Ông Phạm Minh Chính tại cuộc hội Quốc hội lần thứ hai hồi tháng 10/2017 - Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES Image caption |
Dư luận Việt Nam vốn xôn xao nghi vấn
dự luật đặc khu đe doạ chủ quyền đất nước, giờ e ngại hơn trước thông tin cho
thấy Trung Quốc đã có một ảnh hưởng không nhỏ đến đề án đặc khu Vân Đồn, Quảng
Ninh.
Cuối tháng Giêng 2018, truyền thông
trong nước đưa tin ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức
Trung ương dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm tỉnh Quảng Đông.
Mô tả chuyến đi này, Thông Tấn Xã Việt
Nam viết: "Trong chuyến thăm, Đoàn cũng đã có các cuộc làm việc với Trưởng
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Đông Trâu Minh, khảo sát về công tác xây dựng Đảng ở
tỉnh Quảng Đông, trong đó có đặc khu kinh tế Thâm Quyến."
Tin trên không gây nhiều chú ý, cho
mãi đến tháng Sáu, khi xảy ra tranh cãi lớn về dự án Luật Đặc khu, cư dân mạng
Việt Nam mới "tìm lại" một bản tin tiếng Anh đăng ngày 6/2 của Trung
tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc - CCSEZR (China Center for Special
Economic Zone Research) thuộc trường Đại học Thâm Quyến, Quảng Đông.
Bản tin này tường thuật chuyến thăm
của phái đoàn ông Phạm Minh Chính đến Trung tâm ngày 27/1.
Theo bản tin tiếng Anh này, ông Phạm
Minh Chính nói với Giáo sư Đào Nhất Đào, Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Đặc khu
Kinh tế Trung Quốc (CCSEZR), người gọi ông Chính là "một người bạn
cũ," rằng việc thăm lại Đại học Thâm Quyến lần nữa là "một trải nghiệm
rất ấm cúng" giống như "trở về nhà, gặp lại các anh chị em".
Phải nói thêm rằng bà Đào Nhất Đào
hiện là chủ tịch Viện nghiên cứu Một vành đai Một con đường ở Thâm Quyến, theo
tờ The Star.
Dự luật đặc khu tuy gần đây mới được
quần chúng chú ý, nhưng cần biết rằng đề án phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn,
Quảng Ninh được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ủng hộ về chủ trương qua việc
ban hành Thông báo số 108-TB/TW ngày 01/10/2012 về Đề án phát triển kinh tế -
xã hội nhanh, bền vững và đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, và thí điểm
xây dựng 2 đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái.
Trước khi có thông báo này của Bộ
Chính trị, tỉnh Quảng Ninh, khi đó do ông Phạm Minh Chính lãnh đạo với tư cách
Bí thư Tỉnh ủy từ 2011, đã xây dựng Đề án "Phát triển KT-XH nhanh, bền vững;
đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành
chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái".
Một bài báo của ông Nguyễn Văn Phúc,
chuyên gia Dự án Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt, làm rõ hơn vai trò
của ông Phạm Minh Chính khi còn là Bí thư Quảng Ninh.
Theo ông Phúc, ông Chính đã "chỉ
đạo và cùng các cơ quan của tỉnh quyết liệt xây dựng Đề án thành lập Đặc khu
kinh tế Vân Đồn và Đặc khu kinh tế Móng Cái".
"Anh đã cùng các đồng chí ở Quảng
Ninh lên làm việc, trực tiếp thuyết trình, thuyết phục các cơ quan Trung ương,
trong đó có các cơ quan của Quốc hội."
"Đây có thể nói là bước đi đột
phá tiên phong của Quảng Ninh vì lần đầu tiên sau 20 năm, kể từ khi Hiến pháp
năm 1992 được ban hành mới có một địa phương chính thức đề xuất áp dụng quy định
của Hiến pháp để thành lập đặc khu kinh tế," ông Nguyễn Văn Phúc viết trên
trang Đại Biểu Nhân Dân.
Là tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc,
cộng với quan hệ truyền thống của hai đảng cầm quyền, không ngạc nhiên khi Quảng
Ninh đã tìm hiểu mô hình Đặc khu Thâm Quyến, được xem là đặc khu kinh tế thành
công nhất của Trung Quốc.
Đến tháng 8/2012, một đoàn tỉnh Quảng
Ninh lần đầu tiên thăm Đại học Thâm Quyến hai ngày để học kinh nghiệm về đặc
khu, bản tin của Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc - CCSEZR cho
hay.
Tháng 10/2012, Bộ Chính trị ủng hộ Đề
án đặc khu kinh tế ở Vân Đồn, Móng Cái.
Đoàn TQ từng nhiều lần sang Quảng
Ninh
Kể từ đó, từ 2013 đến 2014, các đoàn
cố vấn Trung Quốc và đoàn Việt Nam thường qua lại giữa hai nước để tham vấn và
thảo luận tư vấn xây dựng khung pháp lý, và kế hoạch thiết lập đề án đặc khu.
