14 juin 2018

CHUYỆN SÁNG HÔM QUA (12/6/2018)




Sáng 12 tháng 6 tôi ra cơ quan sau hai ngày căng thẳng và mệt mỏi (ngày 10/6 như đã kể, và 11/6 thì cố gắng “còn nước còn tát” với cái luật ANM). Một cô bạn trẻ kể ngay: “Ối trời, hôm kia chồng em cứ đòi cho địa chỉ của anh để đi biểu tình với anh chứ! Thế nhưng em không cho đi. Em bảo anh biết đằng nào mà biểu tình, nhỡ anh cáu lên mà ném gạch đá vào người ta thì chết. Với lại anh Thi anh ấy đang ốm không đi đâu. Nói mãi chồng em mới nghe đấy”. Một cô bạn khác tiếp theo luôn: “Anh không biết chứ, chúng em chả dám tham gia gì nhưng chúng em cũng đau xót, cũng lo lắm. Bây giờ cản được thằng Tàu vào nước mình đã khó thế mà lại còn có kẻ rước nó vào thì chết rồi. Con cháu mình rồi đây sống thế nào, càng nghĩ càng sợ anh ạ”. Nói rồi cô ấy khóc.

Cứ thế khóc. Mỗi lúc một nghẹ ngào, nức nở. Cô bạn thứ nhất cũng khóc theo. Tôi rất bất ngờ, vì hai cô bạn này thực ra chưa bao giờ quan tâm đến chính trị. Chỉ có thể giải thích rằng, bằng trực giác, họ cảm nhận được nỗi nguy hiểm mà nhiều khi chính những người học rộng biết nhiều và dày công nghiên cứu lại không thấy. Điều trên có thể quay lại giải thích vì sao lực lượng xuống đường ngày chủ nhật, 10/6 vừa rồi hầu như toàn những gương mặt mới. Và cuộc biểu tình này còn khác tất các cuộc biểu tình trước đó: gần như không có lời hiệu triệu, không có hẹn hò sôi động 2, 3 hôm trước như mọi lần. Ấy thế mà số người xuống đường rất đông, lại xuất hiện ở cả một số tỉnh thành khác, nơi xưa nay chưa hề xảy ra biểu tình. Những con người bình thường, tưởng như trong thâm căn cố đế họ chấp nhận sự dẫn dắt của ai đó, không bao giờ nghĩ đến “làm chủ”, không dám đương đầu với ai cả. Ấy thế mà trước một thời khắc đặc biệt, họ bỗng họ bừng tỉnh nhận ra sinh mệnh mình hóa ra gắn liền với sinh mệnh của đất nước, muốn sống không thể không gia nhập công cuộc chung. Tôi nghẹn ngào nhớ đến câu thơ của nhà chí sỹ họ Phan trong Hải ngoại huyết thư (1906):
Người dân ta của dân ta
Dân là dân nước, nước là nước dân.
(Nguyên văn: Quốc cố ngô dân chi quốc nhĩ/ Bỉ nhất nhân giả hà hữu yên – Nước vốn là nước của dân ta mà thôi, chứ chỉ một người kia sao mà có được nước?)


VÀ CHUYỆN TỐI HÔM QUA (12/6/2018)


Tôi đang quét dọn nhà cửa chuẩn bị ăn tối thì có hai vị khách bất ngờ đến: Một vị có tuổi là bí thư chi bộ tổ dân phố và một cậu thanh niên, cũng trong chi ủy viên của chi bộ. Họ nói nghe tin vợ tôi bị ngã gãy chân, theo thể lệ, chi bộ đến thăm. Ông bí thư giải thích đáng lẽ đến từ hôm kia nhưng quá bận vì phải đi làm công tác tư tưởng cho nhiều bà con cư dân hiểu về chủ trương thông qua Luật Đặc khu, tránh hiểu lầm, tránh bị kẻ xấu kích động…
Tôi bảo:
- Hay là hôm nay bác đến đây cũng vì mục đích ấy?
- Không, không. Hoàn toàn đến thăm vì nghe tin chị nhà anh bị ngã, không có chuyện gì khác.
Trong lúc chuyện trò ông bí thư nói rất chăm đọc báo. Tôi hỏi:
- Bác thường đọc những báo gì?
- Nhân dân, Quân đội nhân dân. Và chỉ đọc hai thứ báo này thôi. Đây là báo chính thống, tin cậy.
Tôi suýt nữa kêu lên, nhưng cố trấn tĩnh:
- Thế thì rất thiếu sót bác ạ. Em chưa nói thông tin trên 2 báo đó sai đúng thế nào, mà chỉ nói nó rất thiếu. Bác có biết những chuyện gây hấn (rất thường xuyên) của Trung Quốc, các báo Tuổi trẻ, Thanh niên,… còn đưa tin, chứ hai tờ ấy thì không. Lại còn luôn có chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình”, tức là toàn lo chuyện “ta đánh ta” thôi.
Cậu thanh niên chen vào:
- Thế theo chú, nguồn tin nào đáng tin cậy?
- Chả có nguồn tin nào đáng tin cậy 100% cả. Chỉ có một chỗ đáng tin cậy, ấy là lý chí và trực giác của chính mình. Đọc thật nhiều các nguồn tin (bao nhiêu cũng không đủ), kết hợp với tự mình quan sát, trao đổi, từ đó phân tích, tổng hợp, phán đoán, kết luận,… không ai nhận thức thay mình, ngoài chính bản thân mình.