From: blog Pham Doan Trang
|
Lê Yến, 23 tuổi, biên tập viên kiêm phát thanh viên của kênh truyền hình Lương Tâm TV |
Sáng nay, 23/9, bạn trẻ Lê
Yến, 23 tuổi, biên tập viên kiêm phát thanh viên của kênh truyền hình Lương
Tâm TV đã bị an ninh TP Hà Nội bắt giữ tại nhà riêng ở Hà Nội.
Ngoài Lê Yến, an ninh cũng
bắt lẻ thêm vài người bạn của cô, gồm: Nguyễn Mạnh Cường, Phạm Đắc Đạt, Lê
Thu Hà, Trần Đức Thịnh...
Bạn trẻ Nguyễn Mạnh Cường,
thành viên nhóm Vì Một Hà Nội Xanh, vừa đi cùng nhóm đến Trụ sở tiếp công dân
của TƯ Đảng và Nhà nước, trở về thì bị bắt.
Lê Thu Hà, tức Facebooker
Hà Suri, bị bắt khi đang trên đường đi khám sức khỏe định kỳ. Trước đó, Hà
thông báo trên Facebook rằng từ 12h đêm qua, cô đã được an ninh nhắc nhở
“bằng kiểu ỉ ôi rằng mai ở nhà thôi, đừng đi đâu cả”, và từ sáng sớm, đã có 4
nhân viên an ninh thường phục ngồi canh ở cổng nhà cô.
Không có lệnh bắt bằng văn
bản, do đó, hiện chưa biết lý do bắt người là gì và hiện giờ họ đang bị giữ ở
đâu. Tuy nhiên, nhiều khả năng việc bắt giữ xuất phát từ nhu cầu của lực
lượng an ninh muốn “điều tra, làm rõ” về kênh truyền hình Lương Tâm TV, nơi
Lê Yến đang làm phát thanh viên - biên tập viên.
Lương Tâm TV là một kênh
truyền hình chuyên về tình hình nhân quyền và đấu tranh dân chủ ở Việt Nam,
mới được thành lập và phát chương trình đầu tiên (trên mạng Youtube) vào ngày
19/8. Với thời lượng 7-10 phút một bản tin, Lương Tâm TV có tham vọng sẽ là
nơi “cất lên tiếng nói của lương tâm con người trong xã hội Việt Nam thuộc
mọi tầng lớp, mọi tuổi tác, mọi ngành nghề, mọi tôn giáo...”.
* * *
Vào tháng 6 năm ngoái, tại
kỳ họp thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, đại diện chính phủ Việt Nam đã ra
tuyên bố ủng hộ và cam kết thực hiện 182 trong tổng số 227 khuyến nghị UPR
của cộng đồng quốc tế về nhân quyền ở Việt Nam.
Trong số khuyến nghị được
chấp thuận, có những điều liên quan trực tiếp đến quyền tự do báo chí, tự do
biểu đạt, như:
- Thực thi hơn nữa các biện
pháp nhằm thúc đẩy tự do biểu đạt và hội họp và tự do truyền thông phù hợp
với những tiêu chuẩn quốc tế tiến bộ nhất (khuyến nghị từ phía Italy);
- Tiến hành các biện pháp
cho phép tiếp cận và sử dụng Internet không hạn chế đối với tất cả công dân,
và tiến hành các biện pháp để đảm bảo tự do quan điểm và biểu đạt với mọi
người, cũng như tự do báo chí và truyền thông trong nước (Estonia);
- DÀNH KHÔNG GIAN CHO
TRUYỀN THÔNG KHÔNG PHẢI CỦA NHÀ NƯỚC, và làm cho các Điều 79, 88 và 258 Bộ
luật Hình sự cụ thể hơn và nhất quán với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế về
tự do biểu đạt (Úc).
- V.v.
Bằng việc bắt giữ tùy tiện
các biên tập viên và phát thanh viên của một kênh truyền hình "ngoài nhà
nước" về nhân quyền, mới được thành lập hơn một tháng, an ninh TP Hà Nội
đang nhổ toẹt vào các khuyến nghị UPR mà Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận và
cam kết thực hiện.
|