04 novembre 2014

Hãy cảnh giác với các kiểu đổi mới cực đoan và giả tạo!


Nguyễn Trần Sâm

GIAO DUC 02Lại một bài tôi viết về giáo dục. Và vẫn không phải để góp ý với những người cầm chịch sự nghiệp giáo dục.
Tôi viết đây chỉ để tâm sự với các bậc phụ huynh và những người thầy có lương tri. Điều tôi muốn nói là: Hãy cố tìm cách để những chiêu trò “đổi mới” giả dối hoặc cực đoan ảnh hưởng ít nhất đến con cái và học trò của mình. Nếu con cháu chúng ta “lãnh đủ” những thứ đó thì sẽ là thảm họa!


Ai cũng biết: Mọi thứ trong thế giới này biến đổi không ngừng, và cuộc sống con người cùng với nhận thức về tự nhiên và xã hội không phải là ngoại lệ. Nội dung học tập đối với học trò, cách thức truyền thụ và tổ chức truyền thụ kiến thức cũng phải đổi mới thường xuyên.
Đã có thời mà những người thầy thực sự tâm huyết với giáo dục muốn có những đổi mới trong cách thức quản lý giáo dục, trong những quy định về việc dạy học, để người thầy được tự do hơn, được phép sáng tạo nhiều hơn trong giảng dạy. Nhưng những “nhà quản lý giáo dục” đã cố tình lờ đi, không ủng hộ những sáng kiến thực sự hữu ích.
Rồi đến một ngày, bỗng đâu các “đồng chí bên trên” tỏ ra hăng hái đổi mới đến mức không ngờ. Hàng loạt dự án khủng về “đổi mới” được “cấp cao” phê duyệt. Hàng núi tiền được đốt như đốt tiền âm phủ để cúng những vị “thần giáo dục”. Không khí ở các trường phổ thông cứ như ở Phần Lan, Thụy Điển,… Các trường đại học thì tuyên bố đổi mới theo mẫu “Ha Vớt”, “Kem Bơ Rít”,…
Người ta bắt đầu nói: Giáo dục phải lấy học sinh, sinh viên làm “trung tâm”. Hoạt động chính trong lớp học phải là hoạt động của học trò. Học trò phải “phát minh lại” những chân lý mà các nhà khoa học của nhân loại đã phải mất hàng ngàn năm mới tìm ra! Có như thế thì các em mới làm quen được với hoạt động sáng tạo, mới khỏi “học vẹt”. Thầy cô chỉ làm nhiệm vụ nêu vấn đề, gợi mở, phát vấn,… Thật hấp dẫn! Xã hội ta sẽ nhan nhản những nhà phát minh. Thầy cũng sướng, vì khỏi phải ra rả giảng bài.
Và kết quả là thế nào? Là học trò chẳng học được gì trong giờ học. Cuối giờ học, thầy đành “tổng kết” bằng cách nói vội cái “chân lý” mà các em cần khám phá lại ấy. Đương nhiên, như thế sẽ chẳng được gì, chỉ làm hư cả trò… lẫn thầy. Thế nhưng thầy KHÔNG ĐƯỢC PHÉP báo cáo với “cấp trên” là giờ học không kết quả. Thầy phải nói nó có kết quả, và nó tốt hơn nhiều so với việc giảng theo kiểu “truyền thụ”. Thầy có thể nói dối, nhưng không được phép nói giờ học kiểu mới không kết quả. “Cấp trên” có thể biết là thầy nói dối, chấp nhận chuyện mình bị lừa (và tiếp tục lừa cấp cao hơn nữa), nhưng không chấp nhận một báo cáo nói phương pháp mới là sai. GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ TRỞ THÀNH TRÒ DỐI TRÁ TRÀN LAN.
Tuy nhiên, cũng cần nói rằng không chỉ Việt Nam ta có những chiêu trò “đối mới” kiểu đó. Thực ra Việt Nam ta chỉ bắt chước ý tưởng của người ta. Ý tưởng đã không hợp lý, mà tổ chức thực hiện lại điêu toa, bậy bạ nên hậu quả càng tệ hại. Ngay tại Pháp, cái xu hướng “constructivisme” (quan điểm “xây dựng”) như nói trên đã bị các nhà khoa học phê phán gay gắt. (Câu “Giáo dục nước nhà trở thành trò dối trá tràn lan” chính là của Laurent Lafforgue, nhà toán học Pháp giải Fields: “L’Education nationale est devenue un vaste mensonge”. Nhưng tất nhiên, mức độ hư hỏng của giáo dục Pháp không tệ hại như của Việt Nam.)
Cần nói rằng chủ trương cho học trò tập dượt phát hiện chân lý có khía cạnh đúng của nó. Nhưng cái đó chỉ được phép chiếm mấy phần trăm thời lượng của quá trình giảng dạy. Giờ dạy học trên lớp về cơ bản vẫn phải mang nội dung truyền thụ kiến thức và ít nhiều rèn kỹ năng áp dụng. Nếu không, việc tổ chức lớp học chỉ làm hư hỏng lớp trẻ. Và làm tha hóa ngay chính các thầy cô.
