Thu An: "Muốn quy tụ lòng dân thì chỉ còn cách một cách duy nhất
là đối thoại. Dân miền biển cộc tính, nói phải họ nghe. Đối diện với cái chết
trên biển trong mỗi chuyến ra khơi họ còn không sợ… Và cái đáng lo lắng nhất là
suy nghĩ “đằng nào cũng chết”! Ra khơi có thể chết, mất đất chết lần mòn, dính
bệnh vì ô nhiễm thì vài năm thôi sẽ chết là những suy nghĩ có thật."
Sau sự việc đập phá, tấn công của
một số bộ phận người dân Bình Thuận trong hai ngày qua chúng ta cũng phải đặt câu hỏi tại sao cuộc biểu tình ngày 10/6 diễn ra trên
cả nước với hàng chục, hàng trăm ngàn người dân xuống đường khắp nơi mà chỉ có
ở Bình Thuận xảy ra bạo loạn? Người dân Bình Thuận xưa nay vốn nổi tiếng là
hiền lành chất phác, đa phần là dân lao động chân tay, quanh năm bám biển và
làm nương rẫy kiếm sống, chẳng bao giờ biết quan tâm đến chính trị, tại sao
bỗng chốc bị kích động như vậy?
Là bởi vì, từ khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân mọc lên,
mạng sống của họ, của gia đình họ, của con cái họ bị đe doạ hàng ngày bởi xỉ
than, bởi ống khói lúc nào cũng đem tro than vào không khí. Sự xuất hiện của
nhiệt điện khiến dân vùng có nó không chỉ vật vờ. Họ lần mòn chết, theo nghĩa
đen, với bệnh tật bủa vây và ô nhiễm ảnh hưởng đến các ngành nghề đánh bắt,
nuôi trồng thủy sản lẫn nông nghiệp. Họ là ngư dân, sống nhờ biển nhưng bây giờ
thuyền không còn ra khơi được nữa. Biển nhiễm độc, thuyền không có đường ra. Ra
được biển họ bị tàu cái gọi tàu lạ rượt đuổi, đánh chìm, bắt bớ, bị đâm thủng
tàu và có người đã chết. Tàu thuyền của họ nằm chết dưới nắng và gia đình họ
đói ăn, lang thang bờ bụi. Họ sống trong tuyệt vọng, đói nghèo. Họ thành những
kẻ thất nghiệp, cùng quẫn, không có tương lai. Họ đã kêu gào khắp nơi nhưng
không tiếng vọng và mỗi người mang nặng u uất trong lòng.
Và cuộc xuống đường lần này như tia lửa châm vào ngòi
pháo, nó đã nổ tung. Chống đối bằng gạch đá, phá tung hàng rào cơ quan nhà
nước, đốt lửa, đập phá là sai rồi. Quá sai rồi. Nhưng khi những u uất mãi không
nói được, khi khổ đau dồn nén có dịp bung ra, không ai có thể kìm lòng được.
Hãy hiểu tận tường vì sao họ phẫn uất đến thế, hung hãn đến thế. Không ai có
thể xúi giục được họ, không ai có thể thuê được họ nếu như họ không có bức xúc.
Có ai sống thử dưới nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân do Trung Quốc xây ở đây rồi
hiểu số phận của những người dân bần cùng, thấp cổ bé họng, chất chứa đầy phẫn
uất ra sao. Có ai lắng nghe nỗi đau của họ, hít thở thứ không khí đầy bụi nơi
họ sống, dám uống thứ nước có mùi lạ mà họ uống hàng ngày, dám bế trên tay
những đứa trẻ sinh ra dị dạng vì ô nhiễm… Vâng tới thời điểm này chưa có ai cả,
mặc dù đó thứ họ cần và khao khát!
Khi thấy một số đồng bào Bình Thuận tràn ra đường,
dùng gạch đá tấn công vào những người vốn đi bảo vệ họ, tôi chua xót biết bao.
Bi kịch nào khiến họ có hành động như vậy, mỗi người dân dường như đang bị biến
thành Chí Phèo đương đại. Hơn ai hết tôi tin chắc rằng, nếu không bị dồn nén và
uất ức chẳng ai dại dột làm những điều mà biết chắc rằng trái pháp luật như vậy
cả. Càng đau xót hơn khi nỗi đau của chính họ lại dễ dàng trở thành cái cớ để
cho một nhóm người xấu trà trộn để kích động, bọn rắp tâm giả dạng để gây rối
loạn, rất nguy hiểm cho đồng bào. Nào có ai muốn đi chống lại chính đồng bào mình.
Nói cho công bằng, thì tôi cũng rất cảm kích sự nhẫn
nại và chịu đựng của lực lượng giữ gìn an ninh trật tự Bình Thuận. Họ đã chấp
nhận buông bỏ khí giới, rời bỏ nơi tập kết để tránh đối đầu trực tiếp với người
dân, họ đã chấp nhận không cầm súng bắn vào nơi mình đi ra, mặc dù tôi biết họ
có thừa sức mạnh làm điều đó. Đây là một điều cần phải khen ngợi!
Tuy nhiên, điều đó chỉ vớt vát phần nào những thiệt
hại không đáng có từ cuộc đối đầu không mong muốn này và ghi thêm ấn tượng cho
lực lượng CSCĐ chứ không giải quyết được cái gốc của sự việc lần này. Đừng trốn
tránh thực tế rằng đó chỉ là “tụ tập đông người” hay “bọn xấu kích động” mà cần
nhìn nhận đúng đó là một biểu thị của người dân cả nước trước nạn ngoại xâm, và
cả nạn tham nhũng, hố sâu giàu nghèo của cán bộ và dân thường, ô nhiễm môi
trường từ các nhà máy chạy than của Trung Quốc…
Và để giải quyết cái gốc của sự việc này, xin hãy một
lần về nơi đây, lắng nghe tâm tư và nguyện vọng của họ để hiểu họ muốn gì, họ
cần gì. Mặc dù chưa làm được gì, nhưng hãy cứ một lần về với đồng bào mình nơi
đây, chí ít họ cũng ấm lòng rằng còn có người sẵn sàng nghe họ nói. Nếu được
như vậy thì có xúi giục kích động cách mấy thì họ vẫn vững lòng!
Tất nhiên, những người cố ý gây rối, đập phá tài sản,
tấn công người khác phải bị xử lý nghiêm vì pháp luật không chừa một ai. Nhưng
đó chỉ là trấn áp, còn muốn quy tụ lòng dân thì chỉ còn cách một cách duy nhất
là đối thoại. Dân miền biển cộc tính, nói phải họ nghe. Đối diện với cái chết
trên biển trong mỗi chuyến ra khơi họ còn không sợ… Và cái đáng lo lắng nhất là
suy nghĩ “đằng nào cũng chết”! Ra khơi có thể chết, mất đất chết lần mòn, dính
bệnh vì ô nhiễm thì vài năm thôi sẽ chết là những suy nghĩ có thật.
Thu An
Nguồn: quochoi.org