29 septembre 2015

THƯ GÓP Ý

 
THƯ GÓP Ý viết:  " Làm sao định hình “thế trận lòng dân” khi nhìn đâu cũng thấy “các thế lực thù địch”, phải “chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu “diễn biến hoà bình”, “bạo loạn lật đổ, hoạt động chống phá”? Tỉnh táo phân tích có thể chỉ rõ nguyên nhân sâu xa của sự bất bình xã hội chính là vì lòng dân không yên. Mà không yên là do sự thoái hoá biến chất của một bộ phận không nhỏ trong Đảng cầm quyền, thay vì “làm người đầy tớ trung thành và tận tụy của dân” lại cưỡi lên đầu, lên cổ dân."






Kính gửi Ban chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam

 Thành phố Hồ Chí Minh

Hưởng ứng Thư của Ban Chấp Hành Đảng Bộ TPHCM “chân thành mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm của nhân dân thành phố”, chúng tôi, một số cán bộ, đảng viên từng gửi thư đến BCHTƯvà toàn thể đảng viên ĐCSVN ngày 14.7.2014 và những người tán thành, hưởng ứng bức thư tâm huyết ấy gửi đến Đảng Bộ Thành Phố những ý kiến đóng góp vào “Dự thảo Báo cáo Chính trị” dưới đây.

Là những cán bộ đã về hưu, không có điều kiện theo dõi những hoạt động mọi mặt của thành phố, chúng tôi chỉ tập trung vào một số điều, mà theo nhận thức của chúng tôi, là những vấn đề cơ bản có ý nghĩa then chốt trong chủ trương, giải pháp đã đưa lại những thành tựu nổi bật nhất cũng như những yếu kém rõ rệt nhất của thành phố chúng ta.

Xin nêu 4 vấn đề như sau: 

1. Cảm nhận chung về Dự thảo BÁO CÁO CHÍNH TRỊ của Thành uỷ 

a. Đây là một bản Báo cáo Chính trị được viết công phu, bao quát được mọi hoạt động của thành phố với những con số khá ấn tượng nhìn nhận tình hình về mọi mặt. 

b. Đáng tiếc là Báo cáo chưa làm nổi rõ nét đặc thù của một Thành phố lớn nhất nước, có vai trò đầu tàu về kinh tế và hội nhập mà trên thực tế, thành phố  HCM đã giữ được vai trò ấy ngay từ bước đột phá của những năm 80 dẫn đến Đại hội VI 1986. 

c. Báo cáo chìm trong câu chữ và con số mà thiếu vắng một định hướng ý tưởng làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt nhận định, phân tích, đánh giá tình hình và đưa ra hướng đột phá cho bước đi tới của Thành phố HCM trong một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động lớn lao. 

2. Một trong những điều cần đặc biệt xem xét là trong báo cáo này hoàn toàn vắng

bóng tư tưởng hoà hợp dân tộc, một đòi hỏi nóng bỏng để hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư, tạo nguồn động lực cho giai đoạn mới khi mà tiến trình hội nhập đang đi vào chiều sâu với những bước đột phá mạnh mẽ.  

  Nói đến nét đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh không thể không nhớ đến đây là nơi mà “một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu” như cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, khi là Bí Thư Thành Uỷ thành phố đã khởi động và mở đường cho việc “phá rào” góp phần dẫn tới sự nghiệp Đổi Mới trong cả nước, đã từng thiết tha chỉ rõ. Chính định hướng nhận thức ấy đã sự mở lối cho sự hoà hợp, phát huy truyền thống dân tộc, phát huy tinh thần đại đoàn kết cho các thế hệ công dân thành phố khi mà cuộc chiến đã lùi sâu gần nửa thế kỷ. Họ đã là, đang là một thành tố lịch sử của Thành phố. 

a. Vậy thì, trong “thế trận lòng dân” mà Báo cáo Chính trị nói đến, đã lưu ý đến  nét đặc thù ấy chưa?  Khi nói “ổn định chính trị với nền tảng là an dân thực sự là cơ sở chính trị quan trọng…tăng cường mối quan hệ máu thịt với Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy sức dân để chăm lo cho Nhân dân” thì trong nhận thức của lãnh đạo cũng như trong những giải pháp chính sách đã thể hiện như thế nào? 

