Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận
số 207 (15-11-2014)
Tại Việt Nam kể từ đầu năm nay, việc bạo hành tra tấn lăng nhục của công an và các lực lượng phối hợp đối với thường dân vi phạm luật, giới dân oan đòi nhà đất, giới đấu tranh đòi dân chủ, giới tín đồ đòi tự do tôn giáo và các tù nhân lương tâm lẫn hình sự… đã lên đến mức báo động đỏ (dù sự bắt bớ giam cầm xét xử có phần giảm). Ngoài vô số vụ chửi bới, hành hung, cướp bóc, tạm giữ oan dân trong các cuộc xuống đường đòi đất đai hay đòi nhân quyền, hoặc công dân trong các lần tham dự những phiên tòa chính trị (vụ xử bà Bùi Minh Hằng chẳng hạn…), một bản phúc trình mới đây của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch, thu thập thông tin từ tháng 8-2010 đến tháng 7-2014), có tựa đề “Những cái chết trong tù và tính tàn bạo của Công an VN” đã liệt kê 14 trường hợp chết do tra tấn, 4 vụ chết không biết lý do, 6 vụ bị cho là tự tử, 4 vụ báo cáo là bệnh tử và 22 người tù bị đánh trọng thương. Các nạn nhân ấy là những thường dân “vi phạm” luật rồi bị bắt về đồn.
Đối với giới bảo vệ nhân quyền, theo thống kê chưa đầy đủ, các cuộc tấn công của lực lượng bạo lực nhà nước trong năm 2014 (tính đến tháng 11) là 31 vụ và trực tiếp xâm hại đến 115 lượt người (hơn năm 2013 là 18 vụ và trực tiếp xâm hại đến 71 lượt người). Riêng các tù nhân lương tâm bị ngược đãi thì năm năm 2014 có ít nhất 18 người (hơn năm 2013 chỉ khoảng 12 người). (Theo bài “Nhận diện chủ trương tra tấn, bạo hành, hãm hại giới bảo vệ nhân quyền” của Phạm Bá Hải).
Trên thực tế, từ mấy tháng nay, nhiều đợt trấn áp mang tầm cỡ một chiến dịch đã được phát động bởi nhiều cơ quan công an địa phương như Hà Nội, Sài Gòn, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Dương, Nghệ An... Những cựu tù nhân lương tâm và nhà báo tự do như Nguyễn Bắc Truyển, Huỳnh Trọng Hiếu, Phạm Bá Hải, Trương Minh Đức, Chu Mạnh Sơn bị ám hại giữa đường, hành hung trong nhà hoặc bị đánh đập nơi quán trọ và trong đồn công an một cách vô cớ lẫn hết sức tàn bạo. Một số tu sĩ như Lê Văn Sóc (Hòa Hảo), Nguyễn Hồng Quang (Tin Lành), Nguyễn Kim Lân (Cao Đài) cũng bị sách nhiễu trên đường, cấm cản tại gia hoặc bị vây hãm tấn công nơi nhà nguyện. Trong khi đó, một số nhân vật tranh đấu dân chủ khác bị rào chắn cách không cần thiết và hết sức hung hãn bởi lực lượng sắc phục lẫn thường phục. Thậm chí hôm 5-11, ngay cả ông Emmanuel Ly-Batallan, mới đến nhậm chức tổng lãnh sự Pháp ở Sài Gòn chưa đầy một tháng, đã bị hành hung bởi công an và côn đồ tại thành phố này, bất chấp tư cách bất khả xâm phạm của giới ngoại giao.
Ta hãy nghe tiếng kêu thảm thiết của các Mục sư Tin lành Mennonite hôm 13 tháng 11 mới rồi: “Sau khi Tiến sĩ Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên LHQ Đặc nhiệm Tự do Tôn giáo kết thúc chuyến viếng thăm điều tra tình hình tôn giáo tại Việt Nam từ ngày 21 đến ngày 31-07-2014, suốt 5 tháng liền kể từ ngày 09-06-2014 đến nay, công an sở tại từ cấp xã tới cấp tỉnh đã hơn 10 lần kết hợp với côn đồ tấn công vào trụ sở của Giáo hội Tin lành Mennonite độc lập tại đường số 10, Mỹ Phước 1, Bến Cát, Bình Dương. Họ bắt các mục sư, thầy truyền đạo cùng các sinh viên cởi trần đưa hai tay lên đầu như tù binh áp giải về đồn công an. Họ liên tục cho côn đồ tới dùng kềm cộng lực, gậy gộc phá cổng, phá cửa vào hành hung, đánh đập các mục sư, thầy truyền đạo và các tín đồ. Họ dùng gạch, đá, trứng thối ném vào nhà trong các buổi thờ phượng của Giáo hội, ném vào phòng ở và phòng ngủ của các tín đồ. Đặc biệt là liên tiếp trong hai ngày thứ Bẩy và Chúa nhật hàng tuần từ 25-10-2014 đến nay [cao điểm là 02 và 09-11], họ chặn đường, đánh đập một số tín đồ không cho vào nhà thờ. Có tín đồ bị gẫy sống mũi, máu me đầy mặt phải đưa đi bệnh viện cấp cứu… Tội ác này là của công an, chính quyền tỉnh Bình Dương mà người phải chịu trách nhiệm cụ thể là ông Thiếu tướng Võ Thành Đức, Giám đốc công an tỉnh và ông Lê Thanh Cung, chủ tịch tỉnh Bình Dương”. Nhưng bất chấp, các kẻ chỉ thị và thừa hành tội ác vẫn bình chân như vại!
