27 septembre 2015

Một góc nhin về thực trạng giáo dục đại học Việt nam

 
hay là

TÂM THƯ CỦA PHỤ HUYNH GỬI CÁC VỊ GIÁO SƯ VỀ VIỆC ĐẠI HỌC TỰ BỔ NHIỆM GS


 Lý Trọng Đạo

 
Kính gửi quý vị giáo sư  !
Là một vài phụ huynh có con em dự định vào học tại một trường đại học Việt Nam, chúng tôi rất quan tâm theo dõi cuộc tranh luận về vấn đề trường đại học tự bổ nhiệm giáo sư (ĐHBNGS) diễn ra trong dư luận cả nước..



Cuộc tranh luận nảy lửa này đang đến lúc cao trào, xuất hiện nhiều hạt ngọc tinh khôi, lấp lánh, rất có lợi cho sự nghiệp chung và liên quan với quyền lợi thiết thực của phụ huynh chúng tôi; Nhưng đồng thời cũng hé lộ ra vài hạt sạn không đáng có. Xin được nói về hạt ngọc trước. Hạt sạn sẽ được nhặt, vứt bỏ ra  ngoài bìa …khu rừng tranh luận!

Thưa quý vị giáo sư !

Phụ huynh chúng tôi luôn mong mỏi con em mình được học trong môi trường giáo dục đại học có chất lượng đạt chuẩn quốc tế, đươc dìu dắt bởi những giáo sư (GS) có trình độ khoa học đẳng cấp cao theo chuẩn quốc tế và thực sự gương mẫu, luôn giữ một tấm lòng trong sáng, một tư cách đàng hoàng  như thiên chức của nhà giáo đã ràng buộc từ xưa đến giờ.

Thế nhưng, thực trạng giáo dục đại học, trình độ khoa học thực sự của một bộ phận các tiến sĩ, PGS, GS…làm chúng tôi cảm thấy hụt hẫng niềm tin!                                       
Đây, xin hãy nghe một tiếng nói công minh (TS Phạm Thị Ly-Trần Thanh Dũng):

 Tuy nhiên, trong thực tế hiện tại của Việt Nam, nếu không có những bước đi thích hợp, có thể điều này sẽ dẫn đến tùy tiện và lạm phát, khiến học hàm/chức vụ GS chẳng những không còn ý nghĩa gì mà lại  tạo ra tình trạng loạn chuẩn mực, làm người dân không còn tin vào bất cứ ai, bất cứ điều gì.’’  (1)

Như vậy, trong thực tế Việt Nam hiện tại, chúng tôi thấy rõ một điều chức nhối : bệnh háo danh, bệnh thành tích đang ngày đêm gặm nhấm đến cả môi trường đại học, thế giới hàn lâm ! Xin minh chứng bằng h àng loạt luận điểm của các nhà khoa bảng tên tuổi sau đây:  
 
 + GS Nguyễn Ngọc Lanh (nguyên GS đại học Y khoa) rất chí lý khi viết: ’’… rào cản tự ta là tính hiếu danh …Tư duy xã hội còn nặng căn tiểu nông (háo danh, chuộng hư danh) cũng là lực cản.’’   (2)

+ Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền (ĐH Sài Gòn) rất thấu đáo khi xác quyết:

‘’ Nhiều cơ quan vẽ ra chỉ tiêu (và hợp thức hóa) bao nhiêu phần trăm thạc sĩ, tiến sĩ để nâng tầm giáo dục. Thực ra, đó cũng là một dạng của bệnh thành tích, bệnh háo danh đang gây cản trở trên đường hội nhập. Ta coi trọng danh hão nên đào tạo cái bằng để hợp thức hóa việc làm và chức vụ trong các cơ quan nhà nước’’  (3)

+ Chuyên gia về thống kê học ngôn ngữ , GS Nguyễn Đức Dân đã viết đúng đến từng chữ : ’’Có một thực tế không thể bác bỏ là chất lượng giữa các trường đại học rất khác nhau,...có những người tìm kiếm một văn bằng không vì mục đích chuyên môn, không vì động cơ khoa học mà vì động cơ quyền lực và địa vị....Họ trở thành những nhà khoa học “nằm vùng… và xã hội không biết họ là TS thực, PGS thực… hay là “tiến sĩ giấy”, “PGS giấy’’ . (4) 

’ ...Xác định điều kiện trường xứng đáng ....những trường ĐH đủ điều kiện có GS, PGS thì được quyền tự chủ phong. Có điều, cần ngăn chặn ngay từ đầu những hiện tượng tự phong quá đáng như đã xảy ra: Một người không đạt sau mấy lần đăng ký phong hàm PGS nay tự phong vọt lên thành GS!‘(4) (những chữ in đậm do người viết nhấn mạnh) 

Tuyệt! Thiết tưởng, không còn gì rõ ràng hơn, chính xác hơn! 