Đọc kỹ nội dung báo cáo, chúng tôi có cảm nhận rằng, hướng chủ đạo trong nhận thức và tư tưởng chỉ đạo của Thành uỷ vẫn chỉ đặc biệt chú trọng “nâng cao cảnh giác”, “giữ vững ổn định chính trị trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ….chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bọn phản động, cơ hội chính trị, cực đoan chống đối trong và ngoài nước….” mà chưa có một cái nhìn xa hơn về sức mạnh và lợi thế tiềm ẩn trong tính đặc thù của thành phố không nơi nào có được. 

Đương nhiên, cảnh giác là tuyệt đối cần thiết. Nhưng cảnh giác không phải là, không thể là chẳng có một câu, một chữ nào biểu tỏ tinh thần hoà hợp dân tộc. Ngần ấy trang Báo cáo không hề đả động gì đến “vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu” mà chỉ nhấn mạnh đi, nhấn mạnh lại tinh thần và giải pháp đối phó với “thế lực thù địch”… Chính cái đó cho người ta dễ có nhận xét là: phải chăng trong tư duy của lãnh đạo chỉ hiểu được nét đặc thù của thành phố ở khía cạnh phải nâng cao tinh thần “cảnh giác”! Cũng có nghĩa là thường trực trong tư duy của lãnh đạo là nặng về định hình những giải pháp đối phó, chứ không phải là chủ động và mạnh dạn phát huy sức mạnh và lợi thế tiềm ẩn của Sài Gòn, nay là thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tạo dựng tính đồng thuận mang ý nghĩa nhân văn. Ấy vậy mà “muốn để mọi người Việt cùng chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm hoà hợp”, đấy là chìa khoá mở cánh cửa hội nhập và phát triển mà Võ Văn Kiệt đã từng chỉ ra. 

b. Vậy thì khi Báo cáo viết rằng “ổn định chính trị với nền tảng là an dân thực sự là cơ sở chính trị quan trọng” thì cái nền tảng của ổn định chính trị mà Báo cáo xác định là “an dân” thì quyết sách và biện pháp an dânđối phó với “lực lượng thù địch” đang “mưu toan bạo loạn lật đổ” hay là phát huy sức mạnh của đồng thuận xã hội, khơi mở tình yêu nước, nghĩa đồng bào, nuôi dưỡng truyền thống đại đoàn kết dân tộc?  

Làm sao định hình “thế trận lòng dân” khi nhìn đâu cũng thấy “các thế lực thù địch”, phải “chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu “diễn biến hoà bình”, “bạo loạn lật đổ, hoạt động chống phá”? Tỉnh táo phân tích có thể chỉ rõ nguyên nhân sâu xa của sự bất bình xã hội chính là vì lòng dân không yên. Mà không yên là do sự thoái hoá biến chất của một bộ phận không nhỏ trong Đảng cầm quyền, thay vì “làm người đầy tớ trung thành và tận tụy của dân” lại cưỡi lên đầu, lên cổ dân. Tệ tham nhũng được xem là “quốc nạn” càng chống càng tăng và đang như một bệnh dịch thì do ai gây ra? Chính cái cơ chế đã sản sinh và nuôi dưỡng “quốc nạn” ấy sẽ thách thức sự phẫn nộ của lòng dân không sớm thì muộn dẫn đến cái kết cục “tức nước vỡ bờ” mới thực sự nguyên nhân đẩy tới “tình huống bị động bất ngờ” phải “chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả” mà Báo cáo nói đến.  

