Dâng Dâng
Trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
cho rằng, Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc kiến nghị thanh toán Nhân
dân tệ trực tiếp tại Việt Nam chính là vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Trên đất nước Việt Nam chỉ lưu hành duy nhất một loại tiền là Việt Nam đồng.
Mới đây, Phòng Thương
mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có báo cáo gửi Chính phủ, trong đó có ý kiến
của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương
Trung Quốc (ICBC) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thanh toán Nhân
dân tệ trực tiếp tại Việt Nam. Bởi theo hai đơn vị này thì nhu
cầu giao dịch thanh toán bằng Nhân dân tệ tại Việt Nam là khá lớn và tăng lên
rõ rệt.
"Đề nghị này của
Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Trên đất
nước Việt Nam chỉ lưu hành duy nhất một đồng tiền của Việt Nam là Việt Nam
đồng, còn tất cả những đồng tiền khác đều phải chuyển đổi sang đồng tiền của
Việt Nam. Hiện nay, chúng ta không cho phép lưu hành song song một đồng tiền
nào khác" - chuyên gia kinh tế bày tỏ quan điểm với Một Thế Giới.
|
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh
|
Theo ông Doanh, hiện
nay NHNN đã dần dần thu hẹp phạm vi cấp tín dụng bằng đồng đô la và đã nghiêm
cấm việc sử dụng vàng, cho nên đề nghị này của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc
là không thể chấp nhận được.
"Phía Trung Quốc
lập luận rằng ở biên giới Việt - Trung đã sử dụng rộng rãi đồng Nhân dân tệ nên
bây giờ kiến nghị Việt Nam cho phép thanh toán bằng đồng tiền này thì tôi cho
rằng NHNN và các tỉnh biên giới cần phải có một câu trả lời rõ ràng là tại sao
lại có thể có giao dịch lên đến 15 tỷ USD bằng đồng Nhân dân tệ ở biên giới
được? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này?" - ông Doanh nhấn mạnh.
Một vấn đề khác mà
chuyên gia cũng chỉ ra là hiện nay Việt Nam đang nhập siêu rất nặng từ Trung
Quốc. Nếu thanh toán bằng những đồng tiền khác thì Việt Nam còn có hy vọng để
trả cho Trung Quốc, ví dụ như Việt Nam có thể kiếm được đồng USD từ việc xuất
khẩu sang Mỹ, sang Nhật... Nhưng nếu chỉ thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ thì
Việt Nam chỉ có một cách là vay của Ngân hàng Trung Quốc.
"Tức là ngoài
nhập siêu, chúng ta còn phụ thuộc thêm về mặt tài chính đối với Trung Quốc và
đây là điều rất đáng lo ngại, cần phải xem xét kỹ" - ông Doanh nói
Cuối cùng, vị chuyên
gia này cũng thẳng thắn chỉ rõ điều mà Trung Quốc muốn hiện nay là muốn xây
dựng một nền kinh tế thật lớn mạnh, có dự trữ ngoại tệ dồi dào. Để đạt được mục
tiêu này, Trung Quốc luôn muốn bành trướng phạm vi ảnh hưởng và phạm vi sử dụng
đồng Nhân dân tệ như một đồng tiền quốc tế. Trung Quốc cũng tham vọng thay thế
đồng đô la trên thế giới bằng đồng Nhân dân tệ.
"Việt Nam luôn
mong muốn có quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc trên cơ sở hai bên cùng
có lợi và tôn trọng lẫn nhau, cũng như tôn trọng luật pháp của mỗi nước. Vì vậy
nên có một đề án nghiên cứu xem đồng Nhân dân tệ có thể thanh toán trên cơ sở
quan hệ thương mại song phương đến mức độ nào, trên các kênh nào, và đối với
những hàng hóa nào?
Tức là phải có những
điều kiện kiểm soát rất rõ ràng chứ không thể nào dùng đồng Nhân dân tệ lưu
hành ở Việt Nam như một đồng tiền thứ hai, không một nước nào có thể cho phép
như vậy. Đây chính vấn đề vi phạm chủ quyền lãnh thổ và chẳng khác gì việc cho
phép đồng Nhân dân tệ thao túng đồng tiền của Việt Nam.
Tôi cho rằng kiến nghị
này cần phải được xem xét một cách rất nghiêm túc, với một tinh thần nhìn vào sự
thật và muốn có một hợp tác hai bên cùng có lợi, bình đẳng với Trung Quốc nhưng
không thể nào vi phạm chủ quyền tài chính của Việt Nam" - ông Doanh nhận
định.
Bày tỏ quan điểm tại Hội
thảo khoa học quốc tế: "Trung Quốc tái cân bằng kinh tế và những tác động
đa chiều đối với khu vực" ngày 28.11.2014 tại Hà Nội, TS. Võ Trí Thành cũng
từng nhận định: Trung Quốc đang có 2 mong muốn, đó là về đối nội và đối
ngoại.
Về đối ngoại, Trung Quốc
muốn cho cả thế giới thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc, được thể hiện ở tiếng nói
của Trung Quốc, cách chơi của Trung Quốc. Thể hiện ở lĩnh vực thương mại, đầu
tư và sự quốc tế hóa dần đồng Nhân dân tệ.
Về đối nội, Trung Quốc
muốn tái cấu trúc thành công, bởi hiện nay Trung Quốc đang rơi vào sự mất cân
bằng. Đó là sự mất cân bằng về tiêu dùng và đầu tư, vấn đề tăng trưởng hiệu
quả, công nghệ, quản lý, thân thiện với môi trường. Trung Quốc cũng muốn tái
cấu trúc một phần chính sách dân số, bảo hiểm xã hội, sinh thái…
Để thực hiện tham vọng
này, kể từ khi Hồng Kông trở thành thành phố đầu tiên ngoài Trung Quốc cho phép
các ngân hàng địa phương có thể chấp nhận tiền gửi bằng Nhân dân tệ vào năm
2004, Trung Quốc đã nỗ lực không ngừng để thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa Nhân
dân tệ với mục tiêu trở thành đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới.
Theo báo cáo kinh tế vĩ
mô mới công bố của China International Capital Corporation (CICC), hiện có
khoảng 10.000 định chế tài chính quốc tế thực hiện kinh doanh bằng Nhân dân tệ,
tăng hơn 900 so với năm 2011.
Dự báo đến năm 2015,
cùng với USD và EUR, Nhân dân tệ sẽ là 1 trong 3 đồng tiền được sử dụng nhiều
nhất trong thương mại toàn cầu với khoảng 30% kim ngạch ngoại thương của Trung
Quốc được thanh toán bằng đồng tiền này.
Duyên Duyên
Nguồn : Một thế giới