Còn trong lao ngục, nhiều tù nhân lương tâm bất khuất đang bị hành hạ một cách thâm độc. Chẳng hạn blogger Nguyễn Hữu Vinh (AnhBaSam), hiện bị tạm giam và khởi tố về điều 258 Bộ luật hình sự, cho biết đang phải nhốt chung với một bị can trẻ khoảng 20 tuổi, bị khởi tố về một tội hình sự đặc biệt nghiêm trọng (sát nhân) nhưng lại mang tâm lý bất thường, có thể gây nguy hại cho tính mạng ông. Trường hợp khác là bà Cấn Thị Thêu, dân oan Dương Nội, hiện đang bị giam chung với hai tù nhân nhiễm HIV nặng, thân hình lở lói, nên có nguy cơ lây bệnh của họ; ngoài ra bà còn bị cai tù ngược đãi bằng cách cấm cả buồng giam khoảng 20 người chẳng ai được giao tiếp, nói chuyện với bà, bằng không sẽ bị kỷ luật. Trường hợp thứ ba -thê thảm hơn- là anh Đặng Xuân Diệu, án tù 13 năm. Vì nhất quyết không nhận tội, không mặc áo tù, lại luôn đấu tranh cho quyền lợi bạn tù, anh bị cắt thăm gặp gia đình, bị tù nhân hình sự đánh đập (theo lệnh), phải ăn uống thiếu thốn, bị biệt giam khổ sở. Thân nhân và luật sư của 3 tù nhân này đã lên tiếng kiến nghị hay phản đối, nhưng tình trạng của họ cho tới nay vẫn không được cải thiện.
Về nguyên nhân sâu xa của việc gia tăng bạo hành nói trên, có người cho rằng đó là do mối quan hệ ngày càng lệ thuộc và quỵ lụy Bắc Kinh của Hà Nội. Một sự lệ thuộc và quỵ lụy không ngừng được củng cố bằng chuyến công du Trung Quốc để “cầu hòa tạ tội” của phái đoàn 13 tướng lĩnh cao cấp do chính Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hướng dẫn (giữa tháng 10) và tiếp nối là chuyến đi của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang về “hợp tác phòng chống tội phạm” hơn 10 ngày sau đó. Cùng lúc lại có vụ Ủy viên Quốc vụ viện Tàu cộng Dương Khiết Trì đến “An Nam, Nam triều” để dạy dỗ “đứa con hoang đàng” lần thứ hai (trong vòng 4 tháng) ngay sau cuộc làm việc tại Hà Nội (từ 22 đến 26-10) của ông Tom Malinowski, phụ tá ngoại trưởng Mỹ đặc trách dân chủ, nhân quyền và lao động. Hậu quả (và bằng chứng tôi trung của Ba Đình đối với Trung Nam Hải) là một cuộc trấn áp mới với cường độ mạnh mẽ. Một lần nữa, người Việt lại đày đọa người Việt theo yêu cầu của Bắc Kinh. Nhất là trong ý đồ sâu hiểm, Bắc Kinh muốn ngành công an Việt Nam hành xử càng thô bạo càng tốt để cộng đồng dân chủ thế giới phải giận dữ và phản ứng đến mức chấm dứt luôn triển vọng TPP cho nước Việt.
Tuy nhiên, nhìn vào chính bản chất Cộng sản, người ta cũng hiểu được rằng các bằng chứng tiêu biểu trên đây một lần nữa cho thấy chế độ và đảng Cộng sản xưa nay không ngừng chủ trương dùng bạo hành tra tấn lăng nhục để cai trị ngõ hầu bảo vệ cái chính thể không bao giờ được nhân dân bầu chọn và khối tài sản mà đa phần là cướp đoạt của đất nước và đồng bào. Họ gọi chủ trương đó là “chuyên chính vô sản”, “bạo lực cách mạng” và gọi các lực lượng thực thi việc này (công an, cảnh sát, dân phòng, côn đồ, xã hội đen…) là “thanh gươm và lá chắn” bảo vệ chế độ.
