Anh Vũ, thông tín viên RFA
Ngày 15/11 tới đây, Quốc hội VN sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh dân cử do Quốc hội bầu và chỉ định trong một phiên họp kín. Dư luận đặt câu hỏi, một Quốc hội của dân sao lại thiếu minh bạch và công khai trong vấn đề giám sát quyền lực nhà nước của cử tri như vậy?
Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm mục đích nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cách làm này giúp những người liên quan nhận thấy được mức độ tín nhiệm để có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của mình.
Đồng kết quả tín nhiệm cũng là cơ sở cho việc đánh giá cán bộ của cơ quan có thẩm quyền và việc miễn nhiệm chức vụ đối với người mà Quốc hội không còn tín nhiệm.
Theo nghị quyết của Quốc hội, ngày 15.11.2014 tới đây, Quốc hội VN sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh dân cử do Quốc hội bầu và chỉ định trong một phiên họp kín.
Các chức vụ được lấy phiếu tín nhiệm đó là: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước…
Cái chuyện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm ngược đời, ở trên thế giới chúng tôi biết rằng không có nước nào họ làm như thế cả.
-GS Nguyễn Minh Thuyết
Nói về ý nghĩa và sự cần thiết của việc bỏ phiếu tín nhiệm lần này, LS.Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội của Việt Nam cho biết:
“Nếu chúng ta không tìm được trách nhiệm của những người đứng đầu, mà để cho đất nước suy đồi như thế này, làm cho người dân bất bình, bất mãn như thế này thì rõ ràng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đó chỉ làm cảnh cho đẹp. Mà lại còn bỏ phiếu bí mật nữa thì thôi đừng bỏ, vì nó lại càng làm phũ phàng cái lòng tin tưởng lần cuối cùng của người dân vào cái cơ quan quyền lực cao nhất. ”
Khi được hỏi, ông có đánh giá thế nào về việc Quốc hội tiến hành tổ chức họp kín để lấy phiếu tín nhiệm?
GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định:
“Cái chuyện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm ngược đời, ở trên thế giới chúng tôi biết rằng không có nước nào họ làm như thế cả. Tức là chia thành hai bước, lấy phiếu và bỏ phiếu. Lấy phiếu thì lại là 3 mức chứ không phải 2 mức, mà cả 3 mức đều là tín nhiệm, đó là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Và lấy phiếu tín hiệm thì chỉ lấy một lần giữa nhiệm kỳ thôi. Thế thì làm sao thúc đẩy được công việc, làm sao thúc đẩy được người?Mà lại còn bỏ phiếu kín nữa thì bỏ phiếu làm gì? Cái đó nó đi ngược với xu hướng công khai minh bạch hiện nay, vì thế tôi cho rằng tốt nhất là không bỏ phiếu nữa. Bởi vì nếu tổ chức thì mất thì giờ, tốn kém vả lại còn dấu phiếu kín kể cả Đại biểu Quốc hội cũng không biết thì tôi không biết bỏ phiếu để làm gì?”
LS.Trần Quốc Thuận thấy rằng theo Luật tổ chức Quốc hội thì Quốc hội có thể họp kín đối với những vấn đề quan trọng như an ninh, quốc phòng… Theo ông, việc lấy phiếu tín nhiệm là Quốc hội thực hiện vai trò giám sát đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, do đó theo ông không cần thiết phải họp kín.
LS.Trần Quốc Thuận khẳng định:
“Còn bây giờ bỏ phiếu kín thì tôi coi là hoạt động không bình thường, vì các vị đó là do Quốc hội bầu và phê chuẩn, toàn dân đều biết. Bây giờ sự tín nhiệm của các vị ấy cũng là sự tín nhiệm của các cử tri, sao không báo cho cử tri họ biết? Kín là thế nào, như là Hội nghị TW6 trước đây đề xuất kỷ luật người nọ người kia cuối cùng cũng không biết đề xuất ai? Cho nên người ta nói không nên có việc kín, kín rồi kiểu gì người ta cũng biết, vì gần 500 đại biểu Quốc hội họ về họ sẽ nói toang ra hết. Đã là đại biểu Quốc hội, là người công khai và chịu trách nhiệm trước cử tri mà không biết mình được tín nhiệm thế nào, mà còn bỏ phiếu kín thì đó là công việc tôi cho là không bình thường và đi ngược với xu thế chung.”
Thiếu sự cạnh tranh?
Nói về nguyên nhân khiến cho Quốc hội thường có các quyết định không phù hợp với lòng dân, cụ thể là việc tổ chức họp kín khi lấy phiếu tín nhiệm lần này. TS. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện IDS nhận xét:
Vì không có bất kỳ sự cạnh tranh, không có một sự vận động, không có sự chọn lọc của các nhóm xã hội để đưa ra các ứng cử viên sang giá, thì làm sao chúng ta có thể đòi hỏi một Quốc hội có chất lượng?
-TS Nguyễn Quang A
“Cái Quốc hội này, kể cả cái Quốc hội trước cũng thế là Quốc hội mà đại bộ phận là các đại biểu đảng cử, dân bầu thì không thể nào có chất lượng được. Vì không có bất kỳ sự cạnh tranh, không có một sự vận động, không có sự chọn lọc của các nhóm xã hội để đưa ra các ứng cử viên sang giá, thì làm sao chúng ta có thể đòi hỏi một Quốc hội có chất lượng?”
Khi được hỏi về giải pháp để có thể có một Quốc hội hoạt động thực sự có hiệu quả, GS. Nguyễn Minh Thuyết thấy rằng cơ chế đảng cử dân bầu là điểm cần phải dần dần tháo gỡ để khắc phục. Theo ông quan trọng nhất là sự nhận thức của người dân.
GS. Nguyễn Minh Thuyết nói:
“Chính người dân cũng phải tự trách mình, vì người dân thế nào thì Quốc hội như thế. Nếu bao giờ người dân của mình thật giác ngộ, mình đi bầu với sự chọn lựa cẩn thận thì khi ấy người dân sẽ có một Quốc hội như ý của mình. Còn bây giờ người ta bảo đưa ra 5 người lấy 3 người ông cũng tìm bằng được cho đủ 3 người mặc dù ông không biết mặt 3 người ấy, tài của 3 người ấy thì sẽ bầu vào các đại biểu như thế thôi. Theo tôi quan trọng là giác ngộ của người dân, bây giờ mà cứ một người cầm cả nắm phiếu đi bầu cho cả nhà thì làm sao mà chính xác? Chỉ khi nào người dân giác ngộ được quyền làm chủ của mình thì lúc ấy đất nước sẽ có dân chủ hơn và lá phiếu của người dân sẽ có giá trị hơn.”
Đại biểu Quốc hội là người thay mặt cử tri thực hiện quyền lực nhà nước tại Quốc Hội, do đó Quốc hội phải công khai, minh bạch kết quả bỏ phiếu tín nhiệm cho cử tri biết. Nay việc Quốc hội lại tổ chức họp kín để lấy phiếu tín nhiệm cho các chức danh Quốc hội bầu hoặc chuẩn thuận, điều đó không chỉ đi ngược với xu hướng công khai minh bạch, mà còn gây thất vọng cho đa số dân chúng, vì họ có cảm giác rằng đã bị Quốc hội phản bội họ.
Nguồn : RFA
Ảnh minh họa : Internet