’’Một người không đạt sau mấy lần đăng ký phong hàm PGS nay tự phong vọt lên thành GS ‘’ là vị PGS nào vậy? ! Qúa kinh khủng cho cái tốc độ thăng tiến trên con đường chinh phục đỉnh cao danh…lợi! Tốc độ thăng tiến kiểu này e rằng ‘’tốc độ vũ trụ cấp VIII’’ của các tàu vũ trụ được sản xuất 200 năm nữa cũng đành cúi đầu …khâm phục ! Chúng tôi băn khoăn tự hỏi: Lòng tự trọng của vị GS tự phong này chắc đã bị ‘’lỗ đen’’ vũ trụ xa xôi nào đó hút đi sạch mất rồi! Người này mà xứng đáng làm thầy của con em chúng tôi ư? Kiểu này các cháu sẽ thất nghiệp! Bởi lẽ, bên cạnh năng lực chuyên môn; Lòng tự trọng, đức tính trung thực bao giờ cũng là tiêu chí rất quan trọng để các cơ quan, doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên.

+ Thêm nữa, GS Nguyễn Đăng Hưng, một nhà khoa học Việt kiều Bỉ, có công lớn đối với nền giáo dục đại học Việt Nam, vì sự nghiệp chung, đã không ngại va chạm  khi chỉ rất đúng và rất trúng:

 ‘’ Nhưng khi ĐH Tôn Đức Thắng tự phong cho Lê Vinh Danh làm GS năm 2013 có qui trình bình duyệt không?
Đâu là danh sách các thành viên của ban thẩm định đó?
Câu trả lời mà tôi biết sẽ là không có!...

Như vậy chức danh GS mà ông tự phong có đúng chuẩn mà chính ông đặt ra cho mọi người không?

Ông có xứng đáng với danh hiệu ông đang dùng khi ký vào các văn bằng của sinh viên tốt nghiệp tại ĐH Tôn Đức Thắng không? Sinh viên trong trắng cần biết sự thật vể Hiệu Trưởng trường mình!’’(5) (những chữ in đậm do người viết nhấn mạnh).   

Kính thưa quý vị giáo sư!

Bây giờ, chúng tôi xin điểm  đến một hạt sạn vừa hé lộ trong cuộc tranh luận này, mà đôi khi, quý vị là người trong cuộc, nên không để ý. Chúng tôi không thể không nói đến việc này, vì mọi việc làm của quý vị giáo sư đang giảng dạy đại học, dù ít hay nhiều, dù gián tiếp hay trực tiếp, đều có ảnh hưởng đến con em chúng tôi (sinh viên), nên ảnh hưởng dây chuyền đến chúng tôi, và do đó, làm chúng tôi rất hụt hẫng, thất vọng, bởi đã đặt niềm tin tuyệt đối vào sự trong sáng, cương trực,gương mẫu, vốn là những tính cách đặc trưng của người thầy cô giáo , nhất là các giáo sư đại học. 

Đây, mời quý vị xem : ‘’PS. Xin "bật mí" cùng các bạn (và hi vọng chị Ly không phiền) là chị Ly cũng suýt có lần hợp tác bất thành với TDTU (Tôn Đức Thắng University), nhưng chị ấy không để chuyện cá nhân làm lu mờ phán xét của mình về việc làm của TDTU. Quân tử khác với tiểu nhân là như thế’’(6) (những chữ in đậm do người viết nhấn mạnh) 

Trong giới hàn lâm Việt đang xảy ra chuyện gì vậy? ’’Quân tử’’,’’tiểu nhân’’ là thế nào ? Lại còn ‘’Quân tử khác với tiểu nhân là như thế’’(!?) nữa chứ!  Cái kiểu nói kháy, nói nhắn, nói gửi như thế này thường nghe có vẻ quen quen ở các khu chợ miền quê nghèo khổ, mà lần đầu tiên trong đời chúng tôi mới thấy xuất hiện trong thế giới khoa bảng-hàn lâm!                                                     
Nếu bàn về đạo lý của người quân tử, thì chẳng ai quên câu nói khá phù hợp với tình huống này:    

+ Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân   (7)    Diễn nghĩa: Điều gì mình không muốn người khác làm(cho mình), thì mình đừng làm cho người khác .                              