Đoàn cố vấn Trung Quốc đưa ra tư vấn
về các vấn đề như điều kiện cơ bản, thiết kế chức năng, lựa chọn vị trí địa lý,
định vị ngành, chính sách ưu đãi, quản lý kinh tế xã hội, vốn nước ngoài và quản
lý nhân tài cho các khu kinh tế đặc biệt của Việt Nam.
Vào 19/3/2014, khi Hạ Long đăng cai
Diễn đàn Phát triển Đặc Khu Kinh tế Thế giới, một đoàn chuyên gia CCSEZR thậm
chí đã tiến hành điều tra thực địa để "hỗ trợ tư vấn cho tỉnh Quảng Ninh về
các chính sách chiến lược", theo CCSEZR.
Cũng vào thời điểm này, dự Luật Đơn
vị hành chính - kinh tế đặc biệt bắt đầu được soạn thảo.
Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Việt Nam
khi đó Nguyễn Tấn Dũng ban hành Quyết định số 2428/QĐ-TTg về một số cơ chế,
chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh và Khu kinh tế Vân Đồn.
Tính đến hết năm 2015, thông tin
chính thức của Quảng Ninh cho hay tỉnh này đã tập trung chỉ đạo thực hiện dứt
điểm công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn về các thủ tục pháp lý liên
quan, đồng thời hỗ trợ các nhà thầu về điều kiện thi công cho Khu kinh tế Vân Đồn.
Bản tin tháng 1/2016 của báo Quảng
Ninh mô tả Vân Đồn đang được ví như "đại công trường" của tỉnh với
hơn 70 dự án, công trình đầu tư hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, dịch vụ du
lịch đang được triển khai.
Theo bản tin của Tân Hoa Xã tháng
9/2016 , khi đó tỉnh Quảng Ninh cần 12 tỷ USD để đầu tư phát triển đặc khu Vân
Đồn, và tự tỉnh đã vận động được 1,8 tỷ - một con số lớn, gần 1% GDP Việt Nam.
Đến ngày 22/3/2017, Bộ Chính trị ra
kết luận số 21-TB/TW về các đề án xây dựng Khu hành chính-kinh tế đặc biệt, đồng
ý thành lập đặc khu kinh tế ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Ngày 10/10/2017, dựa trên kết luận
21 của Bộ Chính trị, Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, được chuẩn
bị từ năm 2014, mới chính thức được Chính phủ trình ra Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội
Việt Nam.
Cuối tháng 10/2017, Hội đồng Nhân
dân tỉnh Quảng Ninh thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn.
Chuyến thăm CCSEZR của ông Phạm Minh
Chính tháng 1/2018 diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo Việt Nam dự kiến dự luật sẽ
được thông qua tại kỳ họp tháng 5/2018 của Quốc hội.
Đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia xây dựng đặc khu kinh tế do chính ông làm
trưởng ban, và ông Phạm Minh Chính cũng là một trong ba phó ban.
Trung Quốc cố vấn gì về Vân Đồn?
Tại CCSEZR ngày 27/1/2018, ông Chính
cảm ơn sự cố vấn của đoàn chuyên gia Trung Quốc và xin "chân thành nhờ tư
vấn về một số thách thức quan trọng" như "có nên cho thuê 70 hay 99
năm?".
Theo trang CCSEZR, trả lời câu hỏi của
ông Chính, ông Yuan Yiming, phó giám đốc CCSEZR nói rằng chu kỳ ngành công nghiệp
đang thu ngắn lại nên việc cho thuê đất 30-50 năm là phù hợp, nhưng trong trường
hợp đất dân dụng thì cần gia hạn theo như nguyện vọng lâu dài của dân cư, nhưng
ông Yuan không nói rõ bao nhiêu năm.
Thêm vào đó, ông Huang Yaying, trưởng
khoa luật tại SZU thì cho rằng việc thiết lập chính quyền nhân dân cho phép đặc
khu quyền hạn lập pháp, thiết lập ngân sách tài chính và bổ nhiệm nhân sự.
"Vì vậy, chính quyền Việt Nam
được đề nghị là cho phép các đặc khu toàn quyền trong ba quyền hạn trên, vốn là
đặc thù của hệ thống pháp lý cần thiết cho việc phát triển kinh tế đặc
khu," CCSEZR dẫn lời ông Huang Yaying.
Sự thành công vượt trội của Thâm Quyến
thể hiện rõ ràng sự đúng đắn của chính sách và đề xuất của Đảng Cộng sản Trung
Quốc và lợi thế của hệ thống xã hội chủ nghĩa so với chủ nghĩa tư bản.Phạm Minh
Chính theo CCSEZR, Trưởng ban Tổ chức TW
Ông Phạm Minh Chính đáp lại rằng sự
thành công vượt trội của Thâm Quyến thể hiện rõ ràng sự đúng đắn của chính sách
và đề xuất của Đảng Cộng sản Trung Quốc và lợi thế của hệ thống xã hội chủ
nghĩa so với chủ nghĩa tư bản.
