05 novembre 2014

Phạm tội đang mang án vẫn làm cán bộ - chuyện chỉ có ở Việt Nam



Luật sư T.A.M

Trong kỳ họp Quốc hội ở Việt nam lần này có một nghịch lý đã làm hâm nóng nghị trường nhiều ngày qua khi các đại biểu của nhân dân thẳng thắn đặt vấn đề đối với Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao về công tác thi hành án, phòng chống tham nhũng. Cụ thể khá nhiều trường hợp người bị tòa kết án và cấm đảm nhiệm chức vụ nhưng vẫn được chính quyền bố trí chức vụ gây bất bình trong dư luận.

Điển hình là trường hợp ông Phạm Đăng Hoan và ông Lê Thanh Liêm - nguyên Bí thư và Chủ tịch UBND xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng), vào tháng 8/2013, bị tòa tuyên án và cấm đảm nhiệm chức vụ trong cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội trong một năm. Thế nhưng, đến tháng 4/2014, UBND huyện Tiên Lãng đã đồng ý đề xuất của xã Vinh Quang ký hợp đồng lao động với ông Hoan và ông Liêm. Sau đó, một ông được bố trí làm kế toán, một ông làm cán bộ địa chính xã Vinh Quang. Như vậy, hai vị lãnh đạo xã đã được trở về chốn cũ chỉ sau 9 tháng. Một trường hợp khác cũng kỳ lạ không kém, xảy ra tại xã Thọ Châu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đó là ông Nguyễn Văn Chính, cán bộ địa chính xã này phạm tội cố ý gây thương tích. Từ tháng 5/2012, tòa tuyên ông Chính 30 tháng tù và cho hưởng án treo. Thế nhưng, sau khi xét xử, lãnh đạo huyện đã ưu ái chuyển ông này sang xã khác và vẫn tiếp tục làm cán bộ địa chính (!?).
Ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Thủ đô Hà Nội, một vị nguyên là Chủ tịch xã bị tuyên phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo với tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngoài ra, ông này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ trong thời gian 5 năm. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, vị cựu lãnh đạo xã này được "linh động" ký hợp đồng với lý do ông ấy đã "quen việc" còn hơn tuyển dụng người mới (!).
Một sự vụ độc nhất vô nhị khác, tiếc rằng lại xảy ra trong chính ngành thi hành án. Đó là câu chuyện tại TP. Cần Thơ, một cán bộ thi hành án đã bị khởi tố điều tra về 2 tội hình sự, nhưng trong thời gian chờ ra đứng trước vành móng ngựa lại được bổ nhiệm chấp hành viên. Như vậy, chẳng biết do vô tình hay hữu ý mà vị này đồng thời mang hai "thân phận" bị can và chấp hành viên thi hành án.
Chuyện quan chức "hốt cú chót", bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ở "phút 89" trước khi "hạ cánh an toàn" đã không còn lạ, thế nhưng, việc điều cán bộ trở lại nhiệm sở làm việc khi đang là bị án giờ đây cũng không còn là hiếm. Khi sự vụ bị phát giác, người ta bao biện rằng, nền công vụ cần những người có kinh nghiệm, tài năng để công việc được "thuận buồm xuôi gió", thế nhưng, câu hỏi đặt ra, nếu họ có tài và có tâm, ắt đã không để dính án?
Giữa chuyện quan chức bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ở "phút 89" đã xảy ra khá nhiều khi cán bộ cấp cao sắp nghỉ hưu ký “đại” cho thân nhân, bạn bè và cả người ngoài được thăng chức khi chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định như là làm "chuyến tàu vét" để kiếm lợi nhuận. Vừa rồi, Thanh tra Chính phủ cũng đã xác nhận nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trước khi nghỉ hưu có ký quyết định bổ nhiệm cán bộ chưa đủ năng lực. Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, có nhiều cán bộ được bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm về chức vụ và đã phải xử lý bằng cách cho đi đào tạo thêm tốn khá nhiều chi phí. Còn việc tái bổ nhiệm khi vừa lĩnh án so với “bổ nhiệm ở phút chót” tuy mức độ khác nhau nhưng dường như có cùng tính chất. Việc tuyển dụng "linh động" này khiến dư luận bất bình không phải vì có thành kiến với cá nhân đó mà bức xúc vì sai quy trình bổ nhiệm và xử dụng sai người. Hơn nữa là vì sao phải bổ nhiệm vị cựu cán bộ này trong khi vẫn còn rất nhiều người có năng lực, đủ tiêu chuẩn đảm nhiệm?
Điều 64 Bộ luật Hình sự Việt nam quy định, trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo thì thời hạn xóa án tích là một năm mới được đảm nhiệm các chức vụ trong chính quyền. Thế nhưng vẫn còn thi hành án mà vẫn làm cán bộ thì có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có!?

Nguồn : Dân Luận