26 septembre 2015

Bài số 4. SỨ MỆNH CỦA CHÚNG TA LÀ PHẢI SỚM ĐƯA VIỆT NAM TRỞ THÀNH MỘT QUỐC GIA VĂN HÓA.


Trần Thanh Tùng   

Trần Thanh Tùng :  Tôi cho rằng anh Minh Đường đã đúng, khi nói Lý luận bế tắc là do chúng ta xác định mục tiêu sai. Việc xác định mục tiêu sai bắt đầu khi đưa Việt Nam thành Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa năm 1976 và đến nay vẫn tiếp diễn (dù khái niệm XHCN chưa rõ và mô hình XHCN kiểu Xô Viết thì sụp đổ hàng loạt từ hơn hai chục năm trước). Trong khi đó, đáng ra phải đưa Việt Nam thành một “Quốc gia Tử tế”, tức một Quốc gia Văn hóa - một Quốc gia Dân chủ Cộng hòa. 


Hội đồng Lý luận Trung ương (Cơ quan bảo thủ nhất của TBT Nguyễn Phú Trọng) là nơi soạn thảo Văn kiện trình Đại hội XII.
Phó Chủ tịch Hội đồng, GS.TS Vũ Văn Hiền, phát biểu rằng: "việc gửi biếu tặng sách, tài liệu mà không được sự đồng ý trước của người nhận là hành vi thiếu văn hóa. Việc gửi các kết quả nghiên cứu cho Hội dồng Lý luận Trung ương mà không hỏi ý kiến trước là thiếu văn hóa ".
Rõ ràng là muốn góp ý cho ĐH XII mà không sợ bị quy kết "Thiếu Văn Hóa " thì phải xin phép trước.
Vì thế mà site ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐẠI HỘI XII đã không đăng những bài góp ý không chịu ăn theo nói leo với Hội đồng này.

Chúng tôi nhận được 5 bài góp ý và sẽ lần lượt đăng trên Dân Quyền






Có thể bạn quan tâm:

Bài số 1.    NHÂN NGHĨ VỀ CÂU NGƯỜI NHẬT HỎI: “VIỆT NAM MUỐN TRỞ THÀNH MỘT QUỐC GIA NHƯ THẾ NÀO?”

Bài số 2.      ĐƯỜNG LỐI CỦA CHÚNG TA LÀ “ĐƯA NƯỚC TA THÀNH MỘT QUỐC GIA VĂN HÓA, CÓ NỀN KINH TẾ TIÊN TIẾN”

Bài số 3.      ĐỂ “ĐẤT NƯỚC TA ĐÀNG HOÀNG HƠN”



             
Tham luận trình bày tại buổi Trao đổi về các vấn đề lý luận

do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức ngày 3.9.2015
              

Lời mở đầu:

Nhận được giấy mời tham gia Tọa đàm của Anh Phùng Hữu Phú, mới đầu tôi định viết thư cáo lỗi vì đọc thư mời thấy nội dung “Trao đổi về các vấn đề Lý luận” nên “ngại”  quá; Nói thế bởi tôi chỉ là một kỹ sư, song thấy xã hội kéo dài quá lâu các điều bất đạo lý, lại sẵn chút tinh thần “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, nên mới viết một số bài, thể hiện đúng những điều mình nghĩ, mình muốn, chứ đâu có nhiều Lý luận để trao đổi.

Song nghĩ lại thấy vững tâm, vì Thực tiễn cũng là Lý luận, hơn nữa được nói chuyện với những người hiểu biết như các anh cũng là cơ duyên, và biết đâu qua buổi nói chuyện này, các anh lại giúp cho Lãnh đạo thêm quyết tâm Đổi mới, nhờ biết được người dân và xã hội đang nghĩ gì, vậy thế nên rất vui được cảm ơn Anh Phùng Hữu Phú và các Anh về buổi Tọa đàm này.