Chính cái đó đang phá hoại “thế trận lòng dân” một cách dữ dằn nhất. Cho nên, muốn có “thế trận lòng dân” thì một mặt phải biết chĩa mũi nhọn vào cái cơ chế đẻ ra “quốc nạn” nói trên, mặt khác phải biết hun đúc, phát huy tính đồng thuận trong tự tình dân tộc vốn sâu đậm tình yêu nước, nghĩa đồng bào, tinh thần tương thân tương ái, chia ngọt sẻ bùi, tối lửa tắt đèn có nhau 

Vì vậy, nếu chỉ dồn sức cho sự đối phó thể hiện khá rõ trong việc nhắc đi nhắc lại những từ này trong Báo cáo cho thấy đó là âm hưởng  nặng nề chi phối tư duy của lãnh đạo, thì hệ luỵ không tránh khỏi sẽ là sự phân biệt đối xử làm xói mòn sức dân. Liệu cách thể hiện đó có tính đến tâm trạng của những người dân bình thường vốn từng là công dân thành phố Sài Gòn trước 1975, [hãy chỉ tính những người từ 40 tuổi trở lên không phải từ R hay “tập kết” trở về và từ Miền Bắc vào sau 1975] và con cháu họ sinh ra và lớn lên trong thành phố từ sau 1975 cho đến nay và bà con, họ hàng của họ đang sống ở nước ngoài vẫn thường xuyên có mối liên hệ mật thiết.  

Làm sao để những công dân thành phố đó hiểu được rằng, và tin được rằng, họ cũng nằm trong “thế trận lòng dân”, cũng là nền tảng của sự “ổn định chính trị”. Đây chính là điều mà người lãnh đạo thành phố phải thực tâm trong tư tưởng, tình cảm để thể hiện ra trong quyết sách và giải pháp. Nền tảng chính trị chỉ có thể xây đắp vững bền khi biết tôn trọng quyền làm chủ của mọi công dân, không phân biệt đối xử. Cần nhớ rằng thế hệ công dân của thành phố ra đời dưới chế độ mới đã có 40 năm trải nghiệm. Họ là một thành tố làm nên sự tồn tại và phát triển của thành phố chúng ta. Thực tâm mở rộng dân chủ trong mọi mặt hoạt động và sinh hoạt của thành phố sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người, góp phần xóa bỏ mặc cảm, tăng cường tính đồng thuận xã hội và truyền thống yêu nước của mỗi người dân. Chỉ làm như thế mới thực sự “an dân”. 

3. Nét đặc thù nổi bật nhất của Thành phố Hồ Chí Minh cần phải được đặc biệt nhìn nhận, phân tích, để từ đó rút ra bài học cho hôm nay là gì, nếu không phải là bề dày vốn có của một thành phố từng được vận hành trong nền kinh tế thị trường đã để lại dấu ấn đậm nét trong sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, trong nếp sống đô thị, tập quán văn minh thương mại… Đừng quên rằng Sài Gòn trước đây đã từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” khi mà Bangkok chưa là gì cả. 

a. Thành phố HCM đã từng “phá rào” để tự cứu mình và từ hành động dũng cảm phù hợp với quy luật vận động của cuộc sống đó đã dẫn đến những thay đổi trong tư duy của những người lãnh đạo cao nhất của đất nước, chấp nhận những giải pháp thực tiễn trái với những “nguyên tắc” giáo điều, xơ cứng, dẫn tới đường lối Đổi Mới. Vậy thì, trong 30 năm qua, những thành tựu nào cho thấy đó là sản phẩm của những quyết sách và giải pháp “phá rào” cần phải chỉ ra để vận dụng vào bước ngoặt hôm nay?  

b. Vốn có bề dày của kinh tế thị trường trước 75, Sài Gòn từng vượt xa Bangkok, Singapore, cho nên “phá rào” cũng có nghĩa là phá những ràng buộc của cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp không chấp nhận quy luật thép của thị trường, để trở lại với kinh tế thị trường vốn là cội nguồn của Sài Gòn từng trở thành “Hòn ngọc Viễn đông”.  