Chính vì thế, những kẻ ra chỉ thị bạo hành, tra tấn, lăng nhục từ trung ương đến địa phương và những kẻ thi hành các chỉ thị ấy hầu như không bao giờ bị truy tố và bị nghiêm trị đúng pháp luật, pháp luật quốc tế và cả pháp luật Việt Nam. Tất cả làm nên nạn kiêu quan và kiêu binh hám lợi, côn đồ, mù quáng mà ngày càng lộng hành, bất chấp phê phán của quốc tế, tố cáo của quốc dân, bất chấp thảm cảnh của các nạn nhân và gia đình họ cũng như mối nguy cho văn hóa, đạo đức xã hội và cho tâm lý, cuộc sống con người.
Việc hành xử vô luật pháp và vô nhân đạo đối với các thường dân vi phạm luật và các dân oan đòi lại đất nhà như thấy trên là hệ quả của chủ trương (a) dùng bạo lực để khiến nhân dân khiếp sợ mà tuân hành những luật lệ dù có bất công và vô lý đến đâu của một nhà nước độc tài; (b) nhất quyết thu mọi tài nguyên đất nước vào tay đảng để đảng bảo vệ quyền lực và nắm giữ quyền lợi của mình lâu dài, mãi mãi. Còn việc hành xử vô luật pháp và vô nhân đạo đối với các tù nhân lương tâm là hệ quả của chủ trương (a) trả thù tàn bạo đối với những ai lên tiếng tố cáo sai lầm và tội ác của nhà nước, đòi hỏi nhân quyền và dân quyền cho đồng bào; (b) tàn hại thân xác và tiêu diệt ý chí để họ không còn có thể đối kháng khi đang còn ở hoặc khi đã ra khỏi nhà tù; (c) gây sự quan tâm, thương cảm và cả phẫn nộ của quốc dân và đặc biệt của quốc tế đối với họ, để họ luôn là con bài giá trị, sản phẩm chất lượng cao, mặt hàng kinh doanh xuất khẩu béo bở, để một khi được thả ra, họ đem lại “tiếng thơm nhân đạo” và “miếng thơm kinh tế, tài chánh, chính trị” cho nhà cầm quyền Cộng sản.
Nay trong tháng 11 này có những Ngày Quốc tế Khoan dung (International Day of Tolerance, 16-11), Ngày Quốc tế Chấm dứt Miễn trừng phạt (International Day to End Impunity, 23-11) và Ngày Quốc tế Xóa bỏ Bạo hành đối với Phụ nữ (International Day for the Elimination of Violence against Women), Hội Cựu Tù nhân Lương tâm có phát động chiến dịch và đưa ra lời kêu gọi hưởng ứng chiến dịch “Phản đối bạo hành tra tấn” (đã phổ biến hôm 12-11). Chiến dịch này trước hết mời gọi mọi cá nhân, tập thể và tổ chức tại Việt Nam cũng như Đồng bào hải ngoại tham gia bằng nhiều hình thức: trình bày chứng từ, lên tiếng tố cáo, viết bài tham luận, phổ biến tài liệu nhân quyền, gởi thư thăm hỏi các nạn nhân bạo hành, gởi thư chất vấn các thủ phạm bạo hành (kẻ chỉ thị lẫn kẻ thừa lệnh), lập hồ sơ các nạn nhân lẫn các đồ tể (như anh Điếu Cày mới đề nghị trong cuộc họp báo hôm 08-11 của Mạng lưới Nhân quyền VN nhằm công bố danh sách các khôi nguyên Giải Nhân quyền VN năm nay), đòi truy tố những ai đã gây nợ máu đối với đồng bào, thông tin đến và vận động tại các cơ quan chính phủ dân chủ, các tổ chức nhân quyền quốc tế, các lãnh đạo tinh thần cao cấp và các hãng thông tấn hoàn vũ. Thứ đến, chiến dịch cũng kêu mời các cơ quan chính phủ dân chủ, các tổ chức nhân quyền quốc tế, các lãnh đạo tinh thần cao cấp và các hãng thông tấn hoàn vũ quan tâm đến tệ nạn và thảm trạng tra tấn bạo hành tại VN bằng cách thông tin rộng rãi, lên tiếng mạnh mẽ, can thiệp tức thời (qua các đại diện ngoại giao), trao giải thưởng cho các chiến sĩ nhân quyền lâm nạn, ra biện pháp chế tài đối với nhà nước, các cơ quan và các đảng viên cán bộ phạm tội ác chống lại con người. Nhưng hiệu lực hơn hết vẫn là cuộc xuống đường đòi công lý của toàn dân khắp mọi miền đất nước.
BAN BIÊN TẬP