mệt mỏi của lực lượng trấn áp.

·         Quyết định có biểu tình hay không nên là ý chung và được lấy vào giờ chót, trong khoảng 12 tiếng trước giờ biểu tình. 

·         Và quyết định biểu tình hay không nên dựa trên ít là 3 yếu tố sau đây:

o   Mức uất hận và mức mệt mỏi của bà con trong vùng. Đây là 2 điều khác biệt và cả 2 cần được lượng giá.

o   Mức sẵn sàng của giới hoạt động, bao gồm từ sự đồng thuận đến các chuẩn bị công việc.

o   Mức phân tâm của giới cầm quyền, từ các bận rộn cho một sự kiện ngoại giao lớn đến tình hình đấu đá nội bộ đến cảnh đối phó với nhiều đám cháy cùng lúc, ...



Và một vài đề nghị điều chỉnh về cách làm vào lúc này:

-          Nếu chỉ đi trinh sát địa điểm, tránh cầm máy điện thoại chụp hình lộ liễu. Nên chuyển qua các cách giấu đơn giản, như bọc điện thoại trong túi xách cầm tay và chụp từ ngang đùi, chụp từ bên trong áo che nắng xuyên qua lỗ cắt, ...

-          Ngoài các điểm tập trung quen thuộc, nên chọn thêm một số nơi mới. Tại mỗi nơi, tạm thời hạ số người tụ lại xuống ở mức khoảng 30 người trở xuống. Chỉ cần đứng với nhau chụp hình cầm biểu ngữ lớn mang thông điệp phản đối là đủ. Tạm thời không cần hình rõ mặt.

-          Các hãng xưởng có hàng ngàn công nhân, đặc biệt trong các khu công nghiệp, là nơi mà công an khó trấn áp nhất. Khi phản đối anh chị em công nhân nên mặc đồng phục giống nhau, nếu có, và đeo khẩu trang.

-          Cung cấp dữ kiện tối đa về các anh chị em bị bạo hành để mọi người chung góp cấp cứu cả nạn nhân và gia đình. Đây cũng là cách duy nhất để giảm hoặc ngưng các trò bạo hành.

-          Thu thập dữ kiện tối đa về các tên công an ác ôn đánh đập bà con, nhưng đừng đăng lên trang cá nhân của mình. Hãy chuyển cho các anh chị em hoạt động mà bạn tin tưởng.

-          Cần ưu tiên chụp hình rõ mặt những tên công an quay phim chụp hình bà con. Chúng là điểm xuất phát những đòn thù sau đó của công an.

-          Và quan trọng hơn cả, càng bị trấn áp càng phải kết nối, xiết chặt tay, phối hợp với các anh chị em khác. Không bỏ cuộc nhưng cũng không làm việc gì một mình.



===========