Cần phải tổng kết bài học này để tiếp tục thực hiện “vai trò, vị trí của thành phố, là nơi hội tụ và lan toả, vì cả nước, cùng cả nước…làm đầu tàu cho cả nước” như Dự tháo Báo cáo đã nêu lên. Nhất là khi chính những người lãnh đạo cao nhất đang thiết tha đề nghị các nước và một số tổ chức quốc tế “công nhận Việt Nam thực sự là một nền kinh tế thị trường đầy đủ” đúng như nó cần có, thì TP HCM phải nắm lấy thời cơ để chính thức hoá những cách làm, những mô hình đã tỏ rõ trong thực tiễn là có hiệu quả, nhưng chưa dám công khai chính thức hoá.  

Đã đến lúc chúng ta phải có đủ sự sự sòng phẳng và sự liêm sỉ cần thiết để không tự mâu thuẫn với mình, nói với thế giới một đằng nhưng nói với nhân dân trong nước một nẻo. Người dân thành phố Hồ Chí Minh cần sự minh bạch về những thành tựu cũng như những khuyết tật và hạn chế với nguyên nhân sâu xa chưa được trình bày một cách thẳng thắn, công khai. Đây phải là nội dung thiết thực nhất và quan trọng nhất của việc “chú trọng tổng kết thực tiễn, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả” đã nêu trong Dự thảo Báo cáo.  

TPHCM lại đang kết nghĩa với một số thành phố “điển hình của kinh tế thị trường” ở Mỹ, Nhật, Anh…thì từ thực tiễn sống động của mình, cần mạnh dạn tổng kết, rút ra bài học và quyết tâm đẩy tới. Xin hãy nhớ lại những quyết sách mạnh dạn và sáng suốt với bản lĩnh dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cuộc sống người dân, chấm dứt được thời kỳ Sài Gòn ăn bobo và lãnh đạo chỉ dồn sức chạy gạo, bằng việc từng bước vận hành guồng máy kinh tế, xã hội theo quy luật thép của thị trường.  

c. Không cần phải viết dài, chỉ cần nêu lên một số điển hình thành công nhất của việc tuân theo quy luật thị trường. Từ đó, rút ra bài học để đưa tới những quyết sách hoặc những định hướng mạnh dạn cho thời gian 5 năm tới với những mũi nhọn cần tập trung chỉ đạo. Nếu đúng là những quyết sách được cuộc sống chấp nhận, tự chúng sẽ có sức lan toả, xuất hiện những nhân tố mới, gọi dậy những sáng tạo của những con người mới, tập thể mới như đã từng xuất hiện trong giai đoạn “phá rào” trước đây. Linh hoạt vận dụng bài học ấy để mạnh dạn đưa ra những quyết sách và giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải, nhằm đưa đến những đột phá có ý nghĩa mở đường cho giai đoạn mới, phải là quyết tâm của lãnh đạo Thành phố. 

4. Một trong những nhân tố quan trọng nhất làm nổi bật nét đặc thù của Thành phố

Hồ Chí Minh là đội ngũ trí thức, doanh nhân có bề dày kinh nghiệm, vốn tri thức, kỹ năng nắm bắt và vận dụng công nghệ hiện đại vào nền kinh tế thị trường. Nét đặc thù này còn khá mờ nhạt trong “Báo cáo Chính trị” của Đảng Bộ Thành phố. 

a. Về câu chữ đã đề cập đến chuyện này nằm rải rác trong các đề mục của Báo cáo thì không thiếu, nhưng chúng chưa cho thấy được vấn đề cực kỳ quan trọng này, chưa là mối quan tâm đúng như nó cần phải có trong tư duy của lãnh đạo thành phố. Ấy vậy mà đây chính là vấn đề then chốt nhất của việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư, chủ động hội nhập, xây dựng chính quyền đô thị kiến tạo phát triển hiệu lực, kết quả để tạo ra bước đột phá, giữ được vai trò đầu tàu của cả nước như Báo cáo đã nêu lên. 

b. Trong số anh em chúng tôi ký vào thư này, có người đã trực tiếp nghe cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nhắc nhở lãnh đạo thành phố sau 1975 phải nhận cho rõ cái vốn quý nhất hiện có của Sài Gòn lúc bấy giờ là đội ngũ trí thức và chuyên gia còn ở lại, cần phải biết cách khai thác và phát huy. Bốn mươi năm qua kể từ buổi ấy, vốn quý đó đã được phát triển hay là đã mai một đi và nguyên nhân tại đâu, ai phải chịu trách nhiệm về việc này? 