Tiếp theo xin chuyển tới các anh thư của anh Minh Đường viết ngày 2/9/2015 gửi các vị Ủy viên Trung ương Đảng, các vị Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Lý luận Trung ương, và xin trình bày với các anh ba phần của Tham luận: Phần 1. Bản thân và Gia đình; Phần 2. Suy ngẫm về Lý luận; Phần 3. Làm theo Tư tưởng Bác Hồ. 

Phần 1. BẢN THÂN VÀ GIA ĐÌNH.

Tôi tốt nghiệp lớp 10 năm 1966. Học và tốt nghiệp Đại học Giao thông. Ra trường Phụ trách một hạt giao thông, song nghỉ hưu sớm để chăm sóc mẹ vì mẹ tôi ốm nặng, nhà lại neo, có mình tôi và thời đó bao cấp khó khăn, không nhờ ai được.

Lớp 10c tôi học ở trường Việt – Đức, Hà Nội có nhiều anh em là con các cán bộ cao cấp, nhân sĩ lớn như Nguyễn Xiển, Tôn Quang Phiệt, Trần Quốc Hoàn, Lê Tất Đắc, Lê Trung Toản, v.v. Nhiều anh em trong lớp thành đạt, không ít người là Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng, …, có anh là Bộ trưởng nay tuy có tuổi song vẫn được Thủ tướng Chính phủ  giữ làm phái viên và tất nhiên cũng có người là phi công, là pháo binh, bộ binh và liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong lớp cũ tôi hay gặp anh Minh Đường. Mười năm gần nay, tôi và anh hiểu và quý nhau hơn. Điều gì gắn kết chúng tôi vậy? Tôi cho là vì chúng tôi đều thích cái Đẹp. Tôi hướng nhiều tới cái Đẹp trong Nghệ thuật và Công nghệ, Anh Minh Đường chia sẻ với tôi thiên hướng này, song anh còn hướng tới và góp phần cho cái Đẹp trong Con người và Công việc.        

Tôi lập gia đình năm 1978. Vợ tôi tên là Dương Thị Thường, trước là bộ đội, giờ về nghỉ có một cửa hàng chăn ga nhỏ. Hai vợ chồng có lương hưu lại có chút việc làm thêm nên cuộc sống cũng ổn định. Tôi có hai cháu, một trai một gái. Cả hai đều tốt nghiệp đại học. Cháu trai làm công an. Cháu gái vào một đơn vị bộ đội và phụ giúp mẹ bán hàng. Tôi đặt tên cháu trai là “Nhất”, tên cháu gái là “Tâm”. Đặt thế là để nhớ lời ông nội chúng nó. Ông thường dặn “Phải Nhất Tâm để trở thành người Tử tế”.
 

Phần 2. SUY NGẪM VỀ LÝ LUẬN

Bố tôi là người có học, lại giầu có, ông theo cách mạng, theo Bác Hồ không phải vì được quyền cao chức trọng hay bổng lộc. Về già, ông nghèo song luôn dặn chúng tôi phải theo, phải hướng đến cái đẹp nhất của con người, đó là sự Tử tế. Bọn trẻ nhà tôi quý anh Minh Đường, chúng hay mua mấy thứ thức ăn mà anh ấy thích, rồi bảo bố mời bác ấy. Tôi không thấy anh ấy nói chuyện với chúng về kinh doanh hay khoa học, công nghệ, … Vậy nhưng chúng nó quý anh ấy, chắc trước hết vì anh ấy là người biết hướng chúng tới sự Tử tế.        

Những lời ông nội bọn trẻ dặn sống phải “Tử tế” không bao giờ tôi quên, song từ “Nhớ” đến “Làm” là một khoảng cách lớn. Để nhắc mình phải phấn đấu thực hiện lời bố dạy, tôi đặt hai con tôi tên là Nhất, Tâm. Chuyện này tôi đã viết trong bài đăng trên một tài liệu nghiên cứu của Viện N/C SENA. Tôi cho rằng, chẳng những mỗi người, mà mỗi tập thể, mỗi Tổ chức, mỗi Dân tộc đầu tiên phải phấn đấu theo hướng “Tử tế”. Tôi hiểu “Tử tế” hay “Văn hóa” là trước hết phải biết làm điều tốt đẹp cho người khác, rồi mới đến mình. Tôi cũng cho đây là các “Gốc” của phát triển.

