22 septembre 2015

CHÂU ÂU LÀ MỘT HỘI TỤ DÂN LAI MỘT DUNG HỢP CÁC NỀN VĂN HÓA


Guy Sorman

Đôi khi cần so sánh những gì không thể so sánh. Dù chỉ để đánh thức những lương tri bị gây mê. Giữa năm 1933 và 1940, nhiều triệu người tị nạn thoát khỏi Đức, Ba Lan, các nước Bắc Âu, chạy trốn chủ nghĩa quốc xã, vấp phải các biên giới bị đóng chặt. Họ tên là Nathan, Samuel hay Rachel. Chẳng hạn Nathan, đoán trước được tình hình, đã chạy trốn khỏi Đức ngay từ mùa hè năm 1933, năm tháng sau khi Hitler lên cầm quyền. Ông muốn sang Hoa Kỳ : nhập cảnh bị từ chối. Thử sang Tây Ban Nha, cũng bị từ chối. Do một chút tình cờ, ông lọt vào Pháp, không được đón nhận nhưng cũng không bị xua đuổi. Chỉ đến năm 1938 chính phủ Daladier, do quốc hội của mặt trận bình dân bầu lên, mới nộp cho Đức những người Do Thái tìm cách chạy sang Pháp. Nathan thoát được chế độ Vichy[1], bằng cách gia nhập hàng ngũ – thưa thớt - của Kháng chiến, bên cạnh những người cộng hòa Tây Ban Nha, sống sót từ nội chiến. Nathan có sáu anh chị em, tất cả đều bị tàn sát trong các trại tập trung phát xít và mẹ ông chết đói trong khu ổ chuột Varsovie. Sáu triệu nạn nhân của nạn diệt chủng Do Thái (Shoah) không gây nên – ngoài cộng đồng Do Thái – một xúc động lớn nào, cho đến khi có vụ xử án (tên cai ngục phát xít) Adolf Eichemann ở Jérusalem năm 1961.


Trước đó, vấn đề diệt chủng Do Thái bị chìm đi trong vô thức tập thể, như một thứ tai nạn bên rìa của chiến tranh thế giới. Franklin Roosevelt và Winston Churchill, được thông báo hình hình người Do Thái, ngay từ 1933, đã từ chối nhìn nhận thực trạng của cái hồi đó còn chưa được gọi là Shoah[2], không để nó khiến hai ông xao lãng khỏi chiến lược chung của các ông, là đánh bại chủ nghĩa quốc xã và liên minh với chế độ của Joseph Staline.   


Những  người tị nạn hôm nay
 Bây giờ hãy nói tới chuyện chẳng hề dính dáng chút nào đến những điều vừa kể trên: cuộc chạy trốn, hàng triệu người, từ Syrie, Irak và Erythrée[3]. Chẳng dính dáng bởi vì Latifa, Ali và Ahmed không bị tàn sát một cách hiệu quả theo kiểu công nghiệp như Samuel, Nathan và Rachel chăng? Liệu có phải tin rằng những người có nguy cơ chết đuối ở Địa Trung Hải, chết ngạt trong một chiếc xe tải, chết khát trên một chặng đường Hy Lạp, là bởi vì Ali, Latifa và Ahmed là những khách du lịch hay chẳng qua chỉ là đi tìm một việc làm ở Anh ?
Không, họ cũng vậy, họ chạy trốn thảm sát : họ chấp nhận nguy cơ chết đuối vì họ biết lựa chọn khác của họ là bị giết bằng hơi độc, bị bắn bỏ, bị ném bom, bị chết đói. Không phải là Shoah. Hay chưa phải là Shoah ? Từ đây đến vài năm nữa, sẽ gọi như thế nào đây cái làn sóng người tràn vào châu Âu này ? Sẽ biện minh thế nào đây trong các cuốn sách của chúng ta và trong những lời than thở chính thức của chúng ta cái cuộc thiên di này mà người châu Âu, các dân tộc châu Âu và các chính phủ của họ, muốn quy gọn thành một ‘’cuộc khủng hoảng’’ có tính kỹ thuật chỉ đòi hỏi đôi ba điều chỉnh pháp lý trong định nghĩa về quy chế nhập cư ?
Nếu Nathan còn sống, tôi không chút nghi ngờ rằng ông sẽ nhận ra ở Ali hay Ahmed diện mạo của chính ông, số phận của chính ông, tình thế tuyệt vọng của chính ông. Nathan sẽ nhận ra tất cả các lý lẽ mà, vào thời của ông người ta cũng mang ra đặt trước mặt ông tại chính cùng những đường biên giới này : rằng tình trạng kinh tế Tây Âu không cho phép tiếp nhận họ, dư luận công chúng không thuận lợi cho người ngoại quốc, người Do Thái và đủ loại kiều dân khác đã quá nhiều để một chính phủ còn mạo hiểm nhận thêm nữa. Nathan có cường điệu quá không những mối đe dọa đè nặng lên ông và những người thân của ông? Cuối cùng thì cái Ngài Hitler kia xem ra lại thành khá biết điều …