Cũng trong bối cảnh đó, bí thư Thành uỷ Võ Văn Kiệt đã tìm mọi cách thuyết phục những trí thức, chuyên gia của chế độ cũ để họ dằn lòng ở lại với Thành phố. Khi không thuyết phục nổi, ông đã tìm mọi cách tháo gỡ để giảm bớt khó khăn cho họ, thậm chí tìm cách bảo lãnh những người không may bị cầm giữ khi vượt biên, đưa họ trở lại với công việc. Hành động có phần đơn độc và mạo hiểm của người giữ trách nhiệm cao nhất của thành phố lúc bấy giờ tuy hạn chế về kết quả cụ thể, song lại có sức thuyết phục lớn đối với tâm tư, tình cảm của người trí thức yêu nước, yêu dân, giàu lòng tự trọng. Việc hình thành “nhóm thứ Sáu” gồm những trí thức, chuyên gia có kinh nghiệm vận hành kinh tế thị trường trước 75 để tư vấn về kinh tế, tài chính cho lãnh đạo Thành phố là sản phẩm của đầu óc cởi mở, thực sự cầu thị, trân trọng lắng nghe nhằm vận dụng vào xây dựng kinh tế, quản lý đô thị vốn rất bỡ ngỡ đối với người vừa bước ra khỏi cuộc chiến. 

Liệu hôm nay, trong đội ngũ lãnh đạo thành phố những ai có được tầm vóc tư duy và cách ứng xử đậm chất nhân ái như Võ Văn Kiệt để trân trọng và phát huy vốn quý tiềm ẩn trong thành phố lớn nhất nước này? 

c. Việc “xây dựng con người thành phố là nhân tố chủ yếu”, “chính sách thu hút chuyên gia khoa học-công nghệ”, “thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao” chỉ mới là “thí điểm” như đã viết. Vậy thì kết quả “thí điểm” đó có cho thấy đây chính là “vấn đề của vấn đề” đối với một “đô thị đặc biệt”, “là nơi hội tụ và lan toả, vì cả nước, cùng cả nước” mà Báo cáo Chính trị dõng dạc nêu lên không? Muốn được như vậy thì trước mắt phải làm gì, lâu dài phải ra sao? Phải chăng là cần nghiên cứu lại cách làm và mô hình đã từng được vận dụng của thời kỳ “phá rào” với nhiều sáng kiến và giải pháp linh hoạt xuất phát từ đòi hỏi của cuộc sống người dân lúc ấy mà lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã làm như vừa gợi lên.  

Để làm gì? Để từ bài học thành công và thất bại của giai đoạn ấy mà biết cách vận dụng sáng tạo, tìm ra những quyết sách mới, giải pháp mới tương thích với bối cảnh mới. Cần có một thiết chế linh hoạt đủ sức quy tụ đội ngũ chuyên gia giỏi trong và ngoài nước nhằm hình thành nên một bộ phận tư vấn cho lãnh đạo trên từng chủ đề quan trọng và thiết thực nhất của quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường đích thực tại thành phố năng động vào loại bậc nhất của cả nước.  

Cuộc sống mạnh hơn những giáo điều và những nguyên tắc khô cứng bóp chết sáng tạo, kìm hãm sự phát triển. Cuộc sống sẽ tự mở đường cho chính nó như đã từng chứng minh trong giai đoạn “phá rào”. Nếu người lãnh đạo lại biết nhận ra sai lầm, biết thuận theo quy luật để có định hướng đường lối và giải pháp đúng thì sẽ đẩy nhanh được tiến trình phát triển của thành phố đang tiềm ẩn trong nó những sức mạnh lớn lao. Đây là điều cần phải thật sự tường minh trong tư duy của lãnh đạo thành phố. Có vậy mới phát huy được sức mạnh tiềm ẩn đó…Sức mạnh ấy sẽ tạo ra sự “lan toả vì cả nước, cùng cả nước” như mong muốn của lãnh đạo và ý nguyện của nhân dân, đặc biệt là của thế hệ trẻ thành phố.