Đã có thời, rất nhiều những vị chẳng giỏi giang gì bỗng trở thành thầy. Những vị này không hiểu được bài mình dạy, và tất nhiên không thể giảng lại. Các vị ấy dạy theo kiểu giở sách hoặc “giáo án” đọc cho trò chép. Rồi bỗng đến ngày chính một số vị như vậy đứng ra trước tập thể giáo viên, lớn tiếng phê phán lối dạy học “đọc-chép”. Vài vị biết gõ bàn phím máy tính và thao tác với “pờ zô zếch tơ” làm cái việc đánh máy văn bản giáo trình rồi đem chiếu lên cho trò ghi, và coi đó là đỉnh cao của đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại. Đúng là không còn việc “đọc-chép” nữa. Giờ học bây giờ đã thành “nhìn-chép”. Thầy chỉ việc ngồi đó đến hết giờ rồi về. Quá nhàn nhã. Còn những thầy vẫn hàng ngày giảng cho trò hiểu bỗng trở thành cổ hủ đến mức đáng thương!
Đành rằng trong thời đại công nghệ thông tin, nếu không dùng được các thành tựu của nó vào hoạt động giảng dạy, người thầy sẽ bị lạc hậu. Máy chiếu nếu được dùng hợp lý (ví dụ chiếu và cho quay những hình khối trong môn hình học không gian cho học trò coi, hoặc chiếu cảnh đồng bằng, núi non khi học địa lý,…) thì rất hữu ích. Nhưng chiếu văn bản của giáo trình lên cho học trò chép mà gọi là “đổi mới” thì thật ngu xuẩn. Thế nhưng, các nhà “quản lý giáo dục” vẫn cổ súy cho những “đổi mới” như vậy!
Tôi nhớ những thầy cô dạy Văn cho chúng tôi thời cách đây 40-50 năm. Có những thầy phân tích cái đẹp của tác phẩm văn học, say sưa đến quên trời đất. Còn chúng tôi thì há hốc mồm nghe, cho đến khi trống điểm hết giờ mới bừng tỉnh. Có những câu, những động tác của thầy mà đến giờ chúng tôi cũng không quên được. Những bài dạy như vậy làm chúng tôi yêu môn Văn và ảnh hưởng rõ rệt đến cách ăn nói, viết lách của chúng tôi sau này. Ôi, với kiểu “đổi mới” giảng dạy như bây giờ, những giờ học như vậy chỉ còn trong hoài niệm của lớp người cao tuổi!
Và Albert Einstein, nếu sống lại, sẽ không được quyền giảng dạy môn Vật Lý, vì không theo nổi những quy định của nhà trường XHCN VN!
Đã có thời tôi mơ ước được thấy trường đại học ở VN ta áp dụng học chế tín chỉ. Để sinh viên được tự quyết định tiến độ học tập theo điều kiện và năng lực của mình, và tự chọn lớp, chọn thầy để theo học. Nhưng khi đó, các nhà quản lý ở ta coi đó là chuyện phiêu lưu. Rồi đến một ngày chính họ ra lệnh phải chuyển sang học chế tín chỉ. Họ bày ra những quy định mới gồm vô số những việc vặt vãnh, tốn rất nhiều thời gian của người thầy. Có thể nói, người thầy nào theo được hết những quy định của họ thì sẽ không còn thời gian ngồi đọc sách nữa. Mặc dù vậy, cái lõi của học chế tín chỉ là được chọn lớp, chọn thầy, chọn tiến độ thì hoàn toàn không có! Tôi nói với người bày trò “tín chỉ” rởm: Cái “tín chỉ” của các ông, nó giống như cái xe đạp có mui, có ghế đệm, có hộp số, có bánh lốp rõ to, có còi xe hơi, nhưng động cơ thì không có, vẫn phải đạp.” Nhưng tất nhiên tôi hiểu rằng họ làm vậy vì cái túi của họ. Nhiều “màu” lắm!
Đổi mới của giáo dục VN là như thế đó. Than ôi, khi chính ngành giáo dục “được lãnh đạo” bởi đám người vô và phản giáo dục!
*
Có một điều cốt lõi mà mọi cuộc đổi mới trong lĩnh vực quản lý xã hội cần có, đó là: tăng quyền tự quyết và tự do sáng tạo cho những thành viên tham gia (cùng với việc tạo động lực để mổi người đều phải quan tâm đến thành quả của những hoạt động). Đổi mới trong quản lý hoạt động kinh tế phát động năm 1986 đã thành công đáng kể, bởi từ chỗ ngăn sông cấm chợ và chỉ huy mọi hoạt động, người ta đã để cho người dân được tự lo cho đời sống của mình, được tự do mua bán,… (Tuy nhiên, không thể nói đến “công lao” trong việc tiến hành đổi mới. Bóp cổ người ta gần chết rồi nới ra một chút thì sao gọi là “công”!)
Nguồn : blog Lề Trái