Bản tin của CCSEZR cho thấy sự tham
gia tư vấn của các chuyên gia Trung Quốc đối với việc xây dựng đặc khu kinh tế
Vân Đồn.
Tuy nhiên, theo thông tin chính thức
của chính phủ Việt Nam, được sự đồng ý của Thủ tướng, tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn
các đơn vị tư vấn nước ngoài là PricewaterhouseCoopers (PwC) và Arcadis &
Callison RTKL để lập Quy hoạch chung xây dựng và Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế-xã hội Vân Đồn.
Tháng 8/2017, ông Nguyễn Văn Thành,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh làm việc với Công ty TNHH PWC Việt Nam và
Arcadis & Callison RTKL để nghe trình bày năng lực lập Quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội và lập lại quy hoạch chung xây dựng cho Khu Hành
chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn.
'Phải cảnh giác Trung Quốc'
Bình luận với BBC hôm 26/6, một
chuyên gia lâu năm về Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer, từ Úc, nói: "Trong
khi Trung Quốc đang quân sự hóa ở Biển Đông nhưng lại vẫn tỏ ra duy trì tình hữu
nghị với Việt Nam, thì điều này cho thấy bản chất hai mặt của Trung Quốc."
"Khi Trung Quốc muốn mua lại một
tập đoàn lớn, hay đầu tư vào một dự án công trình quy mô như cầu đường, ngân
hàng tài chính, thậm chí viễn thông, thì Việt Nam cần phải rất cẩn thận để làm
sao vừa bảo vệ an ninh quốc gia mà vẫn đạt được lợi ích kinh tế. Chỉ nhìn vào
việc cho thuê 99 năm, thì hãy nghĩ đến việc Trung Quốc có thể lợi dụng suốt thời
gian đó để thu thập thông tin tình báo, cũng như thông tin căn cứ quân sự của
Việt Nam ở khu vực Quảng Ninh."
"Trung Quốc hẳn đang tìm kiếm sự
ảnh hưởng về kinh tế hoặc chính trị, hoặc cả hai."
Ông Thayer cũng cho rằng dù dự luật
đặc khu không đề cập đến Trung Quốc như Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí
Dũng nói, nhưng việc Trung Quốc tham gia cố vấn "hiểu rõ tường tận trong
ra ngoài" sẽ có một lợi thế rất lớn cho Trung Quốc.
Theo nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng
Quốc Hội Trần Quốc Thuận thì ý tưởng xây dựng đặc khu đã có từ thời Thủ tướng
Võ Văn Kiệt, khi Việt Nam còn bị cấm vận.
"Việt Nam sau đó chủ trương
chính sách Đổi Mới năm 1986 và đã tìm ra con đường phát triển kinh tế. Chúng ta
cũng có đi nghiên cứu mô hình Thâm Quyến của Trung Quốc, nhưng chỉ thoáng qua,
khi đó không làm theo," ông Thuận nói với BBC.
Ông Thuận nêu quan điểm: "Lý
Thường Kiệt năm xưa cũng tụ ở đó trước khi đem quân đánh Trung Quốc. Đó là một
vị trí rất quan trọng."
"Việt Nam luôn luôn phải cảnh
giác với Trung Quốc. Trong lịch sử hàng ngàn năm qua, Trung Quốc luôn sẵn sàng
lấn chiếm Việt Nam, ngày nay cũng vậy," ông Thuận quan ngại.
Hôm 10/06, tại nhiều thành phố ở
Việt Nam, hàng ngàn người xuống đường phản đối dự luật An ninh mạng và dự
luật Đặc khu Kinh tế.
Họ mang theo khẩu hiệu phản đối
chuyện cho Trung Quốc "thuê đất 99 năm" ở các đặc khu, dù phía
chính quyền không nêu tên nước nào trong các dự án này.
Sẽ vẫn làm Đặc khu?
Hôm 17/6, tiếp xúc cử tri, Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng đề cập dự luật đặc khu.
Ông Trọng được dẫn lời nói Đảng, Nhà
nước, Quốc hội đã lắng nghe, tiếp thu, dừng lại nghiên cứu tiếp, bao giờ hoàn
thiện tốt mới thông qua.
Theo báo Nhân dân, ông Trọng nói
thêm: "Pháp luật hiện thời quy định không cho thuê đất quá 70 năm, vì đây
là đặc khu nên dự kiến ban đầu cho thuê đất không quá 99 năm để khuyến khích,
song còn qua bao nhiêu quy trình phải thực hiện, khi Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt mới được làm."
Hai ngày sau, cũng tiếp xúc cử tri,
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu quan điểm dự luật đặc khu là chủ trương lớn của
Đảng, Nhà nước.
Tạp chí Cộng sản dẫn lời ông Quang:
"Quốc hội cũng đã cho rằng cần phải lấy thêm các ý kiến cử tri sâu rộng và
cần tiếp tục lắng nghe ý kiến chuyên gia, các vị lão thành cách mạng, nhân dân
nên Quốc hội đã lùi thời gian thông qua."