Đây là nguồn lực hết sức quyết định, rất giàu sức sống,cháy bỏng khát vọng thay đổi để phát triển. Điều cần phải xác định rõ là: lực lượng nòng cốt và giữ vai trò xung kích trong thay đổi để làm cho Thành phố Hồ Chí Minh đóng được vai trò đầu tàu kinh tế chính là đội ngũ doanh nhân giàu tiềm năng và kinh nghiệm, giàu sức bật. Trong đó cần đặc biệt bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân trẻ. Điều này đang còn quá mờ nhạt trong Báo cáo Chính trị.

Nguồn lực quý báu của thành phố cần phải đặc biệt coi trọng là trí thức và chuyên gia người Việt đang sống ở nước ngoài vốn có mối liên hệ mật thiết với gia đình, người thân và bạn bè ở thành phố. Đã đến lúc cần phải có một cách nhìn mới để hình thành những chính sách thích hợp nhằm thu hút, quy tụ và phát huy nguồn lực quý báu đó để tạo chuyển biến đưa tới những đột phá trong giai đoạn mới đấy thử thách khi nước ta gia nhập TPP. Thay vì trong tư duy của lãnh đạo thành phố chỉ nhìn thấy “còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn” phải thấy cho ra “còn tiềm ẩn nhiều nhân tố đặc thù của nguồn lực quý báu” cần phải biết trân trọng. Phải đổi mới cách nhìn để thực tâm mời gọi và tạo ra những cơ chế đặc thù nhằm khai thác và phát huy nguồn lực tiềm ẩn đó.

Để thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu kinh tế và văn hoá đủ sức lan toả như đã từng có trong bước khởi đầu của sự nghiệp Đổi Mới thì phải thấy rằng: nguồn động lực được tạo ra bằng những giải pháp mạnh mẽ và sáng tạo có sức bung phá những trì trệ, xơ cứng để có bước phát triển ấy nay đã cạn. Muốn phát triển tiếp, cần phải có nguồn động lực mới. Đổi mới thể chế nhằm đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, hoàn thiện nhà nước pháp quyền gắn liền với quá trình dân chủ hoá trong mọi hoạt động xã hội, trong làm ăn sinh sống của người dân, dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Làm được như vậy sẽ tạo ra nguồn động lực mới. Nội lực chưa được khai mở của thành phố chúng ta còn rất lớn. Với những cơ chế chính sách cởi mở và thông thoáng phù hợp với quy luật vận động của cuộc sống, nội lực ấy sẽ bung ra.  

Thưa Ban chấp hành Đảng Bộ Thành phố,

Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi gửi đến Thành Ủy. Như đã nói ở mở đầu bức thư, chúng tôi chỉ tập trung nêu lên 4 vấn đề lớn mà theo chúng tôi là những vấn đề có ý nghĩa then chốt trong việc tạo ra bước đột phá để đưa thành phố của chúng ta đi tới. Nghĩ sao nói vậy, nếu có điều gì chưa đúng mong được mạnh dạn trao đổi để tìm ra sự đồng thuận.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thành Uỷ đã đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng nên chúng tôi thẳng thắn và công khai nói lên những ý kiến đóng góp của chúng tôi qua bức thư gửi đến Thành Uỷ thông qua báo Sài Gòn Giải phóng. Chúng tôi mong nhận được sự trả lời minh bạch và công khai. Được như vậy sẽ tạo nên một không khí cởi mở và dân chủ trong đông đảo nhân dân Thành phố chúng ta.

Xin gửi lời chào trân trọng.
 