Nhân tiện, mượn tâm thư này,  phụ huynh chúng tôi xin gửi đến ngài GS chủ nhân câu viết thượng dẫn thông điệp  sau: Người quân tử (như GS nhắc đến) đỉnh thiên lập địa bao giờ cũng yêu mến triết lý nhân sinh:

+ Người nào khen ta,ấy là kẻ thù của ta. Người nào chê ta, ấy là ân nhân của ta vậy!  (7) 

Giờ đây, khi những’’ giọt niềm tin’’ cuối cùng của chúng tôi cũng sắp bị bay hơi nốt, sắp: ’’ không còn tin vào bất cứ ai, bất cứ điều gì’’( trích câu chữ của Phạm Thi Ly-Trần Thanh Dũng từ đoạn văn (1) ), thì phụ huynh chúng tôi còn có điểm tựa nào để dẫn dắt, định hướng con em mình trên hành trình đầy bất ổn tìm kiếm tương lai?                                                                                       
Thưa quý vị Giáo sư ! 

Chúng tôi mạnh dạn hiến kế, đề xuất với quý vị : Khi xây dựng ‘’Bộ tiêu chuẩn bổ nhiệm GS’’ dành cho từng trường đại học, hãy đưa vào tiêu chuẩn ''chữ TÂM’’ bên cạnh các tiêu chuẩn khác để bổ nhiệm GS trong điều kiện thực tế Việt Nam, bởi lẽ, thi hào Nguyễn Du đã viết:’’Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI’’(truyện Kiều). Có thể định danh tiêu chuẩn này là: Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp

Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp dễ dàng lượng hóa bằng nhóm tiêu chí sau:

+ Chưa một lần bị phát hiện đã nói xấu đồng nghiệp dưới bất kỳ hình thức nào .                                      

+ Chưa một lần vi phạm quy chuẩn về ''tính gương mẫu'' của nhà giáo (dĩ nhiên phải xây dựng thêm tiểu nhóm tiêu chí: tính gương mẫu của nhà giáo)                                              + Chưa một lần bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo pháp luật.                                              

v.v….Dĩ nhiên còn các tiêu chí khác nữa

…Các tiêu chí  tương tự trên sau khi nhúng vào barem chấm điểm, sẽ góp phần xây dựng thang điểm  bổ nhiệm GS cho từng trường đại học! 

Thưa quý vị Giáo sư !

Chúng tôi cũng hiểu rằng, trong thực tế Việt nam hiện nay, đại bộ phận các GS, một phần nhiều tiến sĩ, đều là những người có trình độ khoa học đạt chuẩn Việt nam trở lên. Tuy nhiên, sau này, việc cho phép ĐHBNGS nếu không đi kèm sự kiểm soát chặt chẽ theo một quy trình đạt chuẩn quốc tế cao với lộ trình hợp lý, thì chưa ai biết con thuyền giáo dục đại học Việt Nam sẽ trôi dạt về đâu? Nỗi lo lắng này của chúng tôi có lẽ cũng không khác gì những trăn trở của quý vị !.

Cuối cùng, xin viết ra đây câu đối, qua đó thể hiện tâm tư, nguyện vọng của tầng lớp phụ huynh chúng tôi, kính mời quý vị thưởng lãm trong lúc thư giãn.

* Hữu xạ tự nhiên hương; Thưa vài ngàn giáo sư  tài năng thực thụ, dù ‘’giáo’’ hoặc’’sư’’, phụ huynh hằng tôn sư trọng đạo , trong khu vườn giáo dục khai phóng, xin thương lấy hàng vạn sinh viên số phận nghèo khó ! 

* Bất chiến tự nhiên thành; Hỡi  hàng ngàn  tiến sĩ giấy vụn trời ơi, mặc ''tiến '' hay ''sĩ'', thiên hạ vẫn kính nhi viễn chi, trên bàn cờ học thuật tinh hoa, hãy vứt bỏ hàng ngàn luận văn chất lượng tào lao !

 
Kính chúc quý vị nhiều sức khỏe !   

Trân trọng kính chào ! 
 

Lý Trọng Đạo

 

 CHÚ THÍCH:

  (1)  http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc.htm                                                (2)  http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/263419/hoi-nhap-khai-niem-giao-su.html                             

(3)  http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Viet-Nam-dung-o-dau-tren-ban-do-giao-duc-the-gioi-post161764.gd                                                                                                                                                                              (4)  http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/263552/can-dao-thai-nhung-giao-su--tien-sy--nam-vung-.html                       

(5)  Thư ngỏ của GS Nguyễn Đăng Hưng,  www.ndanghung.com                                                                                             
(6) TDTU : Đại học Tôn Đức Thắng, xem  http://tuanvannguyen.blogspot.com/2015/09/co-nen-giao-quyen-tu-chu-bo-nhiem-giao.html  
                                                                         
(7)  : Lời Khổng Tử.