14 septembre 2015

NGHE DIỄN VĂN CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC, LẠI NHỚ “ÔNG ĐỒ GIÀ”


Hạ Đình Nguyên



Tôi cố nén lòng đứng nghe cho hết bài diễn văn ngày 2/9 của Chủ tịch nước.
Nghe hết, bỗng dưng, một nỗi buồn mênh mang cùng với hình ảnh “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên xuất hiện trong tôi, qua mấy câu thơ:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”


Cảm giác ấy là do ba lần từ “muôn năm” được Chủ tịch nhấn mạnh hùng hồn, trước khi kết thúc bài diễn văn. Từ muôn năm cũng làm tôi mất đi khái niệm về thời gian, trong thời đại mà thế giới đang chuyển động với toan tính từng sát na.Những “từ ngữ” trong diễn văn cũng đã nhảy múa tưng bừng, ùa vào trong tôi, cùng với trống kèn và nhịp bước quân đi. Các từ ngữ đã vang lên trong không khí trang nghiêm: xúc động thiêng liêng, cuộc chiến đấu thần thánh, tầm vóc thời đại, thắng lợi vẻ vang, thành tựu to lớn, lãnh đạo thiên tài, đỉnh cao trí tuệ, bản lĩnh, truyền thống kiên cường, bất khuất, cần cù, thông minh, sáng tạo, anh hùng, bất diệt, tự hào, trong sạch, vững mạnh, tiền phong, gương mẫu… Và kéo theo cả: thế lực thù địch, suy thoái đạo đức, nhạt phai lý tưởng…, có cả: bè bạn năm châu cảm phục, vị trí quốc tế được nâng lên, và sau đó lại xuất hiện có… thu nhập trung bình. Có điều gì đó khá bất ổn, như chỏi nhau.

Tuy diễn văn chỉ nói phớt qua một cách không tình cờ, song cụm từ ấy lại đậm nét, gợi nhớ rõ thêm về cái thu nhập “trung bình”: Việt Nam đang thụt lùi so với Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan khoảng 20 năm, Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm (1). Hơn nữa, ở một số chỉ số thống kê, Việt Nam còn bị Campuchia và Lào qua mặt (2).

Các quốc gia trên đây hình như không có cái hồn thiêng muôn năm do các cụm từ ẩn chứa, nên họ chỉ có dùng ngôn từ thuộc loại thường thường bậc trung, ngay cả trong diễn văn của Tổng Thống Mỹ, nhưng lại không có cái hệ quả “trung bình khiêm tốn như ta. Diễn văn của Việt Nam đều thông qua sự tập trung trí tuệ cấp cao – thường là tích tụ tinh hoa của trời đất – vang rền hơn tiếng pháo, mà cũng nghe như “tiếng gươm khua xé lòng”. Có cái nghịch lý nào đó mà người ngoài gọi thầm là “một đất nước không chịu phát triển”, cho dù rất thông minh, sáng tạo, cần cù và cái gì cũng to lớn.

Các khái niệm từ ngữ làm cho tinh thần tôi hơi hỗn độn. Tôi đang rơi vào trạng thái “phi thời gian”, thì đứa con tôi đang nằm võng, hỏi một câu khá vô duyên, và cũng vô trách nhiệm không kém:

- Bài diễn văn nói gì thế ba?

Câu hỏi giữa trời, nhưng tôi cũng trả lời thực lòng, sau vài giây và khái quát:

- Ba cũng không hiểu rõ lắm! Đại khái, quá khứ vô cùng vẻ vang, thành tích vô cùng to lớn, hiện tại vô cùng phức tạp và nhiều thách thức, tương lai thì rất xán lạn đang đón chờCái chìa khóa mở ra Thiên đường là… Đảng đang nắm giữ.

Lại một câu hỏi nữa, ấm ớ mà vô tư:

- Ai thách thức hở ba?

Tôi trả lời:

- Thì thế lực thù địch!” .

Có lẽ, cái tuổi trẻ nó muốn rõ ràng hơn, nên lại hỏi:

- Là ai?

Tôi trả lời trong nỗi phân vân và cũng rất thật lòng:

- Không rõ lắm! Nó vô hình, ở mọi nơi, có thể là ba, là con, là ai đó trong dân, trong Đảng… Bất cứ cái gì được xem là tự diễn biến, tự chuyển hóatrong nội bộ, hoặc ngoài nội bộ…

Lại một thêm câu hỏi nữa, mang màu sắc triết lý:

- Thế, cái gì là không tự diễn biến, không tự chuyển hóa?

Tôi trả lời không thoải mái lắm:

- cái Đảng muốn, cái Đảng bảo.Đảnglà thực thể đồng nghĩa, hoặc là đại biểu rất chính xác của …quy luật khách quan trong bài diễn văn.

Có lẽ cách trả lời của tôi hơi tối tăm, lại nhát gừng, xem chừng nó không thỏa mãn và chán tôi, nên không hỏi thêm. Nó tiếp tục nằm và nhắm mắt.