Châu Âu, một tích tụ dân lai
Nhà độc tài xứ Érythrée, Issayas Afewerki, Bachar Al-Assad, các đám hồi giáo đang tàn phá toàn bộ vùng Cận Đông, có trở nên biết điều không? Tuyệt không có ai hết, ở phương Tây, ra tay để cho chúng trở nên biết điều. Sáng kiến duy nhất từng được tính đến, do François Hollande đề xuất, ném bom đại bản doanh của Bachar Al-Assad đã bị Barach Obama, anh chàng Muních[4] ấy, chặn lại vào năm 2013. Người đứng đầu chính phủ phương Tây duy nhất hiện nay đánh giá đúng tầm mức thực sự của thảm họa và đề xuất những giải pháp nhân đạo ngang tầm thảm họa ấy là Angela Merkel. Là người Đức, bà biết, bà không trốn vào trong những lý lẽ pháp lý và kinh tế trống rổng. Bà biết rằng Ahmed, đấy chính là Nathan, bảy mươi năm sau.
Những phản đối nghe có vẻ hợp lý, ta biết cả rồi : những người đó không phải là người châu Âu, sẽ không thể hội nhập, và nền kinh tế không thể hấp thụ họ. Nhưng cái có vẻ đúng lại là sai. Những người ‘’tị nạn’’, được chấp nhận ở châu Âu, sẽ mang đến học vấn và sức lực lao động của họ : phần đông họ còn trẻ và dám nghĩ dám làm như cuộc di tản của họ đã chứng tỏ. Di tản là một  cuộc chọn lựa bi tráng trong đó lợi thế ngã về kẻ mạnh hơn chống lại kẻ yếu hơn. Hoa Kỳ luôn phát triển nhanh hơn châu Âu là nhờ sự năng động mà những người di cư mang đến cho nó. Trong khi châu Âu càng già càng suy tàn.
Rằng hội nhập văn hóa sẽ là bất khả, đúng không ? Lời phản đối nghe có vẻ tinh tế nhưng nó giả định một cách kỳ quặc rằng châu Âu là một cái lõi thuần nhất về văn hóa, dân tộc, tôn giáo, không chút tì vết. Thực ra, châu Âu là hội tụ dân lai, một dung hợp những nền văn hóa tất cả cùng làm nên văn hóa châu Âu.
Tôi nhớ đến một vị thủ tướng trước đây, Michel Rocard, đối mặt với một cuộc nhập cư, nhỏ hơn, đến từ châu Phi, đã tưởng giải quyết được vấn đề bằng cách tuyên bố ‘’châu Âu không thể nhận hết tất cả nổi khốn khổ của thế giới’’. Người ta sẽ vặn lại rằng hôm nay Jordanie, Liban và Thổ Nhỉ Kỳ đã nhận 3 triệu người tị nạn, còn châu Âu … 300.000 người. Đấy là lý do tại sao tôi hổ thẹn vì châu Âu, vì sự ích kỷ của nó, sự thiển cận lịch sử của nó và thói kiêu ngạo tiểu tư sản tự mãn của nó. Đấy là lý do vì sao, ngày hôm nay Ahmed là người anh em của tôi hay Latifa là chị em của tôi.
Bởi vì, bạn biết không, Nathan chính là cha tôi.

      G. S.
(Le Monde)

Nguyên Ngọc dịch

   




[1] Vichy: Trong chiến tranh thể giới lần thứ hai, chính phủ Pháp do Pétain đứng đầu, đầu hàng phát xít, đóng đô ở Vichy.
[2] Shoad: Từ dùng để chỉ nạn diệt chủng Do Thái do phát xít Hitler tiến hành trong thế chiến thứ hai.;
[3] Chỉ vùng Bắc Phi châu
[4] Munich: Năm 1938 các  chính phủ Anh (do Chamberlain đại diện), chính phủ Pháp (do Daladier đại diện) ký hiệp ước Munich đồng ý nhượng vùng Sudètes là vùng người nói tiếng Đức nằm giữa Đức, Ba Lan và Tiệp Khắc cho phát xít Đức, mong tránh được chién tranh thế giới do phát xít Hitler phát động.