Các anh thử nghĩ, giả như bố mẹ chúng ta chỉ coi tiền là trọng, lại dạy kiếm tiền bằng mọi cách, rồi lập kế để năm nay kiếm được bao nhiêu, năm tới kiếm được bao nhiêu, v.v.., thì chúng ta sẽ ra thế nào? Ý tôi là việc chúng ta coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm đã đến lúc phải xem lại, bởi vì chúng ta làm điều đó đã 40 năm nay, và kết quả thế nào cũng đã rõ.

Vì thế tôi nghĩ, nhiệm vụ trung tâm không phải phát triển kinh tế, mà là  phát triển “Tử tế, vì chỉ thế đất nước mới bền vững. Muốn vậy, cần Đường lối Tử tế, Lý luận Tử tế. Tôi hiểu Đường lối sáng suốt là Đạo, Đường lối u mê là không có Đạo. Tôi hiểu Lý luận là Thuật và là Lý luận con thuyền để chở Đạo. Vì thế, mới nói Đường lối sáng là tiền đề cho Lý luận Đúng đắn. Còn nếu thiếu “Đạo”, tức Đường lối u mê, thì Lý luận sẽ đi vào ngả cực đoan, tức là sẽ lú lẫn, hoặc trá ngụy. 

Tôi cho rằng anh Minh Đường đã đúng, khi nói Lý luận bế tắc là do chúng ta xác định mục tiêu sai. Việc xác định mục tiêu sai bắt đầu khi đưa Việt Nam thành Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa năm 1976 và đến nay vẫn tiếp diễn (dù khái niệm XHCN chưa rõ và mô hình XHCN kiểu Xô Viết thì sụp đổ hàng loạt từ hơn hai chục năm trước). Trong khi đó, đáng ra phải đưa Việt Nam thành một “Quốc gia Tử tế”, tức một Quốc gia Văn hóa - một Quốc gia Dân chủ Cộng hòa.

Rõ ràng, mục tiêu sai thì đường lối tất nhiên sai. Vì thế, tôi đồng thuận với anh Minh Đường rằng chúng ta không thể đi theo con đường “công nghiệp theo hướng hiện đại”, mà phải là “một nền sản xuất tiên tiến”.

Tôi cho rằng bác Nguyễn Mạnh Can, anh Minh Đường cùng các chuyên gia, cộng tác viên Trung tâm Xây dựng Môi trường Văn hóa, Viện N/C SENA là tấm gương cho sự Trân trọng, Liên kết, Thống nhất các sự Khác biệt, kể cả Đối lập, cho nên từ góc nhìn Đoàn kết và Hòa hợp họ đã nhìn ra con đường đến tương lai chính là con đường Văn hóa – con đường Đàng hoàng đã được Bác Hồ chỉ rõ, còn chúng ta thì 50 năm qua vẫn bị che mắt bởi tư tưởng Chia rẽ & Cực đoan.

Con đường này hiển hiện trong thư anh Minh Đường ngày 2/9/2015 mà tôi vừa chuyển cho các anh, với thông điệp, sứ mệnh chúng ta là sớm đưa Tổ quốc Việt Nam trở thành một Quốc gia Văn hóa, có nền sản xuất tiên tiến.  
          

Phần 3. LÀM THEO TƯ TƯỞNG “ĐÀNG HOÀNG” CỦA  BÁC HỒ

Nếu như Các Mác là một nhà khoa học, Lênin là một nhà lãnh đạo cách mạng thì Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết là một nhà hiền triết, là một nhà văn hóa không chỉ của Dân tộc Việt Nam, mà của Nhân loại. Vì thế, chúng ta sẽ không hiểu sức mạnh Dân tộc Việt Nam, không hiểu tầm vóc vĩ đại và bình thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một khi vẫn giữ cái nhìn “Khoa học”,  cái nhìn “Lý luận”, mà không thêm vào đó cái nhìn “Minh triết”,  cái nhìn “Văn hóa.

Năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã át tiếng bom đạn khi  khẳng định: “Sau ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta ĐÀNG HOÀNG hơn, to đẹp hơn ”. Năm mươi năm sau, chúng ta mới hiểu hơn lời Người, tức là vào năm 1976, khi đất nước đã bước sang một Giai đoạn mới, thì đúng thời điểm đó, nhất thiết phải bắt đầu cuộc Đổi mới Văn hóa lần II (Đổi mới Văn hóa lần I là Cách mạng Tháng 8) với trọng tâm là Đổi mới Chính trị, Đổi mới Thể chế.

Tuy nhiên,  do cách nhìn “khoa học”, nhất là lại theo lối “duy vật biện chứng”, với quan niệm “vật chất có trước, tinh thần có sau”, đã dẫn đến việc “Đổi mới” Văn hóa lần II tuy đúng thời điểm, song lại tiến hành theo lối vay mượn và lệ thuộc hoàn toàn tư tưởng, mô hình và sự giúp đỡ vật chất của Liên Xô cũ. Đỉnh điểm Tư duy Lệ thuộc bên ngoài này là năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam phải tìm bằng được người khác để gọi là Đồng chí cho dù họ tuyên bố rõ ràng là không theo mô hình nào cả, nhất là mô hình của Liên Xô. Họ làm tất cả vì quyền lợi đất nước và dân tộc.

Việc quá Lệ thuộc vào tư tưởng Chia rẽ & Cực đoan ở trong và ngoài nước cũng như cố gán ép tư tưởng này với tư tưởng Đoàn kết & Hòa hợp của Hồ Chí Minh đã làm Việt Nam lâm vào tình trạng Ngồi giữa hai cái ghế nhất định sẽ ngã như Bác Hồ đã cảnh báo. Kết quả là khoảng cách lạc hậu giữa Việt Nam với các nước trên thế giới ngày một lớn, cũng như nguy cơ khủng hoảng toàn diện, nhất là khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng đường lối, khủng hoảng lý luận ngày càng trầm trọng. Tình trạng này ngày càng sâu sắc vì từ thế kỷ 20 đến thế kỷ 21, Thế giới đã Thay đổi bản chất và dần chuyển từ Chia rẽ & Cực đoan  sang Đoàn kết & Hòa hợp.    

Không ít nước trên thế giới gặp khó khăn khi phải thích ứng với một Thế giới Thay đổi. Việt Nam không trong số này do từ 70 năm trước đã có các văn bản bất hủ như Tuyên ngôn Độc lập 1945, Hiến pháp 1946, thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng Thời đại hôm nay. Vậy là chúng ta sẵn có tư tưởng hiện đại, lại có truyền thống, phong tục tốt đẹp, đã thế còn đầy đủ các điều kiện, từ con người đến thiên nhiên để đất nước ngày một “Đàng hoàng” hơn, dân tộc ngày một Đàng hoàng hơn. Rõ ràng, với Việt Nam muôn việc đều đủ, chỉ khó duy nhất là không ít trong chúng ta vẫn bị tâm lý không chịu phát triển, ngụy trang dưới muôn vàn hình thức, từ bản chất thời đại không thay đổi, tới gìn giữ truyền thống,…, cản trở.

Song điều này sẽ không còn cản trở, khi dân tộc Việt Nam với năm nguồn động lực bất tận đến từ tinh thần Yêu nước, Đoàn kết Dân tộc, Thượng tôn Dân chủ, Đoàn kết Quốc tế, Thúc đẩy Sáng tạo, quyết xây dựng Văn hóa Mới - Văn hóa Khởi nghiêp & Phát triển, có từ văn hóa Hồ Chí Minh, văn hóa Đàng hoàng, với cốt lõi là lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho đất nước, cho Đảng lãnh đạo .              
 
Hà Nội ngày 2 tháng 9 năm 2015. 
                                         
Trần Thanh Tùng