19 juin 2018

Biểu tình và “thế lực thù địch”




Chủ nhật vừa rồi, nhiều người trên các thành phố lớn cả nước đã đồng loạt xuống đường bày tỏ chính kiến với hai bộ luật tai tiếng: Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu. Đây được coi là bước tiến mới của nền dân chủ còi cọc nước nhà.
Điều này khiến tôi nhớ lại, cách đây hơn một giáp, tháng 6/2005, khi sang Campuchia, tôi đã bắt gặp một đám biểu tình của người Khmer ở Quảng trường Sông Mê Kong bốn mặt, trước cửa Hoàng cung ở Phnuompenh.
Tìm hiểu kỹ mới biết rằng đó là một cuộc xuống đường do đảng đối lập của Samramsy tổ chức phản đối thủ tướng đương nhiệm Hunsen. Cuộc biểu tình diễn ra trong trật tự và văn minh. Mười năm sau, có dịp trở lại xứ này tôi để ý thấy, Campuchia đã có những bước tiến vượt bậc về mọi mặt, vượt xa nước láng giềng là Lào, tốc độ tăng trưởng KT cao hơn VN. Năm nào ở xứ này cũng có một số cuộc biểu tình khá ôn hòa trong khuôn khổ của luật pháp.


Dĩ nhiên, giới cầm quyền, ở đâu cũng vậy, luôn luôn ghét và muốn cấm đoán chuyện biểu tình, bất kể với động cơ hay mục tiêu gì. Các nhà chức trách sẽ nhàn nhã hơn và thoải mái chia chác lợi ích hơn khi dân chúng ngoan ngoãn như đàn cừu. Chẳng thú vị gì khi đàn cừu đó lại được trang bị tri thức và biết bày tỏ chính kiến. Điều này giải thích vì sao, xứ Thiên đường chưa có luật biểu tình. Trong khi ở các nước khu vực, trình độ dân trí không hơn VN nhưng họ đều có luật này.
Những cuộc biểu tình thường diễn ra khi có các sự kiện kinh tế hoặc chính trị nào đó mà người dân thấy cần phải xuống đường bày tỏ chính kiến. Khi người dân rời khỏi nhà xuống đường vì những chính sách của nhà cầm quyền, điều đó có nghĩa là họ đã biết cách bày tỏ quyền và nghĩa vụ công dân của mình vì các vấn đề chung của đất nước.
Một quốc gia chỉ có thể văn minh và hùng mạnh khi mỗi người dân đều có ý thức và trách nhiệm trước vấn đề chung. Qua việc bày tỏ chính kiến của người dân, nhà cầm quyền có thể thấy được chính sách nào được dân chúng ủng hộ, chính sách nào bị phản đối và lý do mà họ phản đối. Trên cơ sở đó để có thể điều chỉnh chính sách cho hợp lý hơn với nguyện vọng của dân chúng.
Ở các quốc gia độc tài hoặc nửa độc tài, vũ khí và quyền lực nằm trong tay nhà cầm quyền, do đó, thường chỉ có nhà cầm quyền mới bạo động. Một vài lần tham gia đoàn biểu tình ở bờ Hồ Gươm, tôi thấy hầu như cuộc biểu tình nào cũng ôn hòa. Bạo động chỉ xuất phát từ công an hoặc dưới bàn tay đạo diễn của lực lượng này.
Những hình ảnh bạo động nhất liên quan đến các cuộc biểu tình đều trực tiếp hoặc gián tiếp dính đến công an. Lực lượng này thường mặc thường phục hoặc sử dụng một số côn đồ để gây gổ với người biểu tình. Thi thoảng chúng bắt, bóp cổ và vác hay khiêng người đi biểu tình như khiêng/vác lợn, lúc thì chúng đạp thẳng vào mặt người dân lúc họ đang bị các công an khác giữ chặt, v.v...
Dĩ nhiên, lực lượng công an muốn đề cao vai trò của họ đều dựng lên một bóng ma “thế lực thù địch”, chi tiền cho người biểu tình. Khi đất nước còn nhan nhản "thế lực thù địch" thì ngành này mới có lý do để tăng biên chế, phong quân hàm. Điều này giải thích vì sao thị trường sao gạch ở xứ ta lại nhộn nhịp đến như vậy.

Phan Thế Hải