     TP Hồ Chí Minh ngày 21 tháng 9 năm 2015

Danh sách những người ký tên dưới bức thư:

1.     Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài gòn trước 1975, nguyên Đại biểu Quốc Hội khóa VI, nguyên Tổng Biên Tập Báo Thanh Niên, ,Hiện là Ủy viên Ủy Ban Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc TPHCM,

2.     Lê Công Giàu, nguyên Tổng Thư ký Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn 1966, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành đoàn Thanh niên Cộng sản TP HCM, nguyên Giám đốc FTDC, ITPC, TP HCM

3.     Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức Yêu nước TP HCM

4.     Tương Lai nguyên thành viên Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam

5.     Đào Công Tiến, PGS, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TPHCM, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa Học Kinh tế Việt Nam, TP HCM

6.     Tống Văn Công, nguyên Tổng Biên tập Báo Lao Động, TP HCM

7.     Bùi Tiến An, nguyên cựu tù chính trị chuồng cọp Côn Đảo trước 1975, Nguyên là chuyên viên ban Dân vận Thành ủy TP HCM

8.     Võ Văn Thôn, nguyên Giám Đốc Sở Tư Pháp TP HCM

9.     Nguyễn Văn Ly (Tư Kết), nguyên Thư ký của đc Mai Chí Thọ, TP HCM

10. Hạ Đình Nguyên - hưu trí - địa chỉ 577/3 Quốc lộ 13, p Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh

11. Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TP HCM

12. Tô Lê Sơn, kỹ sư, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM

13. Lưu Trọng Văn, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hoá, TP HCM

14. Hà Quang Vinh, cán bộ hưu trí Quận 5, TP HCM

15. Nguyễn Thu Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM

16. Nguyễn Lê Thu An, nguyên phó tổng biên tập tạp chí Phim, TP HCM

17. Trần Minh Quốc, nhà giáo hưu trí, hội viên CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM

18. Hà Thúc Huy, PGS.TS., Giảng dạy Đại học, Tp HCM

19. Hồ Hiếu, nhà giáo Sài Gòn, phong trào Tranh thủ Dân chủ Đà Lạt 1966, nguyên Chánh văn phòng Ban Dân vận Thành Ủy TP HCM

   20 .   Lê Thân, Hưu trí, cựu tù chính trị Côn Đảo, TP HCM


                         

                           Kính gửi ông Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng

           Hưởng ứng Thư của Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam TP Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thành phố Hồ Chí Minh đăng trên Báo Sài Gòn Giải phóng ngày 10.9.2015 “chân thành mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm” vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đại biểu thành phố lần thứ X, chúng tôi đề nghị ông Tổng Biên tập hai điều như sau :
 

            1.Chuyển thư góp ý của chúng tôi đến Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh mà quý báo đã đăng toàn văn Thư mời góp ý kiến đó.
 

             2.Theo tinh thần như đã nêu lên trong Thư của BCHĐBTPHCM, đây là những “góp ý tâm huyết, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm” được trình bày một cách minh bạch và công khai, nên chúng tôi mong được Báo Sài Gòn Giải phóng sớm cho đăng trên quý báo để nhân dân Thành phố biết những đóng góp mạnh dạn, thẳng thắn của chúng tôi. Việc sớm chính thức đăng công khai trên “Sài Gòn Giải Phóng”, Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh; Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh THƯ GÓP Ý sẽ nói lên tính nghiêm túc và chân thành lắng nghe, thực sự cầu thị của lãnh đạo và nhân dân thành phố.

Điều này, theo chúng tôi, sẽ có tác dụng động viên mọi tầng lớp nhân dân và tất cả đảng viên của Đảng mạnh dạn và thẳng thắn đóng góp những ý kiến tâm huyết, củng cố thêm “thế trận lòng dân” để phát huy mạnh mẽ chính sách “an dân” mà Dự thảo Báo cáo đã nêu lên.

Xin trân trọng cám ơn.

                                                         TP Hồ Chí Minh ngày 21.9.2015

                                                       Thay mặt những người gửi thư góp ý

                                                                  Huỳnh Tấn Mẫm
*