“Việc cho thuê đất 99 năm không phải công cụ
giá trị để thu hút đầu tư có hiệu quả và có chất lượng vào đặc khu”. Đó là nhận
định của ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank (WB)
tại Việt Nam trong buổi công bố báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế Việt Nam
của WB.
Các chuyên
gia nhận định tăng trưởng gần đây của Việt Nam cao hơn do điều kiện thuận lợi
trong nước và quốc tế nhưng có thể tốc độ sẽ giảm dần. (Ảnh: Hồng Vân)
Trả lời câu
hỏi về dự thảo Luật Đặc khu của Việt Nam, ông Sebastian cho rằng, đây là một dự
luật hiện đang rất “nóng”, gần đây được trao đổi nhiều và cũng gây nhiều quan
ngại.
Theo vị
chuyên gia kinh tế trưởng của WB, nhìn vào quan điểm quốc tế, ý tưởng xây dựng
đặc khu kinh tế là tạo môi trường kinh doanh thành công cho một khu vực tập
trung.
“Đặc khu
kinh tế nổi tiếng nhất thế giới có thể nói đến là đặc khu Thâm Quyến của Trung
Quốc được phát triển khi nền kinh tế của nước này chủ yếu đóng cửa và tách biệt
so với kinh tế toàn cầu. Khi đó, đặc khu kinh tế từ từ phát triển ra”, ông
Sebastian nói.
Tuy nhiên,
chuyên gia này nhận định, Việt Nam hiện nay không còn như vậy nữa. Việt Nam bây
giờ là nền kinh tế rất mở cửa, hội nhập toàn cầu. Chính vì vậy kích thích phát
triển đặc khu của quốc gia khó hơn nhiều và đòi hỏi những công cụ khác.
Theo ông
Sebastian, Luật Đặc khu này phụ thuộc nhiều vào động lực và ưu đãi về thuế, ưu
đãi về cắt giảm thủ tục, quy định hành chính,... ví dụ luật lao động cũng cần
thay đổi.
“Đáng nói,
việc cho thuê đất 99 năm không phải công cụ giá trị để thu hút đầu tư có hiệu
quả và có chất lượng vào đặc khu. Nếu muốn thu hút đầu tư có chất lượng thì
theo kinh nghiệm quốc tế, người ta nhằm vào hạ tầng đáp ứng một số ngành quan
trọng hơn nhiều. Hoặc đầu tư vào nguồn vốn con người, đầu tư cho nguồn nhân lực
để làm sao có nhân lực có kỹ năng”, chuyên gia kinh tế trưởng của WB khẳng
định.
Ông
Sebastian cho rằng, đầu tư vào hạ tầng và nguồn nhân lực quan trọng hơn nhiều
việc cho thuê đất 99 năm để thu hút đầu tư. (Ảnh: Hồng Vân)
Đồng tình
với ông Sebastian, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cũng
cho biết, có một số trường đại học, cao đẳng thực hiện đào tạo cho những người
làm về du lịch trong địa phương có thế mạnh về du lịch, đó mới là thuận lợi và
là công cụ để phát triển đặc khu.
Bên cạnh đó,
dịch vụ của Chính phủ dành cho khu vực tư nhân cũng rất quan trọng. Đây là
những công cụ đem lại thu hút nhiều hơn và có giá trị hơn rất nhiều đối với các
nhà đầu tư tiềm năng.
“Theo quan
điểm của chúng tôi, rõ ràng, chúng ta vẫn có thể phát triển đặc khu kinh tế và
có những can thiệp để khuyến khích đầu tư, thu hút đầu tư ở một số khu vực
nhưng điều đó đòi hỏi cách tiếp cận khác. Vấn đề là phải thu hút đầu tư có chất
lượng và áp dụng cơ chế khuyến khích phù hợp”, ông Ousmane nhấn mạnh thêm.
Hồng Vân