Màn hình đã chuyển sang tiết mục khác, nhưng đầu tôi lại cứ dính vào hình ảnh Chủ tịch nước đang đọc diễn văn trang nghiêm. Cách đọc của ông rất là chuẩn, sau mỗi câu ông lại ngẩng lên nhìn thẳng vào không gian mông lung phía trước, cũng rất trang nghiêm! Vâng, đúng là đại lễ. Bên cạnh ông luôn dính hình cựu Tổng Bí thư Nông, trông ông nay trẻ ra, bảnh bao, khuôn trăng đầy đặn, nhưng không bộc lộ một vẻ nội tâm gì mà người xem có thể cảm nhận được. Nó thế!

Mọi nhân vật trên khán đài đều trang nghiêm ngang nhau.

Bài diễn văn đều nhịp, tôi nghe âm trầm buồn, chững chạc, và các ngôn từ thì đều sang cả, bay bổng, mênh mang, chừng như phản chiếu gay gắt với cụm từ “thu nhập trung bình” còn đọng lại trong tôi.

Tôi lại nghĩ đến “ông đồ già”, những người muôn năm cũ, có khi lại hóa thành “ông đồ nay”, mà hồn ở đâu bây giờ, lại bày “mực tàu và giấy đỏ, trên phố đông người qua”, lại tái hiện trong bối cảnh “cách mạng mới”, đi kẹp với khẩu hiệu “muôn năm” (của cái cũ?) trong bài diễn văn mới, mà nó không thể nào cũ hơn muôn năm.

Cách mạng, cách mạng cũ, cách mạng mới, và cách mạng nữa…, thì cái gì còn lại để dành cho muôn năm? Cái khẩu hiệu “muôn năm” chừng như ngày nay rất hiếm được nghe các quốc gia dùng đến. Thay đổi thì cứ thay đổi, mà muôn năm thì cứ muôn năm, cũng như trong tình hữu nghị đời đời bất diệt mà tôi từng nghe thuở nhỏ vậy. Từ tiếng muôn năm, tôi nghe ra âm vang “vạn tuế, vạn vạn tuế” trong phim Tàu. Trong ấy, có hình ảnh cả thần dân và quan quân lớn nhỏ đều cúi rạp mình xuống để nhận ân sủng từ trên cao xanh. Bây giờ thì văn minh hơn, chỉ cần đứng ngay ngắn là đủ.

Trong đoạn kết thúc diễn văn cũng có lời nghe như quen quen: “Tôi kêu gọi toàn thể đồng bào…. Trong ý tưởng của tôi tự diễn biến tiếp nối: Đồng bào có nghe rõ không? Và lòng tôi thì đầy cảm xúc chân thành khi nhìn các hàng quân di chuyển qua khán đài của một lịch sử có đến bốn ngàn năm, kể cả cái khuôn mặt rất đẹp của nữ “Trung tá” người mẫu.

Trời đã rọi nắng gay gắt trên sân Ba Đình, và trên màn hình TV cũng kết thúc một ngày lễ trọng đại.

Sau 2/9, tôi đi dạo phố cà phê, đều không nghe ai nhắc tí tẹo gì đến bài diễn văn và lời “Tôi kêu gọi toàn thể…. Nhưng tôi cũng hiểu rằng “toàn thể” đều đã nghe rõ, dù không nghe tiếng trả lời. Và bài diễn văn hoàn hảo ấy có thể còn dùng được cho một số năm tháng nữa, mà không cần chỉnh sửa gì thêm. Tôi thầm nghĩ, có lẽ diễn văn cũng phải có một công thức cố định, triều đại nào thì có công thức của triều đại nấy. Vẫn có thể, “cây đời là màu xám, diễn văn là màu xanh chăng? (2)

Một ngày nghiêm trang của tháng 9 như mọi năm, vừa trôi qua.

Câu thơ lại tái hiện trong tôi: “Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ?

Cái hồn ấy là hồn của nước, hồn của dân tộc, của muôn năm cũ.

Cái hồn ấy ở đâu bây giờ?

Sau khi nghe diễn văn, tôi lại đọc báo, một bài viết có tựa là TÀN NHẪN, bài viết nhỏ thôi – tất nhiên không thể so sánh được với tầm vóc lớn lao của diễn văn – nhưng rất cụ thể, ký tên là BS Ngọc (4), trong đó lại vang lên các từ: “vô cảm”, “ngạo mạn”, “ngang nhiên”, “trắng trợn”, … – với chủ đề về bệnh nhân, bệnh viện – như dậy lên từ một thực tế phũ phàng khác.

4/9/15

H. Đ. N.

 

(1) Hội thảo “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015 -2035” do Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức vào ngày 28 tháng 8. Xem http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/thu-nhap-nguoi-viet-di-sau-han-quoc-thai-lan-hang-chuc-nam-3271028.html


(3) “Mọi lý thuyết đều màu xám, bạn ạ. Còn vĩnh viễn xanh tươi là cây đờiJohann Wolfgang von Goethe.