24 septembre 2015

Thư ngỏ gửi ông Sang, ông Dũng


Thư công khai kính gửi:


- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang,

- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Nguyễn Khắc Mai
Trước hết, tôi xin gửi tới Chủ tịch và Thủ tướng lời chào trân trọng.

Là một công dân có tuổi và cũng có những trải nghiệm về cuộc đời, tôi xin trình bày với Chủ tịch và Thủ tướng một vài ý kiến.

Nhận thức rằng Đại Hôi XII của Đảng Cộng sản VN có tầm ảnh hưởng quan trọng tới bước phát triển mới của Dân, tới sự mất còn của  Nước .
 
 

Mặc dầu,  BCH TƯ của đảng đã cho công bố Dự thảo Báo cáo chính trị và báo cáo Dự thảo Kế hoạch Kinh tế-Xã hội của ĐHXII, mà không hề có một lời thưa với quốc dân đồng bào (thua thái độ văn hóa của thành ủy Sài gòn còn có Thư mời gọi dân tham gia góp ý).

        Hội đồng Lý luận Trung ương (Cơ quan bảo thủ nhất của TBT Nguyễn Phú Trọng) là nơi soạn thảo Văn kiện trình Đại hội XII.  Không ngờ Phó Chủ tịch Hội đồng, GS.TS Vũ Văn Hiền, bỗng nhiên có 'phát biểu xanh rờn' rằng: "Việc gửi biếu tặng sách, tài liệu mà không được sự đồng ý trước của người nhận là hành vi thiếu văn hóa. Việc gửi các kết quả nghiên cứu cho Hội dồng Lý luận Trung ương mà không hỏi ý kiến trước là thiếu văn hóa" (!?). Rõ ràng là muốn góp ý cho ĐH XII mà không sợ bị quy kết "Thiếu Văn Hóa " thì phải xin phép trước…

Những gợi ý nêu ra để thảo luận kèm theo văn bản Dự thảo chỉ là gợi ý cho nội bộ đảng mà thôi. Cách làm này của văn phòng TW là đơn giản và có vẽ như kém lịch sự. Việc của đảng mình,  vậy mà đối với quốc dân lại thiếu cả một lời thưa gửi văn hóa và lịch sự. Hơn nữa cũng không phân biệt rõ việc của nội bộ đảng với việc công khai trưng cầu ý kiến của xã hội.

Để cho việc “tiến vào Đại Hội XII của Đảng”, đặc biệt là việc trưng cầu ý kiến của nhân dân thể hiện tính chất quy mô nhà nước, có sự tôn nghiêm pháp quyền chính thống, thể hiện sự trọng thị của Nhà nước đối với Đảng CSVN, tôi tha thiết kiến nghị với Chủ tịch và Thủ tướng hai việc có ý nghĩa sâu đây:

Một là. Chính phủ cần có một văn bản chính thức yêu cầu nhân dân và các cấp thực hiện thái độ hưởng ứng ĐHXII . Cụ thể là nêu ra những vấn đề thiết cốt để trưng cầu ý kiến nhân dân, ví dụ: Nhân dân có tán thành đường lối tiến lên CNXH mà đảng Cộng sản VN đưa ra trong ĐHHXII này hay không. Tại sao có và tại sao không?

 Đường lối và tư tưởng lấy chế độ kinh tế công hữu, kinh tế nhà nước là chủ đạo đúng hay sai, nên hay không nên, lợi hại đã rõ như thế nào.

Có nên giữ mô hình xô viết đã phá sản, tiếp tục chế độ một đảng toàn trị đã “hư hỏng, cũ kỹ” (như chủ tịch Hồ chí Minh nói) hay là làm theo Tuyên ngôn “cộng sản” do Mác và Ăng ghen công bố năm 1848, và được coi là “kinh thánh” của các đảng cộng sản, trong đó khẳng định: “Các đảng cộng sản phải phấn đấu để đoàn kết và hợp tác với các đảng Dân tộc, Dân chủ ở từng nước”.

Thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ, hội nhập quốc tế có cần phải thêm đuôi “định hướng xhcn hay không (thực tế là cái định hướng  ấy đã là tác nhân làm trì trệ sự phát triển lành mạnh, tự nhiên của thị trường ở nước ta hiện nay).

Xây dựng Nhà nước pháp quyền, đúng đắn, xóa bỏ mô hình xô viết, thì  nên thiết chế một hình thức nhà nước dân chủ, đa nguyên,  đa đảng, tôn trọng xã hội dân sự phải đặt ra thế nào(K.Marx quan niệm rằng hình thức nhà nước dân chủ là sự tự do của nhân dân, là nhà nước đặt dưới sự kiểm soát hoàn toàn của xã hội…).

Tôi tin rằng khi đã có nhận thức rõ,  đúng đắn, không đánh tráo khái niệm để lừa dối về những vấn đề trọng đại như trên, mặc nhiên những vấn đề mà dự thảo báo cáo chính trị mong ước là có một đảng văn minh, một Nhà nước dân tộc, dân chủ, một nền kinh tế thị trường phát triển bền vững, tiên tiến, một xã hội nhân văn, nhân ái, nền giáo dục và KHKT dân tộc, tiến bộ khai phóng… sẽ trở thành đồng thuận xã hội tốt đẹp để chúng ta quy tụ tâm, tài, trí của cả Dân tộc trong và ngoài nước cùng thực hiện trôi chảy, thuận lợi.

Văn bản ấy của Chính phủ yêu cầu tất cả các cơ quan văn hóa, các viện Hàn lâm, các tổ chức truyền thông hưởng kinh phí nhà nước, các tổ chức xã hội sử dụng kinh phí nhà nước… phải tổ chức nhiều hình thức nghiêm túc thật thà để  thảo luận và trưng cầu ý kiên nhân dân. Các báo chí phải công khai toàn bộ ý kiến của Dân không đựơc che dấu, cắt xén.

Hai là. Tuân theo đạo lý truyền thống rất nhân văn của nước ta từ xưa, là trước một sự kiện trọng đại của Dân tộc (như Nhà vua mới lên ngôi, khi thắng trận…), Triều đình đều chủ trương đại xá trong cả nước tha hết tù nhân, kẻ phạm tội. Tôi khuyên Chủ tịch và Thủ tướng, nhân dịp trọng đại này, nên ra lệnh đặc xá, thả hết các tù nhân lương tâm, thực chất là tù chính trị, để tạo ra một thiện ý thiện chí của Nhà nước ta, đồng thời khiến cho ĐH đảng kỳ này  có được tiếng thơm văn hóa, có sự thật thà (chữ HCM hay dùng) hòa giải, hòa hợp, đoàn kết dân tộc, không đi theo vết xe đã đổ, mà Lê nin từng dự báo về ba tội lỗi của các đảng cọng sản. Đó là dốt, tham và cậy quyền.

Hai việc này càng làm  tăng  thêm  sự  tôn nghiêm của Chính phủ, của Chủ tịch và Thủ tướng, càng làm tăng tín nhiệm của xã hội đối với đảng cộng sản vốn đã suy giảm nghiêm trọng lòng tin của nhân dân và xã hội. Đồng thời cũng là tín hiệu báo cho thế giới biết một thông điệp là Việt Nam không phải là đất nước không muốn phát triển.(như có người đã nhận định).

Với niềm tôn kính và sự kỳ vọng đối với vai trò và sứ  mệnh nhà nước lớn lao của Chủ tịch và Thủ tướng, tôi mong rằng Thủ tướng và Chủ tịch lắng nghe và làm theo mách bảo của một người già vẫn một lòng đau đáu “thất phu hữu trách”.

Kính chào, và mong có chút hy vọng !

Lão già Nguyễn Khắc Mai
ở Ô Đồng Lầm Hà Nội