17 septembre 2015

NHIỀU TRÍ THỨC TRONG NƯỚC ĐANG Ở VÀO HOÀN CẢNH NAN GIẢI GIỮA NÓI THẬT VÀ KHÔNG NÓI THẬT


Nguyễn Văn Nghệ

Giảng viên Hà Văn Thịnh công tác tại Khoa lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế từ năm 1978 đến nay đã có lần trả lời bà Mạc Việt Hồng trên báo mạng Đàn Chim Việt trong bài viết “Nhà sử học Hà Văn Thịnh nói về Hồ Chí Minh”: “Tôi nói thật với chị, lịch sử Việt Nam hiện đại chỉ có 30% sự thật, 70% giả dối. Đó là điều rất đau lòng. Ví dụ đánh nhau 30 năm với Pháp và Mỹ mà Việt nam không thua trận nào là không thể chấp nhận được…



 
Ngày 11/02/2012 tôi có nhận của Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế một Thư Ngỏ. Trong thư có viết: “ Ngày 19 và 20 tháng 4 năm 2012, cùng với trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, Khoa Lịch sử sẽ tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Ngành/Khoa (1957-2012).


Đây là dịp để các thế hệ thầy cô giáo, sinh viên, học viên Cao học, Nghiên cứu sinh đã từng làm việc, học tập về lại mái trường thân yêu gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm, chia sẻ những tình cảm, thành công trong cuộc sống của mình và được nghe, được thấy sự thay đổi, trưởng thành của cán bộ, sinh viên hiện đang làm việc, học tập tại Khoa Lịch sử hôm nay”.

  • 55 năm theo dòng lịch sử (1957-2012)

Do bận công việc gia đình nên tôi không thể ra Huế tham dự được. Nhưng sau đó vào ngày 11/05/2012 tôi nhận được hai cuốn sách từ Khoa Lịch sử “Kính biếu” gởi vào, trong đó có cuốn “ 55 năm theo dòng lịch sử (1957-2012)” của nhà xuất bản Thuận Hóa do Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế làm chủ biên. Sau khi đọc xong cuốn sách này, vào lúc 12h51’ ngày 16/05/2012 tôi đã gởi E-mail đến Khoa Lịch sử có nội dung như sau: “ Kính gởi quý thầy cô Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế.

Em đã đọc xong hai cuốn sách mà Khoa đã gởi biếu. Riêng cuốn “55 năm theo dòng lịch sử(1957-2012)” cho em biết thêm nhiều tư liệu mà em chưa bao giờ biết. Nhưng khi đọc xong cuốn sách này em có chút buồn “theo dòng lịch sử”. Bởi vì “55 năm theo dòng lịch sử” chỉ nhắc đến cái ngọn mà quên mất đi cái gốc. Để “ôn cố tri tân” em giở cuốn “Bên giòng lịch sử” của linh mục Cao Văn Luận đọc từ trang 277- 301 để giải tỏa nỗi buồn. Xin quý thầy cô tha thứ cho đứa học trò cũ ăn nói bộc trực này.

Chúc quý thầy cô luôn dồi dào sức khỏe!”.

Nếu cuốn “55 năm theo dòng lịch sử( 1957-2012) do Khoa Văn hoặc một Khoa nào khác biên soạn thì tôi sẽ không buồn “theo dòng lịch sử”. Đằng này lại do Khoa Lịch sử biên soạn nên mới buồn “theo dòng lịch sử”. Cuốn sách dày 300 trang nhưng chỉ dành 3 trang nói về giai đoạn hình thành cho đến năm 1975. Hai nhân vật quan trọng trong việc thành lập Viện Đại học Huế là Tổng thống Ngô Đình Diệm và linh mục Cao Văn Luận nhưng không hề được nhắc đến tên.

  • Bên giòng lịch sử(1940- 1965): Ông Diệm và văn hóa giáo dục.

Thế hệ trẻ trong nước chắc có nhiều người chưa bao giờ nghe, thấy và đọc cuốn “Bên giòng lịch sử” của linh mục Cao Văn Luận. Có đọc qua mới thấy công lao của Tổng thống Ngô Đình Diệm và linh mục Cao Văn Luận trong buổi bình minh của việc thành lập Viện Đại học Huế.

Theo linh mục Cao Văn Luận vào ngày mùng 3 Tết năm Đinh Dậu (1957) tại nhà từ đường của Tổng thống Ngô Đình Diệm ở Huế, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã nói với linh mục Cao Văn Luận: “ Này cha, tôi thấy cần phải thành lập tại Huế một viện Đại học lớn, vì hai lý do chính. Thứ nhất là Huế từ trước đã là một trung tâm văn hóa của nước ta. Ở Huế đã có những truyền thống văn hóa sâu đậm, có những cơ sở văn hóa lâu đời, như trường Quốc tử giám, các cuộc thi cử Hán học. Dân miền Trung lại hiếu học mà nghèo, có bao nhiêu thanh niên ưu tú muốn lên Đại học mà không thể vào Sài Gòn học tiếp. Thứ hai là hiện nay dân chúng xôn xao đồn đại rằng chính phủ một ngày nào đó có thể bỏ Huế, vì hiện nay Huế không quan trọng lắm về phương diên chính trị, kinh tế. Vậy lập Viện Đại học Huế là chứng minh cách cụ thể với dân chúng, với quốc tế cũng như với bên kia rằng chính phủ nhất định bảo vệ Huế. Huế chỉ cách vĩ tuyến 17 khoảng 100 cây số, lập ở đây một Đại học lớn chẳng khác nào thách đố với bọn cộng sản. Nếu bây giờ tôi quyết định lập Đại học Huế, cha có bằng lòng giúp tôi không?” Linh mục Cao Văn Luận đã trả lời: “Thưa cụ, nếu tôi có thể làm được việc gì để góp công vào việc thành lập một Đại học ở Huế, thì cụ có thể tin rằng tôi không ngần ngại chút nào”.Tổng thống Ngô Đình Diệm thấy linh mục Cao Văn Luận nhận lời liền nói: “ Vậy thì ít hôm nữa tôi sẽ sai một phái đoàn ra đây gặp cha, để thảo luận và nghiên cứu các chi tiết cụ thể”. Và khoảng một tháng sau, một phái đoàn từ Sài Gòn ra Huế gặp linh mục Cao Văn Luận có các ông Ngô Đình Nhu, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Dương Đôn, Viện trưởng Đại học Sài Gòn Nguyễn Quang Trình và những giáo sư chuyên viên khác.

Một cuộc họp được tổ chức tại Tòa Hành chánh tỉnh Thừa Thiên. Linh mục Cao Văn Luận trình bày trước cử tọa những lý do mà Tổng thống Ngô Đình Diệm đưa ra và kèm theo những lý do thực tế của linh mục. Nhưng cuộc họp đã đi đến quyết định “là vì những hoàn cảnh đặc biệt những khó khăn trong ngành giáo dục, chưa nên làm việc vội vàng hấp tấp quá. Họ nói rằng ở Huế chỉ nên lập một chi nhánh của Viện Đại học Sài Gòn tùy thuộc hoàn cảnh vào viện Đại học Sài Gòn và Bộ Quốc gia Giáo dục. Như vậy Đại học Huế sẽ không thành một đơn vị độc lập mà chỉ là một số phân khoa đặt dưới quyền Viện Đại học Sài Gòn mà thôi” và linh mục Cao Văn Luận được cử làm đại diện cho ông Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn Nguyễn Quang Trình để tổ chức. Linh mục không đồng ý . “Nhưng đành khuất phục trước quyết định của đa số”.

Phái đoàn về Sài Gòn được mấy hôm thì có nghi định thành lập Đại học Huế, nhưng với các điều khoản đặt Đại học Huế lệ thuộc Viện Đại học Sài Gòn.

Linh mục Cao Văn Luận đã ghi lại những khó khăn của Đại học Huế bị lệ thuộc Viện Đại học Sài Gòn: “ Sau hai tháng hoạt động mỗi ngày tôi thấy thêm nhiều khó khăn chỉ vì Huế thì xa Sài Gòn, tôi lại không có đủ thẩm quyền quyết định bất cứ việc gì mà phải phúc trình về Viện trưởng Đại học Sài Gòn, về Bộ Quốc gia Giáo dục, rồi lên ông Nhu, ông Diệm. Các thủ tục đó làm cho công việc chậm trễ, làm cả tôi và những người góp sức lúc đầu chán nản. Tôi vào Sài Gòn trình bày các khó khăn đó thẳng cho ông Diệm. Tôi nói với ông Diệm rằng ý kiến đầu của ông Diệm là muốn có một Đại học Huế độc lập, lớn quan trọng để thành một chứng minh và thách đố với thế giới và bên kia nếu cứ phải chạy quấn trong những thủ tục giấy tờ rắc rối, và những hành lang của giới giáo dục Sài Gòn, thì không thể đi đến kết quả tốt được. Tôi yêu cầu ông Diệm cho Đại học Huế quy chế riêng biệt và độc lập, và tôi có quyền quyết định mọi việc trong phạm vi ích lợi cho Đại học Huế. Tôi ngỏ ý nếu không được như vậy thì xin ông Diệm chọn người khác, và tôi nhận thấy không thể làm việc trong các điều kiện quá rắc rối như vậy được.Tôi không phải là người có thể đi vòng vo qua bao nhiêu hành lang các bộ sở được mãi”. Tổng thống Ngô Đình Diệm trả lời: “Cha yên tâm. Tôi đồng ý với cha về những điều đó, và sẽ có nghị định thành lập Viện Đại học Huế tự trị ngay cho cha, và tôi xin mời cha làm Viện trưởng đầu tiên Viện Đại học Huế”.

Sau khi linh mục Cao Văn Luận trở về Huế được ít hôm thì có nghị định thành lập Viện Đại học Huế cùng với sắc lệnh cử linh mục Cao Văn Luận làm Viện trưởng.

Giữa nói thật và không nói thật

Giảng viên Hà Văn Thịnh công tác tại Khoa lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế từ năm 1978 đến nay đã có lần trả lời bà Mạc Việt Hồng trên báo mạng Đàn Chim Việt trong bài viết “Nhà sử học Hà Văn Thịnh nói về Hồ Chí Minh”: “Tôi nói thật với chị, lịch sử Việt Nam hiện đại chỉ có 30% sự thật, 70% giả dối. Đó là điều rất đau lòng. Ví dụ đánh nhau 30 năm với Pháp và Mỹ mà Việt nam không thua trận nào là không thể chấp nhận được…

Sự dối trá đó làm cho sinh viên không thích sử nữa. Thấy sử là bịp bợm, chán quá! Tôi đã viết trên báo Lao Động năm 2005, “ Lịch sử theo trang sách học trò”, tôi vạch rõ, dạy sử mà suốt ngày phải nói dối, điều đó đau lòng lắm. Ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều trí thức ở vào hoàn cảnh nan giải giữa nói thật và không nói thật” (Dan Chim Viet online 19/05/2010).

Không biết chỉ riêng những đồng nghiệp trong Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế có đồng ý với nhận định của giảng viên Hà Văn Thịnh không? Tôi là sinh viên Khoa Lịch sử K.19 (1995-1999) của Trường Đại học Khoa học Huế, cũng từng là học trò của giảng viên Hà Văn Thịnh. Trong bốn năm đại học khi học đến Hiệp định Genève và Paris , tôi muốn đọc nguyên văn Hiệp định bằng tiếng Việt mà thôi nhưng lục lọi khắp thư viện của Khoa cũng như của Viện Đại học Huế mà không thấy một văn bản nào cả! Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, buộc chúng ngồi vào bàn hội nghị để ký Hiệp định nhưng không biết tại sao trong thư viện của Khoa Lịch sử cũng như thư viện của Viện Đại học Huế không có một văn bản Hiệp định nào để sinh viên nghiên cứu kỹ từng điều khoản trong Hiệp định? Còn nếu tìm tài liệu liên quan đến Cải cách ruộng đất hoặc vụ Nhân văn giai phẩm…thì nói theo ngôn ngữ dân gian đến “Tết Ma rốc” mới tìm thấy!Theo tôi nghĩ chắc là sinh viên chưa đủ trình độ nhận thức những tài liệu ấy cho nên chưa cho tiếp cận!

Những người làm công tác dạy lịch sử Việt Nam hiện đại có nhận ra mình dạy điều giả dối như giảng viên Hà Văn Thịnh đã thố lộ không? Chắc là có người nhận ra nhưng cũng có lắm người chưa nhận ra. Giảng viên Hà Văn Thịnh khẳng định:“Ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều trí thức ở vào hoàn cảnh nan giải, giữa nói thật và không nói thật”. Đúng là nan giải, bởi vì “ đang làm quan mà nói thật, thì mất hết, thân có thể vào nhà lao, tinh thần có thể bị dày xéo, nhục mạ, đã và đang có bao nhiêu điển hình! Vì thế mà không thể nói thật. Nói dối cưỡng bức, lâu ngày thành nói dối hồn nhiên, bạo dạn, trơn tru…” (Lời ông Hạ Đình Nguyên- Boxitvn online 27/09/2013).Ngay cả giảng viên Hà Văn Thịnh cũng ở trong tình trạng nan giải khi trả lời phỏng vấn một cách ấp a ấp úng với bà Mạc Việt Hồng về điều IV- Hiến pháp: “ Cái đó thì…thực sự trả lời không được đâu, chị ạ. Nguyên tắc của nhà nước này, chế độ này, bắt dân phải nghe theo như vậy, nên tôi không thể chống lại điều IV- Hiến pháp được. Tôi là công dân của nhà nước này nên không thể chống lại Hiến pháp được. Có điều ai cũng muốn tự do dân chủ cả…”

Để hưởng bổng lộc và bảo toàn mạng sống nên nhiều người chấp nhận “nói dối cưỡng bức”. Trong bài viết “Tôi đi cải táng thầy tôi” của tác giả Phạm Tuân viết về việc cải táng học giả Phạm Quỳnh đăng trên Tễu- blog, có một độc giả nặc danh nhận xét về nhạc sĩ Phạm Tuyên , con trai học giả Phạm Quỳnh vào lúc 19:22 ngày 09/09/2015: “ Anh Phạm Tuyên đã phải chui vào vỏ ốc để tồn tại. Cũng như cụ nhà văn Nguyễn Tuân đã nói: “Tôi sống được là nhờ biết sợ!”.

Giáo sư Hà Văn Tấn nhận định: “Lịch sử là khách quan, sự kiện lịch sử là những sự thật được tồn tại độc lập ngoài ý thức của chúng ta. Nhưng sự nhận thức lịch sử lại là chủ quan. Và người ta chép sử vì những mục đích khác nhau” và “ các nhà sử học chúng ta thường tự coi là mác xít nhưng bệnh thiên lệch lại hay dễ mắc. Mà thiên lệch cường điệu một cách phiến diện một mặt nào đó, lại là đặc trưng của chủ nghĩa duy tâm. Cũng chính vì vậy nhiều sự thật lịch sử đã bị bỏ qua”( Gs Hà Văn Tấn, Lịch sử, sự thật và sử học, đăng trên Tạp chí Tổ quốc tháng giêng năm 1988, In lại trong: Một số vấn đề lý luận sử học, Nxb ĐHQGHN, 2007)

Nguyễn Văn Nghệ

Tổ dân phố Phú Lộc Tây, Thị trấn Diên Khánh, Khánh